Di sản gây chia rẽ của Julian Assange

QUÂN ANH 08/07/2024 07:28 GMT+7

TTCT - Với một số người, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange là anh hùng khi công khai nhiều bí mật của giới chính trị chóp bu. Nhưng với những người khác, ông lại là kẻ liều lĩnh đã gây tổn hại sinh mạng một cách khinh suất.

Ông Assange được trả tự do sau phiên tòa chóng vánh ở Saipan. Ảnh: Reuters

Ông Assange được trả tự do sau phiên tòa chóng vánh ở Saipan. Ảnh: Reuters

Suốt hai thập kỷ hành trình từ một hacker ở Úc tới người nổi tiếng, nhân vật bị săn đuổi, tù nhân và cuối cùng là người tự do hôm 26-6, Assange luôn là người khó nhận định. Theo The New York Times, bất cứ đánh giá nào về di sản của ông cũng sẽ gây tranh cãi.

Ông Assange 53 tuổi, xuất hiện tại tòa ở hòn đảo xa xôi trên Thái Bình Dương Saipan và nhận tội vi phạm pháp luật Mỹ về gián điệp hôm 26-6. 

Kể từ khi thành lập WikiLeaks năm 2006, ông đã luôn là nhân vật gây tranh cãi, với hoạt động thu thập và công khai bí mật của nhiều chính phủ.

Nhân vật gây tranh cãi

Các nội dung ông đã công bố, từ điện mật ngoại giao tới thông tin dân thường chết trong cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, khiến Assange là người hùng với những người tin vào sứ mệnh về minh bạch tới cùng, dù là cực đoan. 

Với những người khác, họ lo lắng thông tin ông tiết lộ sẽ khiến nhiều người thiệt mạng, và như thế, ông đóng vai trò kẻ phá hoại.

Những thông tin ông công bố đã khiến Nhà Trắng nhiều lần nổi giận. Assange mất 12 năm trời ở London chống lại các nỗ lực dẫn độ sang Thụy Điển (cáo buộc tấn công tình dục) và Mỹ (tội gián điệp). 

Ông trốn trong Đại sứ quán Ecuador tới khi bị bắt vào tù. Tên ông nổi lên mỗi lần luật sư kháng cáo. "Julian Assange trong nhiều năm đã hy sinh cho quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí - Barry Pollack, luật sư đại diện cho ông, nói ở Canberra khi đón ông hôm 26-6 - Ông đã hy sinh tự do của chính mình".

WikiLeaks đã hợp tác với báo chí truyền thống bóc trần các vụ việc như những vụ sát nhân ở Kenya, vụ lính Mỹ bắn nhầm phóng viên Reuters mà tuyên bố là tiêu diệt khủng bố. 

Tài liệu của WikiLeaks viết về sự xa hoa và phù phiếm của gia đình lãnh đạo Tunisia góp phần thổi bùng lên sự kiện Mùa xuân Ả Rập nổi tiếng. 

Alan Rusbridger, cựu tổng biên tập báo Anh The Guardian, từng hợp tác sâu với Assange, nói WikiLeaks có vai trò đẩy nhanh thay đổi chính trị từ biến cố đó. Tuy nhiên, cách làm của Assange và những người theo ông vẫn gây tranh cãi.

Ông Assange thời còn trong sứ quán Ecuador ở London. Ảnh: NBC News

Ông Assange thời còn trong sứ quán Ecuador ở London. Ảnh: NBC News

Thay đổi hình ảnh sau 2016

Góc nhìn dư luận về Assange thay đổi sau khi WikiLeaks, trong giai đoạn nóng của bầu cử Mỹ 2016, đăng các email của Đảng Dân chủ bị tình báo Nga hack, sự kiện được cho là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới thất bại của bà Hillary Clinton trước ông Donald Trump.

Khi còn là ngoại trưởng, bà Clinton đã phải xin lỗi lãnh đạo nhiều nước vì những chi tiết trong các điện ngoại giao gửi về Washington. 

Ngoại trưởng một nước vùng Vịnh thậm chí từng từ chối ghi chép trong cuộc họp với bà vì lo ngại lộ thông tin. 

"Một số tổn thất với ngành ngoại giao Mỹ là không thể bù đắp - Vali R. Nasr, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó, nói - Có xin lỗi thì cũng không khắc phục được".

Ông Assange đã lẩn tránh được chính quyền Mỹ một thời gian. Ông sống như lưu đày suốt 7 năm ở Anh trong sứ quán Ecuador, rồi 5 năm nữa trong nhà tù Belmarsh ở London, khiến ông từ một tay hảo hán của giới truyền thông trở thành nhân vật chống đối cứng đầu. 

Những người ủng hộ cắm trại ngoài sứ quán Ecuador với băng rôn biểu ngữ và la hét: "Tự do cho Assange!". 

Phe phản đối thì thấy ông chỉ là kẻ hám danh, luôn cho mình là nạn nhân của đàn áp chính trị, nhưng lại vi phạm điều khoản tại ngoại khi kháng cáo tội danh tấn công tình dục (mà ông nói là "chiến dịch phỉ báng" của chính quyền Mỹ).

Từ nơi ở tù túng trong sứ quán, ông Assange trả lời phỏng vấn với thông điệp chống đối mạnh mẽ. Nhiều nhà tranh đấu và người nổi tiếng đổ về thăm ông. Cô đào bốc lửa một thời Pamela Anderson thường xuyên tới gặp ông. 

Ông còn trải qua mối tình bí mật với Stella Moris, luật sư đại diện, rồi sau trở thành vợ ông. Họ có hai đứa con trong khi ông trốn trong sứ quán.

Với chính quyền Anh, tự dưng mắc kẹt ở giữa, đây là vụ việc tốn kém và mất thời gian. Họ phải cử cảnh sát canh trước sứ quán trong khi các cấp tòa khác nhau xem xét đơn dẫn độ. 

Thụy Điển sau này bỏ việc truy tố, nhưng Mỹ dưới thời Trump vẫn truy tố ông Assange tội gián điệp. Sau khi chính quyền thay đổi ở Ecuador, ông không còn được chào đón và bị tống khỏi sứ quán vào tháng 4-2019. 

Khi cảnh sát kéo Assange bẩn thỉu, lôi thôi từ sứ quán ra, ông la hét: "Hỡi nước Anh, hãy chống lại Trump".

Tới lúc đó thì câu chuyện Assange không còn được chú ý nhiều nữa. "Các nhà báo không còn quan tâm tới Assange nữa - ông Rusbridger nói - Mỗi người đều đã xác quyết ông là thiên thần, hoặc là quỷ dữ, không có ai ở giữa".

Bà Stella Morris đã làm đám cưới với ông Assange khi ông đang ngồi tù. Ảnh: New York Post

Bà Stella Morris đã làm đám cưới với ông Assange khi ông đang ngồi tù. Ảnh: New York Post

Các bên đều mệt mỏi

Khi ông Assange kháng cáo lệnh dẫn độ, vụ việc có vẻ sẽ kéo dài bất tận. "Quy trình của chúng ta không thể có giải pháp nhanh chóng - Nick Vamos, hiện lãnh đạo hãng luật Peters & Peters và trước kia phụ trách bộ phận dẫn độ của cơ quan công tố Anh, nói - Nếu đi từng mục một - theo đúng quyền của ông ta - thì sẽ như vô tận".

Ông Assange cũng có những chiến thắng. Hồi tháng 5, ông kháng cáo thành công toàn bộ bản án sau khi thẩm phán xác định cam kết của phía Mỹ không đủ đảm bảo các quyền pháp định của Assange. Diễn biến này, theo ông Vamos, khiến "các bên buộc phải đàm phán một thỏa thuận (nhận tội) cụ thể".

Khi đàm phán nhằm kết thúc cuộc chiến pháp lý của Assange tới giai đoạn then chốt, công tố viên Mỹ đưa ra lựa chọn ngắn gọn với luật sư của ông. "Guam hay Saipan?" 

Chặng đường tự do của Assange như vậy sẽ phải đi qua một trong hai hòn đảo mà Mỹ đang kiểm soát ở Thái Bình Dương. Luôn sợ phải ngồi tù cả đời ở Mỹ, ông Assange ra điều kiện tiên quyết để nhận tội là không phải đặt chân lên đất Mỹ. 

Chính phủ Mỹ ngược lại muốn ông nhận trọng tội vi phạm luật gián điệp - tội danh sẽ buộc ông phải trình diện một thẩm phán tòa liên bang, tức là phải sang Mỹ.

Trong tình hình bế tắc, tháng 4 vừa rồi, luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra giải pháp nhân nhượng: ông Assange ra tòa nhưng không phải ở đại lục Mỹ. 

Đã yếu đi nhiều sau khi bị biệt giam 23 tiếng mỗi ngày một thời gian dài, ông Assange hiểu đây là phương án tốt nhất khả dĩ với ông. 

Ảnh: ABC News

Ảnh: ABC News

Hai bên sau đó thống nhất chọn Saipan (hòn đảo là bối cảnh cho tiểu thuyết Amrita của nhà văn người Nhật Banana Yoshimoto) ở Thái Bình Dương, cách bờ tây Mỹ 9.700km và quê nhà Úc của ông 3.500km.

Bất chấp căng thẳng trước đó, cuộc đàm phán thả ông Assange như vậy khá nhẹ nhàng và nhanh chóng. Cả hai bên đều muốn chấm dứt tình trạng bế tắc. Ông Assange thì thân tàn ma dại, còn Bộ Tư pháp Mỹ thì mệt mỏi và tiêu tốn nguồn lực với cuộc chiến pháp lý lê thê. 

Thời điểm cũng có ý nghĩa quan trọng. Tính tới cuối 2023, ông Assange thực ra đã phải ngồi tù lâu hơn khá nhiều so với nhiều người bị kết tội danh tương tự (ông bị biệt giam 62 tháng ròng cho tới khi được thả).

Dù ông bị truy tố 18 tội danh theo luật tình báo, và trên lý thuyết có thể phải chịu mức án hàng trăm năm tù, nếu quy trình tố tụng diễn ra nghiêm túc, mức án thực sự có thể chỉ là 4 năm, vì nhiều tội danh trùng lắp, theo tính toán của các luật sư. 

Tới đầu năm 2024, một số lãnh đạo Úc, gồm đại sứ ở Mỹ (và cựu thủ tướng) Kevin Rudd và Thủ tướng đương chức Anthony Albanese, bắt đầu gây sức ép với Washington để đạt được thỏa thuận - không phải vì ủng hộ Assange, mà chủ yếu là vì ông đã phải ngồi tù quá lâu. 

Ông Assange thì khỏi nói. Ngoài một loạt vấn đề sức khỏe thể chất, ông còn bị trầm cảm nghiêm trọng sau khi phải sống chui lủi suốt 14 năm qua.

Vì tất cả những lý do đó, quá trình đàm phán cuối cùng được đẩy nhanh trong 6 tháng qua, để rồi tới cuối tháng 6, mọi chi tiết pháp lý và hậu cần rối rắm được các bên thống nhất. 

Chính phủ Úc đồng ý chi 520.000 USD thuê máy bay riêng đưa ông Assange từ London tới Saipan, rồi từ đó về nhà. Các luật sư của ông cũng gây quỹ để chi trả một phần.

Ông Assange nêu yêu cầu thứ hai khi thỏa thuận gần đạt được: bất kể chuyện gì xảy ra ở Saipan, ông vẫn sẽ rời tòa như một người tự do. 

Bộ Tư pháp Mỹ thấy ít có khả năng thẩm phán Ramona V. Manglona không chịu trả tự do cho ông (dù bộ vẫn cam kết sẽ tìm cách để ông có thể về Úc kể cả bà Manglona không khoan dung). 

Điều đó đã không xảy ra khi thẩm phán Manglona nhanh chóng đồng ý, chúc ông Assange "bình an", kèm lời chúc mừng sinh nhật sớm 3-7, khi ông tròn 53 tuổi.■

WikiLeaks bắt đầu nổi lên từ năm 2010 sau khi đăng video máy bay trực thăng Mỹ không kích Baghdad dẫn tới cái chết của một phóng viên ảnh Reuters.

"Thử nghĩ xem động cơ của Julian Assange về Iraq và Afghanistan là gì - P. J. Crowley, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khi WikiLeaks đăng 250.000 điện ngoại giao mật hồi năm 2010, nói - Chúng ta rời Iraq, quay trở lại và giờ vẫn ở đó. Chúng ta ở lại Afghanistan thêm một thập kỷ sau WikiLeaks. Di sản của Assange là hợp tác với tình báo Nga, dù cố ý hay không, và hỗ trợ Nga giúp Trump thắng cử".

Crowley có khúc mắc rất cá nhân với Assange: Ông buộc phải từ chức sau khi phê phán cách Lầu năm góc hành xử với Chelsea Manning, chuyên gia tình báo đã giúp lấy hàng nghìn tài liệu để Assange đăng lên WikiLeaks.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận