Đến nơi tận cùng thế giới, nghĩ về tự do

ĐẶNG THÁI 13/03/2021 06:00 GMT+7

TTCT - Tasmania là một bang riêng biệt, nằm xa nhất về phía nam, có diện tích nhỏ nhất trong các bang của Úc, với đảo chính rộng khoảng 64.519km2 (bằng diện tích miền Nam nước ta cộng thêm vài trăm cây số vuông nữa). Ở Tasmania, người dân gọi phần còn lại của nước Úc là “mainland” (“đất liền”). Từ đất liền sang đảo (hơn 400km) có thể đi phà hoặc đi máy bay.

Trại giam vịnh Macquarie, 1833, tranh màu nước của William Buelow Gould (họa sĩ Gould cũng đi đày 7 năm vì ăn cắp một cái áo khoác).

Đi lại thời COVID, nhất là đi lại giữa các bang, dù đi làm hay đi chơi, đều trở thành những phen đánh bạc. Chuyện có thật là thành phố gần nơi tôi sống có một ông từ bang khác sang nhậm chức chủ tịch. Đến cầu biên giới thì quân đội chặn lại không cho qua. 

Đơn giản vì quyết định mới của bang chỉ cho những người làm nghề thiết yếu đi qua, mà trong danh sách không có nghề “làm chủ tịch” (!?). Nhưng rốt cuộc, sau vô số lần hoãn đổi lịch trình, gia đình tôi may mắn lấy được giấy phép vào Tasmania.

Đạt 7/10 tiêu chí của UNESCO

Khác với đa số khách đến Tasmania chọn bờ đông để du lịch, tôi chọn khám phá bờ tây nguyên sơ của hòn đảo tuyệt đẹp này.

 Phần lớn phía tây nam, chiếm 20% diện tích cả đảo là vùng thiên nhiên hoang dã Tasmania được xếp hạng Di sản thế giới của UNESCO, là một trong chỉ hai nơi trên thế giới đạt đến 7/10 tiêu chí của UNESCO (còn lại là núi Thái Sơn, Trung Quốc). 

Nơi này có những rừng mưa ôn đới được bảo tồn nguyên vẹn nhất trên thế giới với những khu vực hoàn toàn không có người sinh sống, nguyên sơ như thuở khai thiên lập địa.

Chúng tôi lái xe từ thành phố đông bắc Launceston về hướng tây nam. Con đường vắt vẻo xuyên qua những rặng núi sừng sững và những thảo nguyên chỉ có thể trầm trồ tán thưởng.

 Giữa mùa hè nhưng thời tiết chỉ 20 độ trở xuống, nắng vàng như mật, óng ánh trên những tán cây xanh ngút ngàn. Khí hậu ôn đới nhưng do nằm giữa đại dương nên vùng này mưa rất nhiều, có nơi lượng mưa trên 2.000mm.

Điểm đến là thị trấn nhỏ Strahan, biệt danh là nơi tận cùng thế giới, vì đến đây cụt đường, chỉ còn Ấn Độ Dương mênh mông trước mặt, bên kia vùng nước là... châu Phi cách hơn 1,1 vạn cây số.

Strahan nổi tiếng với thiên nhiên tuyệt vời, nhưng có một trong những nhà tù xưa nhất và khắc nghiệt nhất thuộc địa Úc trên đảo Sarah. 

Phải kể thêm, nước Úc nói chung và Tasmania nói riêng (tên cũ là Van Diemen's Land) có lịch sử ban đầu là nơi giam giữ phạm nhân gửi từ mẫu quốc Anh sang do các nhà tù quá tải và Bắc Mỹ thì đã độc lập. 

Thế kỷ trước, nhiều người Úc coi việc tổ tiên mình xuất thân tội phạm là một điều xấu hổ. Nhưng nay, đó được coi là bản sắc dân tộc và hễ ai tìm thấy được một người trong gia phả là tội phạm từ Anh lại rất đỗi tự hào. 

Hầu hết họ phạm tội nhẹ nhưng bản án đều quá nặng, những người vượt ngục và sống tự do bụi đời trong rừng sâu (bushranger) trở thành những nhân vật anh hùng trong truyện và thơ ca dân gian.

Người Úc cho rằng bản thân người phạm tội không đáng chịu hoàn toàn trách nhiệm mà xã hội bất công xô đẩy những người cùng cực đến con đường phạm tội cũng có một phần “tội lỗi”. 

Cung đường bờ tây Tasmania. Ảnh: Nguyễn Hoàng Cường

Nữ doanh nhân ngành hàng hải Mary Reibey in trên đồng 20 đôla Úc vốn bị xử tử hình năm 14 tuổi vì ăn cắp một con ngựa, khi chạy trốn khỏi gia đình chủ nơi cô bé làm người hầu, cuối cùng giảm án thành lưu đày. Kiến trúc sư Francis Greenway được in trên đồng 10 đôla Úc (cũ) bị xử tử hình do làm giả văn bản tài chính vì phá sản, sau giảm còn 14 năm lưu đày. 

Khi đang thi hành án, ông đã thiết kế, xây dựng nhiều công trình còn tồn tại đến nay, có lẽ là người duy nhất trên thế giới làm giả giấy tờ về tiền mà lại được in lên tiền. 

Đến nay, những bản án hình sự ở Úc, như người Việt ở đây thường cho rằng quá nhẹ, bởi lẽ hệ thống tư pháp luôn cho người ta một cơ hội, chú trọng vào việc cải tạo và giúp người phạm tội sử dụng có ích khả năng “tiềm ẩn” của mình.

Nơi không thể trốn thoát

Quay lại với đảo Sarah, nơi người Anh dựng lên trại giam vịnh Macquarie năm 1822. Đây được coi là nơi không thể trốn thoát, bởi nó nằm trên một hòn đảo nhỏ khoảng 8ha, xung quanh là vịnh biển kín, chỉ có một cửa vịnh ra vào rất hẹp và nông, cực kỳ nguy hiểm, trên bờ là rừng rậm đại ngàn nguyên sinh và sông Gordon thác ghềnh. 

Nơi đây dùng để giam giữ những phạm nhân tội nặng nhất, thường là tái phạm tội, vượt ngục hoặc là người Ailen (đấu tranh chống Anh giành độc lập). Chính quyền muốn dùng phạm nhân ở đây để khai thác những rừng gỗ đại ngàn, đặc biệt là một loại gỗ quý: thông Huon.

Một cây thông Huon ở vùng này được xác định là cây có tuổi thọ cao thứ hai thế giới với gốc ước tính 10.000 tuổi, các cây đâm nhánh từ gốc này đều hơn 3.000 tuổi. 

Gỗ thông Huon có hàm lượng tinh dầu rất cao, tỏa hương thơm, đặc biệt là không thấm nước nên có thể dầm mình trong nước biển hay nước ngọt hàng trăm năm mà không hề mục. Chất gỗ nhiều dầu có thể đục đẽo, cắt gọt mà bề mặt vẫn láng mịn, không vỡ nứt. Điều đó khiến thông Huon trở thành nguyên liệu hoàn hảo cho việc đóng tàu. 

Tuy nhiên lao động cưỡng bức dưới điều kiện khắc nghiệt: mưa, lạnh, đói, đòn roi không thể cho ra bất kỳ sản phẩm gì. Dù việc trốn thoát gần như bất khả thi, tất cả phạm nhân tại trại này đều ít nhất một lần tìm cách đào tẩu, khi bị bắt lại thì hình phạt rất tàn khốc: bị biệt giam trong buồng tối hoặc bị đánh công khai, 10 roi đổi lấy một ngày biệt giam, nhiều người chết trước khi nhận hết trận đòn, số liệu năm 1823 cho thấy tổng cộng 9.100 roi.

Vài năm sau, một kỹ sư đóng tàu tên David Hoy tự nguyện đến đảo vì quá mê loại gỗ thông Huon. Ông thương lượng với ban quản lý trại giam để nâng cao điều kiện sống cho tù nhân, giảm hình phạt nên các vụ vượt ngục ngày càng giảm, đổi lại nơi đây nhanh chóng trở thành xưởng đóng tàu lớn nhất châu Úc. 

Năm 1833, khi cuộc thử nghiệm nhà tù - xưởng đóng tàu ở đây đến hồi kết thúc, hầu hết phạm nhân được chuyển sang trại Port Arthur - nơi có quy mô lớn hơn rất nhiều, ở bờ đông, được xây theo mô hình trại vịnh Macquarie này. 

Con tàu cuối cùng được đóng mang tên Frederick nhằm chở David Hoy và các phạm nhân cuối cùng khỏi trại Macquarie để đi Port Arthur.

Du thuyền đưa khách tham quan đảo Sarah bên rừng thông bạt ngàn nay đã cấm khai thác. Ảnh: Đặng Thái

Sự khát khao tự do của loài người khiến ta phải bất ngờ. Các phạm nhân cuối cùng, sau bao nhiêu năm học nghề đóng tàu, lái tàu đã âm thầm lên kế hoạch cướp tàu, rồi dong buồm thoát ra thẳng đại dương. 

Điểm đến của họ là... Chile, bên kia Thái Bình Dương, cách 11.000 cây số! Lênh đênh một tháng rưỡi sau họ cũng cập bến Chile, giả làm những thủy thủ bị đắm tàu và được nhận vào làm xưởng đóng tàu. Một số trong đoàn đã sang Mỹ hoặc Jamaica rồi trở thành công dân các nước này. 

4 người ở lại Chilê về sau bị bắt trở lại Van Diemen’s Land, nhưng thoát tội tử hình vì họ tự bào chữa trước tòa rằng không phải họ cướp một con tàu, do con tàu đó không tồn tại trên giấy tờ, không có đăng kiểm, những gì họ “trộm” chỉ là vải buồm, dây thừng, ván sàn tàu và đinh sắt!

Lái xe trên những đoạn đường “99 khúc cua” của Tasmania, dễ dàng nhận ra rất nhiều nhà máy thủy điện to nhỏ đủ loại. Chính quyền địa phương không dễ gì bỏ qua việc làm một nhà máy thủy điện ngay giữa vùng lõi vườn quốc gia này vào năm 1978. 

Nhưng người dân địa phương thì quyết tâm giữ rừng, bảo vệ nguồn sống của họ. Biểu tình và phản đối nổ ra trên khắp các phương tiện truyền thông và... sông suối, cảnh sát phải đi canô ra dẹp, tranh luận diễn ra ở tất cả các cấp chính quyền. 

Năm 1982, UNESCO công nhận khu vực này là Di sản thế giới, cùng năm đó, chính quyền Tasmania thông qua dự án đập thủy điện. 

Lãnh đạo Công đảng đối lập là Bob Hawke hứa sẽ dẹp dự án này nếu thắng cử và giành được chính quyền liên bang sau thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử 1983. Thủ tướng Bob Hawke đã giữ lời hứa, thông qua Luật bảo tồn di sản thế giới, ngăn cấm việc xây thủy điện.

Việc này đã dẫn đến một vụ kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Úc: chính phủ bang Tasmania kiện Chính phủ liên bang ra Tòa án tối cao vì cho rằng thủ tướng lạm quyền, vi phạm hiến pháp, ủng hộ “thế lực bên ngoài” (chỉ UNESCO) can thiệp nội bộ. 

7 thẩm phán của Tòa án tối cao cuối cùng biểu quyết với tỉ lệ 4:3, nghiêng về phía chính phủ liên bang, con đập đã không bao giờ được khởi công.

Ngày nay, ngành du lịch của Strahan (với 700 dân) đón hàng trăm nghìn du khách mỗi năm, doanh thu cả chục triệu đôla. 

Ngồi trên du thuyền 9 triệu đô mới cứng của một gia đình đã sáu đời chở khách trên dòng Gordon đang lững lờ tự do trôi ra vịnh và nhìn những lồng nuôi cá hồi 35.000 con trị giá 5 triệu đôla mỗi lồng, tôi chợt hiểu ra câu thành ngữ của người Anh: Tự do không bao giờ là miễn phí.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận