Đài Loan: Cuộc bầu cử nhiều bất trắc

SÁNG ÁNH 28/09/2019 21:09 GMT+7

TTCT - Cục diện cuộc bầu cử tới của Đài Loan, trong lúc lãnh thổ này đang đi vào thời kỳ trì trệ về kinh tế cùng những mối quan hệ kinh tế chằng chịt với đại lục...

Ngày 11-1-2020, Đài Loan sẽ bầu cử người đứng đầu chính quyền hòn đảo này cũng như cơ quan dân biểu. Cử tri sẽ chọn lãnh đạo Đài Loan và một người phó cho nhiệm kỳ mới, cùng 113 ghế dân biểu.

Hiện cục diện như sau:

Cầm quyền là Đảng Dân chủ tiến bộ của bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), chiếm đa số tại lập pháp viện (68/113 ghế), cùng đồng minh là Đảng Lực lượng thời đại, chiếm 5/113 ghế; đối lập là Quốc Dân đảng, với 35/113 ghế; thành phần ly khai Quốc Dân đảng là Đảng Tân dân có 3 ghế/113.

Lần này, khó mà tiên đoán bà Thái có thể tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ hai. Năm 2018, bầu cử cấp địa phương (huyện, tỉnh, thành phố) cho thấy Đảng Dân chủ tiến bộ bị thua nặng. Đến giữa năm 2019, các cuộc thăm dò cho thấy mức độ tín nhiệm bà Thái ở mức thấp 32-38%, và bà sẽ dễ dàng bị đối thủ Quốc Dân đảng đánh bại.

Lý do chính là Đài Loan đang đi vào thời kỳ trì trệ về kinh tế. Sau khủng hoảng 2009, tuy kinh tế lên dần trở lại nhưng năm 2019 này dự kiến chỉ tăng trưởng ở mức 1,5-2,3%.

Đối với một nền kinh tế từng tăng trưởng đều đặn 8% mỗi năm trong 30 năm liền kể từ năm 1987 thì đây là một dấu hiệu đáng ngại, dù vẫn chưa đến nỗi rơi vào suy thoái. Thất nghiệp ở mức 3,8% là thấp, nhưng thất nghiệp của thanh niên lại lên đến 12%.

Những nguồn tiền mờ ảo

Ngày trước, sự bốc lên của kinh tế Đài Loan song hành với việc dân chủ hóa nền chính trị và cởi mở quan hệ với đại lục. Thiết quân luật được bãi bỏ năm 1987 và đầu tư từ Đài Loan vào Trung Quốc đại lục, lúc đầu còn phải vòng qua ngả Caribe, bắt đầu trong thập niên 1990.

Vào thời kinh tế Trung Quốc mở cửa, các doanh gia Đài Loan đầu tư ngày càng mạnh bạo và nhanh chân qua ngả lắt léo này, trước khi quan hệ kinh tế giữa hai bờ eo biển được chính thức hóa. FDI (đầu tư trực tiếp của nước ngoài) vào Đài Loan năm 2017 là 3,25 tỉ USD. Đứng đầu là Hà Lan 25%, nhì là quần đảo Virgin thuộc Anh 22,8%, ba là Anh Quốc 15%.

Tại sao một quần đảo 30.000 dân lại là nước có nguồn vốn FDI đứng thứ nhì tại Đài Loan? Đây là tiền “lời” của doanh gia Đài Loan dùng ngả này trước đây để đầu tư sang đại lục, nay lại mang về. “Anh Bảy xe ôm” ở Virgin chỉ là người cầm tiền giùm giữa hai nơi. Anh vào quán với một cái cặp đầy giấy bạc hù “cô Ba hủ tíu” nhưng đó không phải là tiền của anh.

Nói điều đó để thấy giao dịch kinh tế giữa hai bờ eo biển còn nhiều khoảng xám mù mờ, khó xác định đầy đủ. Vẫn nói tới FDI vào Đài Loan năm 2017, trong 15% từ Anh Quốc đến, thực ra có bao nhiêu là từ đại lục?

Đứng hàng thứ tư với 5,1% đầu tư vào Đài Loan là đảo Samoa, 200.000 dân, GDP đầu người 4.400 USD, tức khoảng 1/6 của dân Đài Loan! Một điều chắc chắn là trao đổi kinh tế qua eo biển là rất lớn, cả chính thức lẫn thực tế.

Lượng tiền từ Đài Loan sang đại lục trong tháng 1-2019 là 36 tỉ USD, chiều ngược lại là 24 tỉ USD. Đài Loan có 23 triệu dân. Nếu bình quân mỗi người mỗi tháng gửi đi 1.500 USD và nhận về 1.000 USD thì hai bên đương nhiên phải là thân thích. Kiểu giữa hai người, nếu một bên gửi mỗi ngày 30 tin nhắn và nhận lại 20 tin thì dù không rõ nội dung thủ thỉ, ta cũng biết là họ quan hệ “trên mức tình cảm”.

Trao đổi thương mại qua eo biển trong năm 2018 là 150,5 tỉ USD. Đài Loan xuất sang đại lục lượng hàng hóa, dịch vụ trị giá 96,8 tỉ USD và mua từ đại lục 53,7 tỉ USD. Trung Quốc đại lục là đối tác thương mại số 1, và cũng là đối tác tạo thặng dư thương mại số 1 cho Đài Loan, với mức nhập siêu của đại lục là 43 tỉ USD.

Đây là một con số lớn với nền kinh tế của Đài Loan. Năm 2018, mỗi đầu người Đài Loan bán được cho đại lục 4.200 USD, mua của đại lục 2.300 USD hàng hóa hoặc dịch vụ, và thặng dư mậu dịch trên mỗi đầu người Đài Loan là 1.900 USD.

Tới cuối tháng 7-2019 có 97.349 dự án dùng vốn FDI của Đài Loan tại Trung Quốc, giá trị 64 tỉ USD. Trung bình mỗi dự án này chỉ có 650.000 USD thôi, nhưng mở nhà hàng karaoke cho vợ bé cũng tốt, khiến bình quân mỗi đầu người Đài Loan hiện đang có 2.000 USD đầu tư FDI tại Trung Quốc.

Ảnh: scmp.com
Ảnh: scmp.com

Làm gì có chuyện chia tay

Ta thấy đây là một quan hệ không dễ gì dứt bỏ sáng chiều. Chính quyền Đảng Dân chủ tiến bộ của bà Thái muốn bớt lệ thuộc vào Trung Quốc đang khuyến khích việc “hồi hương” các công ty Đài Loan. Việc này khó khăn vì ai mà dám đưa “vợ bé” về ở gần “vợ cả”. Nó gặp phải 5 khâu cần giải quyết là “đất, nước, điện, lao động và cán bộ quản lý”.

Đài Loan có diện tích khiêm tốn, thiếu nước ngọt và phải nhập 98% nhiên liệu dầu khí. Giá lao động cao, lương tối thiểu hiện nay là 5 USD/giờ và 766 USD/tháng. Lực lượng lao động nước ngoài là 6%, chủ yếu từ Đông Nam Á, một con số khó đẩy lên quá cao bởi có thể làm nảy sinh các vấn đề xã hội. “Nhân tài” Đài Loan ở cấp cao thì đã xuất ngoại không ít, sang Trung Quốc đại lục và Hong Kong - nơi họ thường có thu nhập cao gấp hai, ba lần.

Đài Loan cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách đầu tư vào các nước Đông Nam Á chứ không chỉ đại lục. Đến tháng 7-2019, số đầu tư Đài Loan tại Việt Nam là 622 triệu USD, so với 5,2 tỉ đầu tư vào Trung Quốc trong cùng thời gian.

Kinh tế là một lý do quan trọng khi chi phí sản xuất ở đại lục (giá thuê đất, lao động…) đều đang tăng nhanh. Trong ngành sản xuất chế tạo, lợi nhuận biên thấp, giảm chi phí, vì thế, là quyết định thành bại.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan 2018 là 335,8 tỉ USD, tương đương 26,8% GDP, giảm so với 30,9% vào năm 2014. Kinh tế Đài Loan là kinh tế dựa vào xuất khẩu, nhất là xuất sang Trung Quốc đại lục, chiếm 28,8% tổng kim ngạch. Thứ nhì cũng là xuất sang… Hong Kong (12,4%), và thứ ba mới đến Hoa Kỳ (11,8%).

Nếu khách hàng là thượng đế thì thượng đế ở đây là Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Hong Kong còn có nghĩa là phân phối hàng đi khắp nơi, chứ bản thân vùng lãnh thổ này với vai trò điểm nhập khẩu cuối cùng thì không bao nhiêu: một số lớn hàng hóa lại đi tiếp từ đó sang… đại lục.

Thặng dư 43 tỉ USD từ thương mại với đại lục cũng chiếm 87% thặng dư thương mại của Đài Loan. Trong khi đó, thương mại với Nhật Bản chẳng hạn, Đài Loan thâm hụt 21,1 tỉ USD.

Thêm vào đó, tiền nhập dầu khí của Đài Loan là 37,6 tỉ USD. Nói cách khác, thặng dư với Trung Quốc đại lục là tối quan trọng với nền kinh tế Đài Loan.

“Phép lạ kinh tế Đài Loan” ba thập kỷ qua không phải là xuất cảng bánh trung thu nhân trứng vịt muối, mà là hàng điện tử (43% kim ngạch xuất khẩu) và máy móc (12%). Hàng điện tử dựa trên cải tiến công nghệ liên tục. 30 năm trước, ta dùng máy nhắn tin và điện thoại bàn, giờ thì “đến khi nào thì bạn định đổi di động mới đây? Sang năm, đợi 5G ra đã chứ gì?”.

Mà đứng đầu về công nghệ 5G hiện giờ lại là Huawei, một công ty không chỉ Trung Quốc mà còn bị nghi dính dấp không ít với chính quyền trung ương Bắc Kinh. Hoa Kỳ đang bị qua mặt bèn níu áo lại gây khó dễ. Tình hình cứ căng thế này thì làm sao Đài Loan bán chip điện tử mới cho Trung Quốc? Chỉ trứng vịt muối mỗi mùa Trung thu, đâu ra tăng trưởng 8%?

Bởi thế, dù các chính trị gia có tuyên ngôn thế nào, hẳn là Đài Loan sẽ còn gắn bó lâu dài và chặt chẽ với Trung Quốc đại lục, ít ra là về mặt kinh tế.■

Phụ thuộc về nông nghiệp và du lịch

Ngay cả bán trứng vịt muối cũng không phải là việc dễ coi thường. Vào tháng 3, thị trưởng Cao Hùng Hàn Quốc Du dẫn một phái đoàn sang Trung Quốc đại lục và Hong Kong, Macau để ký kết được hàng loạt hợp đồng nông nghiệp. Chủ các trại vịt cũng bỏ phiếu chứ, tuy công nhân chăn vịt giờ là dân Đông Nam Á.

Từ năm 2005, sau khi chủ tịch Quốc Dân đảng Liên Chấn sang gặp chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã có chính sách mua nông sản giá cao cho nông dân Đài Loan, một cách hỗ trợ Quốc Dân đảng - vốn được coi là gần gũi hơn với chính quyền đại lục.

Đối thủ của ông Hàn trong Quốc Dân đảng là tỉ phú Foxconn Terry Gou (Quách Đài Minh). Ông này không có trại vịt nhưng có khoảng 1 triệu nhân viên ở Trung Quốc và cả “thành phố” Long Hoa với 300.000-400.000 công nhân ở Thâm Quyến, chuyên lắp ráp thiết bị cho Apple, Nintendo, Sony, Blackberry, Sharp-Toshiba, Intel…

Cả hai ông này đều ra tranh cử và đều có lập trường bắc lại nhịp cầu xưa.

Du lịch không phải là lĩnh vực kinh tế lớn ở Đài Loan nhưng lại gây chú ý vì tính chất “quốc tế”. Năm 2008, số khách Trung Quốc đại lục sang Đài Loan là 329.000 người. Năm 2017 đã là 2,7 triệu, mang về 1,1 tỉ USD.

Phi cảng Đào Viên giờ có bảng quảng cáo và thông tin du lịch bằng chữ giản thể của đại lục. Các chuyến bay qua eo biển năm 2007 là 270 chuyến/tuần thì năm 2015 là 900 chuyến. Vì chuyện Đài Loan mua vũ khí Mỹ, hồi cuối tháng 8, Trung Quốc đã cấm dân đại lục sang Đài Loan du lịch, gây ra không ít ồn ào.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận