Để chấm dứt sự tảng lờ luật pháp

NGUYỄN ĐỨC LAM 29/08/2016 00:08 GMT+7

TTCT - Tuần trước, vào cùng một ngày có ba tin đáng chú ý: một về việc hoàn thuế đối với Formosa Hà Tĩnh; hai về vụ tòa án huyện ở Bình Thuận xử hai nông dân 7 và 8 năm tù vì tội... nhận hối lộ; ba về vụ bắn chết các lãnh đạo cao nhất của tỉnh ở Yên Bái. Tình cờ nhưng không phải ngẫu nhiên, ba sự kiện, ba nội dung ở ba nơi đều chung một điểm: phản ánh tình trạng tảng lờ/bỏ qua luật pháp hiện hành.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Trong cả ba trường hợp, pháp luật về môi trường, về đầu tư bị nhờn; pháp luật hình sự, tố tụng hình sự bị áp dụng sai và súng đạn đã nổ thay tiếng gõ búa của quan tòa. Và ta đều đã thấy còn rất nhiều trường hợp bỏ qua luật pháp như vậy, dù có hơn 100.000 văn bản quy phạm pháp luật các loại đang có hiệu lực và hệ thống đầy đủ các cơ quan thực thi pháp luật, tòa án.

Nhờn luật như thế nào?

Trong nhiều năm qua, có thể dễ dàng nhận diện tình trạng nhờn luật/bỏ qua luật ở khắp nơi với nhiều dạng. Rõ nhất là sự thiếu vắng những quy định pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và giữa các công dân với nhau. Ngay cả khi có hơn 100.000 văn bản quy phạm pháp luật.

Và vì thế, đầu tiên là lợi ích chính đáng của người dân không được pháp luật đảm bảo, thậm chí bị vi phạm. Có đủ các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, nhưng trong nhiều trường hợp các cơ quan này không chịu làm điều hoàn toàn nằm trong thẩm quyền xử lý mà đùn đẩy nhau, hoặc đẩy lên cấp trên. Như UBND một xã giữ sổ đỏ của 150 hộ dân suốt 19 năm nay mà không trả thì đã có thể giải quyết dứt điểm ở cấp huyện, cùng lắm ở cấp thành phố, nhưng cuối cùng Thủ tướng phải chỉ đạo. Với ví dụ này có thể thấy một điều: sự tê liệt trách nhiệm đã làm tê liệt pháp luật.

Hoặc dù có đủ các quy định về hình sự, tố tụng hình sự nhưng luật pháp vẫn bị bỏ qua trong trường hợp xử 7-8 năm tù hai nông dân tội... nhận hối lộ; bỏ tù mấy học sinh vì tội “cướp giật” mũ, trêu đùa bạn gái... và nhiều trường hợp tương tự. Chưa nói đến các trường hợp oan, sai nặng hơn đã được nhắc đến nhiều trên báo chí, trong xã hội, ở Quốc hội. Trong những trường hợp đó, sự máy móc, xơ cứng trong áp dụng pháp luật đã làm pháp luật trở nên hà khắc, bất công trong tâm lý người dân. Pháp luật không phải “che mắt” để thể hiện sự công tâm, vô tư mà thật sự đã “nhắm mắt”, “bịt tai”, không tồn tại trong những phận người.

Ngược lại, trong nhiều trường hợp khác như vụ đường ống nước sông Đà, các vụ hối lộ, tham nhũng, vi phạm về môi trường, các kiểu “chạy” bị phát hiện, pháp luật lẽ ra phải thật nghiêm minh, trừng trị đích đáng những kẻ phạm tội thì lại được “vận dụng khéo léo” để giơ cao đánh khẽ hay buông tha vì nhiều lý do khác nhau. Pháp luật, trong những trường hợp đó, dù vẫn có đủ mà lại bị vô hiệu, hư vô. Trên phương diện pháp luật không được thực thi, có thời điểm hàng trăm ngàn án dân sự tồn đọng không thi hành được khiến các tổ chức, cá nhân không đòi được quyền lợi hợp pháp của mình, mang nỗi oan ức và mất niềm tin vào pháp luật.

Cần nói thêm trong không ít trường hợp, các quy định pháp luật không được tuân thủ ngay trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, dù vô tình hay hữu ý. Từ cấp thấp nhất như vụ quán Xin Chào, vài tháng trước chính quyền đã làm sai, mới đây UBND thị trấn lại yêu cầu cắt điện, nước của quán này - lại là một quyết định vừa sai luật, lạm quyền vừa “trái đạo lý”, cho đến những sai phạm của các cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính, lên đến các bộ, ngành không tuân theo quy trình, thủ tục.

Claude Frederic Bastiat trong cuốn Luật pháp từng nêu khái niệm cướp bóc hợp pháp: “Đôi khi luật pháp bảo vệ và tham gia cướp bóc. Đôi khi luật pháp đưa toàn bộ máy quan tòa, cảnh sát, nhà tù nhằm phục vụ bọn cướp bóc và coi nạn nhân - khi anh ta tự bảo vệ mình - là kẻ tội phạm”. Báo chí phản ánh nhiều và chính người dân đã chứng kiến nạn mãi lộ nhức nhối của cảnh sát giao thông; nạn ăn hối lộ của hải quan, thuế; chạy chức chạy quyền, chạy dự án... Ở một phương diện khác, lợi ích riêng tư, lợi ích nhóm ẩn giấu kín đáo trong các điều luật, dưới những lý lẽ, lập luận đẹp đẽ. Người ta đã quen thuộc với câu: “Nghị định là chùm khế ngọt, thông tư là chùm khế siêu ngọt” để chỉ việc cài cắm quyền lợi; hoặc như một đại biểu Quốc hội đã ví von “trên thảm, dưới đinh” để nói đến tình trạng các văn bản dưới luật đã vô hiệu hóa các chính sách tốt đẹp khi đưa ra các quy định cản trở quyền, lợi ích, hành công dân, doanh nghiệp.

Với thực tế đó, tình trạng tảng lờ/bỏ qua luật bộc lộ rõ nhất khi các công dân trong một quốc gia không còn tin vào hiệu lực của pháp luật, tìm đến một thứ luật khác: luật rừng, nhờ “đại ca”, “xã hội đen” xử lý hoặc tự xử với nhau khi có khúc mắc. Đối với chính quyền, không ít trường hợp người dân do tuyệt vọng trên con đường dằng dặc tìm kiếm công lý đã phải dùng đến các dạng bạo lực. Cuối cùng, khá nhiều trường hợp do chịu sự can thiệp của những mối quan hệ quyền lực, quen thân, họ hàng..., pháp luật đã phải chịu nhường bước. Gọi điện cho người thân, thư tay, chỉ thị miệng cũng đều làm cho pháp luật im lặng, không thể lên tiếng.

Để công lý ngự trị

Tác giả cuốn Luật pháp cũng viết: “Nếu luật pháp không được tôn trọng, ở một mức độ nào đó, xã hội không thể tồn tại được” và điều đầu tiên là phải làm cho “luật pháp đáng được tôn trọng”. Nhưng làm thế nào?

Trước hết, đã đến lúc từ bỏ quan niệm pháp luật là công cụ cai trị của giai cấp này đối với giai cấp kia. Bởi khi đã coi là công cụ cai trị với tư duy hai chiến tuyến như vậy, người ta sẵn sàng dùng pháp luật để “đập bẹp” những người khác; cho những người khác ra rìa; nguy cơ lạm dụng pháp luật rất cao, dẫn đến coi thường luật. Quan niệm đó đã gây ra những hậu quả nặng nề cho đất nước, xã hội và cá nhân công dân.

Pháp luật xứng đáng được tôn trọng là pháp luật được đặt ra để giữ gìn công lý, các quyền, tự do của con người. Đây là một tư tưởng pháp lý lớn của nhân loại. Tác giả cuốn Luật pháp cũng viết: “Cuộc sống, quyền tự do và tài sản tồn tại trên đời không phải vì con người đã làm ra luật pháp. Ngược lại, điều hiển nhiên là: cuộc sống, quyền tự do và tài sản đã có từ trước và điều đó buộc người ta coi luật pháp là tối thượng”. Ở Việt Nam, ngày 2-9-1945 trên quảng trường Ba Đình, trước toàn thể quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập với câu trích: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Các chính phủ được lập ra, pháp luật được ban hành, thực thi để đảm bảo những quyền này.

Từ hàng ngàn năm trước, qua nhiều thế kỷ, các nhà tư tưởng lớn của nhân loại đã coi bản chất, mục đích của pháp luật là duy trì công lý, làm cho công lý ngự trị. Muốn vậy, pháp luật cần ngăn chặn, không để bất công ngự trị. Trên thực tế, “chỉ có công lý khi không còn bất công”. Để ngăn ngừa bất công, cần loại bỏ ngay lập tức loại pháp luật “lấy những thứ thuộc về một người nào đó và đem cho những người mà chúng không thuộc về”; loại pháp luật “làm lợi cho người này, khiến người khác phải trả giá chỉ bằng cách phạm tội”. Dạng pháp luật như vậy không chỉ là cái ác, mà còn là nguồn gốc cho những cái ác tiếp theo.

Ở đây cũng cần tránh quan niệm pháp luật và công lý là một, không khác gì nhau, cái gì hợp pháp thì cũng là chính đáng, sự kiện nào đó là “chính đáng” vì pháp luật quy định như thế. Quan niệm như vậy sẽ tiến đến việc thừa nhận pháp luật của chế độ phát xít, độc tài cũng đạt được công lý. Ở nhiều nước, trong nhiều trường hợp thẩm phán thường viện đến một nguyên tắc khi xét xử: lẽ công bằng.

Từ thời xa xưa, ở Hi Lạp và La Mã cổ đại, lẽ công bằng đã được viện dẫn để bổ khuyết pháp luật; người ta quan niệm rằng pháp luật mà thiếu lẽ công bằng thì “giống như một cái chày vồ lạnh lùng bổ xuống”. Từ thời đó, triết gia Aristotle đã nói: “Lẽ công bằng là một nền công lý tốt hơn, nó sửa sai nền công lý bằng pháp luật trong trường hợp nền công lý bằng pháp luật này dẫn đến những kết quả bất công vì những câu chữ tổng quát của một đạo luật không dự liệu tất cả”. Ngày nay, lẽ công bằng cũng phù hợp với mục tiêu “xã hội công bằng...” mà chúng ta đang hướng tới.

Nhưng lẽ công bằng được áp dụng tốt đẹp hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào vị thế của tòa án, trình độ pháp lý, kiến thức xã hội, tính trung thực, lòng quả cảm và lương tâm của thẩm phán - những người cầm cân nảy mực ở chốn pháp đình. Cần thừa nhận vai trò sáng tạo của tòa án trong việc áp dụng luật, giúp pháp luật ứng phó sự biến chuyển cuộc sống; cùng với nhà làm luật phát triển pháp luật, “thích ứng một cách nhân bản và tự do nhất các văn bản luật với những yêu cầu của công lý, lý trí cuộc sống đương đại”; giúp cho quyền của người dân không bị từ chối hoặc không được giải quyết, được tôn trọng và bảo vệ. Muốn vậy, bản thân tòa án và thẩm phán cũng phải tự vận động, làm mới mình, nâng cao năng lực, nâng mình lên để làm được công việc rất khó khăn này.

Đặc biệt, thẩm phán khi xét xử phải độc lập, nhân danh công lý, không tuân theo ý chí của bất kỳ một chủ thể nào để tòa án thật sự là nơi chốn cho người dân viện cầu công lý; tiếng gõ búa của quan tòa vang lên uy nghiêm, cẩn phục.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận