TTCT - Hải quân Trung Quốc và Nga vừa kết thúc cuộc tập trận chung ở Biển Đông và một cuộc tuần tra hải quân chung. Hầu như đồng thời Mỹ và đồng minh tiến hành cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2024. Ảnh: Tass/Tân Hoa xã Hai cuộc tập trận hải quân không chỉ phản ánh cục diện Thái Bình Dương trong tình hình mới sau chiến tranh Nga - Ukraine và tranh chấp ngày càng lớn giữa Nga và NATO, mà còn tiềm ẩn nhiều ngụ ý địa chính trị lan rộng từ lục địa châu Âu tới Thái Bình Dương.Nga - Trung tập trậnCuộc tập trận hải quân chung "Phối hợp trên biển 2024" giữa Trung Quốc và Nga bắt đầu vào chủ nhật 15-7 tại cảng hải quân ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, Global Times cùng ngày loan tin. "Trạm Giang, đối diện Nam Hải (tức Biển Đông)" và "là nơi đặt trụ sở hải quân của Bộ Tư lệnh chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc (PLA)", tờ này nêu rõ.Phía Trung Quốc phái tàu khu trục Type 052D Nam Ninh, khinh hạm Type 054A Hàm Ninh và Đại Lý, tàu tiếp tế tổng hợp Type 903 Vi Sơn Hồ cùng các trực thăng và thủy quân lục chiến trên tàu, trong khi phía Nga phái tàu hộ tống Gromkiy và Rezkiy cùng tàu chở dầu Irkut, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin.Lực lượng hỗn hợp Trung - Nga đã tiến hành bắn đạn thật trong nhiều bài huấn luyện, bao gồm phòng thủ cố định, trinh sát và cảnh báo sớm, tìm kiếm cứu nạn và phòng không chung ở vùng biển và vùng trời gần Trạm Giang - Trung tâm tin tức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết.Hai bên cũng đã tuần tra chung, bắt đầu ở phía nam đảo Jeju của Hàn Quốc, rồi đi qua eo biển Osumi để vào tây Thái Bình Dương, sau đó qua biển Philippines, trước khi kết thúc ở Nam Hải, theo HCTB. Báo này dẫn thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tuần tra hỗn hợp kéo dài 15 ngày trên hải trình 4.800 hải lý trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong giai đoạn cuối, các tàu tuần tra thực hành hộ tống một tàu và sau đó diễn tập bổ sung trên biển.Sau khi cuộc tập trận hoàn thành, các tàu hộ tống Gromkiy và Rezkiy di chuyển xuống Đông Nam Á để tiếp tục triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương.Eurasian Times 15-7 cung cấp thêm vài chi tiết. Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và hải quân Trung Quốc đã diễn tập tác chiến chống tàu ngầm, cụ thể là "phối hợp phát hiện và tiêu diệt có điều kiện một tàu ngầm đối phương". Tàu chiến hai bên cũng diễn tập bắn hải pháo vào mục tiêu trên biển được chỉ định, thử nghiệm khả năng sẵn sàng chiến đấu và tương tác, cũng như tập trận chung về phòng không và phòng thủ tên lửa. Eurasian Times viết: "Cơ quan báo chí hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Nga không nêu rõ nguồn gốc tàu ngầm đối phương giả định. Tuy nhiên, xét đến cuộc tập trận được tiến hành ở Biển Đông, có khả năng mục tiêu là mô phỏng tàu ngầm của Mỹ".Theo trang tin này, khinh hạm Hành Thủy của Trung Quốc được sử dụng làm "tàu khả nghi". Đây là tàu thuộc lớp Giang Khải (Type-054), có lượng giãn nước 4.053 tấn, chiều dài 134,1m, chiều rộng 16m, tốc độ ước tính 27 hải lý/giờ, tầm hoạt động 8.025 hải lý (14.862km), vũ khí chủ yếu gồm tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-83 (C-803) 2x4 ô; 1 bệ phóng SAM 14 ô; 1 pháo hạm 100mm Type 210; 4 ổ pháo 6 nòng cận chiến CIWS AK-630 30mm; các bệ phóng tên lửa chống ngầm có thể trang bị tên lửa ASW hoặc tên lửa mồi nhử... Cấu hình của tàu "khả nghi" Hành Thủy như vậy là vượt xa tàu chiến các lực lượng hải quân Đông Nam Á quanh khu vực diễn tập.Tàu Giang Khải Type 054 của Trung Quốc. Ảnh: Naval TechnologyMỹ và đồng minh tập trậnÍt ngày sau, cuộc tập trận Trung - Nga, Mỹ và tám đồng minh Chile, Singapore, Đức, Nhật Bản, Canada, Mexico, Hàn Quốc và Peru tổ chức phần huấn luyện "chung tay viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR)" trong khuôn khổ cuộc tập trận thường niên lớn hơn Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2024 tại Hawaii.Các bên tham gia HADR đã được đào tạo cho nhiều tình huống cơ động, bao gồm "tìm kiếm và cứu nạn đô thị, ứng phó thương vong hàng loạt của Cơ quan Quản lý khẩn cấp y tế Hawaii, di chuyển người sơ tán quy mô lớn, khảo sát trên không, khôi phục cảng và hỗ trợ hậu cần cho hỗ trợ nhân đạo", theo navy.mil.Sự kiện RIMPAC lớn hơn sẽ có sự tham gia của 29 quốc gia, 40 tàu mặt nước, 3 tàu ngầm, 14 lực lượng bộ binh, hơn 150 máy bay và 25.000 người, dự kiến diễn ra trong và xung quanh quần đảo Hawaii, từ ngày 27-6 đến 1-8, theo nguồn tin từ hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ.Trong cùng quãng thời gian, máy bay của hải quân Hoa Kỳ và của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản còn tham gia chiến dịch PEGASE do Pháp chủ trì, tập trung vào khả năng tương tác giữa nhiều loại máy bay phối hợp. Các máy bay E/A 18-G Growler và P-8A của hải quân Hoa Kỳ, F-2 của Nhật Bản, Rafale (chiến đấu) và Airbus A330 (tiếp dầu) của Pháp sẽ cùng huấn luyện đầu tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.Thiếu tá Yann Soulard, sĩ quan liên lạc của Pháp tại hạm đội 7 Hoa Kỳ, cho biết: "Khả năng nhiều quốc gia cung cấp các máy bay khác nhau, dựa vào nhau để hoàn thành nhiệm vụ, sẽ là chìa khóa trong những năm tới". Trong cuộc tập trận PEGASE năm nay, các bên đã thực hiện bay đội hình, nhắm mục tiêu và huấn luyện tiếp liệu trên không.Từ thứ hai 22-7, lực lượng luân phiên thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Darwin (Úc), gọi tắt là MRF-D 24.3, cũng đã bắt đầu cuộc tập trận Predator's Run 24 với quân đội Úc, Philippines và Anh ở miền bắc Úc, theo thông cáo báo chí của thủy quân lục chiến Mỹ. MRF-D 24.3 còn có sự tham gia của sư đoàn 1 thuộc Trung tâm Huấn luyện chiến đấu của quân đội Úc (ADF) và lực lượng đặc công Anh nhằm thực hiện các tình huống chiến đấu và bắn đạn thật.Hải quân Mỹ họp chuẩn bị cho cuộc diễn tập Rimpac 2024. Ảnh: U.S. Pacific FleetVừa tranh cãi vừa diễn tậpTrong bối cảnh đó, mỗi quốc gia còn có thể rèn quân bằng những hoạt động đơn phương nữa. Trung Quốc là một thí dụ. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được tờ Japan Times 4-4-2023 dẫn lại báo động việc một hạm đội gồm sáu tàu ngầm lớp Hình của Trung Quốc trang bị tên lửa đạn đạo lớp JL-3 có tầm bắn lên tới 10.000km đang tuần tra "gần như liên tục" từ đảo Hải Nam vào Biển Đông.Với tầm bắn như vậy, mục tiêu của tên lửa đạn đạo mới lớp JL-3 là ở rất xa, song điều đó không có nghĩa tàu ngầm này vô hại ở Biển Đông. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc đang nghiêng về tính toán đóng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lâu dài ở vùng nước sâu của Biển Đông - nơi họ đã củng cố bằng một loạt căn cứ - thay vì mạo hiểm tuần tra ở Tây Thái Bình Dương.Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Trung Quốc có ít nhất 16 tàu ngầm ở Biển Đông, gồm 8 chiếc lớp Minh (Type-035), 4 chiếc lớp Tống (Type-039) và 4 chiếc Kilo (Project 636M). Trong bối cảnh đó, việc Nga được cho là giữ hầu hết 11 tàu ngầm tên lửa đạn đạo của họ ở các căn cứ ngoài khơi Bắc Cực là sự phân bố lực lượng "tinh tế" giữa hai đồng minh, vừa sân ai người nấy đóng, vừa hỗ tương phòng vệ một dải từ bắc chí nam.Trong một diễn biến khác, usni.org 19-7 cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc vừa kết thúc 10 ngày triển khai trên biển. Theo bản tin, máy bay chiến đấu trên tàu Sơn Đông, trong 9/10 ngày mà Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản quan sát được, đã xuất kích tổng cộng 260 lần, tức trung bình 28,8 lần mỗi ngày. So với đợt triển khai của tàu này tới biển Philippines vào tháng 10 và 11-2023, kéo dài 12 ngày, với tổng cộng 420 lần xuất kích, tức trung bình 35 lần mỗi ngày, số đợt xuất kích năm nay có phần giảm bớt.Khách quan mà nói, tập trận là chuyện thường tình. Nước nào và phe nào cũng tập, trừ phi sử dụng vũ khí bất quy ước, như hạt nhân, hoặc vi phạm lãnh thổ và chủ quyền nước khác; và cơ bản, mỗi nước cần đủ tỉnh táo để phân tích đúng tình hình. ■ HCTB dẫn thông cáo của phía Nga: "Mục tiêu của các cuộc tuần tra chung là tăng cường hợp tác hải quân giữa Nga và Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giám sát biển và bảo vệ mục tiêu hoạt động kinh tế hàng hải của Nga và Trung Quốc". Thượng tá Trương Hiểu Cương, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói thêm cuộc diễn tập là để "thể hiện quyết tâm và khả năng của hai bên cùng nhau giải quyết vấn đề an ninh hàng hải và các mối đe dọa; bảo vệ hòa bình, ổn định toàn cầu và khu vực; đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác phối hợp chiến lược toàn diện Trung - Nga trong thời đại mới". Bộ Quốc phòng Trung Quốc không quên chú thích đây là cuộc tập trận hàng hải chung lần thứ tư ở vùng biển phía tây và bắc Thái Bình Dương giữa hai nước, và không nhằm vào bên thứ ba nào, cũng như không liên quan đến tình hình quốc tế hoặc khu vực hiện nay. Nhìn vào bản đồ, cảng Trạm Giang cách cảng Thượng Hải 1.215 hải lý, đảo Hải Nam 99 hải lý, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 308 hải lý, và quần đảo Trường Sa của Việt Nam 706 hải lý; để tiện đối chiếu, Đà Nẵng cách quần đảo Hoàng Sa 213 hải lý. Tags: Thái Bình DươngĐịa chính trịChâu Á - Thái Bình DươngQuần đảo Hoàng SaTập trận hải quân
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
Người vợ của Anh hùng biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai: Hòa bình rồi, tôi không còn làm vợ bé... HỒ LAM 05/11/2024 Ngày đất nước thống nhất, bà Đặng Thị Tuyết Mai, người vợ sau của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mừng khấp khởi: 'Hòa bình rồi! Chồng tôi làm cách mạng, tôi không có làm 'vợ bé' của ai hết...'
Cận cảnh đôi đũa bằng ngà hải mã của vua Hàm Nghi được cho có thể phát hiện chất độc NHẬT LINH 05/11/2024 Ba hậu duệ của vua Hàm Nghi đã dành tặng lại 4 cổ vật cũng là kỷ vật được vua sử dụng thuở sinh thời cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trong đó có đôi đũa của nhà vua.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.