TTCT - Không ai gọi Paris, London, New York, Tokyo là thành phố nếu ở đó không có các hoạt động giao thương. Và giao thương trên hè phố là điều không thể tách rời mạch sống đô thị, dù thành phố có hiện đại đến đâu. Vỉa hè vừa là mỏ vàng, vừa là một phần không thể thiếu của văn hóa Paris -wikimedia.org Trong một bài viết cách đây đã lâu, báo Pháp La Tribune giật tít: “Làm sao để Paris đào được vàng từ vỉa hè?”. Bài báo cho biết vỉa hè là tài sản công dưới quyền quản lý của hội đồng thành phố và 25% diện tích vỉa hè Paris đã được chính quyền cho các hộ kinh doanh thuê lại, đóng góp 15% vào GDP của thủ đô. Nên nhớ, Paris chiếm hơn 30% GDP của Pháp và nếu là một quốc gia thì nền kinh tế thành phố này sẽ đứng hạng 17 thế giới, ngang với Hà Lan. Vì thế, nói vỉa hè là mỏ vàng của Paris không hề quá lời. Nhưng để làm “người đào vàng” ở Paris không dễ. Bạn sẽ phải trình bày dự án kinh doanh của mình, phác thảo thiết kế, phương án sử dụng vỉa hè, số bàn ghế bạn sẽ bày ra vỉa hè, kiểu dáng bàn kế, kiểu dáng dù che... Nói chung là vô cùng phức tạp và chi li. Việc duyệt các nội dung trên nằm trong tay những chuyên viên của hội đồng quận hoặc thành phố tùy cấp độ. Sau khi đã được duyệt, người sử dụng vỉa hè kinh doanh còn phải ký cam kết thực hiện đúng quy định. Giá thuê thì không rẻ chút nào. Ở khu phố ít người qua lại, nói chung thuộc diện hẻo lánh nhất, giá là 15,81 euro (gần 17 USD) mỗi năm cho một mét vuông. Còn ở những khu sầm uất, giá thuê có thể lên tới 90 euro (96 USD). Và đó mới là chi phí cơ bản. Bàn ghế “lấn chiếm vỉa hè” sẽ được tính phí theo đơn vị. Thêm một chiếc là thêm tiền. Dân châu Âu vốn khoái ngồi ngoài trời tận hưởng những ngày nắng đẹp và thế là sinh ra chuyện ngược đời: một ly espresso “vỉa hè” ở Paris luôn đắt hơn trong quán vài chục xu euro. Đã đắt đỏ, chính quyền còn ngặt nghèo về phạm vi kinh doanh trên vỉa hè: không gian cho người đi bộ phải đảm bảo tối thiểu 1,6m; giấy phép thường chỉ được cấp năm một và những hàng quán nào vi phạm sẽ đứng trước nguy cơ bị đóng cửa vĩnh viễn. Ngoài vỉa hè, chính quyền Paris còn mở các chợ lưu động (marché) trong lòng thành phố. Các khu chợ họp những ngày cố định trong tuần, nay phố này, mai sang phố khác, bán đủ thứ từ nông sản, thủy hải sản đến đồ may mặc, lưu niệm... Các sạp hay gian hàng trong những khu chợ này cũng phải trả tiền thuê chỗ, thuế và đặc biệt phải chấp hành nghiêm quy định của thành phố. Đúng 1h trưa là dọn sạch, trả lại vỉa hè. Nếu gian hàng nào để lại rác bẩn sau lưng thì cơ hội để làm ăn tiếp lần sau coi như không còn. Nếu vỉa hè Paris là mỏ vàng thì vỉa hè London hẳn còn là mỏ kim cương. Lối cho người đi bộ ở thủ đô Anh được quy định rộng hơn, tối thiểu phải 2,2m, các quy định về mỹ quan cũng khắc nghiệt tương tự Paris, nhưng giá thuê thì đắt và chi tiết kinh khủng. Chẳng hạn, có quy định giá chi tiết cho từng mức số lượng bàn ghế, thấp nhất là 435 bảng (531 USD) cho một đơn vị bàn hoặc ghế! Với những hàng làm ăn lớn, trên 30 đơn vị bàn hoặc ghế, phí cơ bản thuê hằng năm là 400 bảng (488 USD) mỗi đơn vị. Lĩnh vực kinh tế dịch vụ hiện chiếm tới 80% nguồn thu của London và không ít trong số đó từ các vỉa hè. Trở lại với Việt Nam, vỉa hè bao nhiêu năm qua chỉ là đối tượng để dọn dẹp mà chưa có một chính sách khai thác vỉa hè khả tín và khả thi song hành. Trong cuộc chiến vỉa hè hiện nay, trong khi một bộ phận thị dân muốn làm mạnh tay, tiếng nói của các chủ cơ sở kinh doanh bị giải tỏa có vẻ vẫn chưa được lắng nghe đầy đủ. Họ rõ ràng đuối lý vì đang lấn chiếm vỉa hè trái phép, nhưng đi kèm là cảm giác bất lực đầy ẩn ức vì không ai đưa ra cho họ một giải pháp khả thi được hành nghề chính đáng. Đó là chưa kể vỉa hè ngoài chuyện làm ăn còn là văn hóa và lịch sử nữa. Còn nhớ cuối năm 2015, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII từng có ý kiến cho rằng cần cho phép thu phí sử dụng vỉa hè từ năm 2017. Bây giờ ý kiến ấy đang ở đâu? Đằng sau vỉa hè là đời sống dân sinh, là một tiềm năng thu ngân sách khổng lồ và là cả cơ hội để giáo dục công dân về ý thức chấp hành pháp luật. Liệu một hộ kinh doanh ăn uống về đêm ở khu trung tâm sầm uất của Hà Nội hay TP.HCM có sẵn sàng trả 30 triệu đồng một năm để được bày 30 bàn ghế ra vỉa hè? Đó sẽ là một quyết định tất cả các bên cùng có lợi với một điều kiện: chế tài thật sự nghiêm khắc, giám sát thật sự chặt chẽ và tình trạng nhũng nhiễu không xảy ra từ phía những người cầm cân nảy mực. Lẽ đó, quả bóng là ở trong chân bộ máy chính quyền, chứ không phải những người kinh doanh trên vỉa hè. Nếu người chấp pháp nghiêm cẩn, tôn trọng công việc của mình, công chính và ý thức trách nhiệm cao, không sách nhiễu hay lơ là thì câu chuyện vỉa hè khắc có cái kết có hậu.■ Tags: Vỉa hèDọn dẹp vỉa hèTrật tự vỉa hèKinh tế vỉa hèĐằng sau vỉa hè
Nửa đêm, Công Vinh đăng Facebook từ chối CLB Sông Lam Nghệ An NGUYÊN KHÔI 12/11/2024 23h40 khuya 11-11, cựu tiền đạo Lê Công Vinh đã lên Facebook cá nhân cho biết anh từ chối lời mời của CLB Sông Lam Nghệ An về giúp đội bóng quê hương.
Phản cảm leo lên xe tăng, súng, pháo ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam chụp ảnh, cha mẹ còn cổ vũ NAM TRẦN 11/11/2024 Nhiều khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cuối tuần qua đã leo trèo lên xe tăng, máy bay, các khẩu súng, pháo, xâm phạm hiện vật gây bức xúc.
Tổng thống Chile chủ trì lễ đón Chủ tịch nước Lương Cường DUY LINH 11/11/2024 Tổng thống Gabriel Boric Font chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch nước Lương Cường tại Quảng trường Hiến Pháp trưa 11-11.
Ông Trump giao người 'cứng tay' trục xuất dân nhập cư bất hợp pháp NGHI VŨ 11/11/2024 Ông Homan từng là quan chức cấp cao giám sát nhập cư trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, thời điểm chính sách gắt gao đã khiến hàng ngàn gia đình bị chia cắt ngay tại biên giới Mỹ.