TTCT - Việt Nam sẽ có 1.000 người chạy marathon (42km) với thời gian dưới 4 giờ. Đó là mục tiêu giản dị nhưng đầy ý nghĩa của dự án phi lợi nhuận vì cộng đồng mà bác sĩ Đinh Huỳnh Linh đang nỗ lực thực hiện trong năm 2020. Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh sự giải New York City Marathon 2019. Ảnh: NVCC Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh là một trong những VĐV chạy bộ phong trào xuất sắc tại VN hiện nay. Những ngày đầu năm 2020, dù quay cuồng với công việc tại bệnh viện, bác sĩ Linh vẫn chăm chỉ tập luyện chuẩn bị cho Boston Marathon. Đồng thời, anh đang triển khai dự án 1.000 người Việt chạy marathon dưới 4 giờ do mình khởi xướng. Thận trọng với dịch, không có nghĩa là trốn trong nhà TTCT: Năm 2019, anh là một trong số rất ít người VN đạt chuẩn tham dự Boston Marathon 2020. Đây chắc chắn là dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời anh bên cạnh công việc chuyên môn là bác sĩ tim mạch? - Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh: Boston Marathon là giải chạy marathon danh giá và giàu truyền thống nhất thế giới. Điểm khác biệt của giải đấu là muốn tham gia, VĐV cần chạy nhanh hơn mốc chuẩn (theo giới tính và lứa tuổi). Trên thế giới chỉ có dưới 10% số VĐV đạt chuẩn này. Ngay cả khi đạt chuẩn Boston cũng không chắc có vé tham gia (do trên thế giới có quá nhiều người chạy tốt và mong muốn được tới Boston, nên hiện tại phải chạy nhanh hơn chuẩn 1 phút 30 giây). Tôi quả thực đã phải kiên trì luyện tập rất nhiều để có được vé tham dự Boston Marathon. Thời điểm này anh đang tích cực chuẩn bị cho Boston Marathon diễn ra vào ngày 20-4 tới. Anh tập luyện thế nào khi mà công việc bận rộn, chưa kể một gia đình phải chăm sóc? - Tôi đang tự tập luyện theo giáo án 16 tuần do mình lập ra, bao gồm các buổi chạy đường dài, chạy tốc độ, chạy dốc, chạy phục hồi. Gia đình và công việc luôn là ưu tiên hàng đầu, thời gian còn lại tôi cố gắng sắp xếp, tranh thủ mọi thời điểm để chạy bộ. Tôi có thể chạy vào sáng sớm, giữa trưa hay buổi tối. Mục tiêu của tôi đặt ra cho bản thân tại Boston Marathon 2020 là chạy dưới 2 giờ 55 phút. Boston có đường chạy dốc rất khắc nghiệt. Ngoài ra, thời tiết ở vùng New England luôn biến đổi, không thể dự liệu được. Có năm quá nóng, có năm mưa ướt lạnh làm nhiều người hạ thân nhiệt. Vì thế tôi đặt mục tiêu vừa phải, đồng thời luyện tập cho mọi hoàn cảnh để sẵn sàng với tất cả các tình huống có thể xảy ra khi thi đấu. Trong tình cảnh nỗi lo sợ về virus corona đang tràn ngập cộng đồng, theo bác sĩ cần phải sinh hoạt, luyện tập thế nào để bảo vệ bản thân và những người xung quanh? Liệu những người yêu thể thao, trong đó có chạy bộ, có phải dừng tập luyện? - Chúng ta cần hết sức thận trọng vì diễn biến dịch bệnh khó lường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trốn trong nhà và từ chối mọi sinh hoạt thường ngày, trong đó có tập luyện thể thao. Một nghiên cứu mới đây trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet thống kê các ca tử vong ở Trung Quốc cho thấy những người dễ tử vong nhất do virus corona là người cao tuổi có nhiều bệnh phối hợp như tim mạch, bệnh phổi, bệnh nội tiết, bệnh mạch máu não... Có thể nói là virus corona chủ yếu “bắt nạt” người yếu, vì vậy giữ sức khỏe rất quan trọng. Chạy bộ nói riêng và rèn luyện thể thao nói chung là biện pháp tốt để giữ gìn thể trạng khỏe mạnh, cũng như tinh thần mạnh mẽ, an yên. "Chạy bộ khiến hệ mạch máu trong cơ thể trẻ ra 4 tuổi" BS Đinh Huỳnh Linh Vượt ra ngoài một cuộc chơi Trang web về chạy bộ do anh sáng lập (chay365.com) cung cấp nhiều thông tin quý giá cho người quan tâm đến chạy bộ. Anh có thể chia sẻ về nó? - Hiện tại, trang hoạt động chủ yếu dựa vào công sức đóng góp của khoảng 10 thành viên trong ban biên tập. Những người viết, dịch bài đều là người đam mê chạy đường dài, đóng góp công sức để gây dựng phong trào chạy bộ tại VN. Toàn bộ đội ngũ làm việc trên tinh thần thiện nguyện. Chúng tôi tự bỏ tiền túi để duy trì hoạt động của trang, phục vụ những người quan tâm đến chạy bộ, trang hiện không có nguồn thu. Anh làm cách nào để duy trì niềm đam mê với chạy bộ cũng như các hoạt động hướng đến cộng đồng? - Chạy bộ với tôi là một cuộc chơi. Đã gọi là chơi thì không quá quan trọng chuyện được - mất. Thật sự, tham gia tổ chức hoạt động chạy bộ, viết/dịch bài trên web, chia sẻ kiến thức và đam mê, vẫn là các công việc mà tôi làm suốt sáu năm qua. Hiện tôi tiến hành mọi việc một cách quy củ hơn, với niềm tin rằng cộng đồng chạy bộ đã đủ trưởng thành để có thể làm được những điều lớn lao. Ban quản trị trang có nhiều giấc mơ lớn với phong trào chạy bộ đường dài ở VN. Hi vọng rằng chúng tôi sẽ tạo được nền tảng để thực hiện được các giấc mơ ấy. Năm 2020 này, anh có tham vọng lớn là sẽ giúp 1.000 người chạy marathon dưới 4 giờ tại VN. Vì sao anh lại đưa ra và thực hiện dự án này? - Cự ly marathon dài 42km là một quãng đường lý tưởng để thử thách thể lực cũng như tinh thần con người. Tôi tin rằng chinh phục được cột mốc này là một trải nghiệm đáng nhớ với mỗi người chạy bộ, như ai đó từng nói: “Khi bạn hoàn thành cuộc đua marathon, điều đó sẽ thay đổi bạn mãi mãi”. Còn tại sao lại là mốc 4 giờ ư? Thực ra chạy marathon là rất tốt rồi, nhưng chạy marathon dưới 4 giờ (hay sub4, tương đương tốc độ trung bình khoảng 10,5km/h) đòi hỏi không chỉ tố chất mà cả đam mê và sự chuyên cần tập luyện. Nó lại là một cột mốc khác. Trên thế giới, tỉ lệ chạy sub4 chiếm khoảng 30-40% số người chạy được marathon. Hiện nay ở VN, ước tính có khoảng 3.000 người từng hoàn thành cự ly marathon, trong đó mới hơn 300 người chạy sub4 (10%). Con số 1.000 chân chạy marathon sub4 sẽ là dấu mốc cho thấy phong trào chạy bộ đường dài ở VN đã lên một tầm cao mới. Một trong những cách để anh thực hiện mục tiêu đó là tổ chức chạy đường dài cuối tuần. Mọi thứ từ giáo án, người dẫn tốc, đến nước, điện giải... đều miễn phí cho những ai tham gia, chỉ cần cam kết có mặt và hoàn thành đủ nội dung bài tập. Anh huy động nguồn lực từ đâu và gặp khó khăn gì? - Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất nằm ở động lực nội tại của chính người chạy bộ. Đó là thứ không ai quyết định được, ngoại trừ bản thân họ. Các hoạt động hỗ trợ của chúng tôi chỉ giúp mọi người tiếp cận mục tiêu dễ hơn mà thôi. Khó khăn thứ hai đến từ thời gian hạn hẹp của những người tổ chức. Thật không hay khi mình giúp mọi người chạy bộ tốt lên trong khi bản thân không tiến bộ hoặc còn kém đi. Kinh phí tổ chức các buổi chạy như vậy không quá nhiều và tôi tin có thể huy động được nguồn lực từ cộng đồng, những nhà hảo tâm, từ cả các thương hiệu lớn. Tôi là người đưa ra giáo án sơ lược cho mọi người trong các buổi chạy. Đội dẫn tốc dự định tuyển chọn những chân chạy nghiêm túc và có chất lượng trong cộng đồng. Một số thành viên thường xuyên có mặt sớm để chuẩn bị nước và điện giải. Các bạn đó phải hi sinh buổi chạy của mình để phục vụ cộng đồng. Trên vạch xuất phát ở giải Marathon TP.HCM 2020, nội dung cho trẻ em. Ảnh: Dư Hải Chạy bộ đều đặn giảm nguy cơ các bệnh tim mạch 1.000 người chạy marathon sub4 thì có ý nghĩa gì khi nhiều người cho rằng quan trọng nhất là phải tăng số người chạy hoặc tập thể thao hằng ngày tại VN? - Cả hai việc đều có ý nghĩa. VN nằm trong tốp những nước lười vận động nhất thế giới, vì thế cứ thêm một người chạy bộ, dù chỉ 1km thôi, là rất tốt rồi. Tuy nhiên, nếu một người bình thường, tự luyện tập đều đặn và bài bản để có thể chạy marathon sub4 thì sức lan tỏa và ảnh hưởng tới cộng đồng xung quanh sẽ rất đáng kể. Có thể cô ấy sẽ là niềm cảm hứng để 100 người khác đến với chạy bộ đường dài. Với nhiều người, chạy bộ là môn thể thao khá nhàm chán, đơn độc. Thế nhưng những người đã chạy rồi thì hầu hết đều say mê. Chạy bộ với anh có ý nghĩa thế nào? Nó có vai trò gì với những bệnh nhân có nguy cơ và đã gặp vấn đề về tim mạch? - Chạy bộ là một phần cuộc sống của tôi. Ngoài công việc chính ở bệnh viện, chạy bộ cho tôi cơ hội suy nghĩ, sinh hoạt, ăn uống, tập luyện như một VĐV, dù chỉ là VĐV hạng “gà”. Đó là chưa kể những tình cảm vô cùng tốt đẹp tôi có được với nhiều người bạn trong cộng đồng chạy bộ. Hiện nay các bệnh lý chính đe dọa con người là tim mạch và bệnh về chuyển hóa. Chạy bộ là biện pháp đốt mỡ rất hiệu quả, giúp giảm cân, giảm xơ vữa động mạch... Một nghiên cứu gần đây cho thấy tập chạy bộ khiến hệ mạch máu trong cơ thể trẻ ra 4 tuổi. Vì vậy từ góc nhìn người thầy thuốc, tôi tin rằng một cộng đồng chạy bộ đều đặn là một cộng đồng có rất ít nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Với vai trò một bác sĩ tim mạch, theo anh, có cần thiết tiến hành thường quy thăm dò chức năng tim mạch để tầm soát nguy cơ trước khi chơi thể thao hay không? - Chạy bộ nói riêng và các biện pháp thể dục nói chung giúp giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Bất cứ phác đồ điều trị bệnh tim mạch nào đều đòi hỏi không chỉ dùng thuốc mà còn cần thay đổi lối sống (chế độ dinh dưỡng và vận động). Vì thế, chạy bộ là biện pháp hiệu quả giúp dự phòng bệnh lý tim mạch trong cộng đồng. Những trường hợp có bệnh lý về tim mạch, hô hấp đã biết trước thì nên thận trọng và cần đi khám bác sĩ để được tư vấn có cho chạy bộ hay không. Theo tôi, người chạy bộ có thể yên tâm tập luyện nếu thỏa mãn tất cả các yếu tố: không có tiền sử đau ngực, khó thở; không có tiền sử cảm giác hẫng hụt ở ngực hay tim đập rối loạn không đều; không có tiền sử mệt thỉu, thoáng ngất (giận bố mẹ, giận người yêu mà “ngất lịm” vài chục phút thì không tính); trong gia đình không có ai tiền sử bệnh tim từ lúc trẻ, hoặc đột tử khi trẻ (trẻ tạm tính là dưới 40 tuổi); theo dõi điện tâm đồ liên tục 24 giờ (Holter điện tâm đồ) không có đoạn ngưng xoang dài, và không có rối loạn nhịp tim nặng; số đo huyết áp không vượt quá 140/90 mmHg; siêu âm tim kết luận không có bất thường. Nếu ít nhất một trong các ý trên là “có”, cần đến khám chuyên khoa tim mạch nghiêm túc và kỹ càng. Đôi khi sau khi chạy dài, bạn có thể hụt hơi hay chóng mặt đôi chút. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên: toàn bộ cơ thể bạn đang trong trạng thái “nợ oxy” và phải sử dụng năng lượng chuyển hóa yếm khí để vận cơ. Bạn chỉ cần bình tĩnh hít thở sâu vài phút là mọi việc trở lại bình thường. Ngoài ra, những người tập thể thao đều đặn có thể gặp “hội chứng tim vận động viên”, biểu hiện là nhịp tim chậm hơn bình thường, và siêu âm có hình ảnh tim to. Đây cũng là một biến đổi sinh lý không có gì đáng ngại, nhất là khi bạn không biểu hiện triệu chứng và kết quả siêu âm hay điện tim không cho thấy bất thường gì khác.■ Số liệu từ RaceVietnam cho thấy ở giải Marathon Long Biên 2019, trong số 833 VĐV hoàn thành cự ly marathon, có 114 người chạy sub4, tức 13,7%, ở nam là 111/749 người (14,8%), nữ là 3/84 người (3,6%). Như vậy tỉ lệ chạy marathon sub4 của VN còn thấp. Trang marastats.com thống kê 4 triệu người chạy marathon trên khắp thế giới trong hai thập kỷ qua cho thấy trung bình có 43% nam giới và 21% nữ giới đạt thành tích dưới 4 giờ. Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Trên thế giới, bệnh tim mạch cướp đi 18 triệu sinh mạng mỗi năm. Ở Việt Nam, số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2017 cho thấy bệnh tim mạch - chủ yếu là tai biến mạch máu não và bệnh động mạch vành - là nguyên nhân của 29% trường hợp tử vong, vượt xa nguyên nhân thứ hai là bệnh phổi mãn tính (4,9%). Tags: Tim mạchChạy bộMarathonĐinh Huỳnh Linh
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai phi công lái máy bay Yak-130 gặp nạn NAM TRẦN 23/11/2024 Lễ trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai đại tá phi công Nguyễn Văn Sơn và thượng tá Nguyễn Hồng Quân đã diễn ra vào chiều nay 23-11.
Đề xuất xây nhà thi đấu Phan Đình Phùng với 1.850 tỉ đồng, năm 2028 đưa vào sử dụng ÁI NHÂN 23/11/2024 Theo dự án, thời gian thực hiện sẽ là 5 năm và năm 2028 hoàn thiện công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đặt hàng 2 hôm đã có 'shipper dỏm' gọi, dù đơn mới thông quan CÔNG TRIỆU 23/11/2024 Rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Online liên quan đến câu chuyện bị 'shipper' mắng xối xả, lừa chuyển khoản để nhận hàng dù không đặt, cho thấy đây đúng là một vấn nạn đang tồn tại và gây nhức nhối.