Để gieo cấy sự thiện lương...

PHAN XUâN LOAN 29/01/2022 22:00 GMT+7

TTCT - Muốn thay đổi chính mình cần quyết liệt và mạnh mẽ lắm. Không chỉ đừng hư hoại, không chỉ phải từ một khởi nguồn trong sáng và chân thành, mà còn phải biết thoát khỏi những huyễn hoặc chính mình. Nói những điều giả dối, sống tham lam, tàn bạo thì làm sao cấy được sự trung thực, thiện lương vào một thế hệ không có thời gian dừng lại?

Một năm Tân Sửu đang qua đi, hẳn nhiều người không còn muốn nhớ... Với những ai nhớ lại, ký ức sẽ gọi tên đó là năm Covid thứ hai, với nhiều đau đớn.

Tôi sẽ không quên một đám tang kỳ lạ của hai bậc sinh thành một người bạn. Cha mẹ bạn mất cách nhau chưa đầy chục ngày, lặng lẽ, trong hai bệnh viện dã chiến khác nhau mà họ bị đưa vào cách ly, không có con cái kề bên. Đó là vào những ngày cao điểm của đại dịch, khi mạng sống của những người già như cha mẹ bạn lay lắt, cô đơn. Họ từng là những viên chức liêm chính và mẫn cán, về hưu đủ lâu để đơn giản thành những người cao tuổi chan hòa và san sẻ ở một quận nghèo. Nhưng đại dịch nổ ra, ở ngấp nghé ngưỡng tuổi 90, họ đã mất trước khi chính sách ưu tiên tiêm chủng kịp đến với họ.

Như những nạn nhân khác của đại dịch ở Sài Gòn thời điểm đó, họ được đưa đi thiêu, và khi giãn cách bắt đầu nới lỏng, bạn mới đưa được cha mẹ về nhà lần cuối, trong hai bình cốt. Trong lòng bạn chỉ còn đổ vỡ, nhiều lần bạn đau đớn hỏi tại sao. Bây giờ chúng ta nói với nhau về mũi thứ ba tăng cường, nên hay không mũi thứ tư, thậm chí còn đùa cợt về mũi thứ bảy... Nhưng ở Sài Gòn, vào giữa năm Covid thứ hai 2021, chuyện được tiêm chủng vẫn còn là một đặc quyền, ai đó từng khoe khoang những mũi tiêm nhờ có “ông ngoại”, “ông anh”... Trong khi những người-già-chuối-chín-cây không thể trụ bám cho đến khi sự anh minh của chính sách kịp đến.

Và đâu chỉ có mỗi một đổ vỡ đó. Đến cuối năm, bùng nổ những sự thật sững sờ. Thì ra người ta đã phó mặc mạng sống của đồng loại cả luôn rồi. Những chục tỉ lót tay, những ngàn tỉ lợi nhuận cho những bộ kit xét nghiệm mà chất lượng chưa được kiểm chứng. Sao có thể tù mù như thế cơ quan đại diện cho khoa học chính xác, cho công nghệ? Sao có thể có những cái bắt tay trên đau thương của dân tộc như vậy của những kẻ nắm những vị trí then chốt trong đại dịch? Trong gần ba vạn cái chết, có bao nhiêu những cái chết oan ức vì những “lương tâm chức nghiệp” như thế? Bao câu hỏi xoáy mãi vào lòng bạn, tạo nên cơn trầm cảm kéo dài đến tận hôm nay...

Những “thực tại song song”?

Liệu bạn có vượt qua cơn đau ấy năm 2022, khi nhiều dự báo cho thấy đại dịch sẽ bị đẩy lùi và con người sẽ sống với nó như đã và đang sống với cúm mùa, những dịch bệnh thời khí. Nhưng rõ ràng “chiến trường” mà Covid-19 để lại khá tan hoang... Sau cuộc chiến với đại dịch, ta phải xây dựng lại. Những đổ vỡ đến tận nền tảng đạo đức không khỏi khiến ta tự hỏi, phải bắt đầu từ đâu? Nhiều người nói phải trở lại với giáo dục, bắt đầu từ thế hệ trẻ, với việc giảng dạy những điều cơ bản làm nên một con người trung thực, thiện lương.

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác thực tại đập vào đầu mỗi khi lướt qua các kênh tivi trong những ngày đại dịch. Trên truyền hình là những hướng dẫn sống vui khỏe qua mùa dịch, những gia đình sáng ngời hạnh phúc với những đứa trẻ được đưa ra làm gương cho lối sống lành mạnh đó. Nhưng trên các ứng dụng mà tôi cần để mua thực phẩm, đỏ rực những lời kêu gọi cứu giúp từ những khu rào chắn và giăng dây, của những bà mẹ xin sữa và thực phẩm cho con mình, có đứa mới sinh. Cứ như tôi đang sống trong những thực tại song song.

Những người lớn thừa hiểu tại sao có những “thực tế song song” đó. Nhưng còn con cái họ, những thiếu niên bắt đầu vào tuổi trưởng thành, chúng sẽ gọi khoảng cách giữa hai thực tế đó là gì?

Cũng may là giới trẻ hiện nay ít xem tivi. Chúng đắm mình trên mạng xã hội, được gọi là “thế hệ smart (phone)”, như bác sĩ, chuyên gia tâm lý trẻ em người Pháp Louis Vera  và nhà báo Alix Lefief - Delcourt  ví von, bởi chúng lớn lên với chiếc smart-phone dường như được “cấy vào tay trái”. Cùng lúc, chúng cũng thông minh hơn cha mẹ chúng, hiểu biết rộng hơn nhờ tiếp xúc sớm với ngoại ngữ và không ngừng tìm kiếm sự mới lạ.

Cuộc cách mạng công nghệ đã đẩy chúng ta đi xa con em mình biết bao nhiêu, xa đến độ không ai không thừa nhận: trẻ em bây giờ không như chúng ta khi còn là trẻ em, ngày xưa. Chúng tiếp cận kiến thức dễ dàng, trực tiếp, nhưng cùng lúc không có thời gian để lãng phí thời gian, để lùi lại xa hơn mà kiểm tra mọi điều trên Internet. Bộ não chúng được định dạng để làm mọi thứ nhanh chóng và hời hợt. 

Chúng cũng ít chú ý và ghi nhớ: cần gì phải động não nhiều khi đã có những “đám mây” thay cho bộ nhớ? Lớn lên với đủ loại màn hình, suốt ngày chúng bận rộn, liên tục tiếp cận với thông tin, với những trò giải trí. Đó là một thế hệ nóng vội, không chịu được buồn chán, khiến chúng ta không thể không chia sẻ phát hiện của Louis Vera: “Giữa hệ thống giáo dục mà chúng ta đang mang đến cho trẻ con ngày nay và cách chúng tư duy, cách não bộ chúng hoạt động, không hề tương thích”.

 
 Bức tranh “Thế giới thiện & ác” của Oksana Nigamatullina, 13 tuổi (Nga)

 Khi thầy và trò chung một con thuyền

Vâng, phải bắt đầu lại từ giáo dục, nhưng có bao giờ chúng ta đặt vấn đề về đối tượng chịu tác động giáo dục đó, là ai? Chúng ta tư duy trên nền những đứa trẻ cuối thế kỷ XX; nhưng giới trẻ sinh ra từ những năm 2000 là những đứa trẻ rất khác, lại đang “bị bỏ mặc với những loại ma túy vô hình mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại”. Hệ thống giáo dục cứng nhắc, tuyến tính dường như vô ích trong sự tiến hóa này.

Chỉ trong vòng một cuộc đời, chúng ta đang là chứng nhân cho sự thay đổi các giá trị, chân dung người thành đạt cũng thay đổi. Từ ước mơ “thi đỗ ông nghè” và “vinh quy bái tổ” của ông cha, chuyển sang giấc mơ “khởi nghiệp chẳng cần tốt nghiệp” như Bill Gates... 

Đến nay, quan niệm người con tốt đã thực tế và dung dị như lời kêu gọi của Đen Vâu “mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ”, và con người hướng nội - “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” - đã nhường bước cho con người hướng ngoại, khi có những bạn trẻ chọn khởi nghiệp bằng cách trở thành những YouTuber, không ngần ngại livestream cuộc sống của mình trước càng nhiều càng tốt những người họ chưa từng quen biết.

Giáo dục thế nào cho một thế hệ trẻ gấp gáp, bị công nghệ “dí sát” trong cuộc tiến hóa? Làm sao chúng ta có thể biến trường học thành nơi đáng sống, nơi có thể ẩn náu trước sự khắc nghiệt từ thế giới bên ngoài, nếu chúng ta không thay đổi chính mình? Khi thầy và trò chung một con thuyền mà thế giới phẳng và tiến bộ công nghệ đã đặt họ vào cùng, trẻ sẽ thấy cách chúng ta sống trước khi kịp nghe những lời rao giảng đập chan chát vào thực tế chúng đang tồn tại.

 
 

 Những cuốn sách dang dở

Năm Tân Sửu đang qua đi trong tôi còn là những cuốn sách dang dở. Chúng nằm đâu đó với những trang được đánh dấu mà tôi chưa thể quay trở lại vì thực tại bóp nghẹt. Không thể đắm mình trong những thế giới khác khi trong thế giới thực của mình, những đứa trẻ trở thành người di tản ngay trong những ngày đầu tiên em chào thế giới, co ro trong tay mẹ trên quãng đường hàng trăm cây số tìm về quê hương rách nát nhưng có thể cho em một chốn nương thân; năm mà những đứa bé trong những chung cư hiện đại bị bỏ quên, và tiếng kêu la xin cứu giúp tắt lịm giữa bốn bức tường nhân gian lạnh lẽo... Một năm mà cái ác lột trần trụi con người.

Feodor Dostoevsky, một trong những nhà văn từng mổ xẻ tận gốc cái ác trong những tác phẩm đầy dằn vặt, cho rằng ta không được sinh ra là một con người, mà ta phải trở thành con người, phải được “sinh ra lần nữa” trong tinh thần, trong bản ngã con người... Ông nói cái ác có bên trong mỗi con người, mà để chiến thắng nó, con người cần tự răn mình, hành thiện, “hành xử như Chúa hành xử” - con đường ông cho là cứu rỗi. Trong năm khó khăn này, có lẽ không ít người tìm tới sự cứu rỗi này. Tôi nhớ truyện ngắn của Pavel Selukov (Nga) Người di cư từ Bednoland, “không thể che giấu một thành phố đứng trên đỉnh núi, và khi thắp nến, người ta không đặt nó dưới gầm giường, mà đặt trên cao để soi sáng cho mọi người”.

Mà muốn thay đổi chính mình cần quyết liệt và mạnh mẽ lắm. Không chỉ đừng hư hoại, không chỉ phải từ một khởi nguồn trong sáng và chân thành, mà còn phải biết thoát khỏi những huyễn hoặc chính mình. Nói những điều giả dối, sống tham lam, tàn bạo thì làm sao cấy được sự trung thực, thiện lương vào một thế hệ không có thời gian dừng lại?

Tôi giở lại một cuốn sách đang đọc dở của mình. Bieguni, những người không ngừng chuyển động của nữ tác giả Ba Lan Olga Tokarczuk, đoạt giải Nobel văn học năm 2018. Thấm thía hơn tâm trạng một sinh viên khoa tâm lý được bà mô tả: “...Khi học năm thứ hai chúng tôi thảo luận về chức năng của các cơ chế bảo vệ và ngạc nhiên khám phá ra sức mạnh của bộ phận đó của tâm lý chúng tôi - chúng tôi bắt đầu hiểu rằng giá như không tồn tại sự hợp lý hóa, sự thăng hoa, sự loại bỏ mọi mánh khóe mà chúng ta dùng để đánh lừa chính bản thân mình, rằng giá như chúng ta có thể nhìn thế giới không có bất kỳ sự bảo vệ nào, nhìn một cách lương thiện và dũng cảm - thì trái tim chúng ta đã vỡ toác rồi”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận