Một chuyện "điên rồ" của tôi

NGUYỄN GIA NGỌC 29/07/2012 02:07 GMT+7

TTCT - Đồng cảm với Sofie Rye, tôi muốn kể câu chuyện của mình. Là một 9X và hiện chỉ mới 20 tuổi, tôi không dám nói mình đã hiểu rõ bản thân hay tự tin rằng mọi điều mình làm đều đúng. Tôi chỉ biết khoảng thời gian gần đây là rất ý nghĩa, trọn vẹn với bản thân. Và nhất là tôi đã thay đổi nhiều so với ngày xưa...

LTS: Tham gia loạt “Câu chuyện cuộc sống” mới, bắt đầu từ tâm sự của nữ sinh viên Đan Mạch Sofie Rye (xem TTCT số ra ngày 22-7), một độc giả của TTCT kể lại câu chuyện của mình. Bạn đã làm một việc, nói theo cách của Sofie Rye, là “điên rồ”, nhưng đã giúp bạn sống trọn vẹn.

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Còn nhớ hai năm trước, khi vừa tốt nghiệp phổ thông và trúng tuyển vào Trường đại học (ĐH) Ngoại thương danh tiếng, tôi vẫn nhiều lần cảm thấy hụt hẫng, trống rỗng mỗi khi nghĩ về cuộc sống của mình.

Chỉ ngồi ghế giảng đường được vài ngày, trong đầu tôi đã xoay mòng với muôn vàn câu hỏi:

Tôi có thật sự thích chuyên ngành này?

Bản thân đã tích lũy đủ tư duy, khả năng để học tốt?

Với kiểu học thế này, sau vài năm nữa ra trường liệu tôi có đủ bản lĩnh, tự tin để đi làm?

Tôi nghĩ mình cần một sự thay đổi. Cần thử mình trong một môi trường khác, một cách tiếp cận khác để có thể vào đời.

...

Không có đường lùi

Nhưng chỉ đến khi biết kết quả rớt hết mười trường ĐH ở Mỹ dẫu thành tích học tập thời phổ thông khá ổn (học lớp chuyên toán, SAT (*) 1 được 2180/2400, tiếng Anh thành thạo) thì tôi mới như nhận được một gáo nước lạnh, bừng tỉnh hẳn.

Tôi thẳng thắn nhìn lại và nhận ra bao năm qua, bản thân chỉ biết đi đến trường học rồi về nhà.

Yêu cầu của bài luận nộp cho các trường ĐH Mỹ không khó, chỉ đề nghị nói về bản thân vậy mà khiến tôi ngồi thẫn thờ suốt buổi. Thành tích thì tôi có đấy, nhưng ngoài những điểm số đỏ chói thì tôi... hoàn toàn trắng tay ở những khoản còn lại. Bài viết của tôi hoa mỹ nhưng sáo rỗng. Thất bại là điều dễ hiểu, nhất là với một nền giáo dục đòi hỏi ứng viên phải giỏi cả về học tập lẫn hoạt động xã hội.

Tôi quyết định bỏ học, đi “gap year” (**).

Tôi dùng từ “bỏ học” bởi tôi không hề đăng ký bảo lưu kết quả ở trường ĐH. Đó có thể là chút “điên rồ” của tuổi trẻ, nhưng theo tôi đó cũng là một động lực tốt buộc tôi phải nỗ lực hết mình, mạnh mẽ hơn trước mọi thử thách vì đã không còn đường để lùi.

Hai năm “gap year”

Tôi âm thầm bỏ học, gia đình chẳng ai biết điều này. Tới giờ đi học, tôi vác cặp ra đường đi bán thiệp tự làm và đi dạy SAT, làm tình nguyện viên cho một số sự kiện...

Việc giấu gia đình là có nguyên do: “gap year” là một khái niệm còn quá mới mẻ tại VN, ngay bản thân tôi còn mơ hồ và chưa tin chắc vào thành quả đạt được. Tôi sợ gia đình không đồng ý.

Năm 2010, dẫu có nỗ lực ít nhiều nhưng tôi vẫn cứ quanh quẩn, loay hoay trong việc tìm ra lối đi cho bản thân. Tôi tham gia một số hoạt động tình nguyện nhưng chưa nhận thức trọn vẹn ý nghĩa của việc này. Tôi nộp đơn xin du học Mỹ vào năm 2011 và tiếp tục bị tất cả các trường từ chối.

Việc nhận gáo nước lạnh lần hai buộc tôi phải suy nghĩ kỹ hơn về bản thân. Tôi nhận ra mình chỉ mới lao vào công việc để lấp đầy bài luận chứ chưa hoạch định một con đường hoàn chỉnh để thật sự học hỏi, phát triển bản thân.

Tôi lại tiếp tục... đi bán thiệp, đi dạy và tham gia các hoạt động xã hội như: Mạng lưới lãnh đạo trẻ Đông Nam Á, dự án giáo dục môi trường 3R, hội thảo Vietabroader... Liệt kê cho oai vậy chứ thu nhập của tôi chủ yếu vẫn là từ việc ngửa tay nhận tiền của gia đình và bán thiệp, còn đi dạy và hoạt động tình nguyện thì tôi không nhận đồng nào.

Tôi không cần tiền? Tôi nghĩ ai cũng cần tiền nhưng tôi đi làm miễn phí bởi theo tôi đó là cách chính xác để đo sự đam mê, sở thích thật sự của bản thân với nghề. Đồng tiền, theo tôi, có thể khiến ranh giới giữa mọi thứ trở nên nhập nhằng, khó phân biệt. Thuộc típ người không có nhu cầu nhiều nên cuộc sống của tôi lúc ấy tương đối thoải mái.

Thời gian rảnh, tôi ngấu nghiến đọc sách, từ sách toán, hóa tới sách về tâm lý, con người...

Càng dạy, càng tham gia tình nguyện, tôi càng mê, dần nhận rõ đâu là điều mình thật sự yêu thích, muốn làm trong đời.

Không trở thành kẻ lông bông

Đợt nộp đơn ĐH Mỹ vào năm 2012 là cơ hội cuối cùng của tôi bởi gia đình lúc này đã biết chuyện. Nếu tiếp tục rớt học bổng Mỹ, tôi sẽ phải thi ĐH lại bởi không muốn trở thành kẻ lông bông, đem thêm phiền muộn, lo lắng cho gia đình.

Đó là một ngày đầu tháng 4-2012, lúc nhận được thư báo trúng tuyển ĐH Saint John’s (Mỹ) với học bổng 49.000 USD/ năm, tôi mừng muốn rơi nước mắt.

Tôi nghẹn ngào bởi bao công sức của bản thân cuối cùng cũng được đền đáp. Tôi hạnh phúc vì đã có dịp trải nghiệm những điều mình muốn làm hai năm vừa qua. Tôi tự hào vì đã vượt qua nhiều khó khăn để hiểu rõ con người mình.

Đợt tuyển sinh ĐH vừa qua, dẫu đã được nhận vào ĐH trên, tôi vẫn cặm cụi bài vở ngày đêm để đi thi. Nhiều người nói phí sức nhưng tôi muốn làm điều này để gầy dựng niềm tin từ gia đình về sự nỗ lực của bản thân.

Ngẫm lại, tôi đặc biệt tâm đắc với triết lý sống: “Phàm con người ai cũng luôn muốn có ba thứ: sức khỏe, thời gian và tiền bạc”. Nhưng mấy ai có được cùng lúc ba điều? Lúc trẻ, chúng ta có sức khỏe và thời gian nhưng không có tiền. Khi đi làm, con người có sức khỏe và tiền nhưng không có thời gian. Lúc về già thì chúng ta có thời gian, tiền bạc nhưng lại chẳng còn sức khỏe.

Tôi nghĩ tuổi trẻ là thời điểm phù hợp nhất để có cả ba thứ dù có khi chúng ta phải đánh đổi ít nhiều. Dù sao đi nữa, tôi biết mình sẽ không bao giờ hối hận về khoảng thời gian qua. Nếu cho lựa chọn lại, tôi vẫn làm điều tương tự.

Còn bạn thì sao?

__________

(*): Kỳ thi chuẩn hóa cần thiết cho việc nộp đơn vào các trường ĐH ở Hoa Kỳ.
(**): Cụm từ dùng để chỉ việc tạm dừng mọi hoạt động đời thường trong một khoảng thời gian nhất định để đi, trải nghiệm cuộc sống và “làm mới” lại bản thân. Được cho là xuất hiện ở Anh vào những năm 1960, “gap year” hiện rất phổ biến ở một số quốc gia phương Tây như Úc, Mỹ, Canada...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận