"Nguồn tin lương tâm" đã làm gì?

HỮU NGHỊ 20/06/2013 02:06 GMT+7

TTCT - Một vụ “NSAGATE” của Tổng thống Barack Obama hay một vụ án gián điệp?

Phóng to
Phóng viên Glenn Greenwald (trái) của báo Guardian - người đã phỏng vấn cựu nhân viên CIA Edward Snowden, rời khách sạn ở Hong Kong ngày 10-6 - Ảnh: Reuters

Hong Kong: biểu tình phản đối dẫn độ "người thổi còi"
“Người thổi còi” tiết lộ: Mỹ theo dõi Trung Quốc
Snowden tiết lộ: Mỹ tấn công mạng của hàng loạt quốc gia
Bạn gái "ngập nước mắt" khi Edward Snowden tiết lộ vụ nghe lén
Lộ diện kẻ tiết lộ vụ nghe lén lớn nhất lịch sử Mỹ

Edward Snowden trong cuộc phỏng vấn của Guardian tại phòng khách sạn ở Hong Kong ngày 9-6 - Ảnh: Reuters
Thứ tư tuần trước 5-6-2013, sét đánh ngang tai rất nhiều người khi tờ Guardian (Anh) và Washington Post đồng loạt đăng bài về việc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cục Điều tra liên bang (FBI) đã và đang theo dõi điện thoại, Internet... tận “hang cùng ngõ hẻm”, căn cứ vào một nguồn tin tình báo giấu tên. Đến chủ nhật 9-6, tờ Guardian công bố cuộc gặp gỡ độc quyền với “nguồn tin” này: một cựu nhân viên CIA tên Edward Snowden, gần đây nhất làm việc cho một công ty quốc phòng tư nhân tên Booz Allen, và hiện đang lẩn trốn tại Hong Kong.

Báo này viết “nguồn tin 29 tuổi này, sau vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn nhất trong lịch sử của NSA, giải thích động cơ của mình, tương lai vô định của mình và lý do tại sao không bao giờ có ý định trốn lánh trong bóng tối” và quả quyết đây là một trường hợp “vì lương tâm” (1).

Công ty Booz Allen làm gì?

Ngay sau đó, công ty chủ quản của “nguồn tin” ra thông cáo báo chí xác nhận Edward Snowden, từng là nhân viên của công ty này trong vòng không đầy ba tháng qua được phái đến làm việc trong một nhóm ở Hawaii. Thông cáo báo chí cũng hứa sẽ làm việc “chặt chẽ với các khách hàng của chúng tôi và nhà chức trách trong điều tra vụ việc”.

Nếu ở một thời điểm khác, vụ này chưa đến nỗi tai họa. Song ngay trước khi ông Tập sắp đặt chân xuống đất Mỹ thì rõ ràng tổn thất của vụ “nguồn tin lương tâm” này quá lớn.

Theo website tự giới thiệu, Booz Allen là một công ty tư vấn chuyên phục vụ các cơ quan Chính phủ Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và dân sự, kể cả các tổ chức phi lợi nhuận lẫn vụ lợi..., giúp khách hàng giải quyết những thách thức khó khăn nhất của họ. Thảo nào công ty này hứa sẽ “làm việc chặt chẽ trong điều tra”.

Có thể hình dung công việc của Booz Allen qua một hợp đồng “gia công” cho nhà nước Mỹ: “Cải thiện an ninh công cộng bằng phương pháp phân tích”. Công ty tự giới thiệu công việc này như sau: “Sau nhiều năm thu thập hàng núi dữ kiện... mà việc xử lý chúng bằng các phương pháp truyền thống... sẽ mất nhiều năm. Bằng chuyên môn sâu của mình trong khâu phân tích, Công ty Booz Allen giúp các tổ chức có thể xử lý, diễn dịch giải thích và sử dụng lượng dữ kiện đang tồn kho chỉ trong vài tuần hay vài tháng” (2).

Một trong những khách hàng và công việc mà Booz Allen công khai trên trang web là Cơ quan hành động của Cục Nhập cảnh và hải quan (ICE), và mục đích của công việc “gia công” là “làm cho đất nước an toàn hơn”. Một trong những thí dụ: “Trong tài khóa 2008, quốc hội yêu cầu ICE ra tay hành động ưu tiên cho việc “bứng nhổ” những kẻ phạm pháp người nước ngoài... Mặc dù ICE cũng đã có một phương pháp xử lý dữ liệu thu thập, song các dữ liệu thường không được tận dụng một cách hiệu quả để thông tin cho bộ máy ra quyết định chiến lược hay chiến thuật”.

Với 24.837 nhân viên trên toàn nước Mỹ, mức lương bình quân 95.988 USD/năm, rõ ràng Booz Allen là một “siêu” công ty của những “siêu nhân” đeo cà vạt chứ không phải những Rambo như các công ty khác đang làm việc ở Afghanistan hay Pakistan...

“Nguồn tin" làm gì?

Riêng văn phòng của Booz Allen này tại Hawaii, nơi “nguồn tin lương tâm” Edward Snowden làm việc cuối cùng, được đánh giá là văn phòng “ngon số 1” của cả công ty, đang sử dụng 309 nhân viên, trong đó lĩnh lương cao nhất là năm chuyên viên tư vấn cao cấp mà người cao nhất nhận 85.000 USD/năm (3). Ấy vậy mà theo Guardian, “nguồn tin” Edward Snowden tăng phái lại được trả đến 200.000 USD/năm! Liệu có phải vì công việc của Snowden khó khăn hơn người hay vì khả năng của anh ta siêu phàm, hoặc con số tiền lương này là “siêu tưởng”?

Có lẽ trong một hệ thống lao động tiền lương mà tính chất của công việc quyết định chứ không căn cứ trên cấp chức như thường thấy ở nơi khác, nếu loại trừ khả năng đây là một con số ảo do “nổ”, có thể ngờ rằng công việc mà Snowden đang làm khi được tăng phái đến Hawaii (để “làm việc cùng một nhóm”) liên quan đến lĩnh vực tình báo (nghề cũ của Snowden), nhất là nghề phân tích “kiểm thính” vốn là “lỗ tai” của cả bộ máy an ninh và quốc phòng Mỹ.

Quá trình làm việc của Snowden cho NSA và cho cả CIA không có gì là “hắc ám” cả. Đây là một công việc được tuyển dụng công khai. Có thể giả đoán đó là công tác “phân tích xác lập mục tiêu” mà CIA luôn đăng tuyển:

“Bạn có muốn là một phần trong nỗ lực của cả nước nhằm triệt hạ các tổ chức phi pháp? Cục Tình báo (DI) của Tổng cục Tình báo trung ương (CIA) nay đang tìm kiếm các ứng viên có óc sáng tạo và tư duy phân tích phản biện mạnh mẽ cùng các kỹ năng thông tin nhằm phục vụ như là chuyên viên phân tích xác lập mục tiêu, hoạt động theo nhóm... để tận dụng một cách tối ưu các tài nguyên dữ liệu mà tổng cục hiện có, nhằm chống lại những khuôn mặt và tổ chức then chốt có khả năng đe dọa lợi ích của nước Mỹ.

Vị trí chuyên viên phân tích xác lập mục tiêu tập trung vào các khu vực trên thế giới và vào những chủ đề chức năng bao gồm nạn khủng bố, phổ biến vũ khí, buôn lậu ma túy, rửa tiền, đe dọa an ninh mạng... Làm việc toàn thời gian, lương từ 49.861 đến 97.333 USD (có thể cao hơn tùy mức độ kinh nghiệm)”. Thường thì để nộp đơn ứng tuyển vào công việc này, ứng viên phải đính kèm hồ sơ một bản phân tích “mẫu” dài 5-8 trang về một địa bàn tự chọn sở trường (4).

Có thể ngờ rằng “chuyên viên phân tích xác lập mục tiêu” là công việc mà Snowden đã làm trước đó cho NSA và CIA, và rằng trong ba tháng qua ở văn phòng Công ty Booz Allen tại Hawaii, công việc của anh ta bao quát địa bàn mục tiêu là khu vực bờ Tây Thái Bình Dương (Đông Á) vốn gần Hawaii nhất về mặt địa lý. Có thể căn cứ theo mức lương cao hơn mức lương nhân viên tại chỗ, Snowden đang giúp giải mã những dữ liệu thu thập được từ một mục tiêu nào đó trong khu vực Đông Á mà nhóm chuyên viên phân tích cơ hữu tại Hawaii chưa giải kịp.

Snowden muốn gì?

Thời điểm tờ Guardian công bố vụ nghe lén theo dõi (thứ tư tuần trước) chỉ trước chuyến đi Mỹ của ông Tập Cận Bình gặp Tổng thống Obama có hai ngày, ngay giữa lúc báo chí Mỹ và thế giới chạy tít đe dọa an ninh mạng là vấn đề then chốt mà ông Obama sẽ đưa ra “nói chuyện phải quấy” với ông Tập. Và quả thật hai ông đã nói với nhau rất nhiều về vấn đề này.

Ngay sau vụ “nghe lén” này bị xì ra, Tổng thống Obama phải lên tiếng biện hộ cho Washington. Nếu ở một thời điểm khác, vụ này chưa đến nỗi tai họa. Song ngay trước khi ông Tập sắp đặt chân xuống đất Mỹ thì rõ ràng tổn thất của vụ “nguồn tin lương tâm” này quá lớn.

Có thể hình dung tác hại của vụ này qua mẩu hư cấu mà Will Dobson của tờ Slate đã sáng tác hôm thứ sáu tuần rồi: Ông Tập hỏi lại ông Obama:

“Để tôi nói huỵch toẹt ra luôn nhe, ông Barack. Các ông đang điên tiết vì chúng tôi đang dọ thám trên mạng các công ty Mỹ, trong khi các ông lại đang canh lén bất cứ chuyện nhỏ nhặt gì dân chúng của ông đang làm với Microsoft, Google, Skype và Yahoo? Thiệt vậy không? Bộ ông giỡn chơi với tôi hay sao? Hay là chúng ta nghĩ khác nhau về việc này. Tôi biết rằng chúng tôi là một nhà nước công an, song chúng tôi cũng chưa có một hệ thống canh chừng nghe lén cỡ hệ thống PRISM của mấy ông!”.

Tờ Guardian đang khai thác nguồn tin độc quyền Snowden viết đúng hôm ông Tập đến Mỹ: “Một nguồn tin tình báo rất am hiểu hệ thống của NSA nói với báo rằng các khiếu nại của Mỹ về việc Trung Quốc dọ thám là giả hình, do lẽ Mỹ từng tham gia các chiến dịch tấn công mạng và tin tặc rộng rãi”. Bài báo còn trích nhiều ý kiến khác về các hoạt động dọ thám tấn công mạng của Mỹ.

Chưa rõ Snowden thật ra muốn gì, song rõ ràng là những tiết lộ của Snowden đã làm ông Obama “mất hứng” trước ông Tập. Việc Snowden rời Hawaii sang Hong Kong nghỉ phép hôm 20-5, rồi chuyển tài liệu mật cho tờ Guardian và Washington Post tung ra hôm 4-6, sau đó hẹn gặp báo Guardian cuối tuần qua để “thanh minh”... là cả một kế hoạch chi tiết xứng với nghề tình báo mà Snowden đã đeo đuổi.

Riêng chi tiết điểm đến ẩn náu là Hong Kong có thể khiến đặt ra nhiều dấu hỏi. Vấn đề là vì sao Snowden chọn Hong Kong vì, theo South China Morning Post, “thật bi kịch việc một người Mỹ phải chạy đến một nơi khét tiếng không có mấy tự do... (song ở đó người ta giữ) cam kết bảo vệ tự do ngôn luận và quyền đối kháng chính trị...”?

Tình cờ vụ Snowden nổ ra đúng vào lúc một chuyên viên phân tích tình báo khác là binh nhì Bradley Manning đang ra tòa vì đã “xì” tài liệu cho WikiLeaks, khiến cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq của tổng thống Bush “xuống bùn”! Vụ lùm xùm lần này của Snowden càng làm Tổng thống Obama “xiểng niểng” sau những “trận đòn thù” trước đó từ các đối thủ của ông trong chính trường Mỹ.

Trên một bình diện khác, vụ Snowden gây thiệt hại vô cùng cho Chính phủ Mỹ vào lúc quan hệ Mỹ - Trung ở một thời khắc “nhạy cảm” nhất. Nếu quả thật Snowden hành động vì lương tâm, thì có thể đặt câu hỏi vì sao lại đúng vào thời khắc này?

____________

(1): http://www.guardian.co.uk/world/2013/jun/09/edward-snowden-nsa-whistleblower-surveillance
(2): http://www.boozallen.com/consulting/view-our-work/48775647/improving-public-safety-with-analytics
(3): http://www.glassdoor.co.uk/Salary/Booz-Allen-Hamilton-Honolulu-Salaries-EI_IE2735.0,19_IL.20,28_IC1140656.htm
(4): https://www.cia.gov/careers/opportunities/analytical/targeting-analyst.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận