Giả dụ ta tin nhau...

VŨ THÁI HÀ 14/02/2018 16:02 GMT+7

TTCT - Nếu giả thiết rằng mọi thứ trên cuộc đời là an toàn, mọi người trên đời này là tin cậy, đứng đắn và tử tế, thì chắc chắn những gì chúng ta làm sau đó sẽ là mạnh dạn, thong dong và nhẹ nhàng...

Christian Art | Trust In The Lord Forever. Isaiah 26:4 | Modern Abstract Art

Sẽ không có ai lái xe ra đường nếu họ không giả thiết rằng những người khác lái xe ra đường là để đi đến nơi muốn đến chứ không phải là để đâm sầm vào nhau gây tai nạn. Chúng ta bật công tắc trên tường vì giả thiết rằng trong nhà có điện; chúng ta mở vòi nước vì giả thiết rằng trong ống có sẵn nước.

Nếu như không có không khí

Cuộc đời được sắp đặt để phần lớn, nếu không nói là gần như tất cả, các giả thiết đều trở thành ngụ ý, không cần phải được nhắc đến trước khi hành động; chúng trở thành máu thịt, hồn nhiên, và nhẹ nhàng, đến độ chúng ta quên mất là chúng có trên đời. Không khí vẫn ở quanh đây, chúng ta thở nhẹ nhàng mà sống, có mấy ai phải nhớ đến không khí làm gì; phần lớn các giả thiết của cuộc đời này cũng như không khí để thở, chẳng ai phải nghĩ đến chúng. Chúng ta thật sự quên bẵng các giả thiết vì không cần phải nhớ.

Cuộc đời chúng ta được bao bọc bởi các giả thiết, và cũng bị chúng chi phối: giả thiết của chúng ta như thế nào thì hành động của chúng ta như thế ấy. Người ta vẫn nói đùa, nhưng rất thật: Tôi cho anh mượn tiền vì giả thiết là anh sẽ trả; và như thế thì nếu đặt giả thiết ngược lại, hành động cũng ngược lại.

Khi thiếu các giả thiết được chấp nhận rộng rãi thì xã hội bỗng trở nên kỳ lạ. Hành động của con người trở nên phân tán quá mức cần thiết. Mọi bậc làm cha mẹ sẽ phải cân nhắc, tìm hiểu, rồi xoay xở để có chỗ học cho con mình, vì họ không có sẵn giả thiết nào về một ngôi trường tốt. Trước khi mua một món đồ, người ta sẽ phải phân vân khá lâu, không phải vì giá của nó mà vì người ta không có sẵn giả thiết về chất lượng của nó.

Vấn đề nằm ở chỗ ai cũng phải cân nhắc, phải phân vân như vậy. Đối với một cá nhân hay một nhóm có cùng lối ứng xử trước một trường hợp cụ thể thì cuối cùng họ sẽ vẫn có cho mình một lựa chọn tốt, sau khi đã tự hình thành lấy một giả thiết, nhưng họ sẽ mệt mỏi, tốn công sức, thời gian và cả tiền bạc.

Và như thế thì xã hội nói chung sẽ không có lợi: mỗi người mệt mỏi hơn một chút, tốn công sức hơn một chút, tốn tiền bạc hơn một chút, thế là quá đủ để xã hội lãng phí một khoản khổng lồ! Nguồn lực chung của xã hội đáng lẽ ra sẽ được dành cho những việc có thể tạo ra giá trị mới thì lại bị tiêu tốn vào những cân nhắc không thật sự cần thiết, chỉ bởi không có giả thiết nào được người ta chấp nhận.

Thẳng thắn mà nói, khi thiếu các giả thiết, cuộc sống của người ta vất vả, mệt mỏi hơn, và vì thế chất lượng sống giảm đi rất nhiều.

Trừu tượng hơn, có thể nói rằng sự tiến hóa của một xã hội chính là con đường trên đó các giả thiết được thiết lập và được chấp nhận ngày càng rộng rãi, hướng đến mục tiêu giúp cho con người sống ngày càng thoải mái và an toàn hơn.

Trình độ văn minh của một xã hội có thể được đo lường bằng chính tham số đó: một người sống trong đó có được bao nhiêu giả thiết đã được nhiều người chấp nhận mỗi khi cần ra một quyết định cho cuộc sống của bản thân và gia đình.

Đâu là nền tảng?

Hẳn nhiên, chẳng bao giờ có thể biết được tổng số các giả thiết mà một xã hội cần xây dựng, bởi cuộc sống là cực kỳ to lớn và phong phú. Chỉ có điều này là có thể đúng, và chính đây cũng là một giả thiết: mọi xã hội đều vận động theo hướng văn minh hơn bằng cách hình thành cho nó những thiết chế để hiện thực hóa các giả thiết. Chẳng lẽ không có giả thiết nào là quan trọng, là tiên quyết hay sao?

Cái giả thiết mà nếu có nó, nếu nó được chấp nhận rộng rãi, thì người ta có thể yên tâm đến 80% khi quyết định bất cứ việc gì ấy? Giả thiết rằng có một giả thiết như thế thì đấy chính là giả thiết nền tảng, là giả thiết của mọi giả thiết. Rất khó để gọi tên một giả thiết như vậy, nhưng nó thực sự tồn tại.

Hãy thử hình dung. Trước khi chọn trường cho con, chúng ta giả thiết là các nhà trường là tốt, hay là xấu? Giả thiết trước “hay là” và giả thiết sau “hay là” hoàn toàn đối nghịch nhau, hành động đi sau giả thiết đó sẽ khác nhau rất nhiều.

Khi nền tảng của các giả thiết là vững vàng, chúng ta không cần phải dự phòng. Nếu xe buýt chắc chắn rời bến vào lúc 10h15 thì tại sao chúng ta lại phải rời khỏi bàn làm việc từ 9h45, khi mà đi bộ từ văn phòng đến trạm chỉ cần 5 phút.

Nếu giả thiết rằng mọi thứ trên cuộc đời là an toàn, mọi người trên đời này là tin cậy, đứng đắn và tử tế, thì chắc chắn những gì chúng ta làm sau đó sẽ là mạnh dạn, thong dong và nhẹ nhàng; ngược lại, nếu giả thiết rằng mọi thứ trên cuộc đời này là rủi ro, mọi người trên đời này đều bất tín, lươn lẹo và lạm dụng, thì cũng chắc chắn là những gì chúng ta làm sau đó sẽ là rụt rè, bối rối và nặng nề.

Được chọn, chẳng ai lại đi chọn vế sau, nhưng chọn lựa có bao giờ là dễ dàng. Và nếu chọn vế trước, tức là chúng ta đã chọn niềm tin: giả thiết của chúng ta là cuộc đời này đáng tin cậy, an lành và tốt đẹp.

Tin hay không tin vào sự tồn tại của các giả thiết thì chúng ta cũng vẫn sống trong nó, ít nhất mỗi năm một lần: tất cả chúng ta đều tin rằng năm mới sẽ tốt hơn năm cũ! Và Tết đã về trước ngõ, hãy giả dụ là ta tin nhau đi!■

Mọi thứ trên đời này đều bắt đầu bằng các giả thiết; thiếu các giả thiết thì chẳng có gì xảy ra cả, mọi chuyện đứng yên tại chỗ vì con người không hành động

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận