Từ SARS đến COVID-19: Hai lần cùng doanh nghiệp chống bão dịch bệnh

HỒNG VÂN 10/05/2020 20:05 GMT+7

TTCT - Từng kinh qua dịch SARS và nay là COVID-19, Jean-Luc Voisin, nhà sáng lập và tổng giám đốc Les Vergers Du Mékong (Vườn trái Mekong - LVM), cho rằng với doanh nhân, khó khăn là những cơn bão, nhưng sóng gió qua đi, thuyền sẽ lại ra khơi.

Jean-Luc Voisin, nhà sáng lập và là tổng giám đốc Công ty Les Vergers. Ảnh: NVCC
Jean-Luc Voisin, nhà sáng lập và là tổng giám đốc Công ty Les Vergers. Ảnh: NVCC

Ông Jean-Luc đã chia sẻ những ngày vượt bão của hôm nay và 17 năm trước với Tuổi Trẻ Cuối Tuần ở thời điểm bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội tại Việt Nam.

Sóng gió 2020 & 2003: giống và khác

LVM được thành lập vào ngày đặc biệt, 29-2-2000. Kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty LVM ở Việt Nam đến cùng một sự kiện không thể thách thức hơn khi dịch COVID-19 buộc nhiều dịch vụ đóng cửa, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng trên khắp thế giới.

Công ty LVM sản xuất nước ép trái cây nguyên chất đóng hộp cung cấp cho các khách sạn đình đám nhất ở Việt Nam như chuỗi Accor, Caravelle, Rex, Sheraton, Park Hyatt… Khi những nơi này vắng bóng du khách, nhà máy của ông Jean-Luc lập tức nếm mùi vị của sự khó khăn.

Jean-Luc cho biết: “Các khách sạn lớn bắt đầu ngừng mua hàng. Do nguồn thu của họ đột ngột dừng lại, việc thanh toán cho công ty chúng tôi cũng bị chậm trễ”.

Tại thời điểm này, ở thị trường nội địa, 60-70% sản phẩm của công ty tập trung vào mảng khách sạn. Khi nhu cầu trong phân khúc này đột ngột giảm, bộ phận tiếp thị của công ty ngay lập tức phải tìm cơ hội ở kênh bán lẻ và bán hàng trực tuyến.

Sự chuyển hướng gấp rút này, theo ông Jean-Luc, cho hiệu quả rất tốt nếu không muốn nói là thành công lớn vì trong lúc ở nhà phòng tránh dịch bệnh, người dân vẫn có nhu cầu uống nước trái cây, đặc biệt là sản phẩm có lợi cho sức khỏe.

Khó khăn năm 2003 với Công ty LVM nặng hơn vì công ty khi đó còn rất non trẻ, thị trường nội địa chỉ có mảng khách sạn, kênh phân phối ở siêu thị không đáng kể. Từ giữa tháng 3 đến tháng 7-2003, 95% hoạt động của công ty phải dừng lại.

Sau 17 năm, công ty mở rộng thêm hai lĩnh vực là xuất khẩu và bán lẻ qua hệ thống siêu thị. Nhờ bỏ trứng vào nhiều rổ, các hoạt động của họ chỉ giảm 25-30% so với bình thường trong dịch COVID-19 nhưng đã có dấu hiệu sôi động trở lại vào cuối tháng 4-2020. Trong 3 tháng qua, LVM duy trì sản xuất 5 ngày/tuần (ngừng ngày thứ bảy) và chỉ sản xuất một ca (thay vì hai ca) như trước.

Với thị trường xuất khẩu, kênh vận tải đường biển may mắn không bị ngừng hoạt động như ngành hàng không. Giao thông vận tải trong nước có chậm lại nhưng không hơn 4-5 ngày làm việc. LVM có thể đưa hàng đến đa số các thị trường nước ngoài bằng tàu biển.

Do các chuyến bay thương mại bị ngừng, việc gửi sản phẩm mẫu trước khi xuất hàng trước đây chỉ cần 2 ngày, nay kéo dài thành 2 tuần. Tổng cộng, mỗi lô hàng kéo dài thêm 3 tuần, tiền thanh toán của khách hàng cũng bị chậm theo.

Jean-Luc cho biết công ty đã chèo chống đủ cách, trong đó có những phương án từng áp dụng trong dịch SARS năm 2003 để vượt qua khó khăn hiện tại: “Tôi đã phải lặp lại cuộc nói chuyện mà tôi từng ước không phải làm lại lần nữa hồi năm 2003. Khi đó, tôi có 30-40 nhân viên.

Tôi mời tất cả đến và chia sẻ công ty có thể cầm cự nhiều lắm là 6 tháng. Nếu tình hình vẫn tồi tệ, chúng tôi buộc phải cho một nửa nghỉ việc. Cuộc họp kết thúc với giải pháp giảm nửa lương để giữ lại tất cả mọi người. Thật ra, lúc đó tôi không biết trước tương lai. Tôi chỉ hi vọng việc kinh doanh sẽ trở lại bình thường”.

Năm 2020, Jean-Luc có 200 nhân viên và thân thiết với họ như gia đình. Ông đề nghị mỗi người tình nguyện giảm một ít lương trong khả năng có thể. “Ai cũng có hoàn cảnh riêng nên tôi chỉ kêu gọi sự tình nguyện. Tôi cũng nói rõ là hi vọng trong vòng 2-3 tháng sau khi hoạt động lại bình thường, công ty sẽ trả lại phần lương này” - ông chia sẻ.

Sau cuộc nói chuyện đó, tổng cộng LVM giảm được 40% quỹ lương. Cá nhân ông không nhận lương trong 3 tháng qua. Công ty cũng triệt để tiết kiệm và thử tất cả các khả năng khác như làm việc với ngân hàng, xin hoãn tiền thuế, giãn các khoản thanh toán với nhà cung cấp bao bì.

Họ ngừng dịch vụ với công ty bảo vệ. Các nhân viên thay nhau đảm bảo an toàn nhà máy, phó giám đốc công ty cũng ngủ lại trong nhà kho vào buổi tối để canh gác.

Kịch bản và thời gian dịch COVID-19 năm nay gần như trùng khớp với dịch SARS trước đây, việc kinh doanh đang tốt thì xấu hẳn đi từ giữa tháng 3. Jean-Luc dự báo tình hình năm nay có thể rơi vào quỹ đạo tương tự, mọi thứ chỉ có thể trở lại bình thường vào tháng 9 tới.

Dù vậy, khó khăn do COVID-19 sẽ dài hơi hơn do nhiều lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm như du lịch quốc tế, hàng không. Trong dịch SARS năm 2003, chỉ một số nơi như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Việt Nam… bị ảnh hưởng trong khoảng 4 tháng nhưng với COVID-19, hơn 200 nước trên thế giới bị ảnh hưởng.

Vượt qua dịch SARS, công ty của ông Jean-Luc bù lại toàn bộ tiền lương chậm trả cho nhân viên trong vòng một năm. Lần này, ông hi vọng công ty sẽ hòa vốn trong năm tài chính 7-2019 đến tháng 6-2020 và có thể sớm bù đắp cho các nhân viên của mình.

Ông Jean-Luc với đội nhân viên phụ trách ngành hàng khóm của công ty. Ảnh: NVCC
Ông Jean-Luc với đội nhân viên phụ trách ngành hàng khóm của công ty. Ảnh: NVCC

Bảo vệ nông dân

Jean-Luc đến Việt Nam vào những năm 1990 theo chương trình về cây đậu nành của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO). Ở tuổi 47, sau 25 năm chu du khắp các châu lục, ông quyết định dừng chân ở đâu đó và cân nhắc các yếu tố tài nguyên thiên nhiên, cơ hội kinh doanh, điều kiện sống, giáo dục (con nhỏ của ông lúc đó 10 tuổi), an ninh... Ông đã chọn Việt Nam để làm việc và định cư.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nhỏ ở Pháp, với ông, việc gắn bó với nông dân, nông nghiệp là điều tự nhiên. Ông tâm sự trong những năm 1950, Pháp có hơn 3 triệu nông dân nhỏ. Hiện nay chỉ còn chưa đến 400.000 nhưng tình hình khó khăn đến nỗi nhiều nông dân tự tử vì bế tắc và thua lỗ. Càng canh tác lớn họ càng không có lợi nhuận.

Ông trăn trở sau mỗi vụ mùa thất bát dù theo nghĩa nào, mất mùa thuần túy hay được mùa nhưng rớt giá thì càng có thêm nhiều nông dân rời bỏ nông thôn đi làm thuê ở các thành phố. Trồng gì để có đủ thu nhập cho tất cả chi phí của một gia đình 4 người dựa vào 1-2ha (diện tích đất nông nghiệp trung bình nông dân sở hữu)? Jean-Luc cho biết quan điểm của ông là nếu làm nông nghiệp chạy theo sản lượng - năng suất cao và giá rẻ - nông dân sẽ không thể nào sống nổi.

Trong dịch bệnh COVID-19, nhiều nông dân đã ở trong hoàn cảnh phải cầu nguyện để có thể bán được trái cây họ vất vả trồng được mỗi ngày. Giải pháp của ông là sản xuất theo hướng chất lượng cao, giá cao với điều kiện nông dân thay đổi cách làm, trồng theo quy trình sạch.

Các kỹ sư của LVM thăm vườn của nông dân đều đặn mỗi tháng. Nông dân có trách nhiệm cập nhật việc sử dụng phân bón, thuốc cho cây vào ứng dụng WeTrace trên điện thoại để công khai quá trình canh tác với công ty và khách hàng.

Ứng dụng này cũng giúp dự báo, cảnh báo sớm các dịch bệnh có thể xảy ra trong vùng vì khi một nhà vườn xuất hiện bệnh, các kỹ sư có thể dự báo và cảnh báo vườn khác chuẩn bị phương án phòng ngừa.

Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, sạch theo chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hay cao hơn là hữu cơ, LVM thuyết phục nông dân làm nông nghiệp sạch, từ bỏ thói quen xài phân hóa học, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu. Bên cạnh việc thường xuyên hướng dẫn quy trình, kỹ thuật, tập huấn cho nông dân, ông Jean-Luc có “cây gậy” và “củ cà rốt”.

Để sản xuất một lít nước ép trái cây thành phẩm sẽ có khoảng 1kg bã trái, quả đi kèm. Công ty xử lý phần bã trái cây này thành phân hữu cơ tặng cho những hộ tuân thủ quy trình sản xuất tốt. Đó là “củ cà rốt”, còn “cây gậy” là ngừng hợp tác hoặc thu mua với giá rẻ hơn. Đến nay, sau 20 năm, từ số lượng 200 nông dân, nay công ty đã hợp đồng với 2.000 nông dân. ■

Ông Jean-Luc cho biết ngoài SARS hay COVID-19, cuộc sống luôn có những khó khăn. Trong nông nghiệp, riêng về dịch bệnh còn có cúm gia cầm, cúm lợn. Tất cả những dịch bệnh này đều ảnh hưởng đến sức mua, đến thị trường dù là cách này hay cách khác.

Ông coi khó khăn là những cơn bão mà doanh nhân cần mạnh mẽ chống chọi và tiến lên khi trời quang mây tạnh. Trong hoàn cảnh nào, ưu tiên số 1 của ông là bảo vệ người lao động và nông dân.

Công ty của ông, một công ty quy mô vừa và nhỏ vận hành theo kiểu gia đình, có nhiều người đã gắn bó từ những ngày đầu thành lập đến nay. Ông chia sẻ mình giữ trong điện thoại tin nhắn một nông dân có nhiều năm hợp tác với công ty gửi cho ông, tin nhắn có thể được dịch từ Google với ý nghĩa: “Jean-Luc ơi, ông là anh hùng của chúng tôi”. Ông lưu tin nhắn này trong điện thoại để nhắc mình về mục tiêu bảo đảm đời sống của họ.

Tôi muốn bảo vệ người lao động và nông dân trong tình huống khó khăn nhất. Tôi sắp 70 tuổi, tôi muốn mỗi ngày nhìn vào gương, mình hạnh phúc với con người đang nhìn mình.

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận