Để không “xả rác ” vào văn hóa dân tộc

BẢO NHI 07/01/2016 18:01 GMT+7

TTCT - Liên tục những câu chuyện đáng buồn xảy ra trong thời gian qua, sự vô cảm của con người trước nỗi đau của người khác, chen lấn, xô đẩy nhau cướp hoa trong lễ hội, giẫm đạp lên nhau nhận quà miễn phí, chen nhau tắm miễn phí ở công viên nước, phá nát vườn hoa chỉ sau mấy ngày mở cửa tham quan. Chuyện người Việt ra nước ngoài ăn cắp cũng là một vấn đề lớn về đạo đức và lòng tự trọng.

Minh họa: Thuận
Minh họa: Thuận

 

Nếu những hành động này cứ thế tràn lan, nó sẽ trở thành nỗi xấu hổ của cả dân tộc về văn hóa ứng xử.

Bồi đắp cho giới trẻ bản lĩnh và lòng tự trọng

Dạy một đứa trẻ có được bản lĩnh và lòng tự trọng không hề dễ, bởi cha mẹ phải dạy con từ khi con còn rất nhỏ. Phải tôn trọng con thì con mới hiểu và cảm nhận đầy đủ về lòng tự trọng. Khi con có nhu cầu trò chuyện, chúng ta cần ngưng công việc như tắt vi tính, tắt máy nghe nhạc, tắt tivi để lắng nghe con.

Không nên thờ ơ hay cắt ngang câu chuyện của con vì chúng ta quá bận. Không khi nào bảo con “Im đi” hay “đừng làm phiền mẹ”. Chúng ta, các bậc cha mẹ, cần lắng nghe con với sự quan tâm và tôn trọng dù con chỉ là đứa bé 1-2 tuổi.

Một lần đến chơi nhà người bạn tên Th., một bác sĩ về tim mạch, tôi “học” anh cách nói chuyện với con trai nhỏ 3 tuổi của mình. Anh đã ngồi xuống, mặt đối mặt với con và nói: “Con trai định kể chuyện gì với ba đây? Con kể đi, ba thích nghe lắm đó”.

Vậy là đứa con trai nhỏ hào hứng kể cho anh nghe về một cô bạn ngồi học cạnh nó có bím tóc xinh xinh, có cái vòng tay màu xanh rất đẹp... sau đó con anh còn hát cho anh nghe một bài hát rất dễ thương.

Nhìn cách hai cha con trò chuyện mới thấy sự “mắt đối mắt” của anh hiệu quả ra sao. Nó khiến một đứa bé hiểu rằng mình được tôn trọng, yêu thương và lắng nghe...

Nếu như các bậc cha mẹ thương con mà luôn “khích tướng” bằng cách hạ thấp và vùi dập con thì con sẽ nhận thức kém về sự tôn trọng người khác bởi con người luôn là sản phẩm của giáo dục. Mỗi đứa trẻ là một thực thể duy nhất và riêng biệt.

Con đáng yêu bởi con là chính con, độc đáo và duy nhất. Chính vì vậy, dạy con về lòng tự trọng, các bậc cha mẹ tuyệt đối không nên so sánh con với người khác. Chúng ta cũng không nên có thái độ “dán nhãn” như “chuyện đó dễ nhưng con không bao giờ làm được”, “Con cứ đụng tới cái gì là hư bột hư đường”, “Đừng tưởng mình hay lắm”...

Tôi nhớ một lần chị tôi nói với con gái nhỏ: “Trời, sao lúc chị hai con bằng tuổi con lại có thể hát hết bài hát này mà con không thuộc là sao?”, đứa con gái nhỏ 4 tuổi của chị đã trả lời: “Con là con thôi, chị hai là chị hai...”. Rồi nó chạy vào phòng khóc, mẹ dỗ mãi không nín.

Xây dựng nguyên tắc ứng xử

Để tạo lập hệ thống kỹ năng ứng xử có văn hóa nơi công cộng, cha mẹ cần giúp con rèn luyện một số thói quen tốt, một số nguyên tắc về ứng xử trong gia đình cũng như với cộng đồng. Con nên “đi thưa về trình”, biết “dạ, thưa” khi nói chuyện với người lớn.

Con phải nói lời xin lỗi chân thành khi có lỗi, biết nói cảm ơn khi nhận một món quà hay một sự giúp đỡ dù nhỏ nhoi. Khi ra đường gặp người hàng xóm, láng giềng hay họ hàng đừng tiếc một câu chào. Khách đến nhà con nên ra chào lễ phép, sau đó lui vào trong cho ba mẹ tiếp khách... Con cũng cần được khen thưởng và xử phạt mà cha mẹ đã thống nhất với con từ trước.

Khi con làm một việc tốt, một hành động tốt, cha mẹ cần khích lệ bằng lời khen ngợi, tránh việc khích lệ bằng vật chất ở mức tối đa có thể. Có như thế chúng ta, các bậc cha mẹ, đã xây dựng dần các nguyên tắc về ứng xử có văn hóa cho con cái.

Việc nói năng tục tĩu, ồn ào, trò chuyện điện thoại oang oang; chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng; bóp còi inh ỏi khi tắc đường; cướp hoa trong lễ hội hoa, leo rào vào công viên nước Hồ Tây; đua xe và gào thét “đi bão đêm” khi đội tuyển Việt Nam thắng trận..., thường tập trung ở các bạn trẻ thiếu bản lĩnh.

Những hành vi ấy một phần còn do tâm lý đám đông, do cảm xúc lây lan. Tính vô danh, không chịu trách nhiệm cá nhân khiến những hành vi vô văn hóa dễ dàng bột phát. Một người trẻ có bản lĩnh và lòng tự trọng sẽ không có những hành vi như thế.

Một người trẻ có bản lĩnh luôn biết mình là ai, và cần thể hiện bản thân qua việc làm, kết quả học tập, ở cách đối nhân xử thế chứ không phải ồn ào khoe mẽ hay làm trò lố lăng nơi đông người, hoặc đơn thuần là bắt chước.

Với họ, trách nhiệm cá nhân rất cao nhưng trách nhiệm với xã hội cũng không kém quan trọng, nên cho dù đứng giữa đám đông họ vẫn không a dua, không bị lây lan những cảm xúc suy nghĩ tiêu cực. Chính họ là người lưu giữ, thực hành và bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp trong ứng xử cộng đồng. Chính họ là người cương quyết đấu tranh với những kẻ “xả rác” vào văn hóa dân tộc.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận