TTCT - Trong lịch sử 25 năm qua xuất khẩu gạo trên quy mô lớn của nước ta, mua tạm trữ tuy là “món cổ truyền” đã có lịch sử tới 17 năm nhưng viện đến nó tới ba lần trong một năm thì đây mới là lần đầu tiên, mặc dù tác dụng hạn chế của nó là điều xưa như trái đất. Do vậy, làm thế nào để nhanh “đưa nó vào bảo tàng lịch sử” là điều không thể chần chừ thêm nữa. Thu hoạch lúa đông xuân ở ĐBSCL năm 2013"Trò mèo vờn chuột" còn tiếp diễn?Nhưng trước khi đi sâu phân tích, cần minh định rằng giải pháp kéo dài thêm thời hạn mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu và mua tạm trữ 300.000 tấn quy gạo vụ thu đông đang cận kề mà Hiệp hội Lương thực VN (VFA) vừa đề xuất lên các cơ quan quản lý là đúng.Sở dĩ như vậy là bởi nếu không có gì đột biến, thị trường xuất khẩu gạo thế giới sẽ có “cơn địa chấn” bắt nguồn từ chính sách thế chấp lúa gạo của Chính phủ Thái Lan, giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu có thể tuột dốc theo, cho nên đây là giải pháp “phòng vệ” không thể không áp dụng.Xét một cách tổng quát, thị trường gạo trắng (bao gồm gạo Indica chất lượng thấp và gạo Indica chất lượng cao) chiếm phần lớn trong “rổ gạo xuất khẩu” của thế giới năm nay đang ở trong tình trạng cung mạnh, cầu yếu, dẫn đến giá giảm. Số liệu thống kê của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy đối với nhóm gạo Indica chất lượng cao (dưới 20% tấm), sau khi giữ ở mức 230-232 điểm phần trăm (ĐPT) trong quý 1, xu thế giảm giá đã xuất hiện từ tháng 4 và tháng 7 đã chạm đáy ở mức 223 ĐPT. Đối với nhóm gạo Indica chất lượng thấp (từ 20% tấm trở lên) cũng xuất hiện xu thế tương tự, nhưng với mức độ giảm thấp hơn (tương ứng là 239-242 và 237 ĐPT). Xu thế này đã mạnh hơn rất nhiều. Đó là Thái Lan đã tiên phong trong việc liên tục và đồng loạt giảm giá chào xuất khẩu các loại gạo trắng của mình và các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của châu Á cũng đã bị cuốn vào vòng xoáy này. Chẳng hạn, đối với gạo 100% B (gạo trắng hạt dài, chất lượng cao hơn gạo 5% tấm), Thái Lan tuy giá chào bình quân trong tháng 8 chỉ giảm 30 USD/tấn, nhưng thật ra cứ bốn ngày nước này lại giảm giá một lần, dẫn đến giá của loại gạo này đã chạm đáy 435 USD/tấn vào cuối tháng. Đây đã là tháng thứ tư liên tiếp nước này giảm mạnh giá loại gạo này, tổng mức giảm đã lên tới 100 USD (từ 550 USD/tấn vào tháng 4 xuống 450 USD/tấn vào tháng 8).Với những động thái như vậy của Thái Lan, nếu như từ tháng 7 trở về trước các đối thủ cạnh tranh chủ yếu như Ấn Độ và Pakistan vẫn “ngó lơ” bởi còn quá cao so với giá của mình, thì từ tháng 8 họ đã phải kéo giá của mình xuống để duy trì sức cạnh tranh với Thái Lan. Trong điều kiện như vậy, khả năng tiếp diễn “trò mèo vờn chuột” như vậy là rất lớn. Chính phủ Thái Lan đã bị “dồn vào chân tường”, nên có nhiều khả năng sẽ buộc phải “liều với canh bạc tất tay” giá gạo của chính mình.Thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho thấy tính đến ngày 24-7, tổng lượng lúa Chính phủ Thái Lan mua vào đã đạt mức khổng lồ gần 42 triệu tấn, tương ứng với 27,6 triệu tấn gạo, trong đó gạo trắng chiếm 21,5 triệu tấn. Trong khi đó, tổng lượng gạo trắng xuất khẩu trong gần 23 tháng thực hiện chính sách thế chấp lúa gạo mới chỉ đạt 8,2 triệu tấn, nên lượng tồn kho hiện khoảng 13,3 triệu tấn.Bi kịch đối với Chính phủ Thái Lan hiện nay chính là gạo trắng quá mất giá mà lại rất khó xuất khẩu. Với giá mua lúa cao ngất ngưởng 15.000 baht/tấn, tương ứng gần 750 USD/tấn gạo, theo TREA, giá gạo xuất khẩu phải đạt ít nhất 800 USD/tấn mới không bị lỗ. Song bình quân sáu tháng đầu năm nay chỉ đạt 545 USD/tấn (giảm từ 563 USD/tấn vào tháng 1 xuống 514 USD/tấn vào tháng 6).Mặc dù chấp nhận lỗ “khủng” như vậy nhưng bình quân tám tháng đầu năm nay Thái Lan chỉ xuất khẩu được hơn 280.000 tấn. Nếu không cải thiện được tiến độ thì phải mất gần bốn năm nữa nước này mới giải phóng hết kho gạo trắng khổng lồ của mình, với điều kiện nông dân phải ngừng trồng lúa. Vì vậy, để tăng tốc xuất khẩu, thay vì “bí mật tuồn gạo cho các doanh nghiệp thân chính phủ” xuất khẩu trước đây như truyền thông nước này “tố cáo”, từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 vừa qua, Bộ Thương mại Thái Lan đã mở ba cuộc đấu giá công khai nhưng chỉ bán được 240.000 tấn trong tổng số 760.000 tấn chào bán, tức là chỉ chiếm 31,6%, còn giá trúng thầu lại không được tiết lộ. Có nhiều nguyên nhân, song cái chính là giá gạo của Thái Lan vẫn không thể cạnh tranh. Việc kéo giá chào chạm đáy 435 USD/tấn vào cuối tháng 8 chắc chắn không ngoài mục đích giành khách hàng của các đối thủ để tăng tốc xuất khẩu.Nhưng bi kịch đối với Thái Lan còn ở chỗ Ấn Độ và Pakistan đã nương theo giá gạo của Thái Lan để điều chỉnh giảm giá của mình. Do vậy, rất có thể quá trình giảm giá của Thái Lan sẽ phải tiếp tục, và “trò mèo vờn chuột” này sẽ còn tiếp diễn. Trong điều kiện các quốc gia xuất khẩu gạo không chỉ “hại lẫn nhau” mà còn “tự mình hại chính mình” như vậy, các quốc gia nhập khẩu đương nhiên là bên được hưởng lợi. Không những vậy, chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng “tọa sơn quan hổ đấu”, thương mại gạo thế giới vốn đã trì trệ chắc chắn sẽ còn trì trệ thêm trong những tháng tới. Lợi ích của nông dân trồng lúaTrong tình hình ấy, dù khoảng cách giá chào gạo 5% tấm là 25 USD của Việt Nam so với của Pakistan, 35 USD so với của Ấn Độ và 55 USD so với của Thái Lan vào cuối tháng 8 (380 USD/tấn và của ba quốc gia lần lượt là 405, 415 và 435 USD/tấn) vẫn bảo đảm sức cạnh tranh, nhưng khi giá của các nước này tiếp tục được kéo xuống, lợi thế không lớn này sẽ lập tức biến mất. Việc phải kéo giá xuống để duy trì sức cạnh tranh là điều khó tránh, ít ra cũng trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giúp nâng giá lúa của nông dân, hoặc chí ít là hạn chế tình trạng giá lúa của nông dân bị giảm sâu thêm.Nhưng trong điều kiện bức tranh lúa gạo vùng ĐBSCL nhiều khả năng sẽ còn rất ảm đạm, không chỉ vấn đề tác dụng hạn chế của giải pháp “cổ truyền” này càng trở nên nóng bỏng hơn mà thêm vào đó còn là câu hỏi: Nhà nước có nên hỗ trợ trực tiếp những nông dân trồng lúa đã không thể có lãi ít nhất 30%, hoặc “trắng tay”, thậm chí lỗ lã ba vụ lúa liên tục trong vòng một năm hay không? Câu trả lời là cần. Nếu vậy, chủ trương xây dựng các “cánh đồng mẫu lớn” cần được hiện thực hóa một cách rốt ráo, bởi nó không chỉ là công cụ giúp giải quyết vấn đề nóng bỏng nói trên, mà còn tạo những tiền đề không thể thiếu để giải quyết một cách căn cơ những vấn đề rất cơ bản của lúa gạo Việt Nam.Nếu các “cánh đồng mẫu lớn” được triển khai rộng khắp ở vùng ĐBSCL, với một “Chính phủ điện tử” hiện có hiệu lực như tuyên bố, có thể từ một trung tâm “ấn nút” để chuyển tiền hỗ trợ vào thẳng tài khoản của từng hộ nông dân trồng lúa. Bởi hợp đồng giao kết giữa từng hộ nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu gạo là căn cứ pháp lý phản ánh một cách chính xác và trung thực nhất mọi hoạt động cụ thể phát sinh trong quá trình sản xuất và tiêu thụ lúa giữa hộ nông dân và doanh nghiệp.Một khi sự liên kết giữa các hộ nông dân và doanh nghiệp trong các “cánh đồng mẫu lớn” được triển khai rộng khắp, trong đó sản xuất lúa được tiến hành theo các quy trình tiến bộ nhằm hướng tới những thị trường tiêu thụ cụ thể, gạo sản xuất hoàn toàn có thể kiểm soát được dư lượng hóa chất, truy xuất được nguồn gốc và không bị lẫn loại, tức là có đủ tiền đề để xây dựng thương hiệu, ta sẽ tránh được tình trạng xuất khẩu với những khối lượng rất lớn nhưng phụ thuộc rất nặng nề vào một vài thị trường chỉ trả giá “bèo” như lâu nay, mà có thể rải ra rất nhiều thị trường yêu cầu khắt khe nhưng có giá mua cao hơn hẳn. Nhưng sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với các “cánh đồng mẫu lớn” là một quá trình cách mạng, chuyển lượng thành chất, đòi hỏi rất nhiều sức lực và tiền của, cho nên tuyệt nhiên không thể áp đặt bằng một mệnh lệnh hành chính và cần được tính toán một cách tỉ mỉ, đòi hỏi những chính sách và giải pháp khuyến khích, hỗ trợ cả nông dân lẫn doanh nghiệp và tiếp theo là vốn đầu tư lớn của Nhà nước. Cũng chính vì vậy, những “ông lớn” trong xuất khẩu gạo càng phải tích cực vào cuộc, nếu không sẽ không thể hi vọng chủ trương mang tính cách mạng này đi vào cuộc sống. Tags: Lúa gạoXuất khẩu gạoNông dânLúa giốngGiá lúa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.