Để cả thế giới được tiêm

YÊN LAM 24/05/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng được xem là chiến thuật hiệu quả nhất để kiểm soát đại dịch. Chích ngừa cho cả thế giới là một nỗ lực toàn cầu với quy mô lớn vô tiền khoáng hậu, nhưng cũng đầy những thách thức và hình ảnh tương phản.

 
 Minh họa: Edmon de Haro

Cung cầu bất tương xứng

Theo The New York Times ngày 17-5, có 11 loại vaccine khác nhau đã được cấp phép sử dụng chính thức hoặc khẩn cấp tại ít nhất một quốc gia.

Tuy nhiên, các nước giàu đang hưởng phần lớn lợi ích từ vaccine. Chỉ 0,3% số liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu là ở 29 quốc gia nghèo nhất, nơi chiếm khoảng 9% dân số thế giới.

Các nhà sản xuất vaccine khẳng định đang khắc phục tình hình, tăng cường sản xuất và ký thêm hợp đồng với các đối tác khắp thế giới để tăng năng lực sản xuất thêm hàng tỉ liều. Hiện tại, mỗi tháng có 400 - 500 triệu liều vaccine xuất xưởng từ các hãng Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson, The New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ.

Tốc độ đó, và tổng lượng vaccine đã được sản xuất cho đến nay (1,7 tỉ liều theo ước tính của Hãng Airfinity), chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của thế giới - khoảng 11 tỉ liều để tiêm cho 70% dân số toàn cầu - ngưỡng cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng, theo ước tính của các nhà nghiên cứu Đại học Duke.

Việc sản xuất đang được tăng tốc, nhưng vấn đề là nguyên liệu thô và các trang thiết bị quan trọng thì lại thiếu. Và nhu cầu vaccine trên thế giới sẽ còn lớn hơn các con số ước đoán hiện tại, vì mục tiêu của vaccine COVID-19 là một mục tiêu di động: nếu các biến chủng nguy hiểm hơn xuất hiện, cần phải chích thêm liều nhắc lại hoặc thậm chí thay đổi công thức vaccine.

Lúc đó nhu cầu sẽ tăng, và các nước sẽ có thêm động lực giữ nguồn cung sẵn có lại dành cho nội địa thay vì chia sẻ. Giải pháp duy nhất là phải tăng nguồn cung ứng vaccine toàn cầu, một bài toán không dễ giải.

 
 Tỉ lệ người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19 trên dân số. Cập nhật 17-5-2021 (giờ Luân Đôn). Nguồn: Our World in Data

Họ vẽ đường đi của vaccine như thế nào?

Trên trang web của bang Minnesota (Mỹ) có thông tin chi tiết về quy trình vaccine đi từ kho của chính phủ liên bang đến bắp tay công dân ở bang, theo cơ chế phân bổ mỗi tuần.

Nói ngắn gọn, đầu tiên ngành y tế Minnesota phải tính toán số vaccine cần cho đợt triển khai kế tiếp, cũng như tiêm cho ai, nên giao đến đâu, rồi đặt hàng lên chính quyền liên bang vào thứ năm hằng tuần. Việc vận chuyển sẽ mất 1 - 5 ngày. Vaccine được chuyển đến các trung tâm tiêm chủng hoặc cơ sở y tế công, trước khi được phân phối tiếp cho các đơn vị cơ sở để tiêm cho nhân viên y tế và công dân. Nghĩa là mỗi đợt giao - nhận, một lô vaccine sẽ đi qua 3 điểm: kho của chính phủ => điểm tập kết ở Minnesota => điểm tiêm chủng.

Nghe thì đơn giản vậy thôi, nhưng phần lưu ý cho mỗi khâu mới là quan trọng. Mỗi khi có vaccine được chuyển đến địa điểm cuối trong hành trình, các đơn vị phụ trách tiêm phải thiết lập các điểm tiêm nhanh chóng nhưng phải an toàn. Người trực tiếp cầm ống tiêm phải được huấn luyện đầy đủ.

Sở dĩ phải đặt hàng đúng số lượng cần cho từng đợt là vì vaccine được chích rộng rãi ở Mỹ là của Pfizer, vốn phải được tiêm trong vòng 6 tiếng kể từ khi mở lọ và lấy mũi đầu tiên. Mỗi điểm tiêm cũng phải tính toán số lượng người được chích ngừa để tránh lãng phí. Các điểm tiêm, bao gồm hiệu thuốc, phải báo cáo số lượng tiêm về Sở Y tế Minnesota.

Mỗi khâu nói trên đều đòi hỏi cơ sở vật chất sẵn có, năng lực quản trị, nhân lực và vật lực để mỗi thứ diễn ra trơn tru như ý. Đó là chưa tính đến có sẵn nguồn cung vaccine để phân bổ hay chưa. Không phải quốc gia nào cũng có điều kiện như Mỹ, chưa kể tình hình dịch bệnh các nước cũng khác nhau.

Các nước thu nhập thấp và trung bình thiếu đủ thứ, không chỉ tiền mua vaccine mà còn để đảm bảo cơ sở hạ tầng, nhất là nếu dùng vaccine phải trữ cực lạnh theo yêu cầu chuẩn như Moderna (-20°C) và Pfizer (-70°C). Việc vận chuyển và phân phối vaccine Pfizer là một thách thức lớn về hạ tầng và chi phí cho các hệ thống cung ứng y tế, vốn chỉ xử lý vaccine trữ ở nhiệt độ 2°C đến 8°C.

Các nước nghèo dĩ nhiên sẽ gặp trở ngại lớn hơn. Tại Peru có 30 tủ siêu lạnh có thể trữ vaccine Pfizer, nhưng chúng đều nằm ở thủ đô Lima. Những tủ đông này muốn sản xuất mới phải chờ 4-6 tuần, trong khi nhập về thì giá cực đắt: 10.000 - 25.000 USD/chiếc.

Ngoài tiền nong ra còn chuyện năng lực; đến một nước y tế tiên tiến, bảo hiểm toàn dân như Nhật vẫn bị động trước việc triển khai vaccine COVID-19. Theo Hãng tin AP, Nhật đã chắc chắn có 344 triệu liều vaccine, đủ để dùng cho toàn dân từ đây đến cuối năm. Số này gồm 194 triệu liều Pfizer, 120 triệu từ AstraZeneca và 50 triệu của Moderna. Các lô hàng đã chuyển đến Nhật từ tháng 5 này, và khoảng 7 triệu liều hiện vẫn nằm yên trong tủ đông, chưa hề được sử dụng, theo dữ liệu của Bộ Y tế Nhật.

Nguyên nhân, theo giới chức Nhật, là vì không có đủ nhân sự để chích ngừa. Trong khi ở Mỹ, người dân có thể ghé tiệm thuốc tây để dược sĩ tiêm cho, hay ở Anh huy động tình nguyện viên không cần nền tảng y khoa, chỉ cần tập huấn ngắn là được làm người tiêm, thì văn hóa bảo thủ của Nhật không cho phép điều đó. Chỉ có bác sĩ và y tá Nhật được phép là người tiêm vaccine.

Theo AP, các nha sĩ đã tình nguyện được tham gia, thậm chí đã được cấp phép, nhưng chưa có ai được huy động. Ngay cả khi có thêm lực lượng bổ sung này, Chính phủ Nhật vẫn cần phải nới lỏng quy định về nhân sự tiêm chủng hơn nữa, theo tiến sĩ Yasuharu Tokuda - giáo sư y khoa Đại học Tsukuba.

“Chính phủ hành động quá chậm và kém hiệu quả khi đối mặt với đại dịch - Tokuda nói với báo The Japan Times ngày 16-5 - Giờ là lúc tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để phòng hậu quả thảm khốc sau này. Dược sĩ và sinh viên y khoa có thể được tập huấn để làm nhân sự tiêm chủng khẩn cấp”.

Tính đến ngày 13-5, hơn 5,59 triệu liều vaccine (đến nay Nhật mới chỉ dùng Pfizer) đã được tiêm ở Nhật, trung bình 65.000 mũi/ngày tính từ khi chiến dịch tiêm chủng diện rộng bắt đầu vào ngày 17-2. Tokyo đặt mục tiêu chích đủ 2 mũi cho khoảng 36 triệu người từ 65 tuổi trở lên trước ngày 31-7, nhưng nhiều chính quyền địa phương cho biết sẽ không đạt được tiến độ này.

 
 Minh họa

Chi phí của vaccine

Trong một thế giới lý tưởng, giá của mỗi liều vaccine sẽ nhất quán, dù ở nơi nào trên tinh cầu này. Còn ở thực tế, trong giai đoạn hiện tại, các quốc gia phải trả nhiều giá khác nhau để có vaccine. Theo Đài NPR (Mỹ), sự chênh lệch lớn về giá vaccine là do nhiều loại có giá sản xuất đắt hơn, nhưng ngay cả với cùng một loại vaccine, chẳng hạn AstraZeneca - được cho là vừa túi tiền nhất thế giới - con số cuối cùng ở các nước vẫn khác nhau rõ rệt.

AstraZeneca không công khai giá chính xác khi bán cho các chính phủ, song theo NPR, đã có nhiều thông tin về việc các chính phủ phải trả các giá rất chênh lệch để mua AstraZeneca, cũng như các nước nghèo hơn phải trả đắt hơn các nước giàu, dù cho cùng một món hàng.

Nam Phi được cho là trả 5,25 USD cho mỗi liều vaccine AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ, trong khi một hợp đồng giữa AstraZeneca và Ủy ban châu Âu cho thấy các nước châu Âu chỉ phải trả 3,5 USD/liều. Uganda có vẻ đã chốt thương vụ bất lợi nhất: 8,5 USD/liều, theo dữ liệu của Reuters và lời các quan chức chính phủ được Tổ chức Health Policy Watch dẫn lại. 

Trong một thông cáo gửi NPR, AstraZeneca cho rằng hãng này cam kết cung ứng vaccine rộng khắp và công bình khắp thế giới, không lợi nhuận suốt thời gian đại dịch. “Giá vaccine khác nhau vì nhiều yếu tố, trong đó có chi phí sản xuất vốn khác biệt theo vùng địa lý, và số lượng (đặt mua) theo từng quốc gia” - thông cáo viết. Nhưng cần nhớ là dù chênh lệch chỉ là vài đôla thì khi nhân với số lượng vài chục đến vài trăm triệu liều phải tiêm, con số sẽ rất khủng khiếp. Sự chênh lệch giá của các loại vaccine khác còn lớn hơn, theo các dữ liệu công khai mà NPR thu thập được.

 
 Khác biệt về giá -vaccine AstraZeneca. -Chú thích: (1) COVAX là liên minh 190 nước. (2) Vaccine Brazil sản xuất nội địa. (3) Vaccine Brazil mua từ Ấn Độ.

Ngay cả các quốc gia thu nhập trung bình, cung cấp tình nguyện viên cho giai đoạn thử nghiệm lâm sàng của các nhà sản xuất vaccine, cũng khó đàm phán có lợi với chính các hãng dược đó. Argentina là nơi diễn ra giai đoạn 3 của vaccine Pfizer nhưng chưa thể đạt thỏa thuận mua sản phẩm này, còn Peru không được giảm giá nếu mua vaccine Sinopharm dù giúp hãng này thử nghiệm lâm sàng.

COVAX, sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu, cũng không công khai giá mua vaccine. Liên minh này xác lập thỏa thuận riêng lẻ với các nhà sản xuất và những loại thỏa thuận thương mại và pháp lý đó là độc quyền và không thể chia sẻ, theo Seth Berkley, giám đốc Gavi - một trong các tổ chức bảo trợ COVAX.

Manuel Martin, thuộc tổ chức Thầy thuốc không biên giới, cho rằng các nước nhỏ kém lợi thế trong việc đàm phán với các hãng dược để mua vaccine, không đủ sức để thương thảo một hợp đồng có lợi song phương. “Hiển nhiên là các nhà sản xuất ít hứng thú với việc phân phối một số lượng nhỏ đến các quốc gia nhỏ, so với giao các đơn hàng to cho các nước đông dân và có sức mua cao” - Martin nói.

Trên đây mới chỉ là chuyện mua vaccine, còn chi phí triển khai còn lớn hơn nhiều. Chẳng hạn Vương quốc Anh dành 11,7 tỉ bảng cho chương trình tiêm vaccine, trong đó chỉ có 2,9 tỉ bảng là để mua vaccine (267 triệu liều), phần còn lại là chi trả cho nhiều chi phí liên quan, theo số liệu của Cơ quan Kiểm toán quốc gia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận