Điểm 'Cà chua thối' - thước đo có 'nát'?

XUÂN TÙNG 24/09/2023 05:07 GMT+7

TTCT - Rotten Tomatoes chưa bao giờ hết bất ổn, với hàng loạt vấn đề từ thiên kiến tính điểm đến nguy cơ bị nhà làm phim thao túng.

Ảnh: moviewebimages.com

Ảnh: moviewebimages.com

Rotten Tomatoes đang là thước đo có sức ảnh hưởng bậc nhất ngành điện ảnh, có thể quyết định sự sống chết của phim ở phòng vé. Dù vậy, trang tổng hợp đánh giá này chưa bao giờ hết bất ổn, với hàng loạt vấn đề từ thiên kiến tính điểm đến nguy cơ bị nhà làm phim thao túng.

Dù thường xuyên bị các diễn viên gạo cội Hollywood như Meryl Streep hay Martin Scorsese công kích, Rotten Tomatoes đã và đang trở thành một công cụ có sức ảnh hưởng bao trùm lên ngành phim Mỹ và thế giới. Nhưng người trong ngành cho rằng cách hoạt động của Rotten Tomatoes "có vấn đề" như cái tên "cà chua thối" của nó.

Làm sao "thối" hóa "tươi"?

Tháng 8 vừa rồi, trang tin giải trí đại chúng Vulture gây chấn động khi lên bài cáo buộc một nhà quảng bá phim dùng tiền để mua chuộc các nhà bình phim, hòng thao túng điểm số trên Rotten Tomatoes cho bộ phim Ophelia (2018).

Ophelia - phiên bản hiện đại của kịch Hamlet dưới dạng điện ảnh - mới đầu không nhận được nhiều đánh giá tích cực: 7 trong số 13 review công khai của những người đã xem phim (chiếu sớm ở Liên hoan Sundance 2018) là tiêu cực, đồng nghĩa với điểm Tomatometer (điểm của nhà phê bình) đáng thất vọng 46%. Theo thang đo của Rotten Tomatoes, dưới 60% là điểm cà chua "thối".

Điểm Tomatometer thấp có thể khiến phim khó tìm nhà phân phối ở Mỹ, và Bunker 15 - đơn vị quảng bá phim - đã ngay lập tức vào việc. Họ liên hệ hàng loạt nhà phê bình phim trong mạng lưới được Rotten Tomatoes công nhận, rồi trả mỗi người 50 đô la để lên bài bình phim.

Khi liên lạc với các nhà phê bình, Bunker 15 cho rằng bộ phim đang bị đối xử hơi khắt khe, vì thế họ muốn "nghe thêm ý kiến từ nhiều nhà phê bình khác". Khi một nhà phê bình phim hỏi lỡ ông ta thật sự không thích phim này thì phải viết thế nào, người của Bunker 15 nói bóng gió: các 'reviewer' có thể thoải mái viết những gì mình nghĩ, nhưng "những người siêu dễ chịu" thường đồng ý không công khai bài chê trên web chính của họ, mà thường đẩy vào những blog nhỏ nơi Rotten Tomatoes không thấy được. Đây là mẹo để những bài viết nổi lên Rotten Tomatoes sẽ đều là các bài đánh giá tích cực.

Từ tháng 10-2018 đến tháng 1-2019, Rotten Tomatoes nhận thêm 8 bài review về Ophelia, trong đó có tới 7 bài là tích cực. Kết quả: điểm Tomatometer của Ophelia vọt lên 62%, vừa đủ để chuyển từ "thối" sang "tươi". Sang tháng 2-2019, phim nhanh chóng tìm được một nhà phân phối tại thị trường Mỹ.

Quyền lực màu "cà chua"

Vốn bắt đầu khiêm tốn bởi một nhóm sinh viên Đại học Berkeley (Mỹ) mong muốn có nơi để chấm điểm các phim của Thành Long, Rotten Tomatoes đã sống sót qua cơn sốt "dot com" cuối thập niên 1990, dần lớn mạnh và được Flixster mua lại năm 2010, sau đó lại được chuyền tay cho Fandango (trực thuộc đế chế giải trí Comcast NBCUniversal) vào năm 2016.

Giờ đây, khi tìm phim trên Fandango - trang bán vé rạp thống trị nước Mỹ hiện nay - điểm Tomatometer sẽ được đặt trang trọng ngay cạnh tên phim. Google tên một bộ phim, bạn cũng sẽ thấy điểm Rotten Tomatoes cạnh. Với các công ty phim, Rotten Tomatoes đã trở thành công cụ marketing hiệu quả trên mọi mặt trận, cũng là kẻ thống trị làng bình phim hiện nay.

Ảnh: ScreenRant

Ảnh: ScreenRant

Mọi sự đã từng rất khác. Vào thập niên 1990, các nhà phê bình cá nhân vẫn là kẻ thống trị: Gene Siskel và Roger Ebert từng biến phim tài liệu không kinh phí Hoop Dreams thành một hiện tượng chỉ với vài tính từ tích cực. 

Thế nhưng, quyền lực của các nhà phê bình nay đã bị thay thế bởi ý kiến đám đông. 1/3 dân số Mỹ cho biết họ cần xem điểm Rotten Tomatoes trước khi ra rạp xem phim; poster phim hiện nay cũng không còn trích ý kiến các nhà phê bình để quảng bá - thay vào đó sẽ là dấu "chứng nhận tươi" của Rotten Tomatoes.

Hầu hết các nhà làm phim đều không có thiện cảm lắm với sự thay đổi này. Martin Scorsese cho rằng Rotten Tomatoes biến các đạo diễn thành "nhà sản xuất nội dung, còn người xem thành những kẻ tiêu thụ không dám mạo hiểm". Brett Ratner thì coi Rotten Tomatoes như "kẻ phá hoại ngành kinh doanh phim".

Tuy vậy, hầu hết người trong cuộc đều đồng ý rằng Rotten Tomatoes đã trở thành một thước đo tối quan trọng. Những người quảng bá phim cho biết công việc hiện hay của họ hầu hết là xoay quanh điểm số này. Các studio phim cũng sợ con số Tomatometer đến mức tìm đến các nhà dự báo điểm Rotten Tomatoes trước khi đem phim đi quảng bá.

Một đại diện nhà phân phối phim độc lập cho biết: "Trong kế hoạch kinh doanh, tôi có nói rằng công ty sẽ không quảng bá các phim có điểm dưới 80. Rotten Tomatoes là con dấu bảo chứng duy nhất cho thấy phim có chất lượng tuyệt hảo, và các nhà phê bình đều đồng ý".

Quá dễ thao túng

Ngay cả với tiếng tăm không bàn cãi của Rotten Tomatoes, vẫn cần nhớ rằng cách tính điểm của nó đơn giản đến đáng lo. Điểm được tính bằng cách thu thập các bài review về phim, thẩm định mỗi bài là "tích cực" hay "tiêu cực" rồi chia trung bình số bài tích cực trên tổng số bài - tất cả chỉ có vậy. Mỗi bài review đều có trọng lượng như nhau - dù một bài có thể đăng trên báo lớn như New York Times, còn một bài chỉ được đăng trên blog cá nhân với vài người đọc.

Nếu bài review lập lờ giữa tích cực và tiêu cực, mọi sự còn rối hơn nữa. "Tôi có đọc một vài bài phê bình phim của chính tôi, với những dòng kiểu "Đạo diễn chưa làm được điều này, nhưng sự chưa-làm-được ấy rất duyên dáng. Với tôi, đó là bài phê bình tích cực, nhưng lên Rotten Tomatoes thì chắc chắn sẽ thành tiêu cực" - đạo diễn Paul Schrader nói với Vulture. Với Rotten Tomatoes, chỉ có "tươi" và "thối", không có "chín vừa" hoặc "hơi nát".

Cách tính điểm này đã khiến điểm số Rotten Tomatoes không còn là thước đo chất lượng phim như dự định, mà chỉ là phản ánh độ phổ biến của phim với công chúng, theo Alison Willmore, nhà phê bình phim của New York Times.

Đánh giá từ nhà phê bình (trái) và khán giả có thể rất khác nhau.

Đánh giá từ nhà phê bình (trái) và khán giả có thể rất khác nhau.

Cơ chế này cũng giúp những phim "trung bình khá", không gây tranh cãi lên ngôi so với các phim có đề tài gai góc. Phim chỉ vừa đủ xuất sắc để giành điểm trung bình của tất cả các nhà phê bình cũng có thể đạt 100 điểm trên Rotten Tomatoes. 

Ví dụ: bộ phim siêu anh hùng Shazam! đạt tới 90% điểm, trong khi phim đoạt Oscar Joker chỉ có 69%. Đấy là đếm số bài tích cực, chứ còn chấm theo điểm của từng nhà phê bình rồi chia trung bình thì hai phim sẽ đều nhận được điểm 7,3/10.

Các bên sản xuất, phát hành phim đang tìm cách lợi dụng cách tính có phần lỏng lẻo này để đẩy điểm phim của mình lên cao. Do Rotten Tomatoes chỉ yêu cầu phim có 5 bài bình là sẽ được lên điểm, các bên quảng bá phim sẽ tổ chức các buổi chiếu sớm, mời các nhà bình phim mà họ biết sẽ cho phim điểm tốt đến xem, sau đó dùng các bài bình tốt này để thiết lập số điểm cao chót vót - có thể dùng làm bảo chứng để đi quảng bá phim đến công chúng.

Một ví dụ cụ thể là phim siêu anh hùng Ant-Man and the Wasp: Quantumania của Marvel, đạt tới 79% điểm Rotten Tomatoes trong tuần đầu tiên công chiếu nhờ các bài bình phim sớm của các trang phê bình chuyên về siêu anh hùng. 

Sang tuần thứ 2, điểm phim giảm chỉ còn ở mức 40-50% với nhiều bình luận tiêu cực, nhưng các nhà làm phim cũng không bận tâm lắm vì hiệu ứng mở màn tốt đã giúp phim kịp thu về 106 triệu đô la trong tuần đầu - nhiều hơn bất cứ phim nào khác trong series phim Ant-Man. 

Một nhà phân phối phim nói đây là chuyện hết sức bình thường. Với chiến lược này, các nhà sản xuất và phân phối phim thắng lớn, duy chỉ có khán giả là thiệt.

Điều đáng buồn hơn cả là sự chú ý của khán giả và toàn bộ ngành phim đều tập trung vào một con số không có khả năng thể hiện toàn bộ vẻ đẹp và sự phức tạp của nghệ thuật làm phim.

Phim, cũng như bất kỳ môn nghệ thuật nào khác, đều mang tính chủ quan, và việc làm phẳng các yếu tố hình ảnh, kể chuyện, diễn xuất và kỹ thuật thành con số duy nhất không nên được coi là thực hành chuẩn mực trong việc phê bình và đánh giá phim. 

Rotten Tomatoes vẫn có thể nguồn tài nguyên tốt, nếu khán giả không thụ động - đây vẫn luôn là một kho tàng dữ liệu tốt, giúp người xem tìm ra các nhà phê bình phù hợp và tự tìm ra ý kiến của riêng mình về vẻ đẹp của phim.

Tại "trại sản xuất cà chua"

Những tưởng đứng đằng sau kẻ phá bĩnh thị trường phim phải là một thế lực công nghệ với thuật toán tính điểm và tự động hóa quy trình vô cùng phức tạp, nhưng không - Rotten Tomatoes về bản chất vẫn không phải một công ty công nghệ, và cảm giác trong văn phòng công ty giống với một tòa soạn báo hơn là một doanh nghiệp Silicon Valley, theo cây viết Simon Van Zuylen-Wood của tờ WIRED.

Mỗi hai tuần, đội ngũ biên tập của công ty ngồi lại trong buổi họp mang tên Review of Reviews, với mục đích duy nhất: giải quyết những ca khó cho hai câu hỏi thường trực của đội ngũ '"Đây có được tính là bài review không?" và "Ý kiến trong được coi là tích cực hay tiêu cực?"

Với câu hỏi thứ nhất: các bài tường thuật dài, các dòng tweet, hay các video tổng hợp phim đều không được tính là review. Các biên tập viên nộp những "ca khó" lên, để đội ngũ cùng nhanh chóng xác định "có" hoặc "không".

Câu hỏi thứ hai còn khó hơn: Nhiều bài bình phim được cho là có giọng điệu ngán ngẩm, nhưng khi gọi điện cho nhà phê bình thì nhận được câu trả lời "Tôi thấy phim "tươi" đó chứ".

Các biên tập viên được yêu cầu thẩm định ít nhất 50 bài bình phim 1 ngày - với tốc độ này, rất khó để suy nghĩ hay tư duy được thấu đáo, đặc biệt là trong thời đại bình phim bằng podcast hay video YouTube.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận