Đến nơi có hai... thủ đô

HOÀNG OANH 12/07/2017 05:07 GMT+7

TTCT - Tôi đến Bolivia bằng đường bộ từ Peru. Đó là một ngày giữa tháng 8, cũng là đỉnh điểm mùa đông Nam Mỹ, Bolivia hẳn sẽ rất lạnh lẽo bởi đất nước này nằm ở độ cao trên dưới 3.500m so với mực nước biển.

Đảo xương rồng
Đảo xương rồng

 

 “Giống như ta đang đi lên thiên đường vậy” - bạn đồng hành trên chuyến xe buýt nói với tôi. Mà cũng phải, Bolivia sau đó hiện ra đẹp siêu thực tựa như chốn thiên đường, nhưng đó hẳn phải là một thiên đường lặng lẽ bởi ngành du lịch ở đây không rầm rộ như nước láng giềng Peru hay Brazil.

Những thành phố trên mây

Sau nhiều giờ liền di chuyển trên xe buýt băng qua bao đồi núi sông hồ, chúng tôi cũng đặt chân đến thành phố La Paz vào đêm muộn. La Paz là thành phố lớn thứ ba của Bolivia sau Santa Cruz và El Alto, nhưng lại là thủ đô hành pháp - nơi có bộ máy quản lý của chính phủ.

Cả thành phố nằm tựa lưng vào dãy Andes ở độ cao 3.650m, nên đây được xem là thủ đô cao nhất thế giới.

Tôi thấy La Paz cũng có phần giống Sài Gòn - đông đúc, người xe tấp nập, không ngớt những âm thanh hỗn tạp trên phố. Nhưng khác Sài Gòn bởi La Paz là sự pha trộn những nét đặc trưng của tộc người Inca và những nhộn nhịp của cuộc sống hiện đại, của những chiếc váy truyền thống và quần jean, của những tòa nhà cao tầng và khu chợ trời.

Tôi ở La Paz chừng một tuần, mỗi ngày đều cuốc bộ lên xuống các con đường dốc, ngắm nhìn người xe hay vô chợ ăn gà chiên. Một điều đặc biệt phải thử khi ở La Paz là hệ thống cáp treo Mi Telefrico đồ sộ với 14 trạm dừng như một phương tiện giao thông, giúp người dân đi lại giữa hai thành phố La Paz và El Alto.

Từ trên cáp treo, ta có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố ẩn hiện trong những tầng mây, nép mình trong bóng mát vĩ đại của dãy Andes.

Kem ở thành phố Sucre có mùi vị đặc trưng
Kem ở thành phố Sucre có mùi vị đặc trưng

 

Tôi rời La Paz cũng trong một tối muộn, đón chuyến xe đò đi Sucre. Và Sucre cũng là... thủ đô của Bolivia! Khi đem điều này thắc mắc với bất kỳ người Bolivia nào, bạn sẽ nhận được câu trả lời: “Ừ, thì đại khái là chúng tôi có hai thủ đô!”.

Thật ra Sucre là thủ đô chính thức của Bolivia kể từ năm 1825 sau khi nước này giành độc lập, tuy nhiên về sau La Paz nổi lên như một trung tâm chính trị và kinh tế của cả nước với những quặng mỏ và hệ thống ngân hàng, các văn phòng chính phủ và đại sứ quán.

Người ở Sucre và người ở La Paz đều có lý do để tin rằng thành phố của mình mới xứng đáng là thủ đô, nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ nên thôi, một đất nước có hai thủ đô cũng thú vị.

Sucre nhỏ nhắn nhưng sang cả với những kiến trúc thuộc địa bằng đá trắng, mang hơi hướng phương Tây cổ điển. Thành phố tĩnh lặng, trầm mặc vào các buổi sớm mai và trở nên phấn khích vào những buổi tối lễ hội.

Tôi ở Sucre hơn hai tuần, cứ cách vài ngày lại có một lễ hội gì đó với kèn trống, âm nhạc, pháo sáng, những đoàn diễu hành lộng lẫy.

Tôi có cảm giác cả thành phố như thực sự bừng tỉnh sau ánh hoàng hôn, người ta ca hát, nhảy múa, mê say và thành kính. Thỉnh thoảng, tôi không biết họ nhảy múa vì điều gì. Có thể họ chỉ đang nhảy múa mà thôi.

Đồng muối tự nhiên rộng đến hơn 11.000m2, nằm ở độ cao 3.656m so với mặt biển

 

Từ Sucre, tôi lại đón xe buýt đi Potosi thuộc vùng núi phía tây nam Bolivia. Potosi nằm ở độ cao 4.090m, là một trong các thành phố cao nhất thế giới.

Mùa đông ở Nam Mỹ thật sự khắc nghiệt, không khí lạnh nhưng lại rất loãng do tác động của cao độ khiến nhiều người khó thở, chỉ muốn co cụm bên bếp lò trong nhà, uống trà được điều chế từ lá coca (một loại lá làm ra thuốc phiện, nhưng ở Peru, Bolivia, Ecuador người ta dùng để trị các triệu chứng choáng độ cao).

Dù vậy, tôi vẫn cùng anh bạn người Brazil Tiago vào chợ ăn gà chiên. Thật sự sau nhiều tháng trời ở Nam Mỹ, tôi thậm chí nghĩ rằng người ta dường như không ăn gì khác ngoài gà chiên.

Trên đỉnh núi lửa Tunupa
Trên đỉnh núi lửa Tunupa

 

Nhưng bạn đừng đến Bolivia chỉ để thấy Uyuni. Hãy đến thăm thị trấn Copacabana nằm giáp biên giới Peru, để từ đó đi thuyền ra hồ Titicaca (hồ nước ngọt cao nhất thế giới), dừng chân ở đảo mặt trời Isla de Sol ngắm một trong những bình minh đẹp nhất trong đời.

Hay bạn cũng có thể đi trekking trong rừng mưa Amazon, cưỡi ngựa ở Santa Cruz, đạp xe địa hình ở Dead Road - cung đường nguy hiểm nhất thế giới, ngắm những đàn hồng hạc ở Red Lagoon...

Từ sa mạc muối đến miệng núi lửa

Nhưng mọi người đến Bolivia không chỉ để ngắm nhìn những thành phố trên mây, lý do lớn nhất khiến Bolivia trở nên độc đáo chính là sa mạc muối lớn nhất thế giới Salar de Uyuni. Từ Potosi, tôi bắt xe đến thị trấn Uyuni chọn mua tour xe jeep đi sâu vào sa mạc.

Uyuni là một thị trấn rất nhỏ và hoang sơ vài dãy nhà, nhưng văn phòng du lịch thì nhiều vô kể. Bạn có thể chọn tour đi tham quan sa mạc muối và các vùng phụ cận từ 1-4 ngày với nhiều loại giá và dịch vụ khác nhau.

Trong sa mạc muối tự nhiên lớn nhất thế giới Salar de Uyuni, du khách tha hồ
Trong sa mạc muối tự nhiên lớn nhất thế giới Salar de Uyuni, du khách tha hồ "làm trò"

 

Nhưng tựu trung tour sẽ bao gồm một xe chuyên dụng chở được năm người, một tài xế kiêm hướng dẫn viên và người nấu ăn, lịch trình tham quan sa mạc, nghĩa địa xe lửa cổ, đảo xương rồng, suối nước nóng, những công viên bảo tồn thiên nhiên và khu vực đầm phá giáp biên giới Chile.

Và rồi Salar de Uyuni trong truyền thuyết hiện ra khiến tôi choáng ngợp. Đó là một đồng muối tự nhiên rộng đến hơn 11.000m2, nằm ở độ cao 3.656m so với mặt biển với trữ lượng 10 tỉ tấn muối được hình thành từ việc cạn nước của hồ Minchin thời tiền sử.

Tôi từng lái xe chạy dọc những sa mạc cát ở Mỹ hay Mexico, nhưng việc di chuyển trên một sa mạc muối trắng thật sự là một trải nghiệm khó quên.

Mặt trời phản chiếu xuống đồng muối lấp lánh tạo nên một thứ ánh sáng kỳ ảo bất tận, chẳng biết về phía nào thì đến chân trời. Đây cũng là nơi duy nhất trên Trái đất mà Neil Amstrong có thể nhìn thấy từ Mặt trăng.

Sau một đêm ngủ trong khách sạn được xây bằng muối, tôi và vài khách du lịch từ châu Âu thức dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị leo lên ngọn núi lửa Tunupa có độ cao hơn 5.000m.

Một người dẫn đường địa phương được cử đến và dặn chúng tôi phải mặc thật ấm, đi giày chuyên dụng.

Hành trình leo lên đỉnh núi Tunupa thật sự vất vả và đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng khi lên được đến đỉnh núi cũng là miệng núi lửa, bao nhiêu mệt mỏi tan biến bởi khung cảnh thiên nhiên siêu thực. Màu đỏ cam của những dòng dung nham, màu ánh bạc của đá núi lửa, màu xanh biếc của bầu trời và bên dưới là sa mạc Uyuni vĩ đại như một đại dương trắng.

Cứ thế, Bolivia đã trở thành một thiên đường lặng lẽ trong lòng tôi. Ngày rời Bolivia, xe đưa tôi đi trên những triền núi. Qua cửa kính xe, tôi nhìn thấy những vạt đồi nhấp nhô nơi có những dãy nhà lấp lánh ánh điện trong đêm, trông cứ như một bầu trời đầy sao. Bầu trời này tôi không biết bao giờ mới gặp lại.■

Nghĩa địa xe lửa cổ
Nghĩa địa xe lửa cổ

 

Người Việt Nam có thể xin visa vào Bolivia ngay ở cửa khẩu. Giấy tờ chuẩn bị gồm có hộ chiếu, bản sao tài khoản, hai ảnh thẻ, booking khách sạn, lịch trình đi lại, vé máy bay rời khỏi Bolivia. Phí visa là 55 USD.

Bolivia là quốc gia nghèo nhất nhì Nam Mỹ, nên giá cả ở đây rất rẻ. Ẩm thực khá phong phú và nhiều gia vị. Ở La Paz có nhà hàng Việt Nam duy nhất là Vinapho, ông chủ kiêm đầu bếp là người Bolivia.

Khi biết tôi từ Việt Nam sang, ông vội ra hỏi xin ý kiến món phở bò và gỏi cuốn xem đúng vị chưa, rồi ông huyên thuyên kể rằng đã mua lại nhà hàng này từ một gia đình chủ người Việt rời La Paz nhiều năm trước. Ở Bolivia không có nhiều người Việt.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận