Đào chuông Bà Nà

HỒ SĨ BÌNH 05/02/2008 21:02 GMT+7

TTCT - Hơn mười năm trước tôi lên Bà Nà với chị bạn. Chị là nghiên cứu sinh ở một trường đại học đang cùng vài người bạn nghiên cứu hệ thực vật vùng Bà Nà - Núi Chúa và Bạch Mã - Hải Vân.

Phóng to
TTCT - Hơn mười năm trước tôi lên Bà Nà với chị bạn. Chị là nghiên cứu sinh ở một trường đại học đang cùng vài người bạn nghiên cứu hệ thực vật vùng Bà Nà - Núi Chúa và Bạch Mã - Hải Vân.

Đường lên Bà Nà bấy giờ còn gập ghềnh cheo leo, có những đoạn phải xuống xe đi bộ, len lỏi giữa cây rừng. Chị đã ở lại nhiều ngày với Bà Nà, băng rừng lội suối đi thực địa, ghi chép, chụp ảnh, đánh số, thu thập tư liệu mải miết, say sưa cả tháng trời trong rừng rậm không hề chán nản. Tôi đã lăn lộn theo nhóm nghiên cứu của chị để cùng vui buồn với những phát hiện bất ngờ từ cây cỏ.

Trong những câu chuyện giữa rừng, bao giờ cũng là những suy nghĩ miên man về thế giới của sinh học, sự cần thiết cho việc bảo tồn hệ sinh thái và những giải pháp bảo tồn thiên nhiên, thực vật.

Dịp ấy, lần đầu tiên trong đời tôi bắt gặp hoa đào chuông nở ẩn mình dưới những tàn cây cao bên khe núi. Lạ lẫm làm sao những chùm hoa màu đỏ thắm giống như hình những trái chuông. Giữa mênh mông rừng thẳm, hoa xuất hiện cũng thật khiêm cung, ngần ngại bừng cháy một màu hồng đào như màu môi con gái.

Đến gần mới thấy hoa có nét riêng rất lạ, rực rỡ xuân thì nhưng vẫn dịu dàng đằm thắm, hoang dại núi rừng mà thoáng vẻ quí phái của một loài hoa vương giả. Hoa mong manh nhưng đầy sức sống, đủ để chịu đựng mưa gió bập bùng nơi cao sơn mờ mịt... Tôi bắt đầu yêu hoa đào chuông từ thuở ấy, rồi cứ thầm hỏi hoa đã sinh ra từ bao giờ mà đầy sức quyến rũ đến thế!

Đêm ấy lại một đêm mất ngủ. Bên chiếc bàn nhỏ trước hầm rượu của Debai, chị hào hứng, say sưa nói về hoa đào chuông. Theo chị, tên khoa học của nó là trợ hoa (En klanthus quinque fiorus lour) thuộc họ đỗ quyên (Ericcaceae) bộ Ericales, lớp Magnoliopsida, là loại cây tiểu mộc chỉ cao khoảng 5m trở lại, lá nhỏ, nhánh non không lông. Cây ra hoa từ tiết đông chí cho đến tháng giêng, tháng hai.

Ở nước ta cây đào chuông phân bố ở độ cao trên 1.400m tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa. Nhưng theo chị, các vùng khác rất hiếm đào chuông nên có thể coi đào chuông là loài hoa đặc hữu của Bà Nà. Ở vùng núi cao miền Trung khí hậu rất khắc nghiệt, hoa cỏ mùa xuân thường không sặc sỡ nhưng với đào chuông lại là mùa mà hoa tung tẩy hết độ mãn khai để màu hoa cứ thẫm sắc rạo rực.

Sương núi và hơi đá đã là đà trắng xóa cả mặt đất, đêm càng sâu càng rét, câu chuyện của chị vẫn miên man với những vườn ươm, vườn hoa trải dài trên đỉnh, quanh lối đi và ở các vườn cây của những biệt thự, khu nghỉ dưỡng. Sắc hoa đào chuông đỏ thắm tràn đầy là nét hấp dẫn níu chân du khách. Một mai, biết đâu người ta sẽ cùng hẹn nhau mùa xuân lên Bà Nà chỉ để ngắm hoa đào chuông. Xa hơn, tìm nguồn gen, thay đổi môi trường sống để cây đào chuông “hạ sơn”, có mặt trong những chợ hoa ngày tết, trưng bày trong nhà của người dân thành thị.

Nhiều năm sau không nhận được tin, nghe nói chị ra nước ngoài dạy học, nhưng tôi tin chắc rằng giữa giá băng tuyết trắng, trong mối cảm hoài của người xa xứ chị vẫn còn day dứt với giấc mơ hoa chưa trọn từng neo lại trên những cánh rừng cố hương...

Gần đây, Bà Nà đã chọn cây đào chuông để tạo nên một ấn tượng sinh thái khó quên với du khách. Dự án đã được triển khai với nguồn kinh phí hỗ trợ của một người Pháp, ông Antione Eroute, cùng với sự cộng tác của của nhiều trường đại học VN. Hướng phát triển của dự án gần đúng với những ước mơ ngày nào chị từng tâm nguyện.

Bây giờ men theo những lối đi của khu nghỉ mát, xung quanh những ngôi biệt thự, bungalow, hoa đào chuông đã nở bung một màu đỏ thắm giữa khói mây huyền hoặc trên đỉnh Bà Nà.

Lòng cứ miên man một nỗi cảm hoài, vẫn là ngọn gió và hoa đào năm ấy mà người bạn gái năm xưa giờ nơi đâu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận