TTCT - Muốn hay không muốn, sớm hay muộn, nước Nhật cũng phải “tự bơi”. Điều này chính phủ Shinzo Abe đã chuẩn bị từ mấy năm qua. Những thay đổi của thời thế càng làm cho tiến trình tự lực này dứt khoát hơn. Ông Shinzo Abe là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên chính thức gặp ông Donald Trump sau khi ông Trump đắc cử -japantimes.co.jp Một nhà ngoại giao Nhật Bản ở Seoul đã viết cho một nhà báo: “Tôi thích chữ “tự lực” của ông trong bài viết của ông về nhu cầu tự lực của nước Nhật”. Nhà ngoại giao này, vốn trong phái đoàn đàm phán song phương “2+2” của Nhật với Mỹ, tất nhiên hiểu rõ nhu cầu tự lực của đất nước mình trước tình hình mới. Vừa là nhu cầu, vừa là khát khao “cởi trói” vì sự tồn vong. Tháng 9-1945, nước Nhật bại trận đầu hàng đã phải chấp nhận triệt tiêu chủ nghĩa quân phiệt và dân tộc cực đoan dưới mọi hình thức, giải giới và phi quân sự hóa, đồng thời liên tục bị kiểm soát khả năng gây chiến, căn cứ trên các điều khoản của Tuyên bố Postdam. Thiếu tướng Paul J. Mueller, trong hàng ngũ tướng lĩnh Mỹ chiếm đóng Nhật sau chiến tranh, nhắc lại trong một bài viết đăng trên trang chủ của lục quân Mỹ tháng 8-2007 rằng quá trình giải giới và phi quân sự hóa này được tiến hành đồng thời với quá trình triệt hạ chế độ chuyên chế trước chiến tranh và xây dựng một chế độ dân chủ không chừa đất cho bất cứ mầm mống độc đoán nào, hầu triệt tiêu mọi nguy cơ trở lại quân phiệt. Trong bối cảnh đó, bản hiến pháp dân chủ, “hòa bình”, “phòng vệ” đã ra đời và cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức vào tháng 4-1946, mà 38 phụ nữ lần đầu tiên được bầu, đã là nền tảng của quá trình phi quân phiệt này. Từ kẻ chiếm đóng đến đồng minh Nhật Bản tuyên bố đầu hàng và chấp nhận Tuyên bố Postdam hôm 14-8-1945. Tướng Douglas MacArthur (Mỹ) tiếp nhận đầu hàng. Đến cuối năm 1945, quân đội chiếm đóng của Mỹ, khoảng 350.000 người, đồn trú khắp nước Nhật. Hòa ước San Francisco ngày 8-9-1951, có hiệu lực từ ngày 28-4-1952, đã khôi phục chủ quyền của Nhật, chấm dứt tình trạng bị chiếm đóng. Cùng lúc với ký hòa ước San Francisco, Mỹ và Nhật ký Minh ước an ninh Nhật - Mỹ (JASA), theo đó lực lượng Mỹ tại Nhật sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ nước Nhật, theo yêu cầu của Chính phủ Nhật. Tuy nhiên, sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950 đã buộc Mỹ giảm quân đóng ở Nhật để dồn sang cuộc chiến tranh mới này, giao công tác trị an cho lực lượng cảnh sát quốc gia Nhật, và sau đó là việc thành lập Lực lượng phòng vệ Nhật vào năm 1954 như một sự “mở rộng” của lực lượng cảnh sát quốc gia, một thủ thuật nhằm “lách” những cấm kỵ của hiến pháp. Minh ước an ninh Nhật - Mỹ sau này được thay thế vào năm 1960 bởi Hiệp định hợp tác và an ninh tương hỗ vẫn còn hiệu lực đến ngày nay. Tổng hành dinh của lực lượng quân đội Mỹ ở Nhật Bản (USFJ) đóng tại căn cứ không quân Yokota, trên đảo Honshu, cách Tokyo khoảng 28 dặm. Đến năm 2013, có khoảng 50.000 quân nhân và nhân viên quân sự Mỹ tại Nhật. Hạm đội 7 hải quân Mỹ đóng tổng hành dinh tại căn cứ Yokosuka (tỉnh Kanagawa). Đơn vị viễn chinh số 3 của thủy quân lục chiến Mỹ, khoảng 18.000 binh sĩ, đóng tại Okinawa. Các con số trên chỉ cho thấy hình ảnh “tĩnh” của sự hiện diện quân đội Mỹ tại Nhật Bản. Những tin tức sau của lực lượng quân đội Mỹ tại Nhật trên thực tế “động” ra sao: “Hôm nay, hai máy bay ném bom chiến lược của Mỹ B-1B từ căn cứ không quân Andersen (Guam) đã cùng hai máy bay chiến đấu F-2 của lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản và không quân Hàn Quốc (Hàn Quốc) tiến hành thao diễn tăng cường khả năng hoạt động và các kỹ năng chiến thuật nhằm đáp ứng với các vụ thử hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên. Hoạt động liên kết đào tạo như vậy giữa lực lượng phòng vệ trên không của Nhật và không quân Hoa Kỳ tương ứng với các định hướng chính sách được đưa ra trong hướng dẫn mới về Hợp tác quốc phòng Nhật Bản và Hoa Kỳ cùng hướng dẫn Chương trình tăng cường hợp tác quốc phòng quốc gia. Trong chuyến bay, các máy bay chiến đấu của Nhật và Hàn Quốc đã bay ở độ cao thấp trong vùng lân cận của Osan, Hàn Quốc... Những chuyến bay thể hiện sự đoàn kết giữa Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản trong việc phòng vệ chống lại các hành động khiêu khích và gây mất ổn định của Bắc Triều Tiên” - đô đốc Harry B. Harris Jr., tư lệnh Bộ chỉ huy Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, cho biết (USFJ, 13-9-2016). Hay: “Chính phủ Hoa Kỳ chính thức thông báo với Chính phủ Nhật Bản rằng 16 máy bay F-35B theo dự kiến sẽ đến đóng tại căn cứ không quân Iwakuni của thủy quân lục chiến Mỹ vào năm 2017, thay thế các máy bay AV-8B Harrier và F/A-18 Hornet. F-35B là máy bay “thế hệ sắp tới” của thủy quân lục chiến Mỹ, ngoài khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, còn cung cấp các khả năng kỹ thuật và tác chiến tiên tiến nhất... Sự điều động này đáp ứng sách lược tái cân bằng của tổng thống trên Thái Bình Dương” (USFJ, 31-10-2016). Những tin tức “lặt vặt” trên cho thấy: (1) Tình hình bất ổn định mà Nhật Bản phải chịu đựng từ những biến động tính khí thất thường của Triều Tiên, đặc biệt là nguy cơ hạt nhân ngày càng cụ thể hơn sau 5 lượt thử nghiệm thành công, mà vũ khí hạt nhân vốn vừa là “vết thương lòng”, vừa là cấm kỵ đối với người Nhật; (2) Tình hình đe dọa này cũng uy hiếp Hàn Quốc, bởi thế mới nảy sinh nhu cầu phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối ở độ cao (THAAD); và (3) Mỹ vẫn cứ là “ô dù” cần thiết trước mối đe dọa chung là Triều Tiên (chưa tính đến hai mối đe dọa thường trực khác lân cận, trong đó có cả từ Trung Quốc) và “ô dù” này luôn phải được hiện đại hóa và cập nhật hóa, đáp ứng những chuyển biến đe dọa ngày càng nghiêm trọng hơn. Tăng chia sẻ hay tự gánh vác Tất nhiên, để duy trì “ô dù” như thế, cần phải tốn kém rất nhiều. Chính phủ Nhật hằng năm cũng đã chia sẻ gánh nặng kinh phí đồn trú của quân đội Mỹ. Vấn đề này luôn được đặt ra từ bao thời tổng thống Mỹ trước, chứ không chỉ với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Song với ông Trump, phần đóng góp của Nhật sẽ là tuyệt đối. Dư luận Nhật cũng đã có những phản ứng về các phát biểu của ông. Nhật báo Mainichi (30-5-2016) từng lên tiếng về vụ này qua bài hỏi/đáp sau: Hỏi: Donald Trump... đã kêu gọi các đồng minh của Mỹ chi trả toàn bộ chi phí đóng căn cứ Mỹ trên lãnh thổ các nước này, có phải thế không? Vậy Nhật Bản phải chi trả bao nhiêu? - Đáp: ...(Đúng). Thỏa thuận Nhật - Mỹ về quy chế các lực lượng quân sự xác định một nguyên tắc cơ bản là Nhật Bản phải chịu các chi phí liên quan đến sự đồn trú các căn cứ của Mỹ, trong khi Mỹ chi trả cho việc duy trì các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ cùng các chi phí hoạt động. Vào cuối những năm 1970, khi Nhật Bản tăng trưởng kinh tế nhanh, còn nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn, Nhật Bản đã đồng ý trả một phần chi phí lao động của những nhân viên không phải là quân sự ở các căn cứ cũng như chi phí bảo dưỡng công trình. Kể từ năm tài khóa 1987, Nhật Bản đã chi trả toàn bộ chi phí lao động cộng với chi phí sử dụng các tiện ích mà lẽ ra Mỹ có nghĩa vụ gánh vác. Những chi trả này được gọi là “chia sẻ ngân sách”, qua đó Nhật Bản tìm cách xoa dịu những chỉ trích rằng Nhật Bản đã “đi nhờ xe miễn phí” về mặt quốc phòng. Các khoản thanh toán hằng năm đạt đỉnh điểm 275 tỉ yen (2,44 tỉ USD) trong năm tài khóa 1999, nay có giảm do kinh tế Nhật Bản suy thoái. Hiện tại, vào khoảng 190 tỉ yen (1,68 tỉ USD). Hỏi: Nhật cũng đang chi trả chi phí tái bố trí quân lực Mỹ ở Nhật? Có đúng không? - Đáp: Đúng thế... Chi phí trả lại đất đai, di chuyển thủy quân lục chiến Mỹ từ căn cứ Futenma đến Henoko cùng một số khác đến Guam, tất cả do Nhật gánh... Tổng cộng chi phí toàn thể mà Nhật chi cho các căn cứ này vào khoảng 725 tỉ yen (6,43 tỉ USD). Hỏi: Vậy có phải là gánh nặng của Nhật quá lớn? - Đáp: Mỹ có trong ngân sách khoảng 5,5 tỉ USD dành cho sự hiện diện quân sự của mình tại Nhật Bản trong năm tài khóa 2016, tức khoảng 600 tỉ yen. Thành ra, Nhật Bản trong thực tế chi trả nhiều hơn cho lực lượng Mỹ tại Nhật hơn là Mỹ chi trả... Theo các tài liệu của Mỹ, Nhật Bản chi trả hơn 70% chi phí đồn trú của lực lượng Mỹ, so với chỉ từ 30-40% cho Hàn Quốc, Đức cùng các nước khác. Tuy nhiên, do vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật nay đang mở rộng căn cứ theo luật lệ mới về an ninh, Bộ Tài chính Nhật đã tuyên bố việc chi trả chi phí đồn trú của lực lượng Mỹ phải được xem xét lại và được cắt giảm. Hỏi: Thế Nhật Bản đáp trả phát biểu của ông Trump ra sao? - Đáp:... Cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật Shigeru Ishiba (hiện là bộ trưởng phụ trách tái thiết kinh tế vùng) đã nói: “Tôi muốn ông Trump có thông tin đúng về Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ”. Các số liệu của Chính phủ Nhật Bản cho rằng Nhật Bản phải trả hầu hết các chi phí cho việc duy trì các căn cứ của Mỹ cũng như cung cấp đất đai cho quân đội Mỹ có chỗ mà đóng vì chính lợi ích quốc gia của Mỹ. Một nguồn tin thân cận với Lực lượng phòng vệ Nhật phát biểu: “Hoa Kỳ sẽ gặp rắc rối to nếu rút ra khỏi Nhật Bản vì lẽ sẽ mất ảnh hưởng ở châu Á”. Nếu biết rằng phần đáp là của Akira Murao, một quan chức thuộc Cục Tin tức chính trị trong Chính phủ Nhật, thì có thể hiểu đây chính là “bắn tiếng” của Nhật với ứng cử viên tổng thống Donald Trump từ cách đây 6 tháng. Nay thì ông Trump có thể đã nghe Thủ tướng Nhật Abe đích thân giải thích về quan hệ Nhật - Mỹ trong cuộc gặp hôm 17-11 vừa qua (nội dung cuộc gặp vẫn còn là bí mật). Có lẽ ông Trump cũng đã có được những thông tin chính xác hơn về quan hệ Nhật - Mỹ. Tuy nhiên, phía Nhật có vẻ cũng đã sẵn sàng cho mọi tình huống. Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada trong cuộc họp báo hôm 11-11 trước đó đã bắn tiếng: “Cuộc bầu cử này (ở Mỹ) đã tạo cơ hội cho chúng ta suy nghĩ nghiêm túc hơn nữa về việc Nhật Bản có thể làm gì để tự bảo vệ mình”. Quốc hội Nhật cũng đã và đang tiếp tục sửa đổi hiến pháp trong chiều hướng tự lực này. Có vẻ rốt cuộc rồi cũng đã đến lúc người Nhật xác định họ sẽ “tự bơi” trên Thái Bình Dương.■ Tags: Nước NhậtNhật - MỹNhật tự bơiNhật Bản tự lực
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).