Vấn đề là ở người không tiêm

HỒNG VÂN 01/07/2021 02:55 GMT+7

TTCT - Các ca nhiễm mới, thậm chí ổ dịch mới sẽ bắt đầu từ những người không tiêm và có thể sau đó, khiến những người đã tiêm cũng nhiễm.


 
 Ảnh: Reuters

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có nhiều tiêu chí được quan tâm khi đánh giá hiệu quả của vaccine COVID-19 như: tỉ lệ chết/bệnh nặng/xuất hiện triệu chứng bệnh; tỉ lệ nhiễm và lây bệnh; triệu chứng xác định trong phòng thí nghiệm so với các triệu chứng lâm sàng và thời hiệu bảo vệ của vaccine. Trong bối cảnh xuất hiện những biến thể mới của virus hiện nay, chỉ tiêu hiệu quả với từng biến thể cũng cần được các quốc gia xem xét.


Tạp chí Time dẫn lời các chuyên gia khẳng định: Không có loại vaccine hay phương thức điều trị nào có hiệu quả 100% nên kỳ vọng của chúng ta với vaccine cần thực tế. 

Tại Mỹ, trong khoảng hơn 101 triệu người đã được tiêm vaccine đầy đủ, có một tỉ lệ rất nhỏ (0,01%) các trường hợp vẫn nhiễm COVID-19 2 tuần sau khi hoàn thành liều tiêm thứ hai. Với các chuyên gia, tỉ lệ rất nhỏ này chứng minh rằng vaccine thực sự có hiệu quả chứ không phải tạo ra nghi ngại. 

Theo Time, với cả ba loại vaccine đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ là Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson&Johnson, cơ quan chức năng cũng đánh giá hiệu quả của vaccine dựa trên khả năng bảo vệ người được tiêm khỏi các triệu chứng của bệnh COVID-19 chứ không phải ở hiệu quả bảo vệ họ không bị nhiễm bệnh.

Trong những tháng triển khai tiêm vaccine ở Mỹ, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu và khẳng định tỉ lệ nhiễm virus ở những người đã tiêm thấp hơn ở những người chưa tiêm. Bonnie Maldonado, thành viên ủy ban đánh giá vaccine của Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), cho rằng chỉ cần quan tâm đến các trường hợp phải nhập viện và tử vong là đủ. Các ca bệnh này sẽ cảnh báo đến cơ quan chức năng khi cần báo động về tác dụng bảo vệ của vaccine.

 
 Tổng hợp dữ liệu: Hồng Vân. Đồ hoạ: Lê Thân

Lo ngại lớn nhất, không phải là ở vấn đề đã tiêm vaccine mà vẫn có một tỉ lệ nào đó vẫn nhiễm bệnh mà chính là các trường hợp không tiêm. 

Các ca nhiễm mới, thậm chí ổ dịch mới sẽ bắt đầu từ những người không tiêm và có thể sau đó, khiến những người đã tiêm cũng nhiễm. 

Các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay có hiệu quả cao nhưng hiệu quả này sẽ bằng 0 nếu người dân không chịu tiêm.

Trong khoảng chục ngày qua, biến thể Delta (lần đầu phát hiện ở Ấn Độ) đã lây lan nhanh ở vùng nông thôn ở hai bang Kansas và Missouri. 

Nguyên nhân là do tỉ lệ tiêm vaccine tại các bang này còn thấp. Missouri mới có 43,4% dân số được tiêm một liều và 37,7% tiêm đầy đủ, thấp hơn tỉ lệ trung bình cả nước khoảng 10%.

Tại Anh, số liệu của Cục Thống kê quốc gia từ ngày 6 đến 13-6, đăng trên BBC cho thấy số ca bệnh trong tuần tăng nhẹ do biến thể Delta. 

Nhưng dữ liệu cho thấy vaccine rất có hiệu quả. Một liều vaccine cũng giúp làm giảm 75% nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh. 

Ở những ai đã tiêm đủ hai liều, khả năng mắc bệnh và nhập viện giảm hơn 90%. Trong số 806 người bị nhiễm biến chủng Delta phải nhập viện ở Anh trong tuần được thống kê, có 527 (65%) người chưa tiêm, 135 (17%) người đã tiêm liều đầu được hơn 21 ngày và 84 (10%) người đã tiêm liều thứ hai hơn 14 ngày.

Mặc dù biến thể Delta là góp phần gây ra 90% số ca mắc COVID-19 tại Anh do biến thể này lây nhanh hơn biến thể Alpha (lần đầu phát hiện tại Anh) khoảng 40 - 50%, những người lớn tuổi, đã tiêm đủ 2 liều vaccine được bảo vệ rất tốt. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận