Điệp viên hoàn hảo

NGUYỄN HỮU THÁI 20/09/2007 18:09 GMT+7

TTCT - Đây là câu chuyện về một cuốn sách và hai nhân vật. Đó là một cuốn sách chỉ sau bốn tháng phát hành đã bán được trên 2 vạn bản, một kỷ lục đối với loại sách lịch sử - tiểu sử ở Mỹ.

Phóng to
“Điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn và tác giả Larry Berman

Còn hai nhân vật là nhà báo - điệp viên Phạm Xuân Ẩn, con người phi thường nhưng bí hiểm đối với độc giả Mỹ và tác giả là giáo sư tiến sĩ Larry Berman thuộc thế hệ học giả mới của Mỹ sau chiến tranh VN.

Tháng tư vừa qua, lần đầu tiên ở Mỹ một cuốn sách do học giả Mỹ viết về Phạm Xuân Ẩn được xuất bản: Perfect Spy (Điệp viên hoàn hảo). Tác giả là giáo sư tiến sĩ Larry Berman, khoa khoa học - chính trị, Đại học California, thành phố Davis.

Cuốn sách gây khá nhiều tranh cãi trong dư luận Mỹ. Phe bảo thủ cho rằng Berman ca ngợi kẻ thù quá đáng, người công tâm hơn thì nói tác giả đã lý giải thành công được vì sao người Mỹ thua trận ở VN. Nhưng đa số tìm đọc nó là vì hiếu kỳ muốn biết về một điệp viên huyền thoại VN. Một con người từng được Mỹ đào tạo và làm việc với họ nhưng đồng thời là một người của phía thù địch, con người phi thường và khá bí hiểm đối với đa số người Mỹ.

Một cuốn sách gây tranh luận

Điệp viên hoàn hảo

Phóng to

Cuộc sống hai mặt khó tin của Phạm Xuân Ẩn, phóng viên tạp chí Time và điệp viên cộng sản VN.

Mục lục gồm lời mở, lời bạt và sáu chương:

Lời mở: Tôi có thể chết trong hạnh phúc vào lúc này

1. Hòa bình: điệp viên & người bạn

2. Học nghề tình báo

3. California mộng mơ

4. Sự xuất hiện cuộc sống hai mặt

5. Từ báo Time (Thời Đại) đến tết (Mậu Thân)

6. Trong chiếc bóng của người cha

Lời bạt: Một cuộc sống hai mặt phi thường

Thật vậy, sau cuộc chiến VN, Phạm Xuân Ẩn đã trở thành đề tài bàn luận trong giới những người Mỹ có thời gian trải nghiệm ở VN, tuy có nghi ngờ nhưng không ai dám quả quyết ông Ẩn là người của phía địch. Tướng CIA Mỹ Edward Lansdale không tin ông là điệp viên cộng sản.

Các phóng viên Mỹ tên tuổi từ Neil Sheehan, Dan Southerland, David Halberstam đến Robert Shaplen, Stanley Karnow từng tiếp xúc với ông đều có ấn tượng tốt đẹp vì ông rất gần gũi họ và từng cứu mạng nhiều người Mỹ.

Một câu hỏi luôn được đặt ra: ông Ẩn là ai mà hầu hết nhà báo lớn Mỹ đến thăm VN đều mong muốn gặp lại ông? Vài năm trước đây, bản thân đại sứ Mỹ Raymond F. Burghardt, trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ở VN, cũng đã đích thân đến nhà chào từ biệt ông Ẩn. Cựu tổng lãnh sự Mỹ ở TP.HCM Emi Lynn Yanauchi còn đến nhà chúc tết. Nguyên giám đốc CIA Mỹ William Colby mấy lần xin gặp mà không được...

Điệp viên hoàn hảo lần theo bước chân hoạt động bí mật và công khai của Phạm Xuân Ẩn xuyên suốt qua cuộc chiến hơn 20 năm ở miền Nam lồng trong một thời kỳ lịch sử can dự của người Mỹ ở VN. Cuộc đời ông được Berman dựng lại dựa vào kho tài liệu ở Hoa Kỳ, VN cùng lời chứng do bạn bè, cấp chỉ huy, đồng nghiệp, người thân trong gia đình và chính ông Ẩn kể lại cho tác giả.

Từ chuyện ông Ẩn len lỏi vào những phái bộ quân sự Mỹ giữa thập niên 1950, đến việc ông sang Hoa Kỳ học báo chí vào những năm 1957-1959, rồi trở về nước làm phóng viên cho Việt Tấn xã và các hãng tin, tạp chí quốc tế ở Sài Gòn, những công tác có khi tự ông chọn, có khi do tổ chức chỉ định.

Những biến cố quan trọng ở miền Nam như việc chế độ Ngô Đình Diệm củng cố quyền lực với vụ ám sát tướng Trịnh Minh Thế do chính Ngô Đình Nhu tổ chức, rồi trận Ấp Bắc năm 1963, chương trình ấp chiến lược, đảo chính nhà Ngô, tướng lĩnh miền Nam tranh quyền, Mỹ đổ quân tham chiến, cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào, VN hóa chiến tranh, mùa hè đỏ lửa 1972, hòa đàm Paris đến những ngày cuối cùng của chế độ VN cộng hòa... ông Ẩn đều lấy tin tức nơi quen biết rồi viết bản phân tích chiến lược giúp phe cách mạng có kế hoạch đối phó.

Trong trận Tết Mậu Thân 1968, Phạm Xuân Ẩn là người đã hướng dẫn cán bộ Việt cộng đi khắp Sài Gòn để chọn vị trí tấn công.

Những báo cáo viết bằng mực gạo trắng, những phim chụp tài liệu được giấu trong chả giò, nem chua hay dưới đôi dép nhựa, rổ cá ươn là cách ông chuyển tài liệu. Từ chợ chim ở Sài Gòn đến địa đạo Củ Chi, ông Ẩn đã có mặt để giao và nhận công tác.

Con người phi thường

Nhiều người quen biết ông Ẩn trong thời chiến tranh, đặc biệt giới báo chí Mỹ, đều nhận xét ông hiểu biết khá sâu sắc về hai nền văn hóa Mỹ - Việt và có khả năng phân tích thời cuộc chính xác.

Phạm Xuân Ẩn hiểu rõ tâm lý người Mỹ vì ông từng du học Hoa Kỳ. Việc du học của ông là do tổ chức xếp đặt và được chấp thuận dễ dàng vì có sự giới thiệu của cả đại tá CIA Edward Lansdale cùng sự can thiệp của trùm mật vụ Sài Gòn lúc đó là bác sĩ Trần Kim Tuyến.

Những năm học tại Orange Coast College ở miền nam California, Phạm Xuân Ẩn chứng tỏ là một sinh viên hấp thụ nhanh nền văn hóa Mỹ, dù lúc đó đã 30 tuổi. Ông được nhiều bạn bè quí mến. Có lúc ông từng muốn lấy vợ Mỹ. Ông biên tập và viết cho báo sinh viên Barnacle. Sau khi hoàn tất học trình, Asia Foundation - tổ chức được CIA sử dụng cho các hoạt động văn hóa giáo dục - cấp cho ông một học bổng đi thực tập, quan sát và học hỏi thêm về cách làm báo tại nhật báo Sacramento Bee ở thủ phủ bang California, nơi ông đã có dịp gặp thống đốc Edmund Brown.

Khi được móc nối ở lại Hoa Kỳ, ông đứng bên cầu Golden Gate, nhìn nhà tù Alcatraz trên đảo và nghĩ đến nhà tù Côn Đảo. Rồi ông quyết định phải trở về VN, dù trong lòng mang nỗi lo sợ sẽ bị tống giam vì ông Mười Hương, người phụ trách ông, đã bị bắt và tung tích của ông có thể bị bại lộ. Nhưng việc đó đã không xảy ra.

Trong thời chiến tranh sôi động, quán Givral trên đường Tự Do giữa Sài Gòn là tổng hành dinh của Phạm Xuân Ẩn, nơi nhiều ký giả Mỹ tìm đến để thăm dò, trao đổi tin tức. Do đó, Phạm Xuân Ẩn còn được gọi là “tướng Givral”.

Cuốn sách có kể lại chuyện vào cuối năm 2003 khi khu trục hạm Mỹ USS Vandegrift trở lại Sài Gòn lần đầu tiên từ sau khi cuộc chiến VN chấm dứt năm 1975, ông Ẩn được sứ quán Mỹ mời lên tham quan. Ông mãn nguyện với cuộc tham quan và nói với tác giả rằng giờ đây có thể vui lòng nhắm mắt. Sự kiện này được hiểu là ông Ẩn sau cùng cũng đã đặt chân lên đất Mỹ, vì chiến hạm được coi như phần đất thuộc chủ quyền của Hoa Kỳ, và hai nước đang phát triển quan hệ bình thường trở lại sau chiến tranh. Đó là mơ ước của ông khi cuộc chiến chấm dứt gần 30 năm trước.

Điệp viên hoàn hảo lôi cuốn người đọc vào cuộc đời hoạt động của một gián điệp cực kỳ tài giỏi và bí hiểm, bắt đầu từ ngày được ông Lê Đức Thọ kết nạp vào Đảng ở Cà Mau năm 1953 và được lệnh phải học hỏi, hiểu biết về người Mỹ, văn hóa Mỹ và xâm nhập báo chí Mỹ trước viễn ảnh Hoa Kỳ sẽ thay thế người Pháp can thiệp rộng lớn và mạnh mẽ vào nội tình miền Nam.

Với công tác được giao, Phạm Xuân Ẩn đã thực hiện vai trò của mình một cách tuyệt vời như là một nhà tình báo chiến lược mà không bị các phe liên can làm khó dễ, tống giam hay ám hại.

Nhân kỷ niệm một năm ngày ông từ trần tại TP.HCM 20-9-2006, hưởng thọ 79 tuổi, tác giả Larry Berman đã đến VN để chuẩn bị cho bản tiếng Việt của cuốn sách sớm ra mắt bạn đọc.

Một thế hệ học giả mới

Tôi biết GS Larry Berman qua một người bạn chung. Thời gian qua ông rất bận rộn hoàn thành cuốn sách Điệp viên hoàn hảo và chuẩn bị cho việc phát hành, đi nói chuyện các nơi về cuốn sách. Chúng tôi chỉ mới gặp được nhau tại TP.HCM và có dịp trao đổi về nội dung cuốn sách.

Tôi chủ ý xoáy sâu tìm hiểu hai vấn đề chính: Động cơ nào thúc đẩy ông viết cuốn sách? Làm cách nào thực hiện được nó trong thời gian bốn năm?

Larry Berman thuộc lớp các nhà nghiên cứu trẻ (56 tuổi), thế hệ sau chiến tranh VN. Bản thân không trực tiếp dính dáng đến cuộc chiến nhưng ông thú nhận là không thỏa mãn với những gì được lý giải về chiến tranh VN ở Hoa Kỳ. Ông muốn tự mình đi tìm câu giải đáp về bản chất và ý nghĩa của cuộc chiến đã tạo ra một vết thương khó lành giữa lòng nước Mỹ. Giảng dạy bộ môn chính trị học, ông có dịp đào sâu vấn đề chiến tranh VN qua ba cuốn sách mang tính phê phán chính sách Mỹ khá nổi tiếng:

- Hoạch định một thảm kịch: Việc Mỹ hóa cuộc chiến tranh ở VN, 1982

- Cuộc chiến tranh của Lyndon Johnson: Con đường dẫn đến bế tắc ở VN, 1989

- Không có hòa bình, không có danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội ở VN, 2001

Tuy vậy, Berman cho rằng ba cuốn sách đó chỉ mới nói đến cuộc chiến qua cái nhìn của người Mỹ. Còn theo ông, cuốn Điệp viên hoàn hảo mới thật sự trình bày được cho độc giả Mỹ cuộc chiến qua lăng kính của người VN.

Do một cơ duyên gặp gỡ Phạm Xuân Ẩn trong dịp đến VN vào tháng 7-2001, được ông Ẩn chấp nhận cho viết về đời mình, Berman đã để ra ròng rã bốn năm trời thực hiện cuốn tiểu sử. Tổng cộng gồm 25 lần đi về (mỗi lần hai tuần), với trên 100 lần gặp gỡ trao đổi.

Tìm đâu ra chi phí thực hiện? Vận động xin được cấp một học bổng nghiên cứu dài hạn của đại học, tiêu pha tằn tiện (Berman ăn chay), cuối cùng ông đã hoàn thành câu chuyện về một nhân vật huyền thoại.

Lý do nào khiến cuốn sách cuốn hút người đọc Mỹ? Berman cho rằng trước hết là do sự hiếu kỳ muốn tìm hiểu một con người do Mỹ đào tạo, tiếp thu được các mặt tích cực của xã hội và văn hóa Mỹ nhưng đã hoạt động chống Mỹ. Đó cũng là do ông đã thành công vẽ nên bức chân dung Phạm Xuân Ẩn như một con người yêu nước mãnh liệt, một người tuy thật sự yêu thích người Mỹ nhưng đã cùng đồng bào, đồng chí mình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Qua nghiên cứu sâu hơn về lịch sử, văn hóa VN sau chiến tranh, Berman nhìn thấy hành động của Phạm Xuân Ẩn là việc làm chính đáng của mọi con dân Việt yêu nước.

Đối với riêng Berman, điều đặc biệt nhất là cách làm sao Phạm Xuân Ẩn giữ kín được mọi chuyện trong một thời gian dài như thế để vừa là một nhà tình báo thành công vừa là một nhà báo xuất sắc...

Nhà sử học Mỹ này thú nhận bài học chiến tranh VN vẫn còn đó cho thế hệ của ông lẫn các thế hệ tiếp nối. Trên 5 vạn binh lính Mỹ và hàng triệu người VN hi sinh là cái giá quá đắt cho các chính sách sai lầm của chính quyền Mỹ! Nước Mỹ vẫn chưa rút ra được bài học VN...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận