TTCT - Đọc sách cho người khác nghe không đơn giản chỉ là ngồi xuống và đọc từ trang này sang trang khác. Minh họaCông nghệ chỉ giải quyết được khâu tiện lợi dễ dàng cho sách nói. Cái quan trọng nhất vẫn là giọng đọc, thứ được thính giả đặt làm tiêu chí hàng đầu khi chọn nghe audiobook.Từ yêu sách đến đọc sách nóiKhi thấy Nhã Nam mở chuyên mục Trích đọc trước giờ đi ngủ, Minh Nguyện (Thanh Oai, Hà Nội) đã chủ động liên hệ để được góp giọng. Sau khi gửi một đoạn thu âm ngắn để xem chất giọng, Nguyện nhận được góp ý một số điểm từ Nhã Nam và cuối cùng được nhận.Sản phẩm đầu tiên Minh Nguyện làm với Nhã Nam là trích đọc quyển Hảo nữ Trung Hoa. Nhờ lần ra mắt được hiệu ứng tốt, Minh Nguyện tiếp tục đọc thêm vài tác phẩm khác. Từng có kinh nghiệm phát thanh, Nguyện tự lo phần ghi âm và chỉ gửi file cho phía công ty sách.Với cô, điều quan trọng nhất khi đọc sách nói là phải hiểu được nội dung cuốn sách/nhân vật. “Vì công cụ duy nhất để biểu cảm đó là ngôn ngữ, nên sắc thái giọng nói là cực kỳ quan trọng, chỉ khi hiểu tác phẩm mới có được sự biểu cảm bằng ngôn ngữ chuẩn mực” - Nguyện nói.Lấy ví dụ lần trích đọc chương đầu của tác phẩm Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Nguyện nói: “Cả cuốn man mác trong hoài niệm, day dứt và nỗi buồn, vì vậy phải dùng giọng trầm, tình cảm da diết...”.Mỗi lần đọc là mỗi lần nhập tâm, vui trong niềm hân hoan, buồn với nỗi buồn và nhiều khi khóc cùng nhân vật, song Minh Nguyện thừa nhận đây là công việc khá vất vả. Tôi rất yêu sách, nhưng đọc cho mình khác so với đọc để cho tất cả mọi người cùng thưởng thức, cùng cảm nhận, cùng yêu tác phẩm...- Minh NguyệnGiọng đọc ngôi sao và ngôi sao giọng đọcSự phát triển của audiobook đã mở ra một xu hướng mới: những ngôi sao hàng đầu Hollywood, các nhân vật nổi tiếng toàn cầu nô nức góp giọng, đọc sách cho vạn người nghe. Có thể kể nữ minh tinh Meryl Streep đọc quyển sách thiếu nhi Charlotte’s Web hay cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama tự đọc toàn bộ quyển tự truyện Becoming của mình - tổng cộng 19 giờ âm thanh.Các đơn vị phát hành không bỏ qua xu hướng này. Đầu năm 2020, Nhà xuất bản Penguin phát hành 30 quyển tiểu thuyết kinh điển dưới dạng audio, với giọng đọc của những cái tên đình đám như Andrew Scott (đọc Người Dublin của James Joyce) và Natalie Dormer (Căn phòng của riêng ta, Virginia Woolf). Audible cũng không chịu kém cạnh, với Rosamund Pike đọc Kiêu hãnh và định kiến, và Thandie Newton đọc Jane Eyre.Xu hướng này còn giúp những quyển sách thuộc chủ đề khô khan tìm thấy thính giả mới, đa số là người hâm mộ ngôi sao đã góp giọng đọc chúng. Chẳng hạn nam tài tử Benedict Cumberbatch đọc quyển sách về vật lý lượng tử Trật tự thời gian của Carlo Rovelli. “Cách đây không lâu, một quyển sách vật lý lý thuyết ít có khả năng được phát hành ở dạng sách nói và sẽ không được một người danh tiếng đến thế ghi âm giọng đọc” - Richard Lennon, phụ trách mảng audio tại Nhà xuất bản Penguin, nhận xét về hiện tượng cho thấy audiobook đang ở thời hoàng kim.Trái với sức hút của các giọng đọc ngôi sao, những ngôi sao giọng đọc - người đọc sách nói chuyên nghiệp - có thể rất thầm lặng, không ai biết, theo The Guardian. Ở Mỹ, đó là cụ ông 81 tuổi George Guidall, hiện được xem là vô đối trong ngành đọc sách, với hơn 1.300 bản thu, từ sách của Dostoevsky đến Stephen King. Vua ghi âm sách nói George Guidall tại phòng thu. - Ảnh: New York TimesChuyện của voice talentNhiều năm trước khi xuất hiện các ứng dụng nghe sách nói ở Việt Nam, Lê Tấn Khoa (26 tuổi, TP.HCM) đã tham gia một số dự án đọc sách cộng đồng và ý thức việc luyện giọng đọc để trở thành một voice talent - người có giọng đọc tốt và tham gia công việc cần kỹ năng đọc thành tiếng, như phát thanh viên, diễn viên lồng tiếng và làm sách nói - chuyên nghiệp. Hiện tại, ngoài lịch trình bận rộn thu âm cho kênh VOV và các buổi làm MC, Khoa dành thì giờ còn lại cộng tác với Voiz FM để thu sách. Phần việc “tay trái” này cũng nhiêu khê không kém.Khi nhận được đề bài từ bộ phận sản xuất, đầu tiên Khoa sẽ lướt qua từ phần giới thiệu sách, mục lục, để xem sách thuộc thể loại nào và tinh thần chung ra sao. Nếu là sách tình cảm, giọng đọc cần nhẹ nhàng và có những đoạn thả hồn theo con chữ, tạo cảm xúc lắng đọng cho người nghe. Sách về tư duy tích cực cần cách diễn đạt trong trẻo, lạc quan, pha một chút tươi vui, để người nghe có thể khoan khoái, yêu đời hơn. Sách về lịch sử phải được đan xen giữa những đoạn giọng đọc hào hùng, đậm đà, với đoạn bi thương, xót xa, và cả những đoạn giọng có chút bí ẩn, gây tò mò cho thính giả.Các quyển sách dày có nhiều tuyến nhân vật, như Tam quốc diễn nghĩa, người đọc như Khoa đôi khi phải cất công tìm hiểu từng nhân vật xuất hiện để biết đâu là người ngay thẳng, đâu là kẻ nịnh thần, đâu là trang quân tử, kẻ tiểu nhân... để điều chỉnh tông giọng phù hợp.“Thông thường mình sẽ chọn một tông chính cho người dẫn truyện. Những giọng đọc cho các nhân vật sau đó chủ yếu do cảm nhận và thể hiện của mỗi voice talent. Có nhiều lúc, mình hiểu sai về một nhân vật, đọc đến chương sau mới phát hiện người ấy không tốt hoặc không xấu như mình lầm tưởng. Thế là phải đổi lại tông cho nhân vật ấy và thu lại chương trước đó” - Khoa nói.Theo Tế Diệu - giọng đọc đang cộng tác với một số kênh sách nói, có giọng đẹp là rất tốt nhưng nếu không biết trau chuốt thì không thể đọc sách. Các voice talent đều phải tự học và luyện tập cách giả nhiều giọng khác nhau, tiếp thu góp ý từ những người xung quanh. Voice talent Lê Tấn Khoa hiện đang đảm nhiệm đọc nhiều quyển sách lịch sử. -Ảnh: NVCCChọn giọng gửi vaiTấn Khoa chỉ đang là một trong nhiều voice talent dấn thân vào con đường thu âm sách. Theo CEO của một ứng dụng sách nói trả tiền tại TP.HCM, việc tìm kiếm những thành viên trở thành giọng đọc chính thức hay cộng tác cho công ty là nhiệm vụ liên tục.Các đơn vị làm sách nói có thể thừa hưởng những voice talent sẵn có trên thị trường, như những giọng đọc trước đây từng làm sách cho người khiếm thị, những người là phát thanh viên cho radio, dẫn chương trình truyền hình hay diễn viên lồng tiếng phim... Ngược lại, các công ty như Voiz FM, Fonos... cũng góp phần kiến tạo một đội ngũ voice talent mới cho tương lai, khi phát hiện những chất giọng có năng khiếu gia nhập các nhóm đọc sách.Lê Thị Mỹ Huyền, thành viên nhóm sản xuất của Voiz FM, cho biết một trong những thách thức của những nhà sản xuất là xếp đội hình các giọng đọc đảm nhiệm những quyển sách sở trường hoặc thủ các vai thích hợp trong các quyển cần sự hợp sức của nhiều người. Trong quá trình phân chia, giọng vùng miền là một trong những yếu tố cân nhắc trước tiên. Chẳng hạn, những quyển viết về Sài Gòn thì không thể giao cho các voice talent giọng Bắc.Giọng đọc còn được cân nhắc trên phương diện thể loại. Có giọng sẽ hợp với chủ đề kinh doanh, có giọng hợp với nội dung khoa học, công nghệ, có giọng chỉ đọc được sách tâm linh, triết học... Do vậy, việc chọn voice talent đòi hỏi phải đúng ngay từ đầu, nếu không, sẽ có một số trường hợp đọc được gần nửa quyển sách thì bộ phận sản xuất mới nhận ra chất giọng người đọc không phù hợp với thể loại. Muốn như thế, nhóm sản xuất cần có người nhiều kinh nghiệm, thậm chí đã là một voice talent nhiều năm.Ngày nay, nhiều voice talent chủ động sắm micro để thu âm tại nhà thay vì vào phòng thu. Phần việc của đội ngũ sản xuất lúc này sẽ nặng ở khâu hậu kỳ như thêm thắt hiệu ứng và kiểm tra lỗi của bản thu. Trường hợp gặp nhiều lỗi, voice talent có thể bị buộc phải đọc lại.Một quyển sách nói tốt trước hết là một bản thu sạch, tức không đọc vấp, không lẫn tạp âm… Kế đến mới là sự truyền cảm trong giọng đọc và những hiệu ứng âm thanh, nhạc nền.- Lê Thị Mỹ Huyền (nhóm sản xuất Voiz FM)"Đôi mắt cho người khiếm thị"Biên tập viên Nguyễn Hữu Chiến Thắng là người có một giọng đọc truyền cảm đặc biệt, không thể nhầm lẫn trên sóng Đài truyền hình VTV. Những năm gần đây, anh tham gia xây dựng kho sách nói cho người khiếm thị, tự đọc một số tác phẩm văn học cho những hoàn cảnh kém may mắn có cơ hội thưởng thức. “Tôi tình nguyện làm đôi mắt cho người khiếm thị để họ có thể đọc được văn chương, vì không tâm hồn nào là không cần văn chương để thanh tẩy" - anh nói. BTV Nguyễn Hữu Chiến Thắng trong phòng thu âm sách nói. -Ảnh: NVCCSách nói của Chiến Thắng khác với audiobook dành cho số đông thính giả. Sách được chọn đọc dựa trên nhu cầu của người khiếm thị - ví dụ các tác phẩm quen thuộc của Thạch Lam thay vì chủ đề xa lạ với người không sáng mắt - và cách đọc cũng khác: không được đọc quá 3,5 từ mỗi giây để người khiếm thị có thể tiếp cận thông tin hiệu quả nhất. Với người sáng mắt, khi nghe những từ như “mặt trời đỏ”, “mây trắng” là có thể liên tưởng đến sự vật hiện tượng ngay, nhưng đặc thù ngôn ngữ cho người khiếm thị là ngôn ngữ “rỗng”, vì vậy “các bạn cần thời gian xử lý thông tin lâu hơn người bình thường” - Chiến Thắng giải thích.Anh kể có lần hai người khiếm thị đã nhận ra giọng đọc sách của anh khi nghe anh nói chuyện với chủ quán. “Cảm giác như tôi muốn rơi nước mắt. Tôi không biết cắt nghĩa cảm giác đó như thế nào, nhưng nó xúc động hơn việc cách đây 22 năm tôi lần đầu nghe thấy giọng mình vang lên trên tivi” - anh nói.■Đa số sách nói chỉ có một giọng đọc duy nhất, nhưng cũng có các sản phẩm gồm nhiều giọng khác nhau, phân vai như nghe một vở kịch qua kênh audio. Theo The Guardian, còn có các dự án để người trong cuộc - chẳng hạn các nhân chứng của một vụ việc nào đó - tự ghi âm phần của họ. Những lúc ấy rất khó xác định ranh giới giữa sách nói, kịch audio hay một chương trình podcast.Xu hướng này cũng có thể thấy được trong các quyển audiobook tại Việt Nam. Cùng là quyển Tam quốc diễn nghĩa, bản trên Voiz FM chỉ có một giọng đọc, còn bản của Fonos là sự kết hợp của hàng chục voice talent, với hàng trăm giọng khác nhau. Ngoài giọng chính của người dẫn chuyện, từng nhân vật như Lưu Bị, Quan Vũ… đều có tông riêng và xuyên suốt, được đạo diễn phòng thu “phân vai” cho từng voice talent tham gia.Không phải ai cũng thích nghe một quyển sách với nhiều giọng đọc như vậy. Tôn Quỳnh Lâm (Q.1, TP.HCM) cho biết bản sách nói Tam quốc diễn nghĩa đa giọng có một số câu được xử lý như một… diễn viên cải lương đang nói lối - câu chữ chậm, giọng kéo dài, đôi lúc có phần nặng nề. Theo cá nhân Lâm, cách làm này cần được tiết chế, vì sau cùng người ta tìm đến ứng dụng nghe sách là để… nghe sách, chứ không phải thưởng thức một tác phẩm sân khấu. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thầm thì sách nói Tiếp theo Tags: Đọc sáchSáchSách nóiAudiobookVoice talentNgười đọc sáchGiọng đọc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.