Đàn ông săn bắt, đàn bà cũng vậy

LÊ MY 22/11/2023 06:50 GMT+7

TTCT - Trong hơn nửa thế kỷ qua, câu chuyện tiền sử "đàn ông săn bắt, đàn bà hái lượm" đã thống trị các nghiên cứu về sự tiến hóa của loài người. Nhưng đó thể là một câu chuyện đầy sai sót.

Một hình dung khác về tranh hang động. Ảnh: Midjourney

Một hình dung khác về tranh hang động. Ảnh: Midjourney

Trong hơn nửa thế kỷ qua, câu chuyện tiền sử "đàn ông săn bắt, đàn bà hái lượm" đã thống trị các nghiên cứu về sự tiến hóa của loài người và ngấm sâu vào nền văn hóa đại chúng. Nó được kể lại trong sách giáo khoa, bảo tàng và chương trình hoạt hình sáng thứ bảy... Tuy nhiên đó có thể là một câu chuyện đầy sai sót.

Thuyết "Man the Hunter", tạm dịch là "Đàn ông đi săn", cho rằng hoạt động săn bắt là động lực chính cho sự tiến hóa của loài người và chỉ có nam giới mới biết đi săn. Thế nhưng nhiều nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng nữ giới cũng có một lịch sử săn bắt lâu đời và hùng tráng.

Một nửa sự thật

Thuyết "Đàn ông đi săn" cho rằng tổ tiên loài người có sự phân công lao động, bắt nguồn từ những đặc điểm sinh học khác biệt giữa nam và nữ, theo đó nam giới tiến hóa để săn bắt và cung cấp thực phẩm, còn nữ giới thì chăm lo con cái và công việc gia đình.

Thuyết này trở nên nổi tiếng vào năm 1968, khi các nhà nhân chủng học Richard B. Lee và Irven DeVore tổng hợp và xuất bản quyển Man the Hunter. "Cuộc đời thợ săn của đàn ông đã cung cấp tất cả các yếu tố còn lại để đi đến văn minh: tính biến động về gene, khả năng sáng tạo, những hệ thống giao tiếp bằng giọng nói, sự phối hợp của đời sống xã hội" - nhà nhân chủng học William S. Laughlin được dẫn trong chương 33 của cuốn sách.

Không chỉ trong khoa học, xã hội bấy giờ nói chung ám ảnh về tính ưu việt của nam giới. Một năm trước khi Man the Hunter xuất bản, "K. V. Switzer", không rõ là nam hay nữ, đăng ký tham gia giải chạy Boston Marathon. 

Thời đó không có quy định chính thức nào về việc cấm phụ nữ tham gia cuộc đua, xã hội chỉ đơn giản là không chấp nhận. Khi người ta phát hiện Switzer là nữ, họ đã cố gắng đẩy cô ra khỏi đường đua, theo nghĩa đen. Dù vậy, cô gái năm ấy - Kathrine Switzer - đã trở thành người phụ nữ đầu tiên chạy Boston Marathon với số áo thi đấu hẳn hoi.

Ngày nay, những giả định thiên vị trên vẫn còn tồn tại trong cả tài liệu khoa học và ý thức cộng đồng. Hình tượng các nữ thợ săn ngoan cường, như trong loạt phim hoạt hình Gia đình nhà Croods hay chương trình truyền hình thực tế Naked and Afraid của kênh Discovery bên Mỹ, vẫn thường bị chỉ trích và gán nhãn là vận động cho nữ quyền hay âm mưu viết lại một quá khứ nam tính.

Trong một bài viết cho tạp chí Scientific American số tháng 11-2023, Cara Ocobock và Sarah Lacy bình luận: "Bởi vì nam giới được cho là những người đi săn, nên những người ủng hộ thuyết "Đàn ông đi săn" cho rằng tiến hóa chủ yếu tác động lên đàn ông, còn nữ giới chỉ là những người hưởng lợi thụ động về thịt thà và cả tiến trình tiến hóa". 

Hai nhà khoa học nữ này trong năm qua đã cùng nhau công bố các bằng chứng về sinh lý học và khảo cổ học nhằm ủng hộ một thuyết bổ sung: "Đàn bà đi săn".

Ảnh: Wikimedia Commons

Ảnh: Wikimedia Commons

Lợi thế sinh lý

Một giả thuyết nổi tiếng cho rằng các thợ săn tiền sử đã phải chạy bộ liên tục để đuổi theo con mồi cho đến khi nó kiệt sức. Trong khi đó, lĩnh vực khoa học thể dục (exercise science) không ngừng chỉ ra rằng nữ giới có lợi thế hơn nam giới, về mặt sinh lý, trong các hoạt động cần sức bền như chạy marathon. Còn nam giới nổi trội hơn ở các hoạt động ngắn và mạnh mẽ như cử tạ.

Nhóm Ocobock và Lacy đã đào sâu vào hệ thống hormone của con người để đưa ra bằng chứng thuyết phục. Họ viết: "Bởi vì thế giới thể hình liên tục quảng cáo rằng nội tiết tố testosterone giúp đạt được thành tích thể thao, chẳng thể trách được bạn nếu bạn không biết rằng estrogen, hợp chất mà nữ giới thường sản xuất nhiều hơn nam giới, đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong hiệu suất vận động".

Nhận định này hợp lý từ quan điểm tiến hóa. Thụ thể estrogen (loại protein mà estrogen cần phải gắn kết để thực hiện công việc của nó) đã có mặt từ rất xa xưa, khoảng 1,2 tỉ đến 600 triệu năm trước, gần gấp đôi tuổi của thụ thể testosterone, theo ước tính của Joseph Thornton thuộc Đại học Chicago (Mỹ) và các đồng nghiệp. Ngoài việc giúp điều hòa hệ thống sinh sản, estrogen còn ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát vận động tinh (ví dụ sự khéo léo của các ngón tay) và trí nhớ, tăng cường sự phát triển của tế bào thần kinh, đồng thời giúp ngăn ngừa xơ cứng động mạch.

Adiponectin, một loại hormone khác thường xuất hiện nhiều hơn ở nữ giới, cũng giúp tăng cường quá trình chuyển hóa chất béo, đồng thời tiết kiệm carbohydrate và bảo vệ cơ khỏi bị hủy hoại. Nhóm của Anne Friedlander thuộc Đại học Stanford (Mỹ) phát hiện ra rằng khi tập thể dục, nữ giới "đốt cháy" lượng chất béo nhiều hơn nam giới đến 70%.

Nói về cơ, nữ giới có nhiều sợi cơ loại I (cơ co rút chậm, slow-twitch) hơn nam giới. Chúng tuy không quá mạnh mẽ nhưng phải mất một thời gian dài mới thấm mệt. Nói cách khác, chúng là những sợi cơ có sức bền vượt bậc, phù hợp việc chạy đuổi theo con mồi. Ngược lại, nam giới thường có nhiều sợi cơ loại II (cơ co rút nhanh hay fast-twitch) hơn: tức thì, mạnh mẽ nhưng chóng mệt.

Có nhiều nghiên cứu trên cơ thể nam và nữ, trong và sau khi tập luyện thể thao, đã củng cố những tuyên bố trên. Chẳng hạn, Mazen J. Hamadeh của Đại học York (Canada) và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng: nam giới được bổ sung estrogen ít bị suy nhược cơ khi đạp xe hơn những người không được bổ sung estrogen. 

Hay một phân tích của Robert Deaner thuộc Đại học bang Grand Valley (Mỹ) đã chứng minh rằng: trong khi đua marathon, nữ giới có xu hướng "chạy chậm lại" ít hơn so với nam giới. Trong thực tế, các chân chạy nữ thường xuyên thống trị những sự kiện "siêu sức bền", chẳng hạn như cuộc thi chạy Montane Spine dài hơn 430km xuyên qua Anh và Scotland, đường bơi 33,8km qua eo biển Anh và cuộc đua xe đạp Trans Am dài hơn 6.800km băng ngang nước Mỹ.

Đáng nói là không ít vận động viên nữ vẫn cùng lúc duy trì nhiệm vụ chăm con. Vào năm 2018, chân chạy người Anh Sophie Power đã tham gia cuộc đua Ultra-Trail du Mont-Blanc gần 170km trên dãy Alps trong khi vẫn cho đứa con ba tháng tuổi của mình bú sữa.

Ảnh: sites.nd.edu/cara-ocobock

Ảnh: sites.nd.edu/cara-ocobock

Thêm nhiều bằng chứng

Các nhà nhân chủng học cũng xem xét những tổn hại trên bộ xương của tổ tiên chúng ta để tìm chút manh mối về đời sống của họ. Với người Neandertals (một loài người đã tuyệt chủng), đàn ông và đàn bà có các kiểu chấn thương giống nhau. Bộ xương của họ có cùng kiểu hao mòn, gợi ý rằng họ đã làm những công việc tương tự nhau, từ việc phục kích săn thú lớn cho đến việc chế biến da để làm quần áo.

Đàn ông ở thời đồ đá cũ (Upper Paleolithic) - khoảng 45.000 - 10.000 năm trước, khi những con người hiện đại đầu tiên đến châu Âu - có tỉ lệ chấn thương cao hơn ở vùng khuỷu tay phải, được gọi là "khuỷu tay của người ném", ám chỉ rằng họ ném thương nhiều hơn đàn bà. Nhưng điều đó không có nghĩa là phụ nữ không săn bắt, bởi thời kỳ này cũng là lúc con người phát minh ra cung tên, lưới săn và lưỡi câu.

Hơn nữa, đàn bà và đàn ông đã được chôn cất theo những cách giống nhau, cùng với những loại đồ tạo tác hoặc tài sản như nhau - trong đó có vũ khí đi săn. Dường như đã không có phân biệt giới tính trong chôn cất. 

Trên cao nguyên Andean của Wilamaya Patjxa (Peru), trong một nấm mồ 9.000 năm tuổi gắn liền với một bộ công cụ săn bắt, là hài cốt một nữ thợ săn trẻ - được chứng minh qua các phân tích về xương, protein và đồng vị.

Đàn ông săn bắt, đàn bà cũng vậy - Ảnh 4.

Những ghi chép về các xã hội săn bắt - hái lượm đương thời và hiện đại cũng cung cấp bằng chứng trực tiếp về việc phụ nữ tham gia săn bắt. Những ví dụ được trích dẫn nhiều nhất đến từ tộc người Agta ở Philippines. Phụ nữ Agta đi săn khi đang có kinh nguyệt, đang mang thai và cho con bú, và họ cũng có thành tích săn bắt ngang ngửa đàn ông Agta.

Họ không hề đơn độc. Theo một nghiên cứu dựa vào các ghi chép dân tộc học trên khắp thế giới trong suốt thế kỷ qua, phụ nữ - già như trẻ - cũng săn bắt thú lớn và động vật nhỏ. Họ đi săn theo nhóm hoặc đi một mình, cùng với con cái của họ hay với chó săn, sử dụng các vũ khí như cung tên, dao và lưới. 

Nghiên cứu được công bố hồi tháng 6-2023 trên tạp chí PLOS ONE, trong đó nhóm của Abigail Anderson và Cara Wall-Scheffler từ Đại học Seattle Pacific (Mỹ) kết luận: trong số 63 xã hội săn bắt hái lượm khắp thế giới được mô tả rõ ràng về chiến lược săn bắt, 79% có thợ săn là phụ nữ.

Wall-Scheffler nói với Live Science: "Chúng tôi đọc các bài báo được viết bởi những [chuyên gia] từng sống với các nhóm người này và đã nghiên cứu hành vi của họ". Nghiên cứu ở đây bao gồm việc quan sát mọi người và ghi chép lại những gì họ đã làm. 

"Việc săn bắt là có chủ đích - Wall-Scheffler nói với Đài NPR - Phụ nữ có bộ dụng cụ riêng. Họ có vũ khí yêu thích. Bà ngoại là những thợ săn giỏi nhất làng". Đặc biệt trong những xã hội mà việc săn bắt là hoạt động quan trọng nhất để sinh tồn, phụ nữ luôn tham gia đi săn.

Với những bằng chứng đa dạng kể trên và cả những phát hiện chưa được công bố, bức tranh "người hang động" trong đầu chúng ta có vẻ sẽ cần phải thay đổi. Đó nên là một nhóm thợ săn có đủ giới tính, hơn là một người đàn ông có lông mày rậm rạp với một chiếc gậy trên vai và một cô dâu từ tốn theo sau. Săn bắt, trong phần lớn lịch sử nhân loại, là hoạt động thuộc về tất cả mọi người.

Năm 2017, tập san American Journal of Physical Anthropology đăng một phát hiện bất ngờ: hài cốt được tìm thấy tại vùng Birka cổ đại của người Viking - cùng với vũ khí và các món vật đậm đặc bản chất chiến binh - là của một phụ nữ. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Stockholm và Đại học Uppsala, phân tích AND cho thấy đây là xương của phụ nữ hơn 30 tuổi, cao khoảng 167cm. "Đây là sự xác nhận chính thức và mang tính di truyền đầu tiên về một nữ chiến binh Viking" - một thành viên nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận