Đã đến, đã nhìn và đã thấy

CẨM HÀ 07/09/2003 08:09 GMT+7

TTCT - Cuộc phỏng vấn mới đây của nhà báo với hạ nghị sĩ Ted Harvey bỗng chốc biến thành một cuộc tranh luận khi ông này cố gắng làm cho phóng viên VN hiểu rằng nước Mỹ có sứ mạng “cao cả” thế nào đối với một số quốc gia đang “thiếu tự do”.

 Hạ nghị sĩ Ted Harvey (Ảnh: AP)

* Mỗi năm VN nhận được hơn 2 tỉ USD viện trợ phát triển (ODA), trong đó những nhà tài trợ hàng đầu là Nhật Bản, EU... Rất tiếc là Mỹ chưa bao giờ lọt vào danh sách này.

- Vậy sao, tôi không biết điều này. Có lẽ Chính phủ Mỹ sẽ không viện trợ nhiều cho đến khi VN đáp ứng được một số yêu cầu. Cũng giống như việc VN chưa là thành viên của WTO vậy. Chúng tôi gắn việc gia nhập WTO của VN với một số điều kiện. Cho đến khi VN đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi thì...

* Là những yêu cầu nào thưa ông?

- Về tự do chẳng hạn...

* Nhưng ở đây bản thân chúng tôi chẳng thấy mình thiếu tự do gì cả. Chúng tôi tự do đi làm, tự do du lịch, tự do yêu đương, kể cả tự do đi gặp những chính trị gia Mỹ như ông.

- Nhưng không phải thứ tự do mà chúng tôi có ở Mỹ.

* Ông có gặp ai ở VN tới yêu cầu ông giúp đỡ để họ có tự do kiểu Mỹ?

- Không, nhưng chúng tôi chỉ muốn giúp đỡ mọi người thôi. Tôi nghĩ việc tăng giao thương, đầu tư phải gắn với những điều kiện như vậy.

* Chỉ bởi các ông là một nước giàu...?

- ....

* Tôi đã từng gặp nhiều chính khách và cựu chiến binh Mỹ. Họ đều nói nước Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để hàn gắn vết thương chiến tranh cho VN. Họ đang cố hết sức để giúp đỡ VN theo cách của họ và không thấy ai nhắc tới những điều kiện như ông vừa nói.

Tuy nhiên, hạ nghị sĩ Ted Harvey công nhận sau hai tuần ở VN ông đã cảm nhận được nhịp phát triển kinh tế - thương mại đầy sôi động của VN. Ông nói:

- Tôi đã tới Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long và TP.HCM, xây dựng được nhiều mối quan hệ với các quan chức ở đây. Về phát triển kinh tế thì VN đang đi rất đúng hướng. Quan chức Bộ Tư pháp cho chúng tôi biết VN đang đẩy mạnh cải cách luật lệ cho phù hợp với thế giới. Điều này rất tốt.

Tôi cũng rất phấn khởi khi nghe lãnh đạo TP.HCM thông báo Mỹ đã trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại TP.HCM. Tôi không hề biết những điều này trước khi tới đây. Tôi có một người bạn thân kinh doanh đồ nội thất. Ông ấy đã có ba chi nhánh ở Trung Quốc. Khi trở về, tôi sẽ nói chuyện với ông ấy nên suy nghĩ về việc mở thêm chi nhánh ở VN.

* Ông có thấy rằng chính sách đối ngoại của chính quyền Bush là khá cứng rắn?

- Cá nhân tôi không nghĩ vậy. Nhìn đơn giản thì dưới thời chính quyền Clinton, chúng ta đã bình thường hóa quan hệ, chúng ta có BTA, có chuyến thăm VN của ông Clinton. Còn hiện nay, hai nước vấp phải những vấn đề như cá ba sa và cả những tranh cãi xung quanh nỗ lực gia nhập WTO của VN.

Phân tích kỹ thì thấy hai nước đang thực hiện những cam kết của mình và trong quá trình triển khai chắc hẳn phải nảy sinh nhiều tranh luận, nhiều va chạm. Vậy nên, tôi không nghĩ chính quyền nào dễ dàng hơn hay cứng rắn hơn. Nó tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển quan hệ của chúng ta.

* Nếu bản thân ông có cơ hội can dự vào việc hình thành chính sách đối với VN, ông sẽ có những ý tưởng gì?

- Tôi không rõ. Nhưng tôi nghĩ là sau khi VN gia nhập WTO, đẩy mạnh cải cách luật pháp, môi trường đầu tư thông thoáng hơn thì nhất định bản thân tôi sẽ có hoạt động kinh doanh tại VN, hoặc tôi sẽ khuyến khích bang của tôi mở văn phòng đại diện thương mại tại VN. Nhưng trước hết VN phải cải thiện được những vấn đề kia đã...(!?)

Hi vọng rằng những người có định kiến về VN như hạ nghị sĩ Ted Harvey chỉ là thiểu số ở nước Mỹ. Bởi nếu không, nước Mỹ hẳn sẽ rất lúng túng khi phải trả lời câu hỏi: “Ép buộc mọi người phải giống mình bằng mọi cách liệu có phải là một hình thái của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa mà Mỹ đang hằng giờ, hằng ngày lên án và kêu gọi thế giới xóa sổ?”.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận