Đó mới là cuộc đời

TÂM AN 09/03/2013 13:03 GMT+7

TTCT - LTS: Tham gia loạt “Những kẻ lạc đường” là bài viết của hai độc giả không còn trẻ, có người từng “mất phương hướng những năm hai mươi” và nay đang đối diện với những người trẻ cũng đang... lạc đường.

Đâu là lối ra?

Những kẻ lạc đường

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Từ chuyện của tôi

“Tôi nhận ra rằng khi không thể thay đổi được (môi trường, hoàn cảnh) thì phải chấp nhận và quan trọng là không bi quan. 20 tuổi, mọi thứ vẫn còn ở phía trước, rất xa”.

Tôi thi đậu Đại học Sư phạm kỹ thuật năm 1977, lý do duy nhất khiến tôi chọn trường chỉ là khi ấy trường có ký túc xá nữ quá đẹp, quá tiện nghi (nhiều bạn bè tôi sau đó cũng thổ lộ như vậy). Năm đầu tiên học các môn khoa học cơ bản, tôi thấy mình là học sinh cấp... 4. Năm hai bắt đầu học các môn kỹ thuật cơ sở, tôi chán nản ngay từ đầu và mất phương hướng vì không biết mình học để làm gì với những môn học không thích, khó trôi, không phù hợp với nữ, đôi lúc còn không hiểu bài nữa!

Động lực duy nhất để tôi bốn năm không thi lại môn nào và có năm đạt tiên tiến chỉ vì tôi nghĩ đến cha mẹ ở quê chắt mót từng đồng gửi vào cho tôi. Đó là những năm đất nước rất khó khăn, cha mẹ tôi phải nuôi hai đứa con học đại học ở thành phố, cực đến mức nào! Tôi đã đi qua những năm tháng tuổi 20 trong tâm trạng chán chường nhưng phải luôn cố gắng vì không còn đường nào khác ngoài phải tốt nghiệp đại học để có công việc làm.

Ra trường tôi được phân công về một cơ quan quản lý nhà nước. Những kiến thức đã học bốn năm hầu như sử dụng rất ít và tôi phải làm lại từ đầu với rất nhiều kiến thức khác phục vụ công việc bằng cách tự nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, tham gia các lớp tập huấn...

Thời gian dần trôi, may mắn (cũng là vô tình) tôi có thêm nghề tay trái là viết báo. Bắt đầu từ những bài báo về chuyên ngành kỹ thuật và tôi vận dụng được những kiến thức trong trường đại học. Rồi từ đó khi viết sang lĩnh vực xã hội, những bài giảng về các môn tâm lý học, phương pháp giảng dạy, giáo dục học... đã giúp ích cho tôi ít nhiều. Tất nhiên trên nền tảng sự trải nghiệm và vốn sống.

Tôi nghiệm ra rằng những gì đã học, đã làm qua trong cuộc đời không bao giờ vô ích cả, không chỉ là kinh nghiệm sống mà còn giúp nhận biết được sự việc một cách dễ dàng hơn. Tất nhiên, để đạt được những điều này, tôi hiểu rõ đó là sự cố gắng triền miên, không được bi quan, chấp nhận để bước về phía trước.

Đến chuyện chọn trường của con tôi bây giờ

Con trai út của tôi năm nay thi đại học. Có lẽ do được cha mẹ “bọc đường” kỹ quá nên cháu rất lơ mơ, không có một khái niệm gì về ngành nghề sẽ học. Tôi bảo thi trường nào cháu cũng lắc đầu. Tôi phân vân không biết khả năng con mình sau này ra sao (cháu mới 18 tuổi, rất khó nghĩ được cháu sẽ phù hợp nghề gì trong tương lai, vả lại cuộc sống luôn thay đổi, hiện tại thì thích nhưng học rồi lại chán...). Kinh tế thì cháu không thích. Theo ngành kỹ thuật như cha mẹ thấy không phù hợp vì cháu tính nghệ sĩ, lại có vóc dáng thư sinh.

Đến thời điểm gần nộp đơn thi đại học mà gia đình tôi vẫn chưa quyết được. Khi tôi ngỏ ý thi sư phạm thì thấy cháu có vẻ dừng lại không lắc đầu nữa. Tuy nhiên, tất thảy bạn bè tôi đều can: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Như vậy, tôi thấy ngay từ năm 18 tuổi con tôi đã... mất phương hướng (không biết sẽ học gì và làm gì trong tương lai).

Tôi luôn nói với cháu nếu vào được một trường đại học phù hợp với khả năng và thích là điều may mắn, còn không phải chấp nhận, coi như bốn năm đại học là bước đệm để bước vào đời, ít nhiều những kiến thức đã học sẽ có lúc dùng đến.

Điểm lại cuộc đời mình và của bạn bè, tôi thấy các bạn trẻ giờ đây có hai từ rất hay và đúng đó là hên - xui. Tất nhiên còn nhiều thứ quyết định sự thành công hay thất bại như: tính cách con người, chuyên môn giỏi hay dở...

Nhiều bạn bè tôi có điều kiện chọn phương án cho con đi học nước ngoài, nói vui là “tị nạn giáo dục”. Tuy nhiên, tôi thấy dù học ở nước ngoài, môi trường học tập tốt, thuận lợi nhưng vẫn có nhiều bạn mất phương hướng, và con số thất bại không phải ít. Thậm chí có cha mẹ... mất con nữa!

Và việc kiếm tiền

Khó có thể phủ nhận mối quan tâm về tiền bạc của phụ huynh và cả suy nghĩ của lớp trẻ khi chọn trường đặt nặng vấn đề học ngành nào dễ... kiếm tiền. Chuyện có thật, khi tôi chat với một bạn học cùng lớp con tôi (bạn này học rất giỏi) về việc chọn trường, bạn ấy quyết tâm sẽ theo ngành ngoại giao, và khi tôi bảo con tôi sẽ thi sư phạm, bạn ấy liền cho rằng “dạy thêm có tiền lắm cô ơi”.

Đôi lúc tôi cảm giác có bạn trẻ giờ đây nôn nóng học nhanh, đi làm có tiền. Khác với thế hệ của chúng tôi là học xong, có việc làm là tốt rồi! Những suy nghĩ về tiền bạc cũng là một trong các yếu tố dẫn đến mất phương hướng.

Từ kinh nghiệm của chính mình, có chuyên môn, bầm giập không ít, trải cũng nhiều... tôi nhận ra rằng khi không thể thay đổi được (môi trường, hoàn cảnh) thì phải chấp nhận và quan trọng là không bi quan. Tính tích cực của quan điểm “bánh tét lột lần” là giải quyết từng khâu một, dứt điểm (học cho xong rồi tính tiếp, chẳng hạn). 20 tuổi, mọi thứ vẫn còn ở phía trước, rất xa.

Tôi không cho rằng có ai đã lạc đường. Nếu lạc đường vẫn có lối thoát, vấn đề là chúng ta có tích cực tìm lối ra hay không. Mọi việc trên đời đều có cách giải quyết. Quan trọng là không bi quan, sống tốt, biết lễ phép, sống đàng hoàng lương thiện, vui vẻ trong hiện tại, tận hưởng những ngày tháng còn ngồi trên ghế nhà trường... Tôi biết bổn phận của tôi, một người mẹ bắt buộc phải dạy con mình những điều như vậy, còn con cái có nghe hay không thì... hên - xui!

Một ông bố tâm sự ông chỉ mong con cái ông ba điều: làm việc, vững vàng và yêu đời. Tôi cũng chuẩn bị tư tưởng nếu một ngày nào đó con tôi cảm thấy mất phương hướng để có cách giải quyết, bởi vì tôi đã từng hoàn toàn không có phương hướng trong những năm tuổi 20 và tôi cũng đã trải qua, tất nhiên với không ít bầm trầy, đủ mùi vị của sân, si, hỉ, nộ, ái, ố... Đó mới là cuộc đời, các bạn trẻ ạ!

---------------------

Nhưng sự hào hứng ban đầu của tôi nhanh chóng nhường chỗ cho sự... mất hứng, các bạn tạm gọi là 8x từ đời đầu đến đời cuối ấy xuất hiện với sự sợ sệt, kém tự tin hoặc chỉ được cái năng động bên ngoài trong thời gian đầu, rồi chấm hết! Lân la tìm hiểu, tôi nhận ra họ chẳng quan tâm mấy tới chuyên môn marketing hay với cả những đam mê học hành, nghề nghiệp của mình. Khi hỏi “Bạn không có mục tiêu hay hứng thú gì thì làm sao trụ lại được công ty?” thì họ đáp lại là câu trả lời xanh dờn: “Thì trước giờ em có cần hứng thú gì đâu mà vẫn ổn đó thôi”!

Trong số những nhân viên đã tiếp xúc, tôi đặc biệt chú ý tới hai trường hợp, khá điển hình cho những gương mặt “không cần hứng thú” đó. Đấy là Kiên, một chàng trai tự nhận mình “kém đều” các mặt nên chẳng bao giờ có ý kiến gì trong các cuộc thảo luận. Kiên vào công ty với tấm bằng ra trường hạng khá, nhưng hai năm qua cậu chàng chẳng có gì nổi bật, hỏi ra mới biết cậu theo học khoa quản trị chỉ vì giỏi... toán lý hóa nhưng thương trường chưa bao giờ là chọn lựa của cậu.

Tất cả chỉ là sự tham khảo với bạn bè, gồm nhiều người cũng mù tịt về con đường nôm na gọi là “đi làm kiếm tiền” và càng xa lạ hơn với từ chọn lựa nghề nghiệp hay thiên hướng đam mê cá nhân.

Trong một lần trò chuyện, Kiên mơ hồ nói: “Hình như em thích vật lý, nhất là thiên văn học, nhưng gia đình chẳng có điều kiện, cũng không biết muốn theo đuổi ngành này thì học cái gì, ở đâu. Trong nhà, em mới nói chuyện sao này sao kia là bị mắng viển vông, tâm thần (!?), sau này lấy cái gì mà ăn. Nói thật em không thích kinh doanh nhưng em đâu biết lựa chọn nào khác”.

Còn Kim lại là một câu chuyện khác. Lớn lên trong một gia đình gia giáo, có điều kiện vật chất đầy đủ, cha mẹ đều là giáo viên, anh chị cũng hành nghề sư phạm, có học hàm học vị cao nên cả nhà đều định hướng tương lai của cô con út chắc chắn sẽ không có gì khác ngoài bục giảng.

Kim cho biết thuở bé cô được xem... là thần đồng vì hát hay đàn giỏi và cái gì cũng biết sớm: mọc răng sớm (?!), nói sớm, đi sớm, đọc sớm, làm tính sớm. Nhưng thay vì chuyển những con tính lên phấn trắng bảng đen, cô bé lại ứng dụng vào việc... thầu ve chai trong nhà, bỏ ống heo và mua sắm theo ý thích.

Càng lớn, Kim càng được gia đình “cài đặt” vào việc trở thành cô giáo như truyền thống gia đình. Cô được gửi học ở các lớp có bạn của mẹ dạy, được chỉ định làm lớp trưởng vì là con cô giáo, được hướng dẫn bởi những người bạn giáo sư của ba. Nhưng những yêu cầu thành tích ngày càng tăng khiến Kim vốn nóng tính lại càng thêm dễ quạu.

Tất cả đều làm Kim ngộp thở, cộng với những lời giễu cợt của bố mẹ anh chị về chuyện “doanh nghiệp tư nhân trách nhiệm hỏa hoạn một thành viên” của cô mà Kim đùng đùng quyết chí theo đuổi ngành kinh doanh đến cùng mặc cho những lời năn nỉ hay la mắng của cả nhà.

Sau bảy năm ra trường, va vấp nhiều điều khiến Kim nhận ra việc cô theo đuổi ngành kinh doanh chỉ là cách để chống lại sự áp đặt, dè bỉu của gia đình, chủ yếu là để thỏa mãn cái tôi ương bướng của cá nhân cô, nó không thật sự là ngành học mà cô yêu thích hay có khả năng.

Tôi thấy tiếc những năm đại học của những bạn trẻ không phải là kém tài hoa này...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận