TTCT - Được du nhập từ Mỹ, hip hop nay trở thành một phong trào sinh hoạt của nhiều người trẻ tại Việt Nam. Tại Hà Nội có thể dễ dàng tìm thấy những nhóm nhảy hip hop ở bất cứ nơi nào có thể nhảy: sảnh khách sạn, nhà hát, các đài tưởng niệm... nhưng nhiều nhất là trong các công viên. Phóng to Nhóm Xstyle tập luyện trong vườn hoa tượng đài Lênin - Ảnh: Việt Dũng Vườn hoa Lênin trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội) tập trung khoảng năm nhóm nhảy hip hop với đủ các thể loại: breaking, popping, hip hop dance... Những nhóm nhảy này cũng có khán giả của riêng mình, phần lớn là học sinh sinh viên thích tìm hiểu hip hop. Vài năm gần đây những nhóm nhảy có tên tuổi như Bigtoe, Halley... đã tự thuê phòng tập, nhường sân khấu công viên cho các nhóm nhảy mới. Nghệ thuật đường phố Khoảng 5g chiều, góc công viên, vườn hoa bỗng ồn ào hơn bởi âm thanh khá lạ. Những bạn trẻ lắc lư, xoay người, nhào lộn... theo điệu nhạc. Chỗ này tập breaking, chỗ kia là hip hop dance hoặc popping... Có những nữ sinh cấp III vừa tan giờ học đã vội vàng chạy đến chỗ tập, khuôn mặt đẫm mồ hôi nhưng ánh mắt rạng rỡ. Buổi tập kéo dài đến 10 giờ tối mới kết thúc. Huy, sinh viên cao đẳng du lịch, cho biết những hôm sắp biểu diễn nhóm phải tập muộn hơn, có lúc đến 1-2g sáng. Xuất hiện từ thập niên 1970 tại Bronx, New York, hip hop không chỉ là một thể loại âm nhạc mà còn là một trào lưu văn hóa. Hip hop ra đời và phát triển ở những khu ghetto (thường là nơi tập trung người nghèo, người da màu với nhiều tệ nạn xã hội và các băng đảng). Hip hop được hình thành bởi nhiều phương tiện truyền đạt khác nhau: DJ (người mix nhạc), MC rap (đọc nhạc kiểu rap), graffiti (tranh vẽ trên tường bằng bình xịt sơn). Các điệu nhảy gồm breakdance (thể loại nhảy hip hop thịnh hành nhất với các động tác chân và các động tác cả chân lẫn tay trên sàn) và các kiểu nhảy đường phố khác như popping (thả lỏng thật nhanh cơ bắp, tạo những cú giật hoặc lượn sóng trên cơ thể), locking (động tác chính xác như robot kết hợp với các động tác tự do và hoang dã), krumping (thể hiện cảm xúc mãnh liệt, dữ dội khi nhảy và thường vẽ mặt), newstyle (kết hợp các động tác của popping, locking, krumping, jazz...) và một số yếu tố khác như beatboxing (chơi nhạc bằng mồm)...Việt “max”, một bboy (nam nhảy break gọi là bboy, nữ là bgirl) khá nổi trong giới nhảy hip hop, cho biết: “Giống như ở Mỹ, những người nhảy hip hop đầu tiên ở Hà Nội cũng bắt đầu nhảy từ các đường phố”. Vào những năm 1990, hip hop bắt đầu theo chân những người đi du học ở Mỹ hoặc châu Âu về. Tuy nhiên, hip hop khá bị kỳ thị bởi nguồn gốc Mỹ của nó. Những bạn cùng thời với Việt “max”, Sơn Break, Thành của nhóm Bigtoe... tập những bước nhảy của mình trên mảnh chiếu trải ở sân ximăng hoặc bãi cỏ công viên. Lúc đó ở Hà Nội, muốn tập nhảy phải để dành tiền quà sáng mua pin nghe đài hoặc băng nhạc. Còn chuyện cấm đoán của gia đình là đương nhiên - Việt “max” cho biết. Những người nhảy hip hop thời ấy vẫn kể lại những lần chạy trốn bảo vệ khu vực họ tập nhảy hay bị công an bắt như những kỷ niệm đáng nhớ nhất. Cũng không ít lần họ bị nhầm là đang biểu diễn xiếc hoặc bị gọi là bọn điên bởi nhảy nhót quay cuồng. Đó là chưa kể những chấn thương do nhảy sai kỹ thuật và ngã trên sân ximăng cứng. Thành, người trụ lại cùng Bigtoe gần 20 năm nay, cho biết năm 1991 Bigtoe thành lập, nhưng chỉ sáu tháng sau nhóm tan rã bởi không ai có thể kham nổi lịch tập luyện dày đặc với những động tác quá khó. Vẫn chỉ là đam mê Đến nay, hip hop Hà Nội vẫn là phong trào của những nhóm nhảy tự phát, hầu hết không thật sự hiểu bản chất của hip hop, với những điệu nhảy sao chép hoặc sai kỹ thuật và cả những lời tuyên bố hùng hồn muốn thay đổi bộ mặt của hip hop Hà Nội. Trước khi có Internet, giới nhảy hip hop Hà Nội chủ yếu bắt chước điệu moonwalk của Michael Jackson. Theo Việt “max”, những năm đầu tiên của hip hop thủ đô cứ thế giới có gì là người nhảy bắt chước theo y hệt. Sau thời kỳ bắt chước, hip hop phát triển khá rầm rộ với nhiều xu hướng khác nhau. Ngoài breaking, giới trẻ còn biết đến new style, popping, krumping (xem box)... Và người duy nhất dạy cho họ những điệu mới ấy vẫn chỉ là “thầy Internet”. Các nhóm tự tìm kiếm cho mình những phong cách khác nhau, có khi ăn theo những nhóm nhảy của thế giới. Một số diễn viên múa học ở nước ngoài trở về cũng mở lớp với tham vọng mang lại cho hip hop Hà Nội nền tảng kiến thức cần thiết. Tiệp, sinh viên Đại học Mỏ - địa chất, nói: “Nhảy chỉ vì thích thôi, mình chẳng bao giờ nghĩ sẽ trở thành một vũ công chuyên nghiệp”. Việt “max” cũng cho biết không ai biết mình sẽ có thể nhảy trong bao lâu, cũng không thể lường trước những tai nạn buộc phải từ bỏ hip hop. Nhưng Thành của Bigtoe lại muốn hip hop trở thành một môn nghệ thuật được cộng đồng coi trọng và nhảy hip hop sẽ là một nghề hẳn hoi. Thành cho biết sắp tới, sau khi dự giải Battle of the year châu Á tại Singapore, Bigtoe sẽ triển khai dự án xây dựng một trường dạy nhảy hip hop với đủ phòng tập, chỗ ăn ở, sân khấu... Phóng to Rùa biểu diễn cùng nhóm Bigtoe tại giải Battle of the year 2009 - Ảnh: Đại Nghĩa Những giấc mơ từ phố chợ Trong cuộc thi Battle of the year 2009 tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 7 vừa qua, cậu bé có nickname là Rùa, 13 tuổi, đã khiến nhiều khán giả sững sờ bởi những bước nhảy điêu luyện. Rùa là thành viên ít tuổi nhất của nhóm Bigtoe tham gia battle (những trận đấu có tính chất đối kháng giữa hai đội). Kỹ thuật cá nhân cùng khả năng trình diễn tuyệt vời của Rùa đã góp phần đưa nhóm Bigtoe giành chiến thắng. Bốn năm trước khi được mẹ dẫn đến Bigtoe xin gia nhập, Rùa chỉ biết biểu diễn một vài động tác khá vụng về em học lỏm được trên Internet và ngoài đường phố. Lúc đó, mẹ của em chỉ mong cậu bé tìm được niềm đam mê và tránh xa lũ bạn lêu lổng. Từ đó, cậu bé 9 tuổi sống cùng hip hop nhiều hơn thời gian sống ở nhà. Em phải tập những động tác khó, toàn thân bị thâm tím hay chảy máu tay chân là chuyện thường ngày. Nhưng từng bước một, vượt qua những anh chị lớn tuổi và dày dạn kinh nghiệm hơn, Rùa có mặt ở đội hình xuất sắc nhất của Bigtoe. Con đường đến với hip hop của mỗi người đều là những câu chuyện cảm động và đáng nhớ. Khá nhiều người trong số đó lớn lên trong các ngõ chợ nghèo, sớm bỏ học đi theo bạn bè xấu. Rồi chính những bước nhảy đưa họ thoát ra khỏi cuộc sống lông bông, không nghề nghiệp, không mơ ước. Đến năm 2009, cộng đồng nhảy hip hop Hà Nội mới có một sân chơi thật sự qua cuộc thi Battle of the year 2009 (Trận đấu của năm) được tổ chức ngày 1-7, thu hút 15 đội breakdance mạnh nhất trên cả nước như Bigtoe, Halley (Hà Nội), Fire (Hải Phòng), Fido (TP.HCM)... Bề dày kinh nghiệm và khả năng trình diễn đã đưa nhóm Bigtoe giành chiến thắng trong cuộc thi. Vào tháng 8 tới, Bigtoe sẽ đại diện cộng đồng nhảy hip hop VN tham dự giải Battle of the year châu Á được tổ chức tại Singapore. Viện Goethe Hà Nội cho biết trong năm nay sẽ ký hợp đồng với Battle Head Office của Đức để tổ chức thường niên giải Battle of the year tại VN. Đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức chương trình là Công ty cổ phần truyền thông Thế Giới Trẻ, đơn vị hỗ trợ là Viện Goethe và Hội Thể thao điện tử giải trí VN.
Bộ Công Thương: Đàm phán thuế đối ứng Việt Nam - Mỹ đạt tiến bộ tích cực NGỌC AN 22/05/2025 Theo Bộ Công Thương, Việt Nam và Mỹ đã đạt tiến bộ tích cực, xác định các nhóm vấn đề đạt được đồng thuận hoặc quan điểm đã gần nhau.
Tổng thanh tra Chính phủ giải thích việc giữ thanh tra ngành công an, quân đội, Ngân hàng Nhà nước TIẾN LONG 22/05/2025 Thanh tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước giữ lại phù hợp với tính đặc thù, mô hình tổ chức ngành dọc của các ngành này.
Giàn khai thác dầu tại mỏ Sông Đốc cháy khi thu dọn mỏ, đã được kiểm soát NGỌC AN 22/05/2025 Một sự cố xảy ra tại mỏ Sông Đốc, ngoài khơi Tây Nam Việt Nam, song các bên liên quan khẳng định đã được kiểm soát.
Lý do sàn nhà ga T3 Tân Sơn Nhất chưa hoàn thiện dù đã khai thác CHÂU TUẤN 22/05/2025 Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh nền đá tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vẫn còn dang dở dù nhà ga đã đưa vào khai thác.