Những người lớn hồn nhiên

LƯU TRANG 02/03/2014 22:03 GMT+7

TTCT - 1. Cả lớp sinh hoạt vòng tròn ở sân. Cô tổng phụ trách Đội đi một vòng để “kiểm tra vệ sinh thân thể”. Cô chỉ tay vào một số em và mời ra đứng giữa vòng tròn.

Minh họa: Viip

“Lớp biết vì sao cô mời các bạn lên đây không? Các bạn này ăn ở rất bẩn, không chịu tắm nên cổ đen sì, móng tay đầy đất. Bạn nào không chịu tắm rửa thì tuần sau cô sẽ mời lên đây nữa nhé!”.

Cô giáo và các bạn cùng lớp “hân hoan” nhìn những “tội đồ” lười tắm. Năm “tội đồ” đứng cúi gằm mặt giữa sân trường đầy nắng.

2. Theo chân một đoàn đại biểu đến dự giờ không báo trước ở một lớp học vùng ven. Hết tiết dạy, cô giáo tiến xuống hàng ghế đại biểu ở cuối lớp để trao đổi thêm.

Cô phân bua: “Dự giờ không báo trước nên hôm nay em chưa kịp chuẩn bị học cụ. Lớp này chậm lắm, giáo viên vất vả hơn bình thường vì có nhiều em học hòa nhập. Như con bé này”, cô chỉ vào một bé gái tóc thắt bím, “nhìn mặt vậy thôi nhưng bị chậm phát triển trí tuệ”.

“Còn em này”, cô chỉ một bé trai khác ngồi trong góc lớp, “cũng một dạng thiểu năng”. “Em này nữa”. Cô giáo đưa tay chỉ mặt từng em, rất nhiệt tình, như để giải thích chuyện “lớp này chậm lắm”.

Cô giáo chỉ tay đến đâu, những đôi mắt to tròn ngước lên nhìn cô ngơ ngác. Đoàn đại biểu nhìn nhau ái ngại.

3. Ở một trường tiểu học tại quận 7, TP.HCM. Đầu năm học, các mạnh thường quân đóng góp để trao các suất học bổng cho những học sinh nghèo. Quà và học bổng được chuyển đến tay giáo viên. Cuối giờ học, cô gọi những học sinh có tên ra gặp riêng, trao học bổng và dặn dò từng em.

Sao không tổ chức rình rang và trao học bổng trước toàn trường? Ban giám hiệu nhà trường giải thích: vì các em sẽ mặc cảm “con nhà nghèo” với các bạn khác.

Sự vô tâm của người lớn đẩy đứa trẻ vào chỗ xấu hổ, tự ti, thậm chí chê trách bản thân mình. Chỉ cần người lớn đặt mình vào đứa trẻ, chắc chắn người lớn sẽ biết phải làm gì.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận