TikTok và những gì cha mẹ cần lo ngại

TRƯỜNG SƠN 19/03/2019 18:03 GMT+7

Cuối tháng 2, cái tên TikTok bắt đầu xuất hiện trên các tít báo với thông tin kém tích cực về án phạt liên quan đến quyền riêng tư dữ liệu của trẻ em.

Ảnh: The Drum
Ảnh: The Drum

TikTok do công ty công nghệ có trụ sở ở Bắc Kinh ByteDance sở hữu. Tại Trung Quốc, ứng dụng này có tên là Douyin. ByteDance mua lại ứng dụng Musical.ly với giá 1 tỉ USD vào năm 2017 và chính thức gộp ứng dụng này vào TikTok tháng 8-2018. Trong các báo cáo tài chính mới nhất, SnapChat và Twitter đã chính thức gọi TikTok là đối thủ cạnh tranh.

Cuối tháng 2, trang phân tích số liệu các ứng dụng di động Sensor Tower cho biết TikTok đã đạt 1 tỉ lượt tải về trên cả nền tảng Android lẫn iOS. Lượng người tải về thực tế còn lớn hơn, bởi số liệu của Sensor Tower chưa tính lượt tải trên Android tại thị trường Trung Quốc, “quê nhà” của TikTok.

Chỉ trong năm ngoái có gần 663 triệu lượt tải TikTok, cao hơn cả 444 triệu lượt của Instagram, cho thấy ứng dụng này hoàn toàn có thể vươn lên dẫn đầu thế giới, trong thời điểm người dùng trẻ từ lâu đã ngán “chơi phây”.

Vẫn theo Sensor Tower, TikTok đứng thứ 4 trong số các app không phải trò chơi được tải nhiều nhất năm 2018, chỉ sau WhatsApp, Facebook Messenger và Facebook. Hiện TikTok có khoảng 500 triệu người dùng thường xuyên trên toàn cầu, theo trang Vox.

TikTok là gì, sao mà mê?

TikTok là mạng xã hội cho phép người dùng quay và chia sẻ các video chỉ dài 15 giây, trong đó họ có thể diễn trò, hát nhép hay nhép miệng theo các đoạn hội thoại đang “hot”. Các bài hát và câu thoại có sẵn trong thư viện của TikTok, và ai cũng có thể thêm vào đó bài hát và đoạn âm thanh của mình.

Chẳng hạn người dùng sẽ quay cảnh mình nhép miệng theo câu nói “thời thượng” nhất hiện nay - “nhiều tiền để làm gì” - với biểu cảm gương mặt càng hài hước càng tốt. App cũng cung cấp các bộ lọc màu và hiệu ứng để video thêm cuốn hút.

Đương nhiên không thể thiếu phần “thả tim”, giống like của Facebook. Một người dùng TikTok chỉ có thể chọn giữ riêng các video của mình hoặc công khai cho tất cả những người khác cùng xem. Không có chế độ “chỉ có bạn bè” hay quy định đối tượng được xem. Đây vừa là cách để ai cũng có thể nổi tiếng trên TikTok, vừa là lỗ hổng cho các mối lo về an toàn, bảo mật thông tin của người dùng, nhất là khi TikTok thu hút người trẻ từ... tuổi tiểu học.

Nếu Facebook ngày càng xô bồ, còn Instagram bị cho là nơi người ta khoe cái lộng lẫy không thật, thì TikTok thu hút người dùng trẻ bằng điều ngược lại: tạo ra một nơi để người ta thỏa thích phơi bày những gì thật nhất về mình, không tô vẽ, cố tình lựa chọn. Thậm chí video càng vui cười, ngớ ngẩn lại càng hay. “Mỗi video 15 giây đơn giản chỉ là chính bản thân bạn, không tô vẽ, không cần cố làm gì đó để chứng tỏ mình sành điệu” - Belle Baldoza, giám đốc truyền thông toàn cầu của TikTok, nói với Channel News Asia.

TikTok là nơi chứa vô vàn các video kỳ quái, khó hiểu, nơi người ta xuất hiện theo cách bất thường và làm những điều bất thường. “Lẽ đương nhiên đây là mồi ngon cho những kẻ ưa châm chọc, nhưng đó lại là thành công của TikTok” - tạp chí The Atlantic nhận định.

Stefan Heinrich, giám đốc marketing của TikTok, nói với tạp chí Variety rằng trong thời đại mạng xã hội, ai cũng cố bày ra cái tôi hoàn hảo trên mạng, nhưng điều khiến TikTok được ưa chuộng là vì “ở đó người ta bộc lộ bản chất thật của mình”.

Các con số sẽ chứng minh nhận định này đúng với cả người dùng phương Tây lẫn phương Đông. Tính trong năm 2018, TikTok là app được tải nhiều thứ sáu tại Singapore, trong khi nó nhận được hơn 240 triệu lượt download ở Ấn Độ. Tại Hong Kong, các học sinh tiểu học và cấp II cũng chơi TikTok và “không có tài khoản TikTok thì các em không còn chuyện gì chung để nói với bạn cùng lớp”, theo báo Hong Kong Economic Journal.

Còn tại Mỹ, cái nôi của Facebook thì sao? Đài CNBC ngày 27-2 cho biết tính từ đầu tháng 11-2018 cho đến thời điểm đó, ứng dụng của Trung Quốc được 39,6 triệu người Mỹ tải về, so với chỉ 70.000 người cài đặt Lasso, ứng dụng “copy” trắng trợn TikTok do Facebook phát triển.

Vui, xả stress, không cần màu mè, TikTok vì thế thu hút cả người trưởng thành, như trường hợp của Nurhayati Abdul Rahim, chuyên viên tài chính 32 tuổi người Singapore. Theo Channel News Asia, sau một ngày làm việc mệt mỏi, Nurhayati sẽ quay video và đăng lên TikTok vào khoảng từ 10h tối đến nửa đêm. “Công việc của tôi toàn số và số, rất căng thẳng - Nurhayati nói - Trong các video TikTok, tôi mang lại tiếng cười và sự hài hước cho chính cuộc sống của mình”.

Và như YouTube là bệ phóng tài năng, vì ai cũng có thể đăng video các phần trình diễn của mình cho cả thế giới cùng xem, TikTok cũng là nơi ai cũng có thể tỏa sáng, chỉ bằng các video dài 15 giây.

Với nhiều bậc phụ huynh, TikTok có thể là vô bổ và mất thì giờ, nhưng giới trẻ thì lại mê mẩn. Ảnh: jakpost.net
Với nhiều bậc phụ huynh, TikTok có thể là vô bổ và mất thì giờ, nhưng giới trẻ thì lại mê mẩn. Ảnh: jakpost.net

Không khắt khe, nhưng cần cẩn trọng

Nhưng câu hỏi quan trọng nhất: TikTok có an toàn không?

Người làm cha mẹ có lý do để lo lắng, bởi họ đã có đủ bài học từ Facebook và Instagram. Chưa kể TikTok là thế giới lạ lẫm với những người không còn trẻ nữa. Không cực đoan đến mức mạng xã hội thu hút giới trẻ nào mới nổi lên cũng đều cho là xấu, nguy hại, song cũng cần biết góc khuất của nền tảng tưởng chỉ có những video ngắn, hài hước này là gì.

Chỉ một ngày sau khi đạt cột mốc 1 tỉ lượt tải về, TikTok lại chiếm sóng truyền thông sau khi nhận án phạt kỷ lục 5,7 triệu USD từ Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ (FTC) vì vi phạm đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân trực tuyến của trẻ em.

Theo đó, ứng dụng đã tự thu thập thông tin của người dùng dưới 13 tuổi, trong khi theo luật thì phải có phần hướng dẫn để các em xin ý kiến cha mẹ trước khi đồng ý để ứng dụng thu thập thông tin cá nhân của mình.

Án phạt là kết quả cuộc điều tra của FTC với Musical.ly từ trước khi TikTok mua lại. Với tư cách chủ sở hữu mới, TikTok phải chịu đóng phạt và sửa nội quy, buộc người dùng khai tuổi khi đăng ký. Ứng dụng cũng sẽ tự động thay đổi để phù hợp với người dùng trẻ em.

Thông tin này đáng chú ý bởi trẻ em, từ cấp tiểu học, đặc biệt ưa thích TikTok. Đài WBTW (bang South Carolina, Mỹ) dẫn lời Rick Floyd, chuyên viên bảo mật thông tin tại một trường tiểu học, cho biết ông rất bất ngờ khi các học sinh lớp 3, 4, 5 đều có TikTok, “trong khi hỏi cha mẹ các em thì họ bảo không hề biết tí gì về ứng dụng này”.

Theo Floyd, điều cần chú ý là trẻ em có thể tiếp xúc với hình ảnh, nội dung không phù hợp thông qua các video trên TikTok. Việc mạng này cho phép ai cũng có thể chia sẻ video với toàn thế giới cũng dẫn đến mối lo về chuyện người lạ có thể quấy rối, dụ dỗ các em qua tin nhắn.

Chuyện ẩn danh trên mạng cũng tiếp tay cho những kẻ có ý đồ xấu. Floyd kể chuyện các bé gái học sinh lớp 3 cứ ngỡ mình đang làm quen với một cậu bé 12 tuổi bị ung thư qua Musical.ly, nhưng cảnh sát sau đó điều tra ra đấy lại là một thanh niên 28 tuổi.

Theo báo South China Morning Post, nhiều học sinh mới 9 tuổi đã vô tư để lộ tên thật, số điện thoại và tên trường qua các video đăng trên TikTok. Nhiều nữ sinh cũng cho biết đã nhận được tin nhắn “làm bạn gái anh nhé” từ người lớn.

Trên thực tế, TikTok có đủ bài học kinh nghiệm từ Facebook hay YouTube để tập trung vào việc kiểm soát nội dung độc hại trên nền tảng của mình, trước hết là thông qua đội ngũ rà soát và xử lý nội dung xấu. Sau án phạt của FTC, TikTok cho biết đã cung cấp bộ lọc các từ khóa xúc phạm, gây hấn trong phần bình luận, cũng như công bố các video giáo dục người dùng trẻ cách giữ an toàn trên không gian ảo.Nhưng đừng quên đó vẫn là những tuyên bố của người bán hàng ■

Phụ huynh thời nào thì cũng thấy thú vui con trẻ là vô bổ. Các mô hình mạng xã hội đã phát triển nhanh đến mức Facebook giờ chỉ còn là sân chơi của “người già”, sinh trong thập niên 1980 trở về trước, Instagram thì được lứa 9X ưa chuộng, còn thế hệ sinh từ năm 2000 trở đi lại thích TikTok.

Nhìn vào “bậc thang tiến hóa” này, có thể rút ra điểm chung là các mạng xã hội ngày càng ít liên quan đến đọc - viết, mà tập trung vào xem - nghe. Những bài viết nhiều chữ trên Facebook, những hình ảnh tĩnh trên Instagram, các video dài trên YouTube sẽ “chịu thua” trước những video chỉ 15 giây. “Quy luật tiến hóa” là thế, không TikTok thì cũng sẽ là một mạng xã hội khác đáp ứng nhu cầu mới của thế hệ người dùng mới. Chỉ còn cách hiểu rõ và biết cách tự bảo vệ mình trước những “phần tử xấu” trên không gian ảo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận