TTCT - Nhiều người sau tết vào cơ quan làm việc mặt căng phính vì tăng mấy cân. Ở nhiều bệnh viện, số bệnh nhân bị bệnh mãn tính nhập viện cũng tăng sau tết. Nguyên nhân thân khổ là do miệng không thể “kìm hãm cái sự sung sướng” trước những món ăn hấp dẫn ngày tết. Phóng to Thật khó kìm lòng trước những món ăn hấp dẫn ngày tết - Ảnh: photobucket.com Làm sao để vẫn được thưởng thức những món ăn khoái khẩu mà không bị tăng cân, không phải nhập viện cấp cứu trong những ngày tết? PV Tuổi Trẻ đã cùng trò chuyện với bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM. Bác sĩ Ngọc Diệp nói: - Cứ đến ngày tết cổ truyền, gia đình nào cũng có thói quen mua sắm, dự trữ thật nhiều loại thức ăn, đồ uống chật cả tủ lạnh và nhà bếp. Phần lớn món ăn ngày tết cung cấp nhiều năng lượng, đạm, béo. Thêm vào đó là các loại bia, rượu, nước ngọt, bánh mứt cũng ê hề. Thức ăn ngày tết được chia làm các nhóm: Nhóm chất bột đường: có trong xôi và các loại bánh cổ truyền làm từ ngũ cốc như bánh chưng, bánh tét, bánh ú tro hoặc ú nếp. Đặc trưng của thức ăn dạng này là có nhiều chất bột đường nên chỉ số đường huyết cao, thứ hai là được nén đặc nên chỉ ăn một miếng nhỏ cũng đã hấp thu năng lượng rất nhiều. Chưa kể các loại bánh này luôn có thịt mỡ nên chứa lượng chất béo không nhỏ. Nhóm nhiều chất đạm: giò, chả, nem, jambon, xúc xích, các loại thịt, cá kho, gà quay, rán... Nhóm thực phẩm muối chua: dưa muối, hành muối, kiệu muối, dưa món, các loại mắm, nhóm này không tốt cho sức khỏe người có bệnh mãn tính nhưng người ta vẫn ăn vì ngon, dễ ăn. Nhóm các loại rau và trái cây: ngày tết thường hiếm và ít có thời gian ăn. Trừ nhóm này ra, những món còn lại không có lợi cho sức khỏe của người bị bệnh mãn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng và lối sống. * Đó là những bệnh gì, thưa bác sĩ? - Các bệnh này gồm: đái tháo đường, tăng huyết áp, một số bệnh ung thư, các bệnh tim mạch (không phải bệnh tim bẩm sinh), rối loạn mỡ máu, loãng xương, béo phì... Các bệnh này có đặc điểm chung là kéo dài suốt đời, tốn kém nhiều tiền bạc và thời gian để điều trị, bệnh do liên quan đến lối sống, dinh dưỡng, tuổi tác và tuổi càng lớn bệnh càng nhiều. Liên quan đến lối sống có hai yếu tố là ăn uống và vận động. Thường người có bệnh tiểu đường thì thèm ăn ngọt, người bị cao huyết áp, loãng xương thì thèm ăn mặn (ăn mặn thì dẫn tới loãng xương do ức chế hấp thu canxi), người béo phì thì thèm ăn béo... Vì ăn nhiều đường, béo, mặn như vậy nên yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tật cũng nhiều hơn. Khi bệnh rồi không được ăn nữa họ lại càng thèm... * Tết mà không được ăn, quả thật là “mất cả xuân”, bác sĩ có lời khuyên nào để người có bệnh đỡ... thèm? - Tết vẫn được ăn nhưng ăn phải trong khuôn khổ nhu cầu năng lượng (lúc nghỉ ngơi, không đi làm việc là 2.000 kcl/ngày). Tốt nhất là ăn chừng mực, điều độ về thời gian và món ăn. Đừng nghĩ hôm nay tôi ăn nhiều lên thì ngày mai tôi ăn giảm xuống là được. Cách ăn khôn ngoan nhất là nếu ăn nhiều thức ăn này thì phải bớt ngay loại thức ăn khác. Nguyên tắc cân đối là một bữa ăn có đủ các chất bột, đạm, béo, rau và trái cây. Ví dụ một miếng bánh chưng có năng lượng bằng 2,5 chén cơm. Nếu đã ăn 2,5 chén cơm thì không ăn thêm bún, xôi. Nhìn chung, nên ăn kèm với các loại rau để hỗ trợ và ngăn chặn sự hấp thu quá nhanh của mỡ vào trong máu, chống táo bón và thức ăn chuyển hóa xong ra ngoài cơ thể nhanh. Chẳng hạn nếu ăn chả giò nên kèm rau sống; thịt kho trứng nên ăn kèm với dưa giá. Khi ăn măng hầm giò heo thì nên ăn với bún vì bún ít năng lượng hơn cơm. Với người bị gan nhiễm mỡ, mỡ máu cao, béo phì tốt nhất chỉ nên ăn măng, không ăn giò heo hoặc chỉ ăn miếng nạc, đừng ăn mỡ. Phối hợp trong bữa là ăn kèm rau sống, dưa muối vì các loại dưa muối có men lactic làm cho tiêu hóa của người già (thường bị thiếu các men tiêu hóa) sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, với người cao huyết áp thì không nên ăn. Người bị tiểu đường cần hạn chế chất bột đường, bánh mứt, kẹo, nước uống có đường... Không nên ăn rả rích suốt ngày vì sẽ làm hại tụy của người tiểu đường bởi vì lúc nào cũng phải tiết insulin để hạ đường xuống. Thèm ngọt có thể ăn loại thực phẩm được làm từ đường dành cho người ăn kiêng... Nếu thèm bia quá cũng có thể uống một chút nhưng nên làm loãng bằng cách thêm nhiều đá. Để tránh tăng cân, tăng bệnh trong những ngày tết nên nấu các món lẩu nấm, lẩu rau sẽ tốt hơn. Tags: Bệnh nhânLá thư bác sĩTăng cânNguyễn Thị Ngọc Diệp
Tin tức thế giới 25-11: Ukraine trưng bày mảnh vỡ tên lửa Oreshnik, tin thế giới có cách đánh chặn BÌNH AN 25/11/2024 Israel và Hezbollah giao tranh dữ dội bất chấp EU kêu gọi ngừng bắn; Cái chết bí ẩn của giáo sĩ Israel nghi do bài Do Thái.
Tin tức sáng 25-11: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL; Vé xe Tết về miền Tây tăng không quá 40%; Lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh 19 tháng...
Cho con 'du học tại chỗ' ở 'trường Mỹ', không ngờ chỉ là trung tâm tiếng Anh Đoàn Nhạn 25/11/2024 Phụ huynh chi trăm triệu cho con học 'trường Mỹ' theo hình thức 'du học tại chỗ', không ngờ 'trường' chỉ là trung tâm tiếng Anh.
Cận cảnh mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik THANH BÌNH 25/11/2024 Cơ quan An ninh Ukraine đã cho các nhà báo thấy những mảnh kim loại được cho là của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik.