Dịch tiếng Anh trong thông tin đối ngoại

NGUYỄN VIỆT LONG 26/09/2013 22:09 GMT+7

TTCT - Trong cuộc đấu tranh pháp lý về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, việc tuyên truyền đối ngoại cho bạn bè năm châu thấu hiểu bản chất vấn đề rất quan trọng.

Phóng to
Dịch tên bản đồ cần thận trọng, nếu không người nước ngoài sẽ hiểu không chính xác (ảnh chụp tại triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu (Hoàng Sa, Trường Sa của VN - những bằng chứng lịch sử) ở dinh Thống Nhất, TP.HCM)

Phóng to

Vụ việc mới đây đại úy Vũ Văn Hiệp phát hiện tấm bản đồ thế giới treo tại một phòng của Trường đại học Chỉ huy - tham mưu New Zealand có một lỗi sai nghiêm trọng khi ghi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thuộc Trung Quốc. Việc này cho thấy còn nhiều người, thậm chí cả những cơ quan, tổ chức ở nước ngoài, chưa hiểu rõ vấn đề nên đã vô tình hiểu sai hoặc để cái sai tồn tại. Do vậy, chúng ta phải tăng cường hơn nữa thông tin về biển Đông cho mọi người trên thế giới biết.

Trong lĩnh vực này, vai trò các mạng chính thống của Nhà nước Việt Nam không hề nhỏ. Muốn người đọc nhận thức được vấn đề, họ phải hiểu được bài viết với những trích dẫn đúng, do đó chúng ta cần nâng cao tính khoa học, tính pháp lý của các bài viết cũng như chất lượng dịch thuật.

Mới đây, nhân đi xem triển lãm trưng bày bản đồ tư liệu - những bằng chứng lịch sử chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vào tháng 7, tôi thấy một số bản đồ của Trung Quốc được dịch sang tiếng Anh không chuẩn, nghĩa là để nguyên âm Hán Việt cho người Anh đọc. Lấy ví dụ nổi bật nhất là bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ được dịch sang tiếng Anh như sau:

“Map of Hoang Trieu truc tinh dia du toan do. Under the Qing Dynasty, 1904. “Hoang Trieu truc tinh dia du toan do” is China’s oldest map in contemprary times...”.

Cứ tưởng tượng đọc một văn bản tiếng Anh mà tỉnh Vân Nam đáng lẽ phải viết là Yunnan province thì lại là Van Nam province, hay nước Nga được sách báo hay mạng Trung Quốc dịch sang tiếng Việt là nước Eluosi thì chịu sao thấu!

Tôi đã góp ý với ban tổ chức (BTC) phải phiên tên gọi bản đồ theo đúng tiếng Trung Quốc, tức là theo pinyin mới đúng kiểu và người đọc tiếng Anh mới hiểu và tra cứu được. BTC đã nhận ra thiếu sót, tuy lời dịch bản đồ nói trên là do tổ chức khác chứ không phải do BTC triển lãm thực hiện. Rất mừng là sau đó tôi được biết BTC đã chỉnh sửa sai sót trên để trưng bày tại dinh Thống Nhất ở TP.HCM trong các ngày từ 22 đến 28-8.

Tuy nhiên mới đây, đọc tin Trường đại học Bạc Liêu treo “Bản đồ khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam” trước cổng trường, nhưng tấm ảnh cho thấy sai sót dịch thuật nêu trên vẫn tồn tại. Thử tìm kiếm trên mạng xem tên gọi tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được dịch sang tiếng Anh ra sao, hóa ra rất nhiều mạng chính thống (phiên bản tiếng Anh) của Việt Nam… đều để nguyên tên Hán Việt khi gọi bản đồ này.

Kiểu dịch này cũng xuất hiện trên tờ báo tiếng Anh xưa nay có tiếng khá chuyên nghiệp là Vietnam News trong bài “New book tells of life on Vietnamese islands” ngày 28-1-2013. Đó là chưa kể nhiều trang mạng của báo đài địa phương hoặc đăng lại hoặc có bài riêng, tất cả đều lặp lại lỗi này.

Tôi chưa tìm thấy trang mạng nào dịch đúng là “Huangchao zhisheng diyu quantu”. Qua chuyện này mới thấy chất lượng dịch thuật trong thông tin đối ngoại, đặc biệt trên các ấn phẩm liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ, là vô cùng quan trọng nhưng chưa được giới hữu trách để ý và chấn chỉnh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận