Những điều tôi thấy

JAN OBERG 07/01/2017 21:01 GMT+7

TTCT - Sao cho bé gái nhỏ bé nhưng mạnh mẽ này và hàng nghìn trẻ em cùng người lớn Aleppo sẽ sống trong đôi chút hòa bình năm 2017.

Bé gái ở đông Aleppo  -Jan Oberg
Bé gái ở đông Aleppo -Jan Oberg


Những gì thật sự đã diễn ra tại đông Aleppo (Syria)? Tiến sĩ Jan Oberg, giám đốc Quỹ nghiên cứu hòa bình và tương lai xuyên quốc gia (TFF, trụ sở tại Lund - Thụy Điển), vừa đi thực địa tới cả phần phía tây lẫn đông Aleppo (ngày 11 đến 14-12-2016) ngay sau khi quân đội Syria giành lại kiểm soát thành phố này.

Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin trích giới thiệu ký sự của ông từ Aleppo.

Tôi đã tới Aleppo, cả đông và tây, ngay khi thành phố này được giải phóng (hay thất thủ) tùy quan điểm của bạn và cách đưa tin của truyền thông. Tôi nằm trong một số ít những người nước ngoài đầu tiên tới Aleppo sau sự kiện này.

Người ta chỉ có thể tự hỏi: Tại sao truyền thông Bắc Âu và phương Tây (không tính một nhà báo Croatia) không có mặt vào ngày 11-12 khi quân đội Syria giành lại kiểm soát và truyền thông được vào đưa tin. Tại sao?

Được giải phóng hay thất thủ?

Những kẻ chiếm đóng đông Aleppo - được gọi khác nhau là phe nổi loạn, những kẻ thánh chiến, phe đối lập vũ trang, các tay súng, quân khủng bố... đến từ nhiều nước và sắc tộc khác nhau, không chỉ chiến đấu chống lại quân đội Syria mà còn chống phá lẫn nhau.

Trước khi bị phá hủy, thành phố công nghiệp này đã bị cướp bóc. Mọi thứ có giá trị bị đưa đi khỏi hàng nghìn công ty, cửa hàng, trường học, bệnh viện và văn phòng - lớn và nhỏ, chuyển đi trên xe tải đến bán ở Thổ Nhĩ Kỳ - để những kẻ chiếm đóng này lấy tiền mua vũ khí.

Những hình ảnh này chuyển tải thông điệp rõ ràng rằng những kẻ chiếm đóng cầm vũ khí chống lại chính quyền Assad không có ý định tạo ra một xã hội và cuộc sống tốt hơn cho người dân ở đây...

Tôi từng thấy sự phá hủy ở những nơi như Sarajevo, Vukovar, Krajina, đông và tây Slavonia, Abkhazia và Nam Ossetia. Nhưng ở đây là tồi tệ nhất. Nó nhắc tôi nhớ những hình ảnh của Chiến tranh thế giới thứ hai, một phần Hiroshima.

Điều đó cho phép tôi coi đây (việc quân đội Assad lấy lại kiểm soát đông Aleppo - ND) là giải phóng mà những hình ảnh sẽ cho các bạn thấy hạnh phúc của những người tôi được gặp.

Điều này không có nghĩa là không có những người nào đó không hạnh phúc, báo chí chính thống phương Tây đã kể cho các bạn rất hay về điều này. Chỉ là tôi không được gặp họ nên không thể tường thuật và chụp lại những bức ảnh mà tôi không được thấy.

Tôi đã tới cả ở đông và tây Aleppo - khi mọi chuyện xảy ra. Tôi đã có mặt ở quận Hanano của Aleppo, trong cổ trấn và thành phố công nghiệp Shaykh Najiar.

Chúng tôi trú lại ở khách sạn Al-Shabah ở tây Aleppo - như tất cả du khách thời điểm đó - và từ tầng 20 của nó, tôi chứng kiến những vụ đánh bom cả ngày lẫn đêm cũng như những vụ bắn phá vào phía tây, có vụ chỉ cách khách sạn tôi ở vài trăm mét khi một sân vận động gần đó bị pháo kích từ phía đông vào một buổi chiều.

Có một sự thật là các phần phía tây Aleppo - bị nhắm tấn công từ phía đông và người dân ở đó nằm trong nguy hiểm trong suốt bốn năm đông Aleppo bị chiếm đóng - và do đó họ đã nhẹ nhõm và hạnh phúc khi mọi chuyện đã qua - đã không được tường thuật ở phương Tây và nhiều phương tiện truyền thông, vì thế không thể hiểu rằng đã có sự ăn mừng cả ở phía này khi đông Aleppo được giải phóng.

Đã đến lúc truyền thông phương Tây, phải có đủ dũng cảm để đưa tin về việc phương Tây (các nước NATO và đồng minh) có trách nhiệm với sự phá hủy này qua việc ủng hộ quân sự, tài chính và chính trị cho những kẻ chiếm đóng đông Aleppo bốn năm qua...

... Một điều đáng lưu tâm là tính chất của việc hủy diệt. Nếu như các phương tiện truyền thông chính thống kể cho bạn rằng Aleppo bị phá hủy chủ yếu bởi máy bay Nga và Syria, thì quang cảnh thành phố sẽ là bị san bằng.

Nhưng những gì tôi thấy là cuộc chiến từ đường phố này với đường phố khác, nhà này với nhà khác, tầng này với tầng khác và tổn thất gây ra chủ yếu do vũ khí bắn từ mặt đất, hay là gần đó. Tôi được binh lính Syria kể lại là bom thường ném xuống những cơ quan chỉ huy đầu não của quân khủng bố, các cơ sở ngầm dưới lòng đất hay kho đạn dược. Ước tính cao nhất là từ 7-10% sự tàn phá của đông Aleppo là do không kích gây ra...

Tôi đã gặp những nạn nhân của cuộc chiếm đóng, giờ họ đã có thể ngồi bên vỉa hè, uống trà, hút thuốc, trò chuyện mà không sợ hãi -Jan Oberg
Tôi đã gặp những nạn nhân của cuộc chiếm đóng, giờ họ đã có thể ngồi bên vỉa hè, uống trà, hút thuốc, trò chuyện mà không sợ hãi -Jan Oberg

 

Tôi đã nghe và đã thấy

Những bức ảnh tôi chụp truyền đạt những gì tôi thấy. Niềm hạnh phúc lấn át sau bốn năm nhiều người gọi là “địa ngục dưới tay những kẻ khủng bố”. Tôi đã thấy những nụ cười, niềm tự hào và dấu V chiến thắng. Họ kể với tôi rằng cuộc sống từng tốt đẹp ở Aleppo trước khi quân chiếm đóng tiến vào, bắt đầu cướp bóc và hủy diệt.

Tôi đã hòa vào những người ở các nhà hàng phía tây Aleppo ăn mừng, chúc tụng tự do và nói với sự nhẹ nhõm về việc tuyệt vời làm sao khi cuối cùng có thể sống mỗi ngày mà không sợ hãi. Họ từng bị tấn công bằng súng cối và các vũ khí khác từ phía kia của thành phố, một cảnh tượng tôi trải nghiệm trong chuyến đi của mình.

Tôi đã gặp những nạn nhân của cuộc chiếm đóng ở phía đông nhận bánh mì, rau quả, chuối và nước. Họ ngồi bên vỉa hè uống trà, hút thuốc. Và nói chuyện mà không còn sợ hãi.

Tôi đã thấy người dân trên những chiếc xe buýt màu xanh từ phía đông (Aleppo) sang phía tây để được chăm sóc sức khỏe hay đoàn tụ với người thân. Và những người từ phía tây sang phía đông để xem nhà họ ở phía đông còn lại được gì...

Cuối cùng, tôi đã nghe người dân bày tỏ sự không đồng tình với chính sách ân xá của tổng thống Assad. Nhiều người dân cũng như binh lính kể rằng họ không đồng tình với quan điểm mềm mỏng, hòa hợp đó của tổng thống họ.

Một số người cho rằng cần thủ tục tố tụng và những người Syria chiến đấu chống lại nhân dân mình, tham gia vào hàng ngũ quân chiếm đóng đông Aleppo, cần phải bị trừng phạt.

Và tôi cũng gặp nhiều thanh niên Syria, đặc biệt sinh viên đại học, làm việc tình nguyện cho Tổ chức Lưỡi liềm đỏ giúp đỡ người dân trong tình cảnh khó khăn.

Những điều tôi không thấy

Aleppo là quê hương của khoảng 2 triệu người. Nó rất rộng, bao trùm 190km2. Dĩ nhiên, tôi không thể đi hết các ngóc ngách của nó trong gần bốn ngày ở đó.

Tường thuật về việc phiến quân và gia đình họ bị thảm sát hoặc giết chết vào những ngày, giờ cuối cùng - có thể đúng hoặc không. Tôi không phán xét và không loại trừ. Tôi chỉ không thấy và không gặp ai nói về chuyện đó.

Tôi đã phỏng vấn một binh sĩ, người kể với tôi rằng anh ta chưa từng xuống tay giết một thường dân. Quân đội chỉ giết những ai chiến đấu chống lại họ, những kẻ vũ trang; anh ta bảo đảm với tôi rằng anh ta chưa từng giết một thường dân không vũ khí.

Tôi không có lý do gì để không tin anh ta - bởi những điều khác anh ta nói đều có ý nghĩa và có thể xác tín được. Nhưng tôi chắc rằng người dân có thể bị sát hại bởi những vụ tấn công bỏ túi cuối cùng của quân chiếm đóng khi chúng thua cuộc.

Nhưng báo cáo các vi phạm nhân quyền và công pháp quốc tế không phải là nhiệm vụ của tôi, một nhà nghiên cứu và phân tích hòa bình, cũng giống như việc điều tra tình hình kinh tế trong khu vực nông nghiệp không phải là nhiệm vụ của Tổ chức Bác sĩ không biên giới.

Tôi không thể tường thuật một cách sai trái điều gì đó tôi không thấy hay không nghe được qua những cuộc phỏng vấn của mình.

Những gì tôi không thấy tại đông Aleppo ở mọi người là nỗi sợ chính phủ - mà chỉ thấy lòng biết ơn của họ vì việc chăm sóc y tế, vận chuyển trên xe buýt tới đông Aleppo và trong Trung tâm đăng ký Jibrin.

Tôi không nhìn thấy sự sợ hãi về việc chính phủ nắm lại quyền kiểm soát, trong mắt bất cứ ai. Tôi không nghe bất kỳ ai nói rằng cuộc sống tốt đẹp hay khoan hòa hơn dưới ách chiếm đóng đông Aleppo.

Tôi đã nghe mọi người nói về việc sống trong sợ hãi, không có đủ lương thực và không được chăm sóc y tế, bị bạo hành, các thành viên gia đình bị giết hay bị thương. Rằng trẻ em đã không được đến trường suốt hai năm qua...

Trong những ngày ở Aleppo tôi đã không gặp những “tổ chức nhân đạo quốc tế hàng đầu” nào làm việc tại hiện trường. Trên đường từ Damascus đến Aleppo, các phương tiện vận chuyển nhân đạo duy nhất mà tôi thấy là của Nga và Syria.

Tôi không gặp bất kỳ những đoàn công voa (xe hộ tống) quốc tế lớn nào mà các chính quyền phương Tây khẳng định đã đưa vào như một phần của nỗ lực ngừng bắn trước đó.

Bức ảnh quan trọng nhất 2016 của tôi

Tôi đã gặp bé gái này (ảnh bìa) ngày 14-12 tại Trung tâm đăng ký và tiếp nhận Jibrin ở đông Aleppo, nơi binh lính Syria và những sinh viên thiện nguyện Đại học Aleppoc cho em bánh mì và trái cây.

Em chỉ là một trong hàng nghìn người bị tấn công bởi một kẻ thù ghê tởm: cái chết và sự hủy diệt. Những nạn nhân của hàng chục phe phái xung đột và những trò chơi chính trị tội lỗi. Chúng phá hủy cuộc đời em, gia đình em, cuộc sống và thị trấn quê hương em.

Không có gì còn sót lại ở đó. Không còn gì cả.

Đó là một ngày mưa xám. Em đứng trong hàng người để có được mẩu bánh nhỏ này và em rất biết ơn. Đầy hi vọng. Một chút bánh để ăn để bắt đầu mọi thứ lại lần nữa.

Em đứng đó, điệu bộ của em. Và truyền thông kể cho bạn rằng đông Aleppo thất thủ, rằng nó không được giải phóng à?

Hãy hỏi bé gái này đi.

Tôi không thể cầm nước mắt khi chụp lại bức ảnh này. Cũng như khi tôi trở về, xem lại và viết những dòng này. Tôi là một nhà nghiên cứu hòa bình và là một người chụp ảnh nghệ thuật. Hai mặt đó đã hòa nhập cùng nhau trong tấm ảnh này.

Đây là bức ảnh quan trọng nhất trong hàng nghìn tấm ảnh tôi chụp năm 2016. Có thể là trong tất cả các năm của đời tôi.

Tôi không có ước mong nào cho mình trong năm mới này. Tôi đã có mọi thứ. Nhưng tôi có nhiều mong ước khác.

Sao cho bé gái nhỏ bé nhưng mạnh mẽ này và hàng nghìn trẻ em cùng người lớn Aleppo sẽ sống trong đôi chút hòa bình năm 2017.

Sao cho họ có đủ sức mạnh để quay về với những gì còn lại từ nhà mình, nếu còn được gì đó, và tái thiết. Được đến trường và vui chơi trong yên lành.

Sao cho “cộng đồng” quốc tế vô nhân - nó chẳng phải là cộng đồng - tháo dỡ cấm vận Syria và thể hiện lòng nhân đạo của mình.

Cấm vận chỉ đánh vào những người vô tội, như bé gái này. Rằng em có thể sống mãi mãi trong an ninh, hòa bình, rằng em không cần phải chịu đựng những chấn thương thơ ấu cho suốt quãng đời còn lại.

Rằng tôi có thể trở lại, vào năm 2017, tìm em để hỏi tôi có thể giúp được gì. Đó là rất ít, rất ít những gì tôi có thể làm vì lòng biết ơn cho những gì em đã dạy tôi về sự vô nghĩa hoàn toàn và độc ác của chiến tranh.

Không, tôi không thể cầu mong ai đó chết. Nhưng tôi có thể bày tỏ nỗi căm giận của mình nhờ Bob Dylan. Người 53 năm trước đã nói trong “Những ông chủ chiến tranh” (The Masters of Wars) - mà tôi muốn thêm vào cả những tay buôn vũ khí trong số chúng - như thế này:

Ta mong ngươi sẽ chết

Cái chết của ngươi sẽ chóng đến

Ta sẽ đi sau quan tài ngươi

Trong buổi chiều xanh xám

Và ngắm ngươi bị hạ huyệt

Xuống chiếc giường chết của ngươi

Và ta sẽ đứng trên nấm mồ ngươi

Đến khi tin chắc rằng ngươi đã chết”.■

Phan Xuân Loan (trích dịch)

Aleppo là, hay từng là, thành phố lớn nhất Syria và lớn thứ ba của đế chế Ottoman. Đây là một trong những thành phố liên tục có người cư trú lâu đời nhất thế giới, nó có thể là nơi sinh sống của người dân từ thiên niên kỷ thứ sáu trước Công nguyên - di sản thế giới của UNESCO... Một thành phố đẹp và năng động về văn hóa và công nghiệp, nằm trên con đường tơ lụa cũ và là nơi có khu công nghiệp lớn nhất Syria, từng tạo việc làm cho 30.000-40.000 lao động và gia đình họ. Việc phá hủy Aleppo mà tôi chứng kiến là rất lớn, không thể diễn tả. Nó có tính hệ thống và làm đau lòng nhìn từ bất cứ quan điểm nào. (Jan Oberg)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận