Sách giáo khoa điện tử: Chưa tiện

TRƯỜNG SƠN 18/10/2018 20:10 GMT+7

TTCT - Công nghệ sách điện tử (ebook) đã có từ lâu, tưởng như chuyện số hóa sách giáo khoa (SGK) là chuyện đương nhiên, song tương lai mà mỗi học sinh đến trường chỉ với máy tính bảng và truy cập tài liệu, làm bài tập trên “đám mây” vẫn chưa thể thành hiện thực.

A woman holds up an iPad with the iTunes U app after a news conference introducing a digital textbook service in New York in this January 19, 2012, file photo. The U.S. Justice Department has warned Apple and five major U.S. publishers that it plans to sue them, accusing them of colluding to raise the prices of electronic books, a person familiar with the probe said on March 8, 2012.      REUTERS/Shannon Stapleton/Files (UNITED STATES - Tags: SOCIETY EDUCATION SCIENCE TECHNOLOGY BUSINESS) - RTR2Z1Q3

Có thể dễ dàng hình dung tất cả những tiện ích mà SGK dạng số có thể mang đến cho cả người học lẫn người dạy: tương tác cao, truy cập mọi lúc mọi nơi, dễ cập nhật, giá rẻ. Nhưng thực tế là còn nhiều rào cản để SGK điện tử thay thế hoàn toàn sách in truyền thống.

SGK điện tử là gì?

Hình dung đầu tiên về SGK điện tử chính là “bản mềm” - tức bản scan hay văn bản điện tử - của SGK truyền thống (bản cứng). SGK điện tử giúp học sinh không còn cảnh vác cặp sách nặng nề từ nhà đến lớp, rồi trở về nhà, đồng thời còn bảo vệ môi trường vì không tốn cây xanh để làm giấy in.

“Nhưng SGK điện tử còn hơn thế nhiều: mang đến trải nghiệm toàn vẹn mà sách giấy không thể làm được, từ đó thay đổi cách học và định nghĩa lại chuyện đến trường” - tiến sĩ Tay Hui Yong, giáo viên Viện Giáo dục quốc gia Singapore (NIE), nói trong bài viết gửi Channel NewsAsia ngày 15-7-2017.

Theo tiến sĩ Tay, không chỉ là phiên bản số đầy chữ của sách bản cứng, SGK điện tử được thiết kế với nội dung phong phú, từ video tương tác, hoạt hình đến hình ảnh 360 độ. Các hình thức trình bày bài học đa dạng như vậy sẽ giúp dễ tiếp thu hơn những trang sách toàn chữ hoặc hình minh họa 2D, tĩnh. Thử tưởng tượng học về Shakespeare và học sinh chỉ cần click chuột là được xem ngay trích đoạn vở kịch mình đang tìm hiểu.

Trên thực tế, theo bài “SGK trong thời đại số” trên The Conversation, các nội dung số hóa phục vụ học tập đã xóa nhòa ranh định nghĩa của cái gọi là “sách”. Nội dung thể hiện trên SGK điện tử “động” hơn nhờ video, âm thanh và trò chơi tương tác thay vì chỉ là những dòng chữ và hình ảnh “tĩnh” của sách in. Học sinh cũng có thể đánh dấu, tùy chỉnh kích thước, font chữ ngay trên sách.

SGK điện tử cũng giúp học sinh dễ tra cứu từ mới, tìm hiểu thêm thông tin liên quan (thông qua các đường link nhúng vào “trang sách”). Học sinh cũng có thể làm bài kiểm tra ngay trên nền online và có kết quả ngay, với hình thức gần gũi, chẳng khác gì các trò đố vui trên mạng.

Một số SGK điện tử hay nền tảng học trực tuyến còn cho phép học sinh trao đổi với nhau qua chat, tham gia các diễn đàn hoặc tải hình ảnh, video do các em thực hiện lên hệ thống. Nội dung số cũng đồng nghĩa việc cập nhật, chỉnh sửa dễ dàng và ít tốn kém hơn sách giấy vì không phải thu hồi hay in lại.

Một ví dụ điển hình là bộ SGK trực tuyến dành cho hệ phổ thông (12 năm), gồm sách toán cho 12 khối và sách khoa học từ lớp 7-12 do Nhà xuất bản giáo dục McGraw-Hill (Mỹ) tung ra hồi tháng 6-2011.

Toàn bộ số sách nằm này trên “đám mây”, tức học sinh có thể truy cập mọi lúc mọi nơi, chỉ cần có thiết bị di động có hỗ trợ trình duyệt web. Bộ sách điện tử của McGraw-Hill, CINCH bao gồm ebook, các bài thuyết trình, clip động, bài kiểm tra. Học sinh trong cùng một lớp có thể thảo luận trực tuyến bằng tính năng giống như Facebook chat. Các trường sẽ phải trả tiền cho mỗi học sinh sử dụng sách CINCH theo từng năm, theo Mashable.

Nếu tiện dụng đến thế và các công nghệ đều đã sẵn có, tại sao SGK điện tử vẫn chưa thể phổ biến? Lý do dễ hiểu nhất là không phải ai hay trường học nào cũng đủ điều kiện trang bị thiết bị (máy tính, máy tính bảng) để dùng SGK điện tử, chưa kể còn phải có hạ tầng Internet đủ mạnh.

Về phía người dạy, giáo viên phải có kỹ năng tin học và Internet nhất định để hướng dẫn cho học sinh. Điều này là một vấn đề thực sự, vì trừ các giáo viên trẻ, đa số “người đưa đò” đều là “những người lớn lên trong thời chỉ dùng giấy bút”, như lời tiến sĩ Tay.

Thậm chí việc học sinh bỏ quên tablet hay iPad thì xem như hôm đó không học được, hay thiết bị hết pin, hỏng hóc, trường bị cúp Internet cũng là những chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ trong việc dùng SGK “công nghệ cao”.

Nhưng rào cản lớn hơn cả chính là sách điện tử tưởng sẽ rẻ hơn sách giấy nhưng không phải.

minh họa

Rẻ mà đắt

Năm 2010, chiếc iPad đầu tiên ra đời và nhiều người đã nghĩ đến tương lai thiết bị thông minh, hiện đại với màn hình cảm ứng và kết nối Internet đó sẽ giúp biến hình ảnh trẻ em mang balô nặng nề trên vai đến trường mỗi ngày thành dĩ vãng. Nhưng ở thời điểm năm 2018 này, “nói luôn cho vuông là điều đó đã không xảy ra” - cây bút Bradley Chambers viết trên 9to5mac.

Theo Chambers, các nền tảng cung cấp sách trực tuyến (bao gồm SGK) như Apple Bookstore, Kindle và Google Play đều gặp chung vấn đề về phân phối sách đến các thiết bị của người dùng.

Với SGK điện tử, có hai trường hợp: tài liệu mở, miễn phí và sản phẩm có thu phí.

Với trường hợp đầu tiên, người học có thể tải sách miễn phí về thiết bị của mình và lưu trữ, chia sẻ lại cho người khác, giống download một bài nhạc trên các trang không thu phí. Một quyển sách chỉ cần tải một lần và sử dụng mãi.

Đương nhiên là với nhà kinh doanh sách, nếu chỉ bán một lần mà để sản phẩm được phát tán khắp nơi như thế thì cầm chắc... sập tiệm. Thành ra SGK điện tử thường bán theo tài khoản, và “một khi quyển sách đã được cấp cho tài khoản đó thì không thể bị xóa hay thay đổi”, theo Chambers. Điều này có nghĩa sách điện tử không thể chia sẻ, anh học xong thì không thể để lại cho em nhỏ học tiếp.

Lấy ví dụ dễ hiểu là dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Apple Music. Mỗi tài khoản thu phí sẽ đi theo Apple ID, bài hát tải về chỉ nghe được trên thiết bị đăng nhập bằng ID đó, không thể chuyển nhượng cho ai. Và hết gói thuê bao thì nội dung đó cũng không truy cập được.

Ở Mỹ, các trường phổ thông sẽ phát SGK cho học sinh vào đầu năm học. Một bộ sách có thể sử dụng được trong bốn năm hoặc lâu hơn. Giả sử nhà trường bỏ ra 40 USD để mua một quyển sách, và phát cho học sinh được năm năm liền, tức chi phí là 8 USD/học sinh/năm.

Nếu nhà trường cũng mua sách điện tử giá 15 USD từ Apple Bookstore cho mỗi học sinh, thì cứ năm học mới lại phải mua lại chính quyển sách đó cho mỗi học sinh vì sách không “chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác”. Rốt cuộc thì dù mỗi quyển sách điện tử rẻ hơn một quyển sách giấy tương đương, nhà trường phải tốn chi phí gấp đôi (15 USD/học sinh/năm so với 8 USD) nếu mua sách điện tử cho học trò.

Với giáo trình đại học, mỗi quyển có thể được mua đi bán lại qua nhiều thế hệ sinh viên và các nhà xuất bản thường tung ra phiên bản cập nhật với giá cao hơn ấn bản trước. Đã có lo ngại rằng các nhà xuất bản SGK truyền thống có cung cấp sách điện tử nhiều khả năng cũng sẽ tăng giá các sản phẩm số như đã làm với sách giấy, theo Washington Post ngày 14-4.

min ọa

Vai chính chưa thể đổi

Như vậy rào cản chi phí của việc ứng dụng rộng rãi SGK điện tử không chỉ nằm ở chỗ đầu tư thiết bị và hạ tầng mạng, mà còn ở cơ chế mua sách điện tử. Điều đáng tiếc là dưới góc độ kinh doanh, không có lý do gì để các nhà phát hành thay đổi mô hình “sách của ai người nấy dùng”.

Trong bối cảnh SGK truyền thống ngày càng đắt đỏ và gia tăng gánh nặng chi phí cho người học, thì có chuyển sang sách điện tử mà giá vẫn cao thì vẫn vô ích, theo Alastair Adam, đồng giám đốc điều hành nhà sản xuất sách điện tử FlatWorld. “Cố gắng giải quyết vấn đề SGK in giá cao bằng cách tập trung vào công nghệ mới cũng y như cố gắng giải quyết chuyện giá vé máy bay đắt đỏ bằng cách đổ hết nguồn lực vào phát triển xe hơi bay vậy” - Adam nói với trang Inc.com.

Trong khi chờ tìm ra giải pháp cho câu chuyện giá cả SGK điện tử, các chuyên gia cho rằng sách giấy hay sách điện tử không quan trọng bằng vai trò của giáo viên, người vẫn luôn đóng vai trò là chất xúc tác và thúc đẩy trong quá trình dạy và học. “Công nghệ nên tập trung vào việc giúp người dạy, tăng cường kiến thức, kỹ năng và sự tận tâm của họ hơn là tìm cách tự động hóa và thay thế công việc của người thầy” - Adam nói.

Sách giấy vẫn chiếm vị trí chính, nhưng nếu gạt bỏ sách điện tử sang một bên thì lãng phí tiềm năng và tiện ích của nó. Giải pháp trung dung là kết hợp cả hai, như Chambers nhận định: “Năm 2018 người ta không còn nói về sách điện tử nữa, nó đã trở thành một phần phụ kỹ thuật số đi kèm với sách truyền thống”.■

Bài viết trên The Conversation kết luận rằng chúng ta vẫn cần SGK, nhưng vai trò của sách đã thay đổi theo hướng số hóa nhiều hơn, mở hơn, tương tác và được cập nhật thường xuyên hơn. Sách giấy vẫn sẽ được mua nhưng với số lượng ít hơn, chủ yếu là được đưa vào thư viện các trường học để học sinh và giáo viên tham khảo, bên cạnh các nội dung số mà họ có được từ Internet.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận