TTCT - Bỏ rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để được “hành xác” tại những cuộc thi marathon, siêu marathon trong nước và quốc tế ở các cự ly từ 42-160km để vượt qua giới hạn của cơ thể. Nguyễn Thị Đường tại cuộc thi marathon Long Biên 2017. -Ảnh: Lưu Minh Khương Trần Duy Quang - vận động viên VN - đầu tiên vô địch cự ly 100km tại Giải marathon leo núi tại Sa Pa lần thứ 5 năm 2017 - Vietnam Mountain Marathon (VMM), Nguyễn Thị Đường về thứ ba cự ly 100km nữ là những “dị nhân” chạy bộ như thế. Thành tích mà Trần Duy Quang cán đích ở cự ly 100km tại VMM 2017 diễn ra hôm 23-9 là 13 giờ 17 phút, bỏ xa người về thứ hai Manolito Divina (Philippines) tới 1 giờ 16 phút. Trong khi đó, Nguyễn Thị Đường về thứ ba với 20 giờ 15 phút và là nữ vận động viên (VĐV) giàu thành tích nhất tại các cuộc thi marathon ở VN suốt hai năm qua. Giấc mơ đến Ultra-Trail du Mont-Blanc “Tôi thích chạy đêm trên Sơn Trà, một mình trên núi với ánh đèn leo lét, khi dưới kia là cả một khoảng trời hiện đại. Tôi đã từng chạy xuyên đêm ở Sơn Trà một mình, tôi thích chạy thật dài một mình. Vì khi đó tôi thấy mình thật tự do, nhỏ bé giữa thế giới này. Sự đau đớn là những gì mà tôi sẽ trải qua trong suốt quãng đường dài cô độc. Nghe có vẻ điên rồ nhưng tôi thích cảm giác đó”. Đó là tâm sự của Quang (28 tuổi) về sở thích “dị” của anh trên đường chạy. Chính cái đam mê chạy một mình, nhâm nhi nỗi đau trên từng thớ thịt khi chinh phục các cuộc đua khắc nghiệt đã đưa Quang là VĐV VN đầu tiên vô địch 100km tại VMM. Là dân Bình Định nhưng sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, Quang cũng chỉ mới chạy bộ được hơn ba năm. Trước đó Quang nói anh mê đá bóng và thích leo núi nên hầu như đã leo hết các đỉnh núi cao ở khu vực phía Bắc. Ở Đà Nẵng, Quang thường tập chạy ở bờ sông Hàn và leo núi Sơn Trà. Năm 2015 lần đầu tiên Quang dự VMM ở cự ly 42km và đây cũng là giải marathon đầu tiên trong đời anh. Năm 2016 Quang dự cự ly 100km tại VMM và về thứ 4 với thành tích 16 giờ 09 phút. Một năm sau anh đã rút ngắn thời gian hoàn thành cuộc đua khắc nghiệt nhất trong các cuộc thi marathon tại VN tới gần ba giờ để trở thành nhà vô địch, đồng thời phá kỷ lục của giải đấu. Điên rồ - có lẽ đó là điều nhiều người nghĩ về Quang khi biết anh đam mê khủng khiếp với chạy bộ. Là nhân viên kinh doanh nhưng Quang dành rất nhiều thời gian cho chạy bộ, hết giờ làm là chạy và chỉ có chạy. Mê chạy, Quang cũng phải trích một phần không nhỏ tiền lương của mình để mua giày dép, trang phục tập luyện và nhất là chi phí di chuyển, ăn ở mỗi lần tham dự các giải đấu lớn ở VN và quốc tế. Trước khi trở thành nhà vô địch VMM, Quang đã tham dự rất nhiều cuộc thi khắc nghiệt khác, có những cuộc do chính bản thân Quang lập nên. Quang chia sẻ: “Tháng 1-2017 tôi về nhì tại cuộc thi siêu marathon 128km tại khu vực Angkor (Campuchia) với thời gian 13 giờ 03 phút. Tháng 5-2017 tôi về nhì cuộc thi chạy 70km tại Pù Luông (Thanh Hóa) với thời gian 8 giờ 27 phút. Tại cuộc thi siêu marathon 100km tại Malaysia tôi cũng về nhì với thời gian 14 giờ 30 phút. Thử thách khắc nghiệt nhất mà tôi tự đặt ra cho bản thân là đã chạy 160km trong 32 giờ liên tục vào tháng 11-2016 để gây quỹ từ thiện cho Tổ chức Newborns VN. Cơ thể đau nhức rã rời, ở những kilômet cuối hầu như tôi chỉ lết chứ không chạy nổi vì kiệt quệ, thế nhưng tôi không bỏ cuộc. Mỗi cuộc thi là một trải nghiệm cực nhọc nhưng vô cùng hạnh phúc khi tôi có thể cán đích, cảm giác vượt qua được bản thân mình thật tuyệt vời”. Cũng như hàng ngàn VĐV chạy đường dài tại VN, Quang mơ ước được tham dự cuộc thi siêu marathon danh giá nhất hành tinh mang tên: Ultra-Trail du Mont-Blanc. Đây là cuộc thi marathon leo núi diễn ra ở ba quốc gia Pháp - Ý - Thụy Sĩ với đường đua 166km ở độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển. Trần Duy Quang về đích 100km tại VMM2017. -Ảnh: Lưu Minh Khương Ăn kẹo lạc chạy bộ 100km tại Sa Pa Nguyễn Thị Đường là cái tên rất quen thuộc với những người chạy đường dài tại VN hai năm qua. Quen và ấn tượng bởi không ai nghĩ cô gái 28 tuổi, cao 1,50m và nặng có 44kg lại có thể chinh phục những đoạn đường hàng trăm kilômet trên núi cao, suối sâu, rừng rậm. Thế mà “tiểu Đường” (biệt danh mà các VĐV chạy bộ gọi cô) vẫn về đích mà gần như toàn về thứ nhất, thứ nhì ở các cuộc thi marathon, siêu marathon mà cô tham dự mới đáng nể. Đường cho biết từ nhỏ cho đến khi tốt nghiệp đại học cô luôn bé nhất lớp. Thể dục vì thế cũng là môn học bị Đường ghét nhất, thường được thầy cô ưu ái để cho qua. Đường cũng bị bệnh viêm xoang mãn tính và điều lạ kỳ là cô đã khỏi bệnh khoảng nửa năm sau khi đến với chạy bộ vào đầu năm 2016. Là nhân viên kế hoạch của một công ty linh kiện điện tử đóng tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), Đường thường chạy quanh khu công nghiệp sau mỗi ngày làm việc. “Mỗi tuần tôi tập từ 30-60km và chỉ chạy một mình. Gia đình tôi phản đối kịch liệt vì nghĩ ở tuổi này tôi phải lo lập gia đình, chạy đen da và tốn thời gian nhưng tôi vẫn chạy. Không làm thì thôi mà đã làm thì phải tận tâm, làm đến cùng đó là quan điểm sống của tôi” - Đường chia sẻ. Mới chỉ chạy bộ thường xuyên được hai năm nhưng Đường đã vô địch và á quân hàng chục giải đấu như: Giải nhất cuộc thi leo 72 tầng tòa nhà Keangnam; vô địch cuộc thi chạy 70km núi Hàm Lợn, Sóc Sơn (Hà Nội); giải nhì 42km VMM2016; giải nhì 42km marathon Hạ Long 2016; giải nhì cự ly 70km marathon Tam Đảo 2017; giải nhất thử thách chạy 15 giờ liên tục tại Sóc Sơn năm 2017; giải ba cự ly 100km VMM2017... Khác với các VĐV khác có điều kiện kinh tế khi chạy bộ, Đường phải dành dụm tiền để mua trang phục và lộ phí cho các cuộc thi cô tham dự. Vì thế cô hoàn toàn không có những dụng dụ chuyên nghiệp và đắt tiền như các VĐV khác. Tại VMM2017 dù là một trong những nữ VĐV VN hiếm hoi dự cự ly 100km nhưng Đường chỉ mua chiếc đèn pin đội đầu giá 80.000 đồng để chạy đêm. Thế nhưng không may là chỉ sau 40km đầu tiên chiếc đèn này đã bị đứt đeo đầu nên suốt những kilômét còn lại cho đến khi trời sáng một tay cô vừa phải cầm đèn một tay cầm gậy để chạy. Đường nói: “Các bạn khác có điều kiện thì mua gậy chuyên dụng 1-2 triệu đồng để hỗ trợ khi chạy nhưng tôi không có tiền nên mang sẵn hai chiếc gậy tre từ nhà lên Sa Pa để chạy. Mọi người dùng gel và thanh năng lượng để ăn dọc đường đi nhưng mỗi túi gel cũng có giá 40.000-50.000 đồng, nếu dùng thì phải tốn thêm cả triệu bạc nên tôi đổi sang ăn kẹo lạc và kẹo kitkat cho đỡ tốn. VMM2017 là giải đấu khắc nghiệt và tuyệt vời nhất tôi đã trải qua. Có nhiều đoạn chân không nhấc nổi nữa, người run lẩy bẩy vì kiệt sức nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc. Khi chạy qua một đêm dài và trời bắt đầu hửng sáng, khung cảnh thiên nhiên tại Sa Pa hiện lên tuyệt đẹp. Nếu không chạy băng qua những khu rừng, ruộng bậc thang, lội qua những con suối trong vắt... thì tôi không thể cảm nhận được đất nước VN của chúng ta lại tươi đẹp đến vậy”.■ Tags: Trần Duy QuangDị nhân chạy bộChạy bộ 100kmNguyễn Thị Đường
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...