Sóng gió "vu khống" trong Quốc hội Ukraine

TTCT - Dự thảo luật về tội vu khống ở Ukraine được thông qua sau lần điều trần thứ nhất vào ngày 18-9, để rồi ngày 2-10 quốc hội nước này phải nhóm họp để bỏ phiếu... hủy kết quả bỏ phiếu đó. Chuyện gì đã xảy ra?

Phóng to
Tác giả dự luật “Về tội vu khống” Vitali Zhuravsky - Ảnh: Lenta

“Ngày nay, bất kỳ nhà báo nào muốn viết gì về người khác cũng được, hạ thấp người ta tới chân tường, đưa (người ta) tới đột quỵ. Các đề nghị của tôi không chỉ liên quan tới các phương diện truyền thông mà những lĩnh vực khác nữa. Mỗi người Ukraine phải có quyền hợp hiến được bảo vệ danh dự và phẩm giá”. Đó là tuyên bố của Vitali Zhuravsky, tác giả dự luật mang số 11013 tạm gọi “Về tội vu khống”, gây sóng gió ở Ukraine tuần qua.

Ukraine từng có luật xử tội vu khống, tồn tại đến đầu năm 2001 khi nó chính thức được thay bằng Bộ luật hình sự mới. Điều khoản 125 “về tội vu khống” của Bộ luật hình sự cũ, có hiệu lực từ năm 1960, quy định phạt tiền và tù (tối đa 5 năm) cho việc loan tin sai sự thật. Tuy nhiên, đến năm 1999, một đại biểu độc lập không đảng phái Sergey Golovatyi đã đưa sáng kiến bãi bỏ điều khoản này trong Bộ luật hình sự mới năm 2001.

Năm 2004, 2005, 2006 rồi 2010, lần lượt đại biểu các chính đảng như Ukraine của chúng ta, Đảng Cộng sản, Đảng Các khu vực đã đề nghị phục hồi điều luật xử tội này nhưng không thành công. Cho đến nay, quyền của công dân “được tôn trọng phẩm giá, danh dự, đồng thời quyền bất khả xâm phạm thanh danh nghề nghiệp của công dân” được ghi trong chương 297 và 299 Luật dân sự Ukraine, với các mức phạt hoặc đền bồi sẽ do tòa án đưa ra khi xem xét từng trường hợp cụ thể.

“Uốn lưỡi bảy lần”

“Cân nhắc tất cả tình hình và xuất phát từ lợi ích quốc gia, tôi quyết định rút lại dự thảo luật của mình. Tôi hiểu ngay trước bầu cử quốc hội, bất cứ sáng kiến nào cũng sẽ được tiếp nhận ít nhất là với sự thận trọng và thiếu tin tưởng”.

Rắc rối lần này khởi đầu từ ngày 24- 7-2012, khi đại biểu Đảng Các khu vực (chiếm đa số trong Quốc hội Ukraine) Vitali Zhuravsky đưa ra dự thảo sửa chữa Bộ luật hình sự, trong đó có việc phục hồi các điều khoản về tội vu khống. Vu khống, theo tác giả dự luật, là “cố tình truyền bá thông tin không chính xác, xúc phạm danh dự và phẩm giá hay làm tổn hại thanh danh của người khác”.

Tùy mức độ nặng nhẹ, người vi phạm điều khoản này có thể bị phạt từ 8.500-85.000 grivna (tức 1.000-10.000 USD) cùng lao động công ích hay bị phạt tù từ 3-8 tháng. Nếu việc loan tin này dẫn tới ảnh hưởng sức khỏe của người bị vu khống thì mức phạt sẽ là án tù từ 3-5 năm. Tội “lăng mạ”, theo định nghĩa của Vitali Zhuravksy, là “hạ thấp danh dự và phẩm giá người khác, thể hiện trong một hình thức không xứng đáng”, được coi là nhẹ hơn tội vu khống, được đề nghị mức phạt 8.500-17.000 grivna (1.000-2.000 USD) hay lao động công ích một năm.

Ngay sau thông báo sáng kiến của Vitali Zhuravksy, Đảng Các khu vực đã thận trọng tránh mọi liên đới tới dự luật này, tuyên bố đó là sáng kiến của riêng đại biểu Zhuravsky. Đại biểu đảng này Vladislav Lukianov thông báo: “...tội vu khống và lăng mạ không được thảo luận tại cuộc họp nhóm phái của các đại biểu quốc hội thuộc Đảng Các khu vực”. Ông này nhấn mạnh: “Đối với Đảng Các khu vực, quyền của nhà báo được tự do ý kiến là tất yếu và có tính nguyên tắc”.

Dẫu thế, sự xuất hiện của dự luật ngay lập tức gặp sự phản đối của báo chí Ukraine, vốn cho rằng chính quyền muốn nhân cơ hội này bảo đảm cho mình khỏi làn sóng chỉ trích và những điều tra báo chí có thể có trước thềm bầu cử quốc hội (dự kiến diễn ra vào 28-10-2012). Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) thì “nhắc khéo” các đại biểu Ukraine rằng việc Nga thông qua Luật chống vu khống đã bị OSCE chỉ trích.

Tuy nhiên, ngày 18-9-2012, dự luật đã được đưa ra Quốc hội Ukraine thảo luận trong lần điều trần thứ nhất, với 244/450 phiếu ủng hộ. “Mỗi người Ukraine đều được nhận một sự bảo vệ thật sự cho danh dự và nhân phẩm của mình” - đại biểu Zhuravsky hân hoan phát biểu.

Ông cũng cho rằng dự luật của ông không chỉ liên quan tới báo giới mà còn cả các nhà điều tra, quan tòa và công tố viên, và tất cả những ai động chạm đến danh dự, uy tín và thanh danh công việc của công dân Ukraine. Ông cũng nói rõ thêm rằng không ai đẩy ông tới việc đưa ra dự luật này. “Không một định chế nhà nước nào, kể cả tổng thống Ukraine, có liên hệ tới dự luật của tôi. Đây là sáng kiến của tôi, quan điểm của tôi. Nó được tôi và nhóm trợ lý của tôi thảo ra” - ông này nhấn mạnh.

Phóng to

Một số tờ báo Ukraine để trắng trang bìa trong số ra ngày 25-9 - Ảnh: smi.liga.net

“Nghi ngờ cái bắp cải cũng có thể bị xử”?

Khi ấy, có lẽ Quốc hội Ukraine chưa dự đoán được phản ứng của truyền thông nước này, cho rằng đây là bước đi đầu tiên dẫn tới việc kiểm duyệt báo chí. Ngày 21-9 xuất hiện các phản ứng đầu tiên. Các nhà báo Ukraine diễn giải: chiếu theo luật này thì bất kỳ phát biểu công khai hoặc bình luận nào của họ, chỉ cần bị tòa quy là gây tổn hại cho danh dự và phẩm giá của người khác thì họ sẽ dễ dàng bị khép tội vu khống.

Ngày 25-9, bắt đầu cuộc vận động Hành động toàn Ukraine chống dự luật về vu khống với sự ủng hộ của hầu hết các hãng tin điện tử lớn của nước này như Kорресподент.нет Украинская правда, Cегодння, Левый берег, ЛигаБизнесИнформ, kênh truyền hình TBi, hãng thông tấn УНИАН... Trên trang chủ của các mạng tin này xuất hiện khẩu hiệu “Bảo vệ quyền của mình. Hãy nói không với dự luật về vu khống” đồng thời đăng địa chỉ liên lạc của 244 đại biểu ủng hộ dự luật.

Các tờ báo này kêu gọi cư dân mạng “hãy gọi hoặc email cho các đại biểu này, cho văn phòng Đảng Các khu vực và cả văn phòng tổng thống, hãy gửi thông báo trên các mạng xã hội và hỏi vì sao họ làm như vậy”.

Không những thế, một số tờ báo ra ngày 25-9 để trắng trang bìa hoặc trang 1 để bày tỏ phản đối. Hội Nhà báo Ukraine, Ủy ban Đạo đức nghề báo và Nghiệp đoàn báo chí độc lập Ukraine cũng tham gia cuộc chống đối bằng một tuyên bố chung nói “chính quyền Ukraine hành động không chỉ chống lại nhà báo, mà còn chống lại những nhà hoạt động xã hội và những ai bày tỏ sự không hài lòng với chính sách của chính quyền trong văn phòng, trên đường phố, trên trang mạng xã hội của mình”.

Các tuyên bố nói nếu căn cứ vào dự luật này thì thậm chí một người “nghi ngờ chất lượng của cái bắp cải rẻ tiền cũng có thể là tội phạm”.

Dự thảo luật cũng bị phe đối lập trong Quốc hội Ukraine phản ứng. Người đứng đầu Ủy ban Các vấn đề về bảo đảm hoạt động bảo vệ pháp luật Viktor Shvets (đảng của bà Tymoshenko) cho rằng phục hồi trách nhiệm hình sự với tội vu khống và lăng mạ là không hợp lý, vì trong luật pháp Ukraine, vấn đề này đã được giải quyết. Ông cho rằng Ukraine đang trên con đường nhân đạo hóa luật hình, ngay cả một số tội kinh tế cũng chỉ bị phạt dân sự, nên không cần trở lại với những chuẩn mực cũ. Thậm chí Phó thủ tướng phụ trách hạ tầng Ukraine Boris Kolesnhikov cho rằng với tội vu khống chỉ nên xử phạt tài chính cơ quan nào in ấn bản đó (1) thay vì xử tội hình.

Chống chọi với dư luận, Vitali Zhuravsky cho rằng dự luật của ông hoàn toàn tương thích với các truyền thống luật pháp châu Âu. Khi các tờ báo phản biện đặt câu hỏi sao ông không dừng lại chỉ ở mức phạt tiền nếu thông tin sai sự thật, thì đại biểu Zhuravsky cho rằng chính đe dọa tù tội mới khiến người ta “uốn lưỡi bảy lần” nghĩ kỹ trước khi nói.

Trong phần giải thích, Vitali Zhuravsky dẫn kinh nghiệm của nước Nga láng giềng, vốn đã thông qua luật về vu khống sau lần điều trần thứ hai và ba vào ngày 13-7-2012. Luật này quy định mức nặng nhất phạt tới 5 triệu rúp (hơn 160.000 USD) và 480 giờ lao động (mặc dù theo đề nghị của Tổng thống V. Putin, các đại biểu Đuma Nga đã bỏ điều khoản phạt tù cho tội này).

“Họa vô đơn chí”, Vitali Zhuravsky liền bị đại biểu Sergei Golovatyi chỉ trích “bợ đỡ” nước Nga. Sergei Golovatyi, từng là phó chủ tịch Liên nghị viện châu Âu nhiệm kỳ 2005-2008, cho rằng điều luật này sẽ đi ngược Công ước châu Âu về quyền con người, và trong các nước EU, điều khoản xử tội vu khống và lăng mạ được phi hình sự hóa, bởi “tự do ý kiến không quy trách nhiệm hình sự cho điều được nói ra”.

Cảm nhận được những yếu tố bất lợi cho cuộc bầu cử sắp diễn ra trong tháng tới, chiều 25-9 Vitali Zhuravsky đã phải rút lại dự luật. Để gỡ gạc và không trở thành kẻ thua cuộc, ông hứa sẽ quay trở lại vấn đề này sau bầu cử quốc hội. “Tôi quyết định tháo dỡ vấn đề này về mặt luật pháp nhưng không về mặt chính trị. Tôi vẫn sẽ kiên trì trên những quan điểm chính trị của mình: trong xã hội đã chín muồi nhu cầu tăng cường trách nhiệm đối với việc bảo vệ danh dự và phẩm giá mỗi người”.

Cùng ngày 25-9, Tổng thống Viktor Yanukovich, được hỏi về vấn đề này khi đang ở New York, cũng không bảo vệ dự luật: “Vitali Zhuravsky không tình cờ thông qua quyết định này (rút lại dự luật). Là vì ông ấy đã nghe cả quan điểm của tôi, cả quan điểm của các thành viên đảng mình. Ông ấy muốn sửa chữa sai lầm riêng mình mắc phải. Còn quốc hội, khi thông qua dự luật, có lẽ họ (các đại biểu) không hiểu tận tường nội dung của nó” (2).

Nhưng chuyện rút lại dự luật đâu phải đơn giản. Ngày 26-9, các chuyên gia luật pháp cho rằng một dự luật đã được cơ quan lập pháp tối cao đất nước thông qua sau lần điều trần thứ nhất không thể đơn giản được rút lại bởi chính tác giả dự luật, mà phải được quốc hội bỏ phiếu đồng ý (3). Thế là vào ngày 27-9, một dự thảo nghị quyết cho phép bãi bỏ kết quả bỏ phiếu về dự luật “vu khống” trong lần điều trần thứ nhất được đưa ra.

Ngày 1-10, dự thảo này được đưa ra quốc hội thông qua để thứ ba 2-10, Quốc hội Ukraine biểu quyết rút lại dự luật. Lúc này vụ việc mới thật sự tạm gác lại để các bên lao vào cuộc vận động tranh cử quốc hội.

___________

(1): http://novosti-n.mk.ua/ukraine/read/39508.html
(2): http://podrobnosti.ua/opinion/2012/09/28/860759.html
(3): http://publicpost.ru/theme/id/2205/kak_ukrainskie_zhurnalisty_otmenili_zakon_o_klevete/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận