Cựu Đại sứ Anh Mark Kent: "Như ngày hôm qua…"

MAI MAI HƯƠNG 18/03/2023 16:32 GMT+7

TTCT - "Cứ như đi ngược thời gian" - vị cựu đại sứ nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần vào chiều 23-2, trong khi đợi tàu đi tham quan dọc sông Sài Gòn ở bến buýt đường sông Waterbiz.

"Cứ như đi ngược thời gian" - vị cựu đại sứ nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần vào chiều 23-2, trong khi đợi tàu đi tham quan dọc sông Sài Gòn ở bến buýt đường sông Waterbiz. 

Với ông, đó không chỉ là những xúc cảm thú vị khi được trở lại sau 12 năm mà còn là cảm xúc cho những khởi đầu mới.

Cựu đại sứ Anh Mark Kent lên buýt sông thăm lại TP.HCM sau 12 năm. Ảnh chụp vào chiều 23-2-2023. (Ảnh: Hữu Hạnh)

Cựu đại sứ Anh Mark Kent lên buýt sông thăm lại TP.HCM sau 12 năm. Ảnh chụp vào chiều 23-2-2023. (Ảnh: Hữu Hạnh)

Tôi nhớ trước khi ông rời Việt Nam 12 năm trước, ông đã nói rằng ngày nào đó ông sẽ quay lại Việt Nam. Và giờ ông đã thực hiện được điều này. Ông có kế hoạch cho điều này từ ngày đó ư?

- À, đó là một cách diễn đạt ước mong của tôi, chứ hồi đó tôi không biết được mình có cơ hội quay lại Việt Nam hay không. Trong đời này bạn chẳng bao giờ biết được điều gì có thể xảy ra, nhưng (hồi đó) tôi đã rất mong có dịp quay lại. Tôi rất thích quãng thời gian sống ở Việt Nam và rồi đôi lúc điều gì đó xảy ra là bởi có một lý do gì đó mà chúng ta gọi là karma (nghiệp). 

Bỗng nhiên, tôi nhận được cuộc gọi từ sứ quán và tổng lãnh sự quán Anh hỏi "Ông có thể sang Việt Nam không? Để nói chuyện về việc ông viết blog, về truyền thông, làm thương hiệu, và về cách làm thế nào Anh có thể hợp tác với Việt Nam?". Đó là một phần của chương trình kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Cùng lúc đó thì ở Anh tôi cũng được mời làm chủ tịch cho tổ chức hữu nghị Vietnam - UK Network. Hai việc này hợp lại, cuối cùng thì tôi đã đến Hà Nội và TP.HCM.

Nó là một giấc mơ. Một giấc mơ đã trở thành sự thật. Một giấc mơ đẹp và rất là bận rộn, vì tôi có rất nhiều hoạt động trong lần viếng thăm này.

Hồi rời Việt Nam 12 năm trước, ông được cử sang làm đại sứ tại Thái Lan rồi Argentina. Chắc ông đã học thêm hai thứ tiếng nữa rồi. Vậy tiếng Việt của ông giờ thế nào rồi?

- Tôi đã học tiếng Thái. Tôi được cho nhiều thời gian hơn để học tiếng Thái, nên tôi dùng tiếng Thái thành thạo khi làm việc ở Bangkok. Rồi khi đến Argentina thì tôi dùng tiếng Tây Ban Nha, một ngoại ngữ tôi đã biết từ trước… Còn tiếng Việt thì "tôi nói tiếng Việt một ít" (nói bằng tiếng Việt). 12 năm qua tôi không nói tiếng Việt, nhưng bất cứ tiếng nước nào nếu nó đã ở trong đầu bạn thì nó sẽ trở lại nếu bạn quay lại đất nước đó một thời gian. Vì vậy, nếu tôi ở đây hai tháng thì tiếng Việt của tôi sẽ quay trở lại đấy. Tôi chắc chắn luôn!

Ông vẫn gửi lời chúc Tết đến bạn bè Việt Nam và cả những người theo dõi ông trên mạng xã hội hằng năm. Theo tôi nhớ là ông chưa từng bỏ lỡ năm nào.

- Tôi không bao giờ bỏ quên Tết, vì tôi biết ở Việt Nam dịp này quan trọng thế nào về mặt tình cảm và văn hóa. Tôi luôn nhớ gửi lời chúc Tết tới bạn bè Việt Nam vì đó là cách thể hiện tình bạn, nó giống như việc ta nhớ ngày sinh nhật của mọi người vậy. Để biết ngày nào là ngày đầu năm mới âm lịch thì tôi thường xem trên Internet. Như năm nay chẳng hạn, Tết vào tháng Một sớm hơn mấy năm khác. Năm nay ở Việt Nam là năm con mèo, còn các nước khác thì gọi là năm con thỏ. Những điều này tôi biết được cũng là nhờ hay nói chuyện với các bạn người Việt.

Cựu Đại sứ Mark Kent (Ảnh: Hữu Hạnh)

Cựu Đại sứ Mark Kent (Ảnh: Hữu Hạnh)

Chúng ta vẫn biết rằng mọi thứ thay đổi sau 12 năm. Ấn tượng của ông về Việt Nam bây giờ thế nào?

- Chuyến bay của tôi đến Việt Nam hạ cánh ở TP.HCM trước, lúc đó trời nắng và nóng. Rồi tôi đổi máy bay để ra Hà Nội. Khi tôi đến Hà Nội thì, như mọi khi, Hà Nội luôn bị bao phủ bởi mây mờ. Điều này làm ký ức quay trở lại. Thật là thú vị khi ta xa một nơi nào đó, trong trường hợp của tôi là đến tận 12 năm, rồi khi trở lại thì có cảm giác thân thuộc như về nhà vì ta nhận thấy mình thoải mái khi trở lại trong môi trường đó. 

Tôi đã đi quanh Hà Nội và TP.HCM, cứ như thể tôi chưa từng rời xa vậy, cứ cảm thấy tự nhiên thoải mái như đã từng thế. Và thời gian được nối lại, giống như 12 năm trước mới chỉ là ngày hôm qua.

Điều tôi ấn tượng ở Hà Nội là sự xây dựng. Từ sân bay về có rất nhiều công trình mới, đường sá đã tốt hơn rất nhiều nên đi từ sân bay về nhanh hơn rất nhiều so với hồi tôi ở đây 12 năm trước. Chỉ đến khi vào trung tâm thì tôi mới nhận ra khu vực mà tôi từng biết. Và khi đã nhận ra, tiềm thức được gợi lại và tôi cảm thấy thoải mái khi đi quanh đường phố Hà Nội cho dù đó là lần đi dạo đầu tiên sau 12 năm. 

Tôi ở Hà Nội hai ngày với lịch trình rất bận rộn, song thích nhất là được đi bia hơi với đồng nghiệp cũ ở đại sứ quán, nói chuyện với họ về những gì đã xảy ra trong bao năm qua. Nhưng bận quá nên chẳng có thời gian cho đá bóng!

Hồi trước ông từng đi từ quận 1 qua Thủ Thiêm trên một chuyến phà ngang sông Sài Gòn, giờ ông lại đi trên sông này bằng một chuyến tàu tiện nghi. Ông cảm thấy thế nào?

- Tôi rất thích đi trên sông. Gió mát và bạn có dịp nhìn ngắm hai bờ. Đó là dịp tốt để thấy mọi thứ phát triển và thay đổi thế nào. Thật là thích. Trước khi lên chuyến tàu vừa rồi, tôi có một cảm giác rất là vui vì đã ở cùng một nơi và làm cùng một việc là đi qua cùng một dòng sông. Nó làm tôi nhớ lại cảm giác đi phà qua sông Sài Gòn hồi trước.

Ông cảm thấy thế nào về việc quay lại những đất nước mà ông đã từng làm đại sứ?

- Thực ra khi tôi rời một đất nước nào đó tôi không quay lại ngay, vì ta phải sống với hiện tại và phải thận trọng để không sống mãi với quá khứ. Những gì ta cần tập trung phải là sống trong thực tại, dù vẫn giữ những ký ức đã có, cho đến lúc chắc chắn rằng ta không quay lại với quá khứ nữa, mà thực sự sống trong một chương đời mới. 

Với tôi, việc quay lại đây, nói chuyện về những gì tôi đã học được từ sự nghiệp ngoại giao là một phần của việc hợp tác với Đại sứ quán Anh và Bộ ngoại giao, nhưng tôi mang đến đây một chương mới với tư cách là chủ tịch mới của Vietnam - UK Network. Nó là một cơ hội để bắt đầu một chương mới với Việt Nam.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! 


Bưởi Diễn và bưởi Tân Lạc từ Hòa Bình (Việt Nam) lần đầu tiên được bán trong chuỗi siêu thị Longdan ở Anh từ ngày 9-2-2023. Ảnh: Đại sứ quán Anh

Bưởi Diễn và bưởi Tân Lạc từ Hòa Bình (Việt Nam) lần đầu tiên được bán trong chuỗi siêu thị Longdan ở Anh từ ngày 9-2-2023. Ảnh: Đại sứ quán Anh

Theo thống kê chính thức của Bộ Thương mại quốc tế Anh công bố ngày 17-2-2023, tổng giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Anh và Việt Nam trong bốn quý tính tới cuối quý 3-2022 là 6,4 tỉ bảng (7,7 tỉ USD), tăng 20,5% - tương đương 1,1 tỉ bảng, so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Anh xuất khẩu sang Việt Nam 950 triệu bảng và nhập khẩu 5,4 tỉ bảng. Dù thương mại song phương đã tăng liên tục 10 năm qua, từ mức 3 tỉ bảng năm 2012, tức tăng 113% trong một thập niên, Việt Nam vẫn chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 41 của Anh trên thế giới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Anh vào Việt Nam năm 2021 cũng là 785 triệu bảng (945 triệu USD), chỉ hơn 3% tổng FDI vào Việt Nam. (Ở chiều ngược lại, Việt Nam đầu tư trực tiếp 21 triệu bảng vào Anh - con số không đáng kể so với một nền kinh tế hàng đầu châu Âu và thế giới).

Năm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Anh vào Việt Nam trong giai đoạn thống kê nói trên là bột giấy và giấy tái chế, sản phẩm dược và y tế, đồ uống, thiết bị khoa học và nhựa đã qua chế tạo. Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ Việt Nam được Anh nhập khẩu nhiều nhất là thiết bị viễn thông và âm thanh, quần áo, giày dép, đồ nội thất và sản phẩm sắt - thép.

Sau Brexit, Việt Nam và Anh đã ký hiệp định thương mại tự do, có hiệu lực từ tháng 12-2020.

Theo đại sứ Anh đương nhiệm tại Việt Nam Iain Frew, năm 2022 có khoảng 15.000 du học sinh Việt Nam đang theo học ở Anh, dù cũng tăng liên tục, còn chiếm một tỉ lệ nhỏ trong 130.000 du học sinh Việt Nam ra nước ngoài (số liệu 2018).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận