Đảo lộn

NGUYỄN TRUNG NGUYÊN 23/05/2014 02:05 GMT+7

TTCT - Kể từ khi ban giám hiệu một số trường cho thiết lập hộp thư “Điều em muốn nói”, hay “Góp ý với thầy cô” để học sinh phản ảnh, đưa ra đề nghị..., tình hình đưa đến kết cục không ai muốn.

1. Đầu tiên, có thể tổng kết sơ bộ là các góp ý chỉ tập trung vào việc phản ứng với cá nhân một số thầy cô. Thầy cô phê bình, nhắc nhở nghiêm khắc thì có “đơn thưa” thầy cô xúc phạm, chửi mắng học sinh... Không bằng lòng với kết quả kiểm tra, thi cử là gửi “đơn tố cáo” thầy cô thiên vị, bất công...

Thật chẳng ra thể thống gì khi ban giám hiệu một số trường có cách tiếp nhận kỳ lạ: nhận đơn liền thông báo trước hội đồng để phê bình ngay mà chưa có bước kiểm tra, kiểm chứng minh bạch. Ban giám hiệu dường như giữ thế thủ và dồn trách nhiệm cho giáo viên với quan điểm: “Thầy cô chắc chắn có sai nên mới có đơn phản ánh!”.

Kết quả là giáo viên khi đến lớp nảy sinh tâm lý giữ kẽ. Thầy cô nào lâu nay nổi tiếng nghiêm khắc cũng phải tự điều chỉnh, ứng xử nhẹ nhàng hơn với học sinh nhưng trong lòng vẫn ấm ức...

Các trường đua nhau lập các hộp thư góp ý để báo cáo lên cấp trên là thực hiện tốt dân chủ trong nhà trường mà không hướng dẫn cho các em biết thế nào là góp ý mang tính xây dựng. Trường cũng chưa yêu cầu các em phải nghiêm túc trong việc làm này. Vì thế đã xảy ra tình trạng mạo danh bạn, nhân danh tập thể lớp hay gửi đơn nặc danh.

Một số đơn chỉ xoay quanh yêu cầu đổi thầy cô chủ nhiệm, thầy cô bộ môn chứ không thấy yêu cầu gì cho phát triển học tập, rèn luyện. Một số trường để khỏi phải giải quyết những yêu cầu này đã cho dẹp các hộp thư góp ý với lý do: nhận thức của các em chưa cao, chỉ làm rắc rối cho hoạt động của trường...?

2. Nếu nhà trường làm tốt việc hướng các em thể hiện tính dân chủ, khoa học trong góp ý, các em sẽ không lợi dụng hộp thư để đả kích thầy cô. Phạm vi thể hiện “điều em muốn nói” rất lớn, nhưng rất ít học sinh có đề nghị liên quan trực tiếp đến điều kiện, cơ sở học tập, thư viện, nhà thi đấu, chất lượng giờ dạy, phương pháp truyền đạt, sự quan tâm của thầy cô đến học sinh yếu...

Nhiều việc có thể trao đổi thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh hay có thể phát biểu trong giờ chủ nhiệm nhưng các em thích gửi đơn vì nghĩ rằng quyền lực của các em được thể hiện, yêu sách của cá nhân có điều kiện được thỏa mãn.

3. Việc góp ý cho nhà trường, cho thầy cô để nâng cao chất lượng học tập là rất đáng hoan nghênh. Đây cũng là phản hồi của các em giúp thầy cô hoàn thiện cá nhân về nhiều mặt, đạt kết quả tốt trong giảng dạy. Điều này trên thế giới cũng đã có tiền lệ.

Việc góp ý này chỉ đạt hiệu quả nếu nhà trường định hướng đúng cho học sinh cho phù hợp, có trách nhiệm với phản hồi của cá nhân. Tính xây dựng phải là hàng đầu. Tuyệt đối không để học sinh và cả một số người lợi dụng để làm mất đoàn kết, hạ uy tín lẫn nhau làm mất niềm tin trong cha mẹ học sinh.

Khi xử lý các đơn góp ý này, ban giám hiệu cũng nên cân nhắc đúng sai, mức độ giải quyết không thể mọi việc đều yêu cầu giáo viên giải trình tạo căng thẳng trong cuộc sống. Khi cần thiết, có thể tổ chức trao đổi giữa thầy và trò. Những góp ý chân thành, những đề xuất hợp lý... cần được thông báo nêu gương trước toàn trường để học sinh hiểu đúng, làm đúng việc góp ý. Những gì thiếu tính xây dựng hay nội dung sai sự thật cũng phải thông báo để học sinh không mắc phải.

Học sinh không được xem hộp thư như công cụ chống lại thầy cô. Càng không để cho tư tưởng trong các em là “thầy cô nào bị thưa chắc chắn sẽ bị kỷ luật...”. Ban đại diện cha mẹ học sinh nên hợp tác cùng nhà trường, những trao đổi trực tiếp, thẳng thắn hiểu biết lẫn nhau, thật sự quan tâm học sinh sẽ mang lại kết quả thiết thực hơn là những lá đơn đầy ác ý.

Rõ ràng thật đau lòng khi xảy ra tình trạng thầy cô sợ học sinh vì những hộp thư góp ý kia. Thầy, trò, nhà trường và phụ huynh hiểu nhau, việc học của các em mới tốt lên được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận