Để giữ lại công ăn việc làm

NAM MINH 04/04/2020 22:04 GMT+7

TTCT - Nguy cơ phá sản doanh nghiệp và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng có thể sẽ ngày càng lớn khi nền kinh tế rơi vào vòng khủng hoảng. Nhưng liệu có cách nào để giảm bớt nỗi lo cho người lao động?

Công nhân trong một dây chuyền sản xuất tại một nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: T.T.D.
Công nhân trong một dây chuyền sản xuất tại một nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: T.T.D.

74% là con số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản nếu đại dịch Covid-19 kéo dài, 39% cho biết trước mắt sẽ áp dụng biện pháp cắt giảm lao động. Hệ quả là hàng trăm nghìn người có thể bị mất việc, gây áp lực lên chi phí xã hội và triển vọng phát triển kinh tế trong năm nay.

Nguy cơ mất việc

Đơn cử như tại Hãng hàng không Vietnam Airlines, việc dừng các tuyến bay quốc tế khiến đội ngũ nhân lực tại đây bất ngờ dư thừa. Hãng này thông báo hiện gần 50% tiếp viên của hãng xin nghỉ tạm thời từ đây đến tháng 5.

Thực trạng khó khăn, thất nghiệp cũng dễ dàng nhìn thấy ở ngành bất động sản. Trên các diễn đàn lớn của cộng đồng môi giới nhà ở, các thông điệp nhiều nhất gần đây là nỗi lo về việc hàng loạt sàn giao dịch đóng cửa hay cắt giảm nhân sự.

Thậm chí, một số nhân viên môi giới chỉ phục vụ cho phân khúc cao cấp có thu nhập cao trước đây hiện buộc phải tìm kiếm cơ hội việc làm ở các phân khúc thấp hơn nhằm vượt qua thời điểm khó khăn này. Khó khăn trực tiếp và chồng chất còn gặp phải ở ngành du lịch - khách sạn hay lĩnh vực nhà hàng - giải trí.

Nhìn chung, ngoài các ngành thiết yếu như dược phẩm, y tế bất ngờ tăng trưởng do nhu cầu cao trong đại dịch, gần như các nhóm ngành khác đều gặp khó khăn. Điển hình như nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dệt may da giày bị ảnh hưởng bởi thiếu nguồn nguyên liệu và linh phụ kiện do thị trường Trung Quốc tê liệt, đình trệ kéo dài vì dịch bệnh.

Trong khi đó, các ngành chế biến nông sản, nội thất... chịu ảnh hưởng do các thị trường xuất khẩu chủ lực ở châu Âu và Mỹ lao đao.

Báo cáo của Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết chỉ trong tháng 2, có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Nửa đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt, với khoảng 15% tổng số doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng trong tháng 2-2020, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 1 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh nỗi lo vì đại dịch, viễn cảnh kinh tế thế giới bước vào vòng suy thoái rộng lớn, được dự báo có quy mô tương tự khủng hoảng 2008-2009, thậm chí lớn hơn, còn có thể dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tăng lên ở mức báo động. Đây sẽ là thất nghiệp theo chu kỳ kinh tế, tức biến động xung quanh tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên và lên xuống theo chu kỳ kinh doanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, loại thất nghiệp này thường xảy ra trong thời gian suy thoái, khi tổng cầu suy giảm ở mức rất thấp, kéo theo cầu về lao động giảm, gây ra trạng thái dư cung trên thị trường lao động. Đây cũng là loại thất nghiệp đáng sợ nhất khi hàng triệu việc làm đột ngột biến mất, gây mất mát và khủng hoảng niềm tin cho người dân. Thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng số lượng trầm cảm, tự tử trong xã hội khi thu nhập giảm sút và gánh nặng nợ khó trả.

Thời điểm để thị trường lao động phục hồi hiện chưa thể xác định vì độ mở của kinh tế Việt Nam với thế giới đang rất lớn. Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng kinh tế thế giới có thể sẽ tăng trưởng âm trong năm nay. Còn Hãng McKinsey dự đoán trong kịch bản tệ hơn với nhiều quốc gia hàng đầu rơi vào suy thoái, thời gian phục hồi của kinh tế thế giới có thể chỉ diễn ra từ quý 2-2021.

Cần chiến lược thận trọng trong cắt giảm nhân sự

Nhiều giải pháp về tiền tệ đã được Việt Nam tung ra để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng trong bối cảnh đại dịch diễn biến khó lường, doanh số sụt giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục lựa chọn phương án “ngủ đông” để giảm thiểu thiệt hại.

Chia sẻ với báo giới, ông Đặng Hồng Anh - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, phó chủ tịch Tập đoàn TTC - cho rằng các doanh nghiệp có thể tạm thời chia nhân viên làm ba nhóm, gồm nhóm không thể cắt giảm, có thể cắt giảm và cắt giảm ngay lập tức.

Nhóm không thể cắt giảm gồm cán bộ lãnh đạo chủ chốt, thâm niên thì vận động tạm dừng nhận lương, phụ cấp trong 6 tháng, treo khoản lương, trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc và hoạt động kinh doanh có doanh thu. Đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần.

Nhóm có thể cắt giảm gồm những nhóm trực tiếp tạo ra doanh thu, tạm dừng nhận 50% lương - phụ cấp, giữ ở mức duy trì cơ bản cuộc sống, treo khoản lương và trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc, đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần. Còn nhóm cắt giảm ngay lập tức là nhóm gián tiếp tạo ra doanh thu, có thể tuyển thay thế sau khi khủng hoảng kết thúc và kinh doanh phục hồi.

Nhưng thực tế cho thấy doanh nghiệp cần suy nghĩ cẩn trọng trước khi tiến hành biện pháp sa thải nhân viên trên diện rộng, bởi đây là công cụ cực đoan nhất và có thể làm tổn hại đến hình ảnh hay chiến lược phát triển dài hạn của công ty.

Việc chia sẻ khó khăn với người lao động, thậm chí giữ lại lao động (và giảm lương thưởng) có thể là công cụ hiệu quả hơn, mang tới liệu pháp trấn an, giúp gia tăng thêm động lực và lòng trung thành của nhân viên sau khi khủng hoảng qua đi.

Theo tạp chí kinh doanh Harvard Business Review, trước khi sa thải, doanh nghiệp hãy xem xét tất cả các lựa chọn khác để giảm chi phí. Ví dụ như tiến hành chính sách một tuần làm việc bốn ngày sẽ giúp sẽ giảm chi phí nhân viên gần 20%. Doanh nghiệp cũng có thể cung cấp cho nhân viên cơ hội nghỉ phép không lương nếu họ muốn.

Bằng cách phát đi thật rõ ràng thông điệp doanh nghiệp không muốn thực thi chính sách sa thải lao động, nhân viên có thể chấp nhận sự hi sinh cá nhân như chậm tăng lương, tạm dừng tiền thưởng, giảm thời gian làm việc... Đồng thời, họ cũng sẽ đánh giá cao năng lực, sự sáng tạo của lãnh đạo doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn.

Để giúp doanh nghiệp vượt khó, chính phủ cần có thêm các kế hoạch hỗ trợ chi phí mạnh hơn nữa. Bộ Lao động - thương binh và xã hội mới đây đã trình lên Thủ tướng đề án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, trong đó có biện pháp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội cho đến tháng 12-2020.

Theo ước tính của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với đề xuất như trên, ước tính sẽ có khoảng 1,5-3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách thuộc 150.000-200.000 doanh nghiệp, với số tiền từ 25.000-49.000 tỉ đồng, tức giúp cộng đồng doanh nghiệp giữ lại một số tiền khá lớn để duy trì hoạt động. Đến lượt mình, các chủ doanh nghiệp cần cân nhắc sử dụng khoản tiền này để hỗ trợ người lao động sao cho hiệu quả.

Trước đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị giải pháp hỗ trợ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, hỗ trợ các đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Tổng số tiền hỗ trợ theo đề xuất này ước tính khoảng 30.100 tỉ đồng.

Những chính sách đó bước đầu đã phát đi tín hiệu đúng đắn với thị trường lao động, nhưng tình hình rõ ràng sẽ còn rất nhiều bất trắc và cuộc chiến duy trì ổn định xã hội - vốn luôn gắn chặt với công ăn việc làm - trong thời gian sắp tới thậm chí sẽ còn nhiều thách thức hơn cả cuộc chiến chống dịch bệnh hiện nay.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận