TTCN - Để đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội IX giữa nhiệm kỳ về phát triển kinh tế, khá nhiều chuyên gia đã được huy động xây dựng các báo cáo tổng hợp và nhận định bức tranh kinh tế VN trong ba năm qua (2001-2003) làm cơ sở cho báo cáo chung trình bày trước Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần 9 (đang diễn ra từ ngày 5 đến 12-1-2004 tại Hà Nội). Một trong những báo cáo được đánh giá cao là phản biện của nhóm chuyên gia thực hiện Chương trình KX-02 (*). Tổng thư ký chương trình này - tiến sĩ kinh tế TRẦN ĐÌNH THIÊN - vừa dành cho TTCN cuộc trao đổi về những vấn đề đáng chú ý của nền kinh tế VN ba năm qua dưới con mắt nhà phân tích.* Thưa ông, bức tranh kinh tế VN ba năm qua đã nổi lên những đường nét sáng sủa. Nhưng nếu nhìn vào thước đo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) thì cả ba năm đều không đạt mức 7,5% theo chỉ tiêu của Đại hội IX. Ông nhận định thế nào về kết quả này?- Xây dựng một kế hoạch dài hạn mà bảo phải chính xác là rất khó, bởi nhiều tình huống hiện nay thay đổi rất nhanh, khó dự báo. Các nước thường cũng chỉ đặt chỉ tiêu GDP trong 1-2 năm.Sở dĩ liên tiếp ba năm qua ta đều không đạt chỉ tiêu vì mấy lý do: chúng ta chưa thoát khỏi xu thế trì trệ của thời kỳ khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1997-2000. Riêng giá cả nông sản giảm đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến nền kinh tế VN. Giá dầu hỏa cũng luôn biến động, có lúc ta dự báo tăng thì nó giảm và ngược lại.Còn các yếu tố bên trong, ngoài ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, nguyên nhân chính theo tôi, là do sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế quá chậm. Các ngành vẫn sản xuất cho tiêu dùng nội địa là chính, chưa hướng mạnh cho xuất khẩu.Đầu tư trong nước có tăng lên nhưng gặp phải ngay đầu tư nước ngoài sút giảm. Giải pháp tình thế đưa ra hơi nhiều mà khả năng phản ứng của chính sách với thị trường chưa phải đã nhanh nhạy.Và có lẽ chúng ta đã thiên về số lượng hơn chất lượng, trong khi chất lượng mới bảo đảm cho sự tăng trưởng dài hạn.* Nhưng thưa ông, cũng trong hoàn cảnh tương tự như ta nhưng điều đáng ngạc nhiên là Trung Quốc (TQ) vẫn tăng trưởng số lượng ở mức cao?- Họ có một lợi thế mà không nước nào có thể sánh được là qui mô nền kinh tế quá lớn. Sản xuất hàng loạt bao giờ cũng rẻ hơn sản xuất đơn chiếc. Nguồn lực từ bên ngoài đổ vào TQ rất mạnh cả vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và Hoa kiều. Khi đầu tư vào càng nhiều thì nó lại tạo ra thị trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn và càng hút thêm đầu tư.Năng lực cạnh tranh của họ rất lớn, đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá cả hàng hóa. GDP/đầu người của họ gấp đôi ta nhưng giá tiêu dùng của họ rẻ hơn ta. Chính sách của họ hướng ưu tiên vào những ngành sử dụng nhiều lao động, vào các xí nghiệp hương trấn... cho nên mới có chuyện sản xuất được chiếc xe máy chỉ 300-400 USD.Chiến lược của TQ là phát triển dựa vào những lợi thế. Trước hết là vùng ven biển chẳng những phát huy lợi thế biển mà còn là nơi Hoa kiều từng bỏ xứ ra đi bây giờ trở về quê đầu tư. Sau đó, họ phát triển từ biển vào sông và tất cả những vùng nào có lợi thế đều mở ra cho phát triển.Lý thuyết “cánh cửa hẹp” của họ sẵn sàng cho “vào trước vào sau” chứ không dàn hàng ngang cùng vào. Tất nhiên, họ cũng có những mặt trái như nợ rất lớn, hệ thống ngân hàng yếu kém, thiếu việc làm trầm trọng (ở nông thôn), tăng trưởng mạnh nhưng tập trung chủ yếu ở các vùng đô thị... Ta cần biết những vấn đề của họ để học hoặc để tránh.* Cũng như TQ, thật ra chúng ta cũng đã xác định lợi thế của các vùng kinh tế trọng điểm để ưu tiên đầu tư thành các đầu tàu kinh tế, nhưng dường như sự tập trung nguồn lực vào đây chưa tương xứng cho nên chưa tạo dựng được những vùng động lực thật sự, có phải vì bị co kéo giữa mục tiêu tăng trưởng và yêu cầu giải quyết các vấn đề xã hội?- Đúng là ở ta xu hướng đầu tư dàn trải vẫn nặng hơn xu hướng ưu tiên đầu tư cho vùng trọng điểm. Cái cần ưu tiên nhất cho vùng trọng điểm là cơ sở hạ tầng, nhưng thử hỏi đã làm được bao nhiêu. Hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng đã làm là cho cả nước chứ đâu riêng cho các vùng này. Hàng loạt cảng biển cũng vậy, dàn đều khắp các tỉnh thành một cách lãng phí, không cần thiết vì nhiều nơi chưa thật sự cần.Điều đó cho thấy từ hoạch định chính sách đến thay đổi cơ chế đầu tư có một khoảng cách lớn. Có lẽ những người quyết định chính sách phải xem lại vấn đề này. Cũng có ý kiến cho rằng những tỉnh nghèo cũng có quyền đòi được đầu tư để phát triển. Nó cũng giúp cho sự tăng trưởng về mặt dài hạn mà khó lòng có thể từ chối được.Nhưng ở đây cái đáng lo là nhiều khi các địa phương xin theo phong trào, nhất là các tỉnh khó khăn. Tỉnh này xin được nhà máy, con đường hay khu công nghiệp thì lập tức tỉnh khác cũng xin. Điều quan trọng là cái nhìn dài hạn, toàn cục phải chiến thắng được cái nhìn ngắn hạn, cục bộ. Điều này phụ thuộc bản lĩnh của các nhà lãnh đạo.* Thưa ông, liệu có bình thường không khi các địa phương không chỉ dấy lên “phong trào xin dự án” mà còn “đồng khởi” xin cơ chế riêng? Đó là sự nhanh nhạy, năng động của các địa phương hay vì chiếc áo cơ chế chung đã quá chật chội?- Tôi đã từng phát biểu tại Ban nghiên cứu của Thủ tướng rằng đáng lẽ mô hình Bình Dương xin cơ chế chứ không xin tiền” phải được tổng kết sớm. Kết quả thử nghiệm mô hình này rất tốt: ngân sách tăng, thu hút đầu tư nước ngoài mạnh, tạo được nhiều việc làm... và không chệch hướng XHCN; tuy nhiên gần đây nổi lên một số vấn đề xã hội.Nhưng chính quyền phải kiểm soát chứ đó không phải là vấn đề kinh tế. Tôi cho rằng thực chất mô hình Bình Dương là cải cách theo hướng thị trường mạnh hơn những nơi khác: chính quyền chuyển mạnh sang phục vụ doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển, thu hút đầu tư tư nhân vào tạo dựng cơ sở ban đầu. Khu công nghiệp ở đây ai làm? Chính là tư nhân làm.Các nơi thấy thế cũng xin cơ chế riêng. Điều đó là có lợi cho các địa phương này và có lợi cho sự phát triển, nhưng nhìn trên toàn cục thị trường bị chia cắt như một sân bóng nơi trũng nơi gồ.Lưu thông trên thị trường bị cản trở, các doanh nghiệp (DN) phải thích ứng khác nhau đối với từng nơi vì thủ tục, cơ chế khác nhau trong khi năng lực quản trị, biến ứng của DN VN chưa phải là cao. Điều hành vĩ mô cũng rất khó, qui hoạch tổng thể cả nước dễ bị phá vỡ.Giải pháp có thể thấy ngay là phải thay đổi nhanh và mạnh cơ chế chung, vì nó không thích ứng nữa người ta mới xin cơ chế riêng để tìm sức bật mới cho địa phương. Tôi đã từng nói rằng mô hình Bình Dương “chính quyền phục vụ DN” mà trở thành cơ chế riêng chứng tỏ cơ chế chung của cả nước chưa phục vụ cho DN.Phải xem tiêu chuẩn để đánh giá bộ máy hành chính có xứng đáng hưởng lương hay không và có phục vụ tốt cho DN hay không, vì DN là... việc làm, là ngân sách, là thu nhập.* Vậy thưa ông, với kết quả ba năm như thế liệu trong hai năm tới mức tăng trưởng có khả năng bù đắp để có thể đạt mục tiêu bình quân tăng trưởng 7,5% trong 5 năm?- Tôi cho rằng hoàn toàn có thể đạt được như tôi đã từng nói tăng trưởng của VN vẫn dưới mức tiềm năng. Nhưng yêu cầu đặt ra là phải thay đổi mạnh cơ chế, chính sách.Theo tôi, đạt con số tăng trưởng 7% hay 8% đều tốt, bởi điều đáng quan tâm hơn là phải đạt mục tiêu chất lượng tăng trưởng. Ý tôi muốn nói đến hiệu quả của nền kinh tế: một đồng vốn bỏ ra thì được bao nhiêu đồng tăng trưởng?Chỉ số ICOR không thể là 5-1 (5 đồng vốn - 1 đồng tăng trưởng) mà phải giảm xuống. Điều đó không khó làm, chỉ cần giảm thất thoát đầu tư một nửa so với nay thì sẽ có thêm 2% GDP (chúng tôi tính thất thoát 25-30% là mất 5-6% GDP).Đồng thời phải tái định hướng đầu tư, tập trung vào những ngành tạo nhiều việc làm. Nên can đảm cho dừng lại những dự án cần nhiều vốn mà tạo ít việc làm cho dù đã đưa vào kế hoạch như bớt xây cảng, tính toán lại xem đầu tư đường Hồ Chí Minh đến mức nào...Và điều rất quan trọng nữa là phải tạo lập sân chơi trong nước bằng phẳng, cải cách thể chế phù hợp với luật chơi quốc tế để chuẩn bị đi vào quĩ đạo WTO trong năm sau. Nhóm chuyên gia Chương trình KX - 02 đề xuất:- Nhanh chóng thể chế hóa thị trường đất đai, xem đây là khâu ưu tiên hàng đầu của chương trình đẩy mạnh đổi mới thể chế của giai đoạn tới. Phát triển thị trường đất đai cần được thừa nhận là điểm đột phá chiến lược, chứ không đơn giản là đột phá tình thế của sự phát triển. Lý do: có quá nhiều sự tắc nghẽn đang tập trung tại mấu chốt đất đai này, vì thế nếu giải quyết tốt sẽ tạo ra xung lực phát triển mới mang tính bền vững (tạo mặt bằng chi phí đầu vào từ đất ổn định hơn, giải quyết các ách tắc, rủi ro về vốn và tạo ra nguồn vốn mới to lớn để huy động vào sự phát triển).- Nhanh chóng thông qua Luật cạnh tranh - chống độc quyền vì đây là đạo luật tạo cơ sở nền tảng cho sự vận hành của cơ chế thị trường. Thực thi đạo luật này sẽ giảm sự méo mó thị trường và hạn chế tình trạng kinh doanh không luật hoặc theo “luật rừng”. Trên thực tế chúng ta đã có đủ điều kiện thời gian, tri thức và kinh nghiệm (nhất là kinh nghiệm quốc tế) để giải quyết nhanh chóng vấn đề luật lệ này._______________(*) Chương trình KX-02 là chương trình nghiên cứu cấp nhà nước về mô hình công nghiệp hóa - hiện đại hóa rút ngắn của VN, do nhóm chuyên gia ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau thực hiện, chủ nhiệm là GS - TS Đỗ Hoài Nam, ủy viên Trung ương Đảng, giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia Tags: Cải cách thể chếChương trình KX-02Tiến sĩ kinh tế TRẦN ĐÌNH THIÊNBức tranh kinh tế VNVùng kinh tế trọng điểmCơ chế riêngLuật cạnh tranh - chống độc quyền
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.