TTCT - Công tác dịch tễ liên quan đến COVID-19 đang bước vào giai đoạn báo động cao nhất, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi mà tại châu Âu và châu Á nay xuất hiện những ổ dịch mới và châu Mỹ đang bị đe dọa. Tuy nhiên, chống dịch không chỉ có những can thiệp y tế, mà còn phải khéo léo cả về mặt truyền thông. Ông Macron đã xuống tận bệnh viện để hoàn thành nghĩa vụ của một chính khách dân cử. Ảnh: Le Soir Thứ năm tuần rồi, 27-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm Bệnh viện La Pitié-Salpêtrière - nơi mà trong đêm thứ ba, rạng sáng thứ tư có công dân Pháp đầu tiên chết vì COVID-19, nâng số người chết vì bệnh này ở Pháp lên 2 nạn nhân (người kia là một du khách Trung Quốc). Bộ Y tế Pháp ngay hôm thứ tư 26-2, trong một cuộc họp báo, đã cho biết nạn nhân là một người đàn ông 60 tuổi, được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện hôm thứ ba 25-2 “trong tình trạng nguy kịch”. Cũng sáng hôm đó, Bộ Giáo dục Pháp ra thông báo cho biết đó là một giáo viên trung học cơ sở tại Crépy-en-Valois, trong tỉnh Oise. Có thể thấy ông Macron, trong cương vị tổng thống, đã chọn thời điểm nước Pháp mất công dân đầu tiên của mình để “xuất tướng”, đúng với bài bản quan hệ với công chúng trong chính trị (political public relations, PPR), mà theo Ivana Grbavac trong nghiên cứu “Political Public Relations - Media and Information Management” (Quan hệ công chúng trong chính trị - quản trị truyền thông và thông tin), bao gồm việc “mỗi chính phủ được bầu một cách dân chủ phải giao tiếp với công dân - cử tri của mình. Nhiệm vụ của chính phủ là cung cấp thông tin cho công chúng”. Kế đến là “quản lý hình ảnh của nhà nước, vừa vì hình ảnh cá nhân nhà lãnh đạo, vừa vì hình ảnh của đảng hay chính phủ trong dân chúng”. Tuy ông Macron đã có một Thủ tướng Edouard Philippe “đá bọc lót” quanh năm và hai bộ Y tế và Giáo dục đứng ra họp báo, song nhất định ông phải xuất tướng để công chúng có cảm giác được chia sẻ với người thống soái trong thời khắc họ đang sợ hãi. Nỗi sợ đấy có thể thấy và nghe được trên các đài truyền hình Pháp, nhất là khi tỉnh Oise chỉ cách Paris 35km đường chim bay và cách sân bay Charles De Gaulle, nơi tiếp nhận 72 triệu lượt khách/năm, có một giờ taxi. Trước tình hình đó, một tổng thống không thể cứ đóng cửa ngồi nhà mà phải xuất tướng cho xứng đáng với chức vụ, như lý giải “sách vở” PPR! Rành sáu câu “bài vở”, điều đầu tiên ông Macron làm khi đến bệnh viện La Pitié-Salpêtrière là ủy lạo đội ngũ nhân viên ở đây: “Các bạn đã có một ca [tử vong] vào sáng hôm qua, tôi biết nó ảnh hưởng đến các đội ngũ ở đây rất nhiều, tôi muốn hỗ trợ đầy đủ cho tất cả các bạn và có một phát biểu nói lên sự thật hầu có thể giúp tổ chức mọi thứ một cách bình tĩnh”. Biết mình là “con số không” về dịch tễ, ông Macron chỉ đưa ra những phát biểu mang tính động viên là chính, còn quyết định thật sự, ông sẽ phải biết nghe người có thẩm quyền. Bắt đầu là giáo sư Jérôme Salomon, tổng giám đốc y tế, người phụ trách thông tin về COVID-19. Giáo sư đầu ngành ở Pháp về y tế công cộng này thông báo cho tổng thống về tình hình dịch tễ ở Pháp cùng những lời khuyên cá nhân cho ông Macron, do lẽ ông phải tiếp xúc rất nhiều người - tức thuộc diện nguy cơ cao, song giáo sư Salomon chưa khuyên ông Macron đeo khẩu trang: “Hiện tại đó không phải là một lựa chọn. Chúng ta còn đang trong thời kỳ cường độ thấp. Người dân Pháp sẽ không hiểu khi thấy ngài tổng thống đeo khẩu trang FFP1 khi bản thân họ không đeo”. Sau đó là giáo sư Éric Caume, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới: “Ở Pháp, sẽ có một tình huống hơi giống ở Ý với chuỗi lây truyền tự nhiên. Các trường hợp ở Pháp, đặc biệt là bệnh nhân đã chết hôm qua ở Bệnh viện La Pitié-Salpêtrière và trường hợp nhập viện ở Amiens, đều không có mối liên hệ nào với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là virus đã lưu hành trong chúng ta”. Giáo sư Caume cũng nói thêm rằng vấn đề sẽ là “hiệu ứng số đông”. Nếu một triệu hoặc mười triệu người bị nhiễm bệnh, “chúng ta sẽ gặp khó khăn lớn trong việc quản lý”. Nhưng không chỉ có những lời nhã nhặn. Ngay tại Bệnh viện La Pitié-Salpêtrière, ngài tổng thống đã bị lên lớp không thương tiếc. Bác sĩ François Salachas ở đây nói về thực tế dân ngành y đã phải chịu đựng quá lâu cảnh các bệnh viện bị chính quyền bỏ bê. Ông Salachas nói thẳng vào mặt ông Macron: “Rủi ro sẽ là rất lớn khi các bệnh viện công không thể đáp ứng nhu cầu do khủng hoảng virus corona gây ra. Đây không phải là câu hỏi kích động nỗi sợ hãi hay lợi dụng cuộc khủng hoảng, nhưng cũng không thể cứ nói láo. Rõ ràng chúng ta có thể phải đối mặt với khó khăn trong việc nhập viện bệnh nhân vào các khoa truyền nhiễm. Chúng tôi đã yêu cầu điều chỉnh ngân sách và hiện tại hoàn toàn chẳng được cấp gì thêm!”. Thế mới thấy, đối phó với biến cố là không đủ, chính quyền, dù ở đâu, còn phải chuẩn bị sẵn sàng cho những biến cố nữa.■ Tags: Dịch bệnhCOVID-19Quan hệ công chúngQuan hệ công chúng của chính quyền
Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM CHÂU TUẤN 24/11/2024 Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.
Xem các nghệ nhân thay áo mới cho điện Thái Hòa NHẬT LINH 24/11/2024 Điện Thái Hòa trong khu vực Hoàng cung Huế, nơi các vị vua Nguyễn ngự trên ngai vàng cai trị đất nước trong 143 năm, đang được đội ngũ những người thợ thủ công lành nghề bậc nhất Việt Nam ngày đêm tu bổ.
Ông Lý Hiển Long chuyển giao quyền lực, mong thế hệ kế tiếp phải trọng dụng người tài DUY LINH 24/11/2024 Chia sẻ ý định đề cử Thủ tướng Lawrence Wong làm người kế nhiệm, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh điều này sẽ hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).