Hãy nhìn vào kiến tạo xã hội

TTCT - Năm 2001, bộ phim trinh thám mang tựa đề 15 phút được trình chiếu cho công chúng Mỹ. Bộ phim kể về cuộc truy lùng hai tên tội phạm chuyên giết người rồi quay phim lại hiện trường tội ác. Sau đó chúng bán những cuộn băng này để được tiền thưởng và được nổi tiếng. Tựa đề phim dựa trên câu nói của hoạ sĩ Andy Warhol: “Trong tương lai, mỗi chúng ta sẽ được nổi tiếng trong khoảng 15 phút”.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

Với sự phát triển của truyền thông và các trang mạng xã hội ngày nay, câu nói của Andy Warhol không phải là không có cơ sở. Mạng xã hội cho phép con người ta lăngxê bản thân trên từng trang bằng cú click chuột.

Người ta không còn bị trói buộc phải đi theo những con đường gian nan, “có công mài sắt có ngày nên kim” để đạt được sự nổi tiếng, thay vào đó ta đã có những con đường tắt, có khi chỉ mất vài ngày là có thể trở thành “người của công chúng”.

Với tâm lý “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”, việc xã hội Việt Nam hiện nay có quá nhiều người nổi tiếng với những kiểu nổi tiếng khác nhau không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng từ đâu người ta lại muốn nổi tiếng đến như vậy?

Sức ảnh hưởng của truyền hình

Một nghiên cứu về truyền hình cho trẻ vị thành niên ở Mỹ vào năm 2011 đã đưa ra so sánh về sự khác biệt giữa các chương trình được chiếu từ năm 1967 đến 2007.

Hai tiến sĩ Uhls và Greenfield nghiên cứu những giá trị được truyền tải qua các show truyền hình theo thời gian, và kết quả của cuộc khảo sát diện rộng này cho thấy những giá trị đề cao xu hướng cá nhân như “sự thành công”, “sự nổi tiếng”, “vẻ đẹp hình thể”, “hình ảnh cá nhân” ngày càng được nhấn mạnh trong truyền hình Mỹ.

Đặc biệt, “sự nổi tiếng” - vốn đứng hàng áp chót trong truyền hình Mỹ vào những năm 1960, 1970 - đã được đưa lên vị trí đầu tiên trong danh sách những giá trị được truyền bá, nhấn mạnh qua các chương trình truyền hình vào năm 2007. Trong khi đó, những giá trị mang tính cộng đồng như “tính truyền thống”, “tình làng nghĩa xóm” (community feeling), “sự tử tế” rớt hạng thê thảm trong danh sách trên.

Hai tác giả cho biết sự thay đổi ở đây không phải diễn ra dần dần, mà là thay đổi đột biến từ sau năm 1997. Cần lưu ý rằng đây là thời điểm mạng lưới công nghệ thông tin và mạng xã hội bắt đầu được phát triển tại Mỹ, và điều này phần nào lý giải sự thay đổi về mặt bằng giá trị của các chương trình truyền hình cho thiếu niên.

Khán giả chính của các chương trình này là trẻ em và thiếu niên ở độ tuổi tiểu học và trung học. Đây là độ tuổi dễ tiếp thu, dễ bị ảnh hưởng từ các sản phẩm văn hóa bên ngoài, và những thông điệp trên truyền hình cũng góp phần vào sự định hình nhân cách. Nghiên cứu tiếp nối một năm sau đó của hai tiến sĩ Uhls và Greenfield khẳng định sức ảnh hưởng của các chương trình truyền hình lên trẻ vị thành niên và cách trẻ nhìn về mục tiêu tương lai.

40% những thiếu niên được phỏng vấn xem “sự nổi tiếng” là mục tiêu hàng đầu cho tương lai, rằng sự nổi tiếng đem lại tiền bạc và giúp người khác biết đến mình. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy sự phát triển của các diễn đàn, trang mạng cá nhân khiến mục tiêu được nổi tiếng không còn nằm ngoài tầm với nữa, mà với những bạn trẻ được phỏng vấn thì hễ muốn là có thể nổi tiếng.

Ý tưởng này đến từ các chương trình truyền hình và kể cả từ đời thực với cùng một môtip về con đường đi đến vinh quang của nhân vật chính: từ một thiếu niên không tên tuổi, nhờ vào những đoạn video được đăng trên trang mạng YouTube hoặc những hình ảnh thu hút sự chú ý, cùng một mạng lưới kết “bạn” rộng là có thể nổi tiếng.

“Người của công chúng” và “sự thân mật ảo”

Đi xa khỏi những môtip phim cho trẻ vị thành niên của Disney với những Hannah Montana, Sonny with a chance, Jonas (cả ba phim này đều có yếu tố “nổi tiếng” trong cốt truyện), trên truyền hình hiện nay cũng không thiếu những chương trình dành cho người lớn cùng với môtip tương tự mà chúng ta gọi là truyền hình thực tế.

Ở Việt Nam, những chương trình như Thần tượng âm nhạc, Giọng hát Việt, Người mẫu Việt Nam... đều là những phiên bản được mua lại từ nước ngoài với công thức hành trình đi tìm danh hiệu quán quân của những cá nhân ban đầu không tên tuổi, kiểu vịt hóa thiên nga. Sản phẩm mà các chương trình này mang đến không đơn thuần chỉ là “những người nổi tiếng” (famous people), mà còn là “người của công chúng” (celebrity).

Giáo sư Murray Milner Jr. của ĐH Virginia tại Mỹ phân tích sự khác biệt giữa hai khái niệm trên. Theo đó, “người của công chúng” chỉ là một tập hợp con của “người nổi tiếng”, cụ thể “người nổi tiếng” có thể là người thành đạt ở nhiều lĩnh vực như văn học, chính trị, tôn giáo, nhưng “người của công chúng” thường chỉ quy về những ngôi sao màn ảnh hay ngôi sao sân cỏ.

Cũng ở bài viết này, giáo sư Milner phân tích sự tác động của mạng lưới truyền thông đến hình ảnh và sức ảnh hưởng của “người của công chúng”. Giờ đây, khi người ta có thể theo sát đời tư của thần tượng, thậm chí có thể “trò chuyện” với thần tượng qua Facebook, mạng xã hội đã tạo cho người dùng cảm giác gần gũi với “người của công chúng”, mà giáo sư Milner gọi là “sự thân mật ảo” (virtual intimacy).

Sự thân mật ảo này cho người ta cảm giác gắn kết và tin tưởng vào những nhân vật của công chúng, và ngược lại giúp sức ảnh hưởng của những nhân vật này cũng trở nên rõ ràng hơn. Mạng xã hội còn giúp kết nối thần tượng với fan ở khắp mọi nơi, củng cố số lượng fan, theo đó là những lợi ích kinh tế và cả sức ảnh hưởng chính trị.

Nghiên cứu của một sinh viên ĐH bang California Polytechnic cho thấy “người của công chúng”, nếu biết cách sử dụng mạng xã hội, có thể phát triển sự nghiệp và giúp mình càng nổi tiếng hơn như một cách củng cố địa vị.

Ca sĩ Taylor Swift là một minh chứng điển hình cho phương pháp tiếp thị này: cô dành thời gian cập nhật và trả lời những mẩu tin ngắn trên mạng xã hội Twitter, tạo cho fan hâm mộ cảm giác cô luôn lắng nghe ý kiến của họ, đồng thời điều này góp phần củng cố sự trung thành của fan.

Nổi tiếng nhờ vào tai tiếng

Không có sự nổi tiếng nào là tệ hại, ngoại trừ cáo phó của chính bạn

Nhà soạn kịch Ireland Brendan Behan

Tuy nhiên, “người của công chúng” không nhất thiết chỉ đi theo con đường của Taylor Swift để củng cố lực lượng fan hay để làm tăng độ nổi tiếng. Theo giáo sư Murray Milner Jr., “độ phủ sóng” (visibility), vốn là tiền đề của sự nổi tiếng, trở nên ngày càng quan trọng hơn với sự phát triển của mạng xã hội.

Nói cách khác, gia tăng độ phủ sóng trên mọi mặt bằng truyền thông là một cách rất hiệu quả để củng cố địa vị, sức ảnh hưởng và lợi thế kinh tế cho các ngôi sao. Ở đây, giáo sư Milner đưa ra ví dụ về cô cháu gái Paris Hilton của Tập đoàn khách sạn Hilton danh giá.

Bên cạnh ngoại hình xinh đẹp và gia thế “khủng”, yếu tố quan trọng giúp đưa Paris Hilton thành một ngôi sao chính là sự tai tiếng, mở đầu là khi một đoạn video quay cảnh cô nàng này quan hệ với bạn trai được phát tán trên mạng. Độ phủ sóng của đoạn video này đã giúp Paris Hilton “lừng lẫy” chỉ sau một đêm.

Sau đó Paris tiếp tục gây xìcăngđan do bị bắt vì lái xe khi say rượu, sau đó phải ngồi tù hơn một tháng vì vi phạm án treo. Nhưng những tai tiếng này càng giúp tăng độ phủ sóng của Paris, mà theo giáo sư Milner thì số lượt tìm kiếm tên “Paris Hilton” trên Google hiện nay cao gấp 5 lần lượt tìm kiếm tên những diễn viên gạo cội của điện ảnh Mỹ như Julia Roberts hay Meryl Streep.

Paris Hilton ngày nay vẫn là ngôi sao được báo chí săn đón và cũng là minh chứng sống cho câu nói: “Không có sự nổi tiếng nào là tệ hại, ngoại trừ cáo phó của chính bạn” (There is no such thing as bad publicity, except your own obituary) của nhà soạn kịch Ireland Brendan Behan.

Khi ranh giới giữa “nổi tiếng” và “tai tiếng” ngày càng mong manh, có thể hiểu vì sao một bộ phận giới trẻ Việt hiện nay sẵn sàng tìm đến những chiêu trò như tung ảnh khoe thân hay phát biểu gây sốc để được mọi người biết đến.

Chúng ta có một nền truyền thông tạo tên tuổi cho những nhân vật như Bà T., Kenny S., Lệ R., bên cạnh đó cũng có những ca sĩ, diễn viên trẻ với những phát ngôn gây sốc hay cách ăn mặc táo bạo... Tuy nhiên, không thể phủ nhận độ thành công của những nhân vật này trong cách họ sử dụng “tai tiếng” để tạo nên lợi thế kinh tế.

Như trường hợp của “thiếu gia” Kenny S., cách tạo tai tiếng đơn thuần là bệ phóng giúp anh chàng này tìm được một lực lượng người theo dõi (và kể cả “người ném đá”) hùng hậu cho những video trên YouTube, mà ở đây số tiền thu về được tính theo số lượt xem của video. Sự ồn ào từ những nhân vật này vô tình truyền bá thông điệp “hãy tạo tai tiếng để được nổi tiếng” cho lớp trẻ vị thành niên.

Các em lớn lên trong một môi trường truyền thông đề cao sự nổi tiếng (lẫn tai tiếng), khắp nơi là những ví dụ người thật việc thật về cách tạo xìcăngđan, nhưng các em chưa ý thức được rằng sự nổi tiếng ở đây chỉ là bề nổi của một quá trình tính toán kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, giữ được sự nổi tiếng (thông qua tai tiếng) không phải là điều dễ dàng trong thời đại phủ sóng của mạng xã hội, vì bất cứ ai cũng có thể tạo được tai tiếng. Muốn “giữ khách” thì “người tai tiếng” phải biết cách PR hiệu quả bằng cách tiếp thêm “mồi” cho “đám đông”, còn không thì chắc chỉ nổi tiếng được... “15 phút”, như lời họa sĩ Andy Warhol.

Nhiều bạn trẻ Việt ngày nay sa vào những hành động, phát ngôn gây sốc, thậm chí nguy hại cho bản thân, chỉ để được nổi tiếng - mà nhìn sâu vào vấn đề sẽ thấy điều này không đơn thuần đến từ ham muốn cá nhân, mà là kết quả của kiến tạo xã hội.

Chúng ta đang có một nền truyền thông và những “người của công chúng” quảng bá cho những thông điệp về sự nổi tiếng, cách thức đổi đời và những phương pháp cạnh tranh nhau để gia tăng số lượng người theo dõi.

Vì vậy, muốn tiếp cận với khát vọng được nổi tiếng của giới trẻ hiện nay, ta không thể bỏ mặc sức ảnh hưởng của truyền thông và công nghệ thông tin lên sự định hình nhân cách của họ. Trước khi phê phán hành động và suy nghĩ của giới trẻ, hãy nhìn lại xem: xã hội xung quanh đang dạy và đang chứng minh cho họ điều gì? ■

Nguồn: Milner Jr, Murray: “Is Celebrity a New Kind of Status System?”

Uhls, Yalda, and Patricia Greenfield: “The Rise of Fame: An Historical Content Analysis” và “The Value of Fame: Preadolescent Perceptions of Popular Media and Their Relationship to Future Aspirations”.

Wright, Kristin “Social Media and Celebrities: The Benefits of a Social Media Presence”.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận