Liệu có hiểm họa mới?

BAOCHAU 22/03/2012 20:03 GMT+7

TTCT - Từ Đông Ấn Hà Lan, Nhật đưa quân tấn công chiếm Malaysia và Singapore. Khi đó, Malaysia là nhà cung cấp cao su và thiếc cho toàn thế giới. Ngày nay, Úc là vựa tài nguyên chiến lược của thế giới.

Song song đó, vị trí chiến lược của giao thương hàng hải trong các vùng biển khu vực đang là mối quan tâm lớn.

Kỳ 1: Darwin 70 năm trước

Phóng to
Vịnh Wetar vốn là hành lang giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - Ảnh: eoearth.org

Làm thế nào mà cách đây đúng 70 năm, hải quân Nhật có thể đưa được cả một hạm đội tàu sân bay cùng tàu hộ tống vượt 3.000 hải lý một cách ung dung đến thả bom lãnh thổ Bắc Úc? Chẳng qua do vào tháng 2-1942, hầu như toàn thể các đảo lớn của Đông Ấn Hà Lan đều rơi vào tay quân Nhật.

Chỉ 12 giờ sau cuộc không kích nhận chìm cảng Darwin, một hải đội Nhật gồm 13 tàu chở theo 6.000 quân đổ bộ lên đảo Timor của Đông Ấn Hà Lan, ở tọa độ 8°50' nam 125°55' đông, cách Darwin khoảng ba vĩ tuyến rưỡi, tức chỉ khoảng 420km (1)!

1942: Malaysia - Singapore thất thủ chỉ trong 55 ngày!

Triết gia Héraclite từng nghiệm ra rằng "không ai có thể tắm cùng một dòng sông những hai lần". Thế nhưng những hoài niệm chiến tranh lại là dòng sông muôn thuở! Người Úc năm 2012 có lý do để rùng mình nhớ lại trận Darwin 1942.

Người Malaysia và Singapore cũng thế, khi nhớ lại rằng quân Nhật khởi sự tấn công Malaya (tên gọi Malaysia lúc đó) hôm 9-12-1941 (cùng ngày với vụ tấn công Trân Châu cảng), một tháng sau chiếm thủ đô Kuala Lumpur (ngày 11-1-1942), một tháng sau đó đứng trước eo biển Johor nhìn vào Singapore rồi chiếm luôn chỉ trong vòng một tuần (15-2-1942), dù lực lượng Anh ở Singapore lúc đó khá mạnh với hai chiến hạm hiện đại nhất của hải quân Anh thời đó là Prince of Wales và Repulse!

Chỉ trong một ngày, máy bay Nhật đã tống táng hai chiến hạm tên tuổi này xuống đáy biển bằng thủy lôi, kinh hoàng đến nỗi Thủ tướng Anh Winston Churchill tận London sau này đã phải thuật lại trong hồi ký của mình: "Tôi gác điện thoại xuống. Cũng may lúc đó tôi đang chỉ một mình. Trong suốt chiến tranh, chưa bao giờ tôi phải chịu một cú sốc tối tăm mặt mày như thế!".

Trước đó, sau khi Kuala Lumpur thất thủ, Thủ tướng Churchill còn ra lệnh cho tướng Wavell, tư lệnh quân đội Anh tại đây, phải tử thủ và giữ cho được Singapore. Tướng Percival, chỉ huy mặt trận Singapore, đã sai lầm khi trải 100.000 quân Anh, Úc, Ấn... của mình trên 70 dặm bờ biển toàn bộ hòn đảo, trong khi quân Nhật dồn 23.000 quân vào eo biển Johor.Bảy ngày sau, tướng Percival đầu hàng vô điều kiện.

Tướng Gordon Bennett, chỉ huy quân Úc tại Singapore, than: "Cả chiến dịch của họ quả là khó tin: 550 dặm chỉ trong vòng 55 ngày bởi một đội quân Nhật tí teo chỉ gồm hai sư đoàn, cưỡi xe đạp cướp được và không có pháo binh yểm trợ" (2).

Tại sao Nhật lại đổ quân xuống tận Malaya? Năm 1939, Malaya sản xuất 40% lượng cao su và 60% lượng thiếc toàn thế giới và hầu hết là sang Mỹ (3). Cũng như ngày nay, Úc là mỏ sắt, mỏ than, mỏ khí đốt của thế giới và nhất là của Trung Quốc (đó là chưa kể mỏ uranium).

Ám ảnh 70 năm sau

Trong một phỏng vấn dành cho World Politics Review mới công bố hôm 28-2 (4), See Seng Tan, phó giám đốc Viện Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược Đại học Nanyang (Singapore), giải thích tại sao Singapore lại tăng cường quan hệ chiến lược với Mỹ:

"Việc Mỹ thương thuyết với Singapore nhằm cho phép hải quân Mỹ được lập căn cứ cho một số tàu tuần duyên (LCS) tại Singapore được Trung Quốc xem như là một dấu chỉ cho thấy Mỹ sẵn sàng can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông (theo cách gọi của Việt Nam). Cho dù Singapore không phải là một bên tranh chấp, nhưng vùng biển (Đông) ấy là tuyến giao thương sống còn đối với các nền kinh tế Đông Nam Á, và Singapore chia sẻ lợi ích của Mỹ trong việc bảo vệ tự do hàng hải trong các vùng biển khu vực".

Không chỉ cùng chia sẻ quan điểm với Mỹ trong vấn đề tranh chấp hay sự tự do hàng hải trên biển Đông, theo See Seng Tan, "Singapore từ lâu (còn) đã nhấn mạnh đến nhu cầu có một sự cân bằng thế lực trong khu vực. Các nhà lãnh đạo Singapore từ lâu đã tin rằng một sự hiện diện chiến lược mạnh mẽ của Mỹ tại Đông Nam Á chính là một lợi ích chung thiết yếu và rằng từ thời chiến tranh lạnh tới giờ, Chính phủ Singapore luôn tìm cách thuyết phục mọi chính quyền Mỹ, dù Dân chủ hay Cộng hòa, rằng nước Mỹ thuộc về châu Á...".

Trong một chuyến thăm Washington năm 2010, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn điều này tiếp tục như thế. Chúng tôi xem đó không chỉ như là một tiện ích chiến thuật mà như là một sự tương trùng lợi ích".

Thái Bình Dương là của ai?

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, nữ Thủ tướng Úc Julia Gillard cùng nghĩ như thế. Nhưng Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại nghĩ khác. Trong một phỏng vấn dành cho Washington Post trước khi đặt chân đến Mỹ, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Thái Bình Dương bao la dư chỗ cho Trung Quốc và Mỹ. Chúng tôi mong mỏi rằng Mỹ tôn trọng và đáp ứng một cách trọn vẹn với các lợi ích lớn cùng các mối quan tâm chính đáng của các nước châu Á - Thái Bình Dương" (5).

Phát biểu trên hàm ý: 1. Mỹ là "ngoại nhân" so với châu Á - Thái Bình Dương, nếu có vào cũng chỉ là "vào ké" thôi; 2. Mỹ chưa tôn trọng các lợi ích cùng các mối quan tâm của các nước châu Á - Thái Bình Dương; 3. Nhân danh các nước ấy, Trung Quốc nay nhắc nhở Mỹ tôn trọng và đáp ứng... Tuy nhiên, không thấy ông Tập Cận Bình nêu ra danh sách những nước châu Á - Thái Bình Dương mà ông nhân danh đòi Mỹ tôn trọng và đáp ứng, cũng chưa có một văn kiện nào cho thấy các nước này cùng nhất trí chung những lợi ích và mối quan tâm đó với Trung Quốc.

Giữa ASEAN và Trung Quốc mới chỉ dừng lại ở một tuyên bố ứng xử trên biển Đông (DOC) chẳng ràng buộc được ai, chứ chưa có được một quy tắc ứng xử (COC) ràng buộc lẫn nhau, huống hồ là với các nước khác trong châu Á - Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Nhật Bản về những mối quan tâm và lợi ích tương tự!

Tranh giành Đông Timor, Fiji, Vanuatu...

Thật ra những kỷ niệm đau thương năm 1942 đâu thể "ám" mãi các chính phủ Úc, Singapore, Indonesia... nếu như không có những diễn biến tương tự. Tin tức về việc Trung Quốc trúng thầu xây cất trụ sở tổng hành dinh quân đội Đông Timor, sau đó tặng kèm 100 căn nhà tiện nghi khiến báo chí Úc "điên tiết". Không phải vì gói thầu này trị giá 9 triệu USD, một số tiền "nhỏ" trong những vuốt ve địa - chính trị, hay việc Đông Timor mua của Trung Quốc hai tàu tuần tiễu lớp Thượng Hải dài 43m, trị giá 28 triệu USD..., mà vì đó là một chọn lựa chiến lược.

Nếu nhớ rằng Timor chỉ cách Darwin có trên 400km thì bóng dáng quân nhân Trung Quốc ở Đông Timor mang một ý nghĩa khác. Càng đáng ngại hơn nữa khi Thủ tướng Đông Timor Xanana Gusmao nhiệt liệt tán dương sự giúp đỡ hào phóng của Trung Quốc, và đoan chắc rằng chính phủ của ông quyết siết chặt quan hệ quân sự với Trung Quốc.

Khi loan tin này, Nhân Dân nhật báo đã đặt tít "Liệu Trung Quốc sẽ xâm nhập quân sự vào Đông Timor?" rồi tự trả lời bằng một kết quả thăm dò trên mạng. Theo đó, chỉ có 35,59% nói "có" trong khi có đến 61,02% nói "không", 3,39% nói "không chắc lắm". Đáng tiếc là cuộc thăm dò trên mạng này chỉ đếm được có 59 người tham gia trả lời (6).

Nhân Dân nhật báo bổ sung "các nhà phân tích ngoại giao cao cấp phát biểu với báo giới Úc rằng việc Trung Quốc thọc sâu vào điều mà, theo truyền thống, vẫn được xem là "quả cầu ảnh hưởng của Úc" đã làm dấy lên những hồi chuông báo động ở Canberra (thủ đô Úc)", trước khi tiết lộ rằng "từ năm 1999 đến nay, Úc đã viện trợ cho Đông Timor hơn 1 tỉ USD".

Nhân Dân nhật báo thanh minh: "Theo các nhà quan sát quân sự, hai tàu tuần tiễu chỉ được Đông Timor sử dụng để bảo vệ ngành đánh cá của mình và không chứa bất cứ đe dọa gì đối với nước Úc. Việc Trung Quốc giúp xây tổng hành dinh quân đội Đông Timor cũng là một tiếp xúc quân sự song phương bình thường mà thôi".

Đúng là hai tàu tuần tiễu đó chẳng "đánh đấm" gì nước Úc, song việc xây tổng hành dinh quân đội Đông Timor lại "có gì". Đổi lấy việc xây tổng hành dinh đó, các công ty quốc phòng Trung Quốc đề nghị biếu không một trạm rađa "theo dõi hàng hải trong vịnh Wetar chiến lược", vốn là hành lang giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, kèm theo đội ngũ nhân viên là của Trung Quốc. Phía Đông Timor đã khước từ món quà kèm theo này (7).

Không chỉ với Đông Timor, Trung Quốc còn rất hào phóng với Fiji, Vanuatu, Papua New Guinea, những đảo quốc nhỏ ở Nam Thái Bình Dương. Rodger Baker, nhà phân tích của Hãng tin tình báo Stratfor, cho rằng: "Nếu Trung Quốc khởi sự các hoạt động của mình từ cảng Moresby (thủ đô Papua New Guinea) thì điều đó hoàn toàn khác với khởi sự từ đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc đang xây dựng căn cứ cho hạm đội tàu ngầm của mình" (8).

Tất nhiên năm 2012 không (và chưa) phải là năm 1942, song có khi lịch sử là một sự lặp lại với vài sự đổi vai.

DANH ĐỨC

__________

(1) http://www.theaustralian.com.au/news/world/greater-scheme-of-war-frames-timor-as-japans-true-purpose-in-the-attack-on-darwin/story-e6frg6ux-1226274152668
(2) www.historylearningsite.co.uk/fall_of_singapore.htm
(3) http://www.britain-at-war.org.uk/WW2/Malaya_and_Singapore/index.htm
(4) http://www.worldpoliticsreview.com/trend-lines/11616/global-insider-seeking-regional-stability-singapore-deepens-u-s-ties
(5) Views from China’s vice president,
Washington Post, Monday, February 13
(6) http://www.peopleforum.cn/redirect.php?tid=34551&goto=lastpost
(7) http://www.theregister.co.uk/2011/05/09/wikileaks_east_timor/
(8) http://the-diplomat.com/flashpoints-blog/2011/12/15/does-china-worry-australia/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận