Trị liệu và giảm đau hiệu quả

YÊN LAM 16/05/2018 22:05 GMT+7

TTCT - Thực tế ảo (VR) không còn là công nghệ chủ yếu cho giải trí, những ứng dụng gần đây cho thấy hiệu quả trong nghiên cứu, giảng dạy y khoa, và trị liệu, giảm đau cho bệnh nhân.

trị liệu
trị liệu

 

Bộ phim Ready Player One (Đấu trường ảo) của đạo diễn Steven Spielberg vừa tưng bừng ngoài rạp có một câu đại ý: VR là thế giới mà ở đó người ta có thể làm mọi điều mình không thể làm trong đời thực. “Mọi điều” nghĩa là bao gồm cả phòng mổ ảo hay bài tập trị liệu ảo, nhưng kết quả là thật.

Không chỉ đeo vào và xem các video dưới định dạng 3D và xoay được 360 độ, “bộ đồ nghề” chơi VR ngoài headset (kính đeo quanh đầu) thường kèm bộ điều khiển cầm tay và cảm ứng chuyển động để đồng bộ cử chỉ của người chơi với nhân vật ảo.

Đặc điểm này giúp các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng VR giúp ích cho việc trị liệu vận động. Khi một người đeo thiết bị VR vào và đắm chìm trong không gian hoàn toàn ảo do công nghệ này mang lại, họ không nhất thiết chỉ là giải trí. Xu hướng ứng dụng VR vào chăm sóc y tế được đánh giá nhiều triển vọng không đòi hỏi phải dùng thuốc, từ đó giảm nguy cơ lạm dụng hay lờn thuốc.

Vượt qua nỗi sợ

VR có thể được ứng dụng trong điều trị các chứng nghiện như nghiện ma túy hay lạm dụng rượu, vì giúp người nghiện “luyện” cách tự kiềm chế cám dỗ trong tình huống dễ dẫn đến tái nghiện như ghé vào quán quen hay nhìn người khác chơi thuốc.

Limbix là công ty tiên phong trong việc tạo ra ứng dụng VR nhằm điều trị sức khỏe tâm thần theo hướng tiếp cận này. Chẳng hạn người nghiện rượu sẽ “thăm lại quán cũ” trong môi trường VR và tự học cách kiềm chế bản thân, không quay lại con đường cũ. Sẽ rất nguy hiểm nếu đưa người cai vào các tình huống đó trong đời thật, nhưng nếu thông qua VR thì hiệu quả sẽ khác.

Theo New York Times, công nghệ của Limbix cũng có thể ứng dụng trong trị liệu tâm lý, giúp bệnh nhân chống lại các nỗi sợ, vượt qua ám ảnh, sang chấn tâm lý. Chẳng hạn, với một người từng gặp tai nạn ngay tại một góc đường nào đó, nhà trị liệu “có thể cùng bệnh nhân quay lại nơi đó thông qua VR để họ bày tỏ cảm nghĩ và cảm giác của mình” - một chuyên gia tâm lý giải thích với New York Times. Cách này an toàn và hiệu quả hơn so với thực sự “trở lại hiện trường”, vì muốn đi lúc nào cũng được.

Tương tự, bệnh nhân sợ độ cao có thể tập vượt qua nỗi sợ bằng cách đứng trên các tòa nhà chọc trời và nhìn xuống - dĩ nhiên là trong không gian VR. Các cựu binh bị rối loạn stress sau sang chấn cũng có thể dùng VR để “đối mặt” với những tình huống khiến họ bị ảnh hưởng để tập quen dần, như một phần của quá trình điều trị.

giảm đau

Vật lý trị liệu

VR cũng có thể giúp các bệnh nhân hồi phục chức năng hiệu quả và thoải mái hơn. Tập cử động ngón tay từng chút hay đi từng bước một đòi hỏi không chỉ nỗ lực mà còn bền chí. Ngoài đau đớn, những người bị liệt nửa người do đột quỵ hay tai biến còn thắc mắc không biết mình có tập đúng động tác không.

VR Health Group, công ty có trụ sở ở cả Israel và Mỹ, đã phát triển các chương trình VR giúp bệnh nhân cần hồi phục chức năng cột sống hay cả phần thân trên chơi các trò chơi vui nhộn nhưng đòi hỏi di chuyển trong thế giới ảo, mà thật ra được thiết kế để đúng theo các bài tập trị liệu. Bệnh nhân cũng sẽ biết được họ làm đúng động tác hay không ngay lập tức.

Một nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân tập trị liệu bằng VR và phương pháp thông thường cho thấy những người dùng “công nghệ cao” có hiệu quả phục hồi cử động bàn tay và cánh tay nhanh hơn nhóm còn lại. Một trong những nguyên nhân chính là tập trong không gian ảo an toàn hơn, không sợ té ngã, giúp bệnh nhân tự tin hơn khi tiến hành tập cũng các động tác đó trong đời thật.

Vì được thiết kế ở dạng trò chơi nên các bài trị liệu VR cũng khuyến khích người bệnh tham gia lâu hơn, không ngán và nản như trong đời thật.

Dùng VR để luyện mổ. Ảnh: infinityleap.com
Dùng VR để luyện mổ. Ảnh: infinityleap.com

 

Học y khoa “thật nhất có thể”

Không gì phức tạp bằng các khái niệm trong y khoa. Ngay cả những người kỳ cựu nhất đôi khi cũng khó hiểu nếu các khái niệm phức tạp chỉ được trình bày bằng chữ và hình ảnh. Ghost Productions là công ty chuyên sản xuất các đoạn video 3D chuyên dùng để giảng dạy y khoa.

Một trong các ứng dụng thiết thực nhất của hãng là bài học về cách cấy thiết bị vào cột sống. Sinh viên hay các chuyên gia y tế sẽ đeo kính VR để xem tài liệu này, vốn sẽ giúp họ hình dung dễ hơn và tiếp thu tốt hơn so với cùng nội dung nhưng thể hiện trên sách giáo khoa hay video thông thường.

Không chỉ dừng lại ở bài vở, các bác sĩ cũng có thể quay hình ca phẫu thuật của họ và dựng thành phim VR. Điều này cực kỳ hữu ích vì rất ít sinh viên y khoa có điều kiện theo chân bác sĩ vào phòng mổ và quan sát họ phẫu thuật trong đời thật.

Giờ đây họ chỉ cần đeo thiết bị VR vào là đã “có mặt” tại phòng mổ, có thể thoải mái đi lại, nhìn góc này ngắm ngóc kia mà không sợ khiến bác sĩ phân tâm hay ảnh hưởng chất lượng ca phẫu thuật.

Năm 2016, chuyên gia phẫu thuật ung thư Shafi Ahmed vừa thực hiện một ca mổ ở Bệnh viện Royal London vừa đeo một máy quay VR, có kết nối và phát trực tiếp trên trang web Medical Realities. Người nhà bệnh nhân, báo giới và bất kỳ ai đều có thể theo dõi trực tiếp ca mổ vô cùng sống động.

Trong khi đó, các nhà phẫu thuật thần kinh thuộc University of California - Los Angeles (UCLA) cũng đã sử dụng thiết bị VR Oculus Rift để thực hành và “luyện tay nghề” phẫu thuật não. Với “phiên bản VR” của bộ não người bệnh được tạo nên từ ảnh chụp CT và MRI, các bác sĩ có thể phân tích chi tiết để đưa ra kế hoạch phẫu thuật. Các bác sĩ cũng có thể “mổ ảo” trong nền tảng VR với các ca khối u hay dị dạng mạch máu não trước khi thực sự cầm dao mổ lên trong đời thật.

Việc mổ bằng VR sẽ giúp các bác sĩ tăng cường khả năng quản lý tình huống cũng như kỹ năng phẫu thuật, giúp tránh làm tổn thương cơ quan nhạy cảm này khi tiến hành phẫu thuật thực sự. Các đoạn băng ghi lại những ca mổ VR này của các bác sĩ cũng sẽ trở thành tư liệu quý cho sinh viên.

Ảnh: Shutterstock

Trấn an, xoa dịu

Không tính đến những trường hợp nguy kịch buộc phẫu thuật mà gia đình phải ký cam kết với bác sĩ, có những ca mà những người sắp lên bàn mổ vẫn còn tỉnh táo và ý thức được chuyện gì đang chờ đợi mình, và sợ hãi là điều không tránh khỏi.

Công ty Surgical Theater đã phát triển các ứng dụng VR để bệnh nhân cần phẫu thuật liên quan đến đầu gặp một bác sĩ ảo, người sẽ giới thiệu họ các phần khác nhau của não và chức năng của chúng, thậm chí cả quy trình mổ (đi vào hộp sọ thế nào, sau đó sẽ làm gì...). Surgical Theater tin rằng có được cái nhìn sống động về ca mổ, biết chắc mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào sẽ giúp người bệnh đỡ lo lắng. Trung tâm y khoa của Đại học Stanford là một trong những nơi đang ứng dụng công nghệ này.

Năm 2016, hai sinh viên Đại học SFU Surrey (Canada) đã tiến hành dự án Farmoo, tạo ra các game VR giúp người đang nằm viện có thể giải trí và quên cảm giác đau đớn của bệnh tật. Farmoo cho phép người bệnh “thoát” khỏi giường bệnh và bốn bức tường bệnh viện để đắm chìm vào đại dương giữa bầy cá heo, trải nghiệm chuyến bay bằng trực thăng hay thậm chí là thăm Bắc Cực, tất cả chỉ bằng cách đeo thiết bị VR.

Hãng công nghệ Karuna Labs cũng cung cấp giải pháp trị liệu thông qua VR để giúp người bị các chứng đau mãn tính. Bằng cách tham gia các trò chơi vận động trong ứng dụng của Karuna Labs, người bệnh cũng đồng thời thực hành trị liệu để giảm đau và vui sống. Trung tâm Virtual Reality Medical Center (San Diego, Mỹ) lại dùng VR giúp bệnh nhân “phân tâm” và không chú ý đến sự khó chịu hay đau đớn trong điều trị, chẳng hạn như nội soi dạ dày. Khi bác sĩ nội soi, bệnh nhân sẽ đeo thiết bị VR để được ngắm cảnh lâu đài, vách núi, bãi biển hay khu rừng, các khung cảnh được chứng minh là có tác dụng giúp người xem giảm stress và ít thấy đau đớn hơn.■

Thực sự thấu cảm người bệnh

Đối với các sinh viên y khoa trẻ tuổi, thật khó có thể hoàn toàn thấu hiểu những gì mà một người mắc các bệnh do lão hóa thực sự gặp phải. Công ty Embodied Labs đã phát triển “We Are Alfred”, một game VR giúp sinh viên vào vai Alfred, một người Mỹ gốc Phi 74 tuổi bị lãng tai và thoái hóa điểm vàng ở mắt do lão hóa.

Người chơi sẽ trải qua các tình huống giả định, chẳng hạn gia đình tổ chức sinh nhật nhưng mắt Alfred chỉ thấy một đốm đen, hay gặp bác sĩ mà chẳng nghe được thầy thuốc nói gì - những trải nghiệm vô cùng chân thực để sinh viên hiểu thế nào là lão hóa.

Ryan Lebar, giám đốc Embodied Labs, cho rằng điều này giúp các bác sĩ tương lai thấu cảm hơn khi sẽ có lúc họ buộc phải thông báo với bệnh nhân rằng “bác sẽ phải chịu những sự bất tiện này đến hết đời”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận