Đằng sau những rủi may của trò xổ số

TRÚC ANH 27/08/2020 01:08 GMT+7

TTCT - Chọn những con số và chờ thần may mắn mỉm cười với mình. Xổ số, dù dưới hình thức nào, có thể nói là không thay đổi sau hàng ngàn năm kể từ khi xuất hiện lần đầu.

Tranh The Lottery (Xổ số) của họa sĩ William Hogarth (Anh) vẽ năm 1721, chế giễu việc huy động vốn bằng xổ số của nhà nước. -Nguồn: Wikimedia Commons
Tranh The Lottery (Xổ số) của họa sĩ William Hogarth (Anh) vẽ năm 1721, chế giễu việc huy động vốn bằng xổ số của nhà nước. -Nguồn: Wikimedia Commons

Nhưng đằng sau chuyện tưởng chỉ đơn giản là bỏ chút tiền mua lấy một niềm hi vọng là những vấn đề gai góc hơn về bản chất của trò chơi, hay đúng hơn là hình thức đánh bạc này.

KINH TẾ HỌC VÉ SỐ

Có một thực tế là người chơi xổ số đa số là người nghèo, và vì thế vé số bị chỉ trích là một hình thức thuế lũy thoái (regressive tax), nghĩa là tỉ lệ thuế trên thu nhập có xu hướng giảm khi thu nhập tăng, hay càng nghèo thì số đóng góp càng lớn. 

Số liệu năm 2018 của Bankrate.com cho thấy hơn 1/5 dân Mỹ mua ít nhất một vé xổ số trong một tuần bất kỳ. Tỉ lệ này năm 2015 là ½, khi giải jackpot (độc đắc) của Powerball lên đến 1,58 tỉ USD. 

Cũng trong năm 2015, ước tính 20% dân số Mỹ mua khoảng 80% số vé bán ra, đông nhất là các hộ thu nhập thấp, theo tạp chí The Atlantic. Trung bình, một gia đình kiếm ít hơn 12.000 USD/năm sẽ dành đến 5% thu nhập cho vé số.

“Vé số là một thứ thuế lũy thoái chủ yếu do những người Mỹ nghèo nhất chi trả” - tác giả Jackie Thornhill viết trên The Medium tháng 5-2019, khi jackpot của Powerball đang là 750 triệu USD. 

Theo Thornhill, người Mỹ trưởng thành trung bình chi 325 USD cho vé số mỗi năm; 63% doanh thu xổ số dành cho trả thưởng, phần còn lại sung vào ngân sách bang hay địa phương.

Những giải thưởng hàng trăm triệu đôla của Powerball khiến những người vốn không chơi vé số cũng bỏ tiền ra thử vận may. 

Và theo Thornhill, “bất kể ai giàu lên trong lần xổ số kế tiếp, người hưởng lợi thực sự của hệ thống xổ số quốc gia của [Mỹ] chính là những người giàu nhất trong chúng ta, những người thoát được việc đóng thuế cao vì [ngân sách] đã có doanh thu từ vé số”.

Sẽ rất bất thường nếu một chính quyền tuyên bố giảm thuế cho các tập đoàn lớn nhất, rồi bù đắp phần thiếu hụt ngân sách bằng cách tăng thuế thu nhập của những người thường xuyên mua vé số. 

Theo Thornhill, xổ số là một kiểu phân bổ tài sản như thế, song người ta không nhận ra.

Một vấn đề khác, vé số thường được phát hành với danh nghĩa có tiền cho các công trình công cộng, đầu tư cho giáo dục, nhưng sự thật có thể sẽ khác. 

Trong bài viết “Xổ số là một thứ thuế không hiệu quả, lũy thoái và bóc lột” trên trang chuyên về trực quan hóa dữ liệu Metrocosm, tác giả Max Galka lý giải một chương trình vé số được công bố là lấy tiền cho giáo dục thực sự sẽ làm giảm đầu tư cho giáo dục. 

Nguyên nhân là khi đã có nguồn thu từ xổ số, số tiền thuế lẽ ra dành cho giáo dục sẽ được chuyển sang mục đích khác.

VÌ SAO NGƯỜI NGHÈO THÍCH MUA VÉ SỐ?

Vé số là nguồn hi vọng mà ai cũng có thể mua được bằng tiền. Cứ xét trường hợp Việt Nam, mỗi lần mua hi vọng chỉ tốn 10.000 đồng, cũng không đáng gì. 

Theo một nghiên cứu công bố năm 2008 của Đại học Carnegie Mellon, người nghèo thường mua vé số vì họ chỉ quan tâm đến tỉ lệ chi phí - lợi ích của mỗi tờ vé số riêng lẻ, thay vì nghĩ đến tổng số tiền bỏ ra để chơi vé số trong một năm hoặc cả đời.

Các nhà nghiên cứu chia những người tham gia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất được phát 1 USD mỗi người và được hỏi họ có muốn dùng nó để mua vé số không; nhóm thứ 2 nhận 5 USD và được hỏi họ muốn mua bao nhiêu vé số với số tiền đó; nhóm cuối nhận 5 USD và có thể dùng hết để mua vé số, hoặc không mua tờ nào.

Kết quả là số người ở nhóm thứ hai mua vé số chỉ bằng ½ số người ở nhóm 1, còn 87% người ở nhóm 3 chẳng mua tờ nào. Kết quả này tương thích với hiện tượng “hiệu ứng đậu phộng” - người ta thường không xét đến hệ quả của những thứ có số lượng nhỏ, để rồi lãnh lấy chi phí cao hay lỡ mất các cơ hội tốt. 

Trong trường hợp này, số tiền mua 1 tờ vé số có thể chẳng là gì ở hiện tại, nhưng nếu cộng dồn về sau thì sẽ cực kỳ đáng kể.

Điều đáng buồn là các chương trình xổ số đều xem người nghèo là con mồi, như tựa bài viết với những nhận định rất gắt của Vox hồi năm 2016. 

Bài viết phân tích số liệu của những người trúng số ở Connecticut (đa số là dân nghèo, thuộc các nhóm thiểu số và nghiện chơi vé số), và rút ra các điểm chính: đa số vé số được người ở các khu phố nghèo, có nhiều cộng đồng thiểu số mua; giải Powerball (chỉ quay vào thứ tư và thứ bảy) không phải là nơi người ta đốt tiền nhiều nhất, mà là các hình thức xổ ngay trúng liền như vé số hằng ngày, vé số cào; nhiều người gặp vấn đề tài chính tin rằng vé số là cách duy nhất để tích lũy tiền.

Cụ thể, tệp dữ liệu 12 năm cho thấy “những nơi nghèo nhất là nơi sản sinh ra hầu hết các vé thắng giải”, và người dân ở đó cũng là người mua vé số thường xuyên nhất. 

Các số liệu (2015) cho thấy người Mỹ gốc Phi chi tiền cho xổ số gấp 5 lần so với người da trắng. Còn chuyện Powerball thì không khó giải thích: trong khi chờ đợi giữa 2 kỳ quay số, và vì xác suất thắng giải thấp đến không tưởng, người ta sẽ bỏ tiền vào những nơi có khả năng trúng liền.

Tranh
Tranh "Văn phòng xổ số quốc gia" của Vincent Van Gogh vẽ năm 1882.

SAO TA CỨ MUA HOÀI?

Dễ đoán tâm lý người chơi xổ số là khi thua, họ luôn nghĩ mình cần phải chơi tiếp vì càng chơi nhiều thì khả năng thắng càng tăng. Với người thu nhập thấp, cái nghèo đóng vai trò quan trọng khiến họ cứ dấn sâu vào vòng xoáy chơi rồi trật, nghĩa là khiến họ rốt cuộc nghèo thêm. 

Vì sao thế? Charles Karelis, triết gia và cựu hiệu trưởng Đại học Colgate, lấy hình tượng bị ong chích để lý giải vấn đề này. Một người với một vết ong chích sẽ muốn xức thuốc ngay, nhưng nếu bị chích nhiều lần thì lại không có động lực chữa cho một vết, vì những chỗ bị chích khác vẫn sẽ đau. 

Người càng có nhiều thứ đau khổ hay không mong muốn - hay càng nghèo - thì lại càng không có xu hướng làm gì để giải quyết chúng. Nghèo không phải là vì thiếu của cải, mà là có quá nhiều vấn đề.

Xổ số thực chất giống như nhiều người tự nguyện bỏ tiền vào một rổ, rồi số tiền đó được chia lại ngẫu nhiên cho chỉ một vài người. Khi ta đã quá tuyệt vọng và không thể trang trải nổi dù là các nhu cầu cơ bản nhất, mong cầu vào xác suất thắng cuộc, dù nhỏ nhoi, để thoát khỏi tình cảnh hiện tại dầu sao cũng tốt hơn là không làm gì.

Đó là với người thu nhập thấp. Còn với số người chơi xổ số còn lại, có nhiều yếu tố tâm lý khiến người ta thích mua vé số. 

Wendy Walsh, chuyên gia hành vi con người, từng trả lời phỏng vấn CNN năm 2011, khi giải độc đắc Mega Millions ở Mỹ là 656 triệu USD, rằng con người thích được “giải cứu” kiểu thần tiên như bà tiên hiện ra để giúp Lọ lem, nghĩa là tin rằng thần may mắn đang chờ ở đâu đó để giúp họ đổi đời. 

Xác suất trúng độc đắc là 1 trên 175,2 triệu, còn thấp hơn cả bị sét đánh (1 trên 3 triệu), song “người ta chả quan tâm, bởi họ yêu thích cảm giác hi vọng” - Walsh nói.

Trong khi đó, trong một bài viết trên Psychology Today, tiến sĩ Stephen Goldbart cho rằng nhiều người chơi vé số vì ai cũng mua, thì mình cũng thế. “Làm theo đám đông từ lâu đã được xác định là một động cơ tâm lý học hành vi.

 Ta thích được giống đám đông, được là một phần của phong trào và không đứng ngoài cuộc” - Goldbart giải thích.

Lý do thứ hai, theo Goldbart, là “vé số cho bạn tin vào ma thuật: rằng bạn có thể chi ra rất ít và nhận thật nhiều, rằng bạn sẽ thắng được mọi xác suất để là người thắng cuộc”.■

Lịch sử ngàn năm

Theo trang history.com, từ hơn 2.000 năm trước, thời nhà Hán ở Trung Quốc đã có trò xổ số baige piao, hay bạch cáp phiếu, với hình thức người chơi chọn một số chữ trong nhóm 80 chữ đầu tiên trong sách Thiên tự văn (1.000 chữ Hán vỡ lòng), sau đó chờ “xổ” kết quả bằng cách rút thăm, nếu ra các chữ đã chọn thì thắng giải. 

Trò này gọi là bạch cáp (bồ câu trắng) vì người ta thường dùng bồ câu đưa thư để chuyển thông tin thắng cuộc đến các địa phương khác. Trò xổ số này phổ biến khắp Trung Quốc, đến nỗi chính quyền các tỉnh thường tổ chức chơi như một hình thức huy động ngân lượng cho quân đội hoặc các công trình công cộng. 

Có giả thuyết rằng Vạn lý trường thành cũng được cấp vốn một phần từ tiền xổ số bồ câu trắng. Baige piao sau đó theo chân người Hoa di dân đến Mỹ và được cải tiến, dùng 80 con số thay cho các chữ Hán, và hậu duệ của nó là trò keno phổ biến ở các casino ngày nay.

Ở phương Tây, tư liệu về việc bán vé xổ số sớm nhất ghi nhận được là từ thời đế chế La Mã, ban đầu chỉ là một trò tiêu khiển của giới quý tộc tại các buổi tiệc tùng. 

Cho đến thời Augustus Caesar lên làm hoàng đế La Mã, ông cho phát hành vé số để có tiền tu sửa thành Rome, và những người thắng giải sẽ nhận thưởng bằng hiện vật chứ không phải tiền.

Năm 1567, Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhất muốn tìm cách huy động vốn cho một số đại công trình công cộng như sửa cảng biển và đóng thêm tàu cho hoàng gia. 

Đứng trước hai lựa chọn là thêm thuế cho thần dân và tổ chức xổ số, nữ hoàng chọn cách thứ hai, từ đó chương trình xổ số nhà nước đầu tiên của Anh ra đời. Theo tạp chí Smithsonian, xổ số của nữ hoàng có nhiều điểm khác biệt so với hình thức phổ biến ở Mỹ hay Anh ngày nay, trong đó có giá vé số. 

Trong khi các loại vé số hiện đại nhắm vào người thu nhập thấp, nữ hoàng hướng đến tầng lớp thượng lưu, với giá mỗi vé 10 shilling, mức giá mà đa số dân Anh vào giữa thế kỷ 16 không thể với nổi. 

Hoàng gia phát hành 400.000 vé, và phần thưởng ngoài giải độc đắc 5.000 bảng còn có hiện vật như đĩa ăn, thảm hay vải lanh xịn.

Smithsonian cho rằng cuộc xổ số của nữ hoàng đã đặt nền móng cho hệ thống vé số hiện đại. Tại Mỹ, vé số cấp tiểu bang lần đầu được cấp phép vào năm 1964, khởi đầu từ bang New Hampshire, sau đó là hơn 40 bang khác, tất cả cùng mục đích có tiền đầu tư cho hạ tầng và trường công mà không phải tăng thuế. 

Ngày nay vé số Powerball trứ danh của Mỹ là giấc mơ đổi đời cực lớn với giải độc đắc hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ USD.

Cũng theo history.com, xổ số ở Pháp giữa thế kỷ 18 có nhiều nét giống ngày nay: một em bé bịt mắt sẽ quay “vòng quay may mắn” để chọn các con số trúng giải. Năm 1836, xổ số quốc gia bị ngưng vì bị cho là bóc lột người nghèo. Nó chỉ được khôi phục vào thập niên 30 của thế kỷ 20.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận