​Đô thị thông minh

HIẾU TRUNG 14/01/2015 02:01 GMT+7

Hãy tưởng tượng bạn sống ở một đô thị không có nạn kẹt xe, không khói bụi, không tiếng ồn, không trạm xăng... Mỗi buổi sáng bạn bước ra ngoài trời hít thở không khí trong lành rồi lên ôtô điện êm ái lướt đi trên đường phố tới sở làm. Không phải chuyện trong phim khoa học viễn tưởng mà là chuyện thực ở nhiều nơi.

Thị trấn thông minh Fujisawa tại Nhật - Ảnh: mms.businesswire.com

Liên Hiệp Quốc ước tính vào năm 2050, cứ 10 người trên thế giới thì có tám người sống ở các thành phố. Tốc độ đô thị hóa chóng mặt khiến các chuyên gia môi trường lo lắng, cảnh báo tương lai của hành tinh này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tài xoay xở của các nhà quy hoạch đô thị.

Phải chăng “utopia” (xã hội lý tưởng) chỉ tồn tại trong các bộ phim khoa học viễn tưởng của Hollywood? Tương lai của những đô thị như vậy đang tiến đến gần hiện thực hơn bao giờ hết.

Nhà chức trách ở thành phố Fujisawa, miền trung nước Nhật (cách thủ đô Tokyo khoảng 60km) hi vọng sáng kiến “thị trấn thông minh” của họ sẽ là hình mẫu của đô thị tương lai. Ngày 27-11-2014, “thị trấn thông minh bền vững” (SST) Fujisawa đã chính thức khai trương.

Theo báo chí Nhật, thị trấn bên trong thành phố này đã đón nhận cư dân từ đầu năm 2014, nhưng phải đến năm 2018 cơ sở hạ tầng mới được hoàn thiện để đáp ứng mọi tiêu chuẩn của một cuộc sống hiện đại, xanh, tiết kiệm năng lượng với 1.000 hộ gia đình.

Cư dân ở SST Fujisawa có thể quan sát trực tiếp hình ảnh từ 50 máy quay an ninh toàn thị trấn - Ảnh: ch.panasonic.net

Quá trình xây dựng SST Fujisawa bắt đầu từ tháng 6-2011 trên diện tích đất rộng 19ha. Nơi đây từng tồn tại một nhà máy của Hãng Panasonic chuyên sản xuất tivi và tủ lạnh. Tổng chi phí đầu tư cho dự án đầy tham vọng này khoảng 60 tỉ yen (742 triệu USD). Trong đó Tập đoàn điện tử Panasonic đóng góp khoảng 500 triệu USD. Đến nay SST Fujisawa đã đón nhận 100 hộ gia đình. “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một thị trấn thông minh làm hình mẫu cho phong trào cuộc sống thông minh đang trỗi dậy trên toàn thế giới” - người phát ngôn dự án SST Fujisawa của Panasonic khẳng định.

 

Sạch và hiện đại

Panasonic và công ty con PanaHome đang xây dựng các ngôi nhà và căn hộ ở SST Fujisawa, đồng thời chịu trách nhiệm trang bị các thiết bị điện tử. Đối tác của Panasonic là ngân hàng ủy thác Sumitomo Mitsui phát triển dịch vụ cho vay mua nhà sinh thái để giúp cư dân mua nhà tại đây. Hãng Orix hỗ trợ phát triển các loại xe hơi, xe máy và xe đạp chạy năng lượng điện trong thị trấn để người dân cùng sử dụng chung.

Tất cả các căn nhà đều được trang bị hệ thống điện mặt trời trên mái.

Nếu hệ thống này sản xuất thừa điện, vượt quá nhu cầu sử dụng của ngôi nhà, chủ sở hữu có thể bán lại điện vào mạng lưới điện chung của thị trấn. Khi thiên tai xảy ra, thị trấn có thể dự trữ đủ năng lượng để sử dụng trong ba ngày liên tiếp.

Trong mọi căn nhà đều có máy tính bảng với phần mềm theo dõi việc sản xuất điện năng của hộ gia đình, điều hòa nhiệt độ điều khiển bằng điện thoại thông minh và hệ thống đèn LED. Đèn đường bên ngoài đường phố cũng là đèn LED, được trang bị các cảm biến để phát hiện người hoặc xe hơi tiến lại gần, chỉ bật sáng khi cần thiết.

Trong mọi căn nhà đều được điều khiển bởi những thiết bị công nghệ cao - Ảnh: ch.panasonic.net

Trong mỗi căn nhà có một tivi Panasonic 55 inch kết nối với một cổng web. Với chiếc tivi này, người sử dụng có thể lướt web, giám sát hoạt động sản xuất điện năng của mạng lưới điện chung, kiểm tra việc sử dụng các ôtô và xe đạp điện. Một ứng dụng di động Soy Link cho phép người dân chia sẻ thông tin về hoạt động mua sắm, phòng chống tội phạm, tụ tập hay chia sẻ sử dụng các thiết bị như bể bơi cho trẻ em.

Thậm chí người dân SST Fujisawa còn có thể quan sát trực tiếp hình ảnh từ 50 máy quay an ninh toàn thị trấn. Sự “thông minh” còn được thể hiện ở hệ thống an ninh với chức năng nhận dạng khuôn mặt để xác định các cư dân của thị trấn. Nhờ đó cửa nhà sẽ tự động mở mỗi khi họ trở về. Tương tự, người thân trong gia đình và bạn bè có thể đăng ký vào hệ thống, qua đó có thể thoải mái vào trong thị trấn mà không gặp bất kỳ cản trở an ninh nào.

SST Fujisawa đặt mục tiêu giảm 70% lượng khí thải CO2 so với mức của Fujisawa năm 1990 và giảm 30% lượng nước sử dụng so với mức năm 2006. Tham vọng lớn hơn là về lâu dài, mọi căn nhà trong thị trấn có thể đạt mức xả khí thải bằng 0. Panasonic tự tin trong vòng 30 năm, hãng này có thể đạt doanh thu hàng trăm triệu USD từ SST Fujisawa.

“Đến nay, phần lớn dự án thành phố thông minh đều do chính phủ tài trợ. Giờ chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn thương mại hóa” - chủ tịch Panasonic Kazuhiro Tsuga quả quyết.

Hệ thống các trụ nạp điện cho xe hơi - Ảnh: ch.panasonic.net

Xu thế chung của tương lai

Ngoài Fujisawa, một dự án thành phố thông minh khác tại Nhật là Kashiwanoha ở tỉnh Chiba, phía đông Tokyo. Trên diện tích 300ha, thành phố thông minh Kashiwanoha cũng sử dụng hệ thống điện mặt trời và các phương tiện giao thông chạy điện. Các ngôi nhà được trang bị những thiết bị công nghệ cao tương tự ở SST Fujisawa.

Panasonic cũng đang lập kế hoạch phát triển thêm ba thị trấn thông minh bền vững ở Osaka và ngay gần SST Fujisawa. Hoạt động xây dựng sẽ bắt đầu vào mùa xuân 2015.

Trên thực tế, Nhật không phải là quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển các thành phố và thị trấn thông minh. Theo Hãng PanaHome, hiện có khoảng 400 dự án thành phố và thị trấn thông minh đang được triển khai trên toàn cầu. Sự phát triển của nhà thông minh và thành phố thông minh được đẩy nhanh nhờ quá trình phát triển vũ bão của công nghệ.

Hãng tư vấn Frost & Sullivan đánh giá thị trường thành phố thông minh có tiềm năng đạt đến 1.500 tỉ USD. Nhu cầu lớn nhất sẽ tập trung ở châu Á. Chỉ riêng Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng ít nhất 12 thành phố và thị trấn thông minh trong vòng năm năm tới.

Bảo đảm an ninh cho toàn thị trấn - Ảnh: ch.panasonic.net

Ở thời điểm hiện tại, Đức là quốc gia đang phát triển mạnh các thị trấn và thành phố thông minh, sử dụng năng lượng sạch. Có thể kể đến thị trấn Wildpoldsried 2.600 dân ở vùng Bavaria, hiện đang sản xuất 500% nhu cầu năng lượng thông qua hệ thống điện mặt trời và điện gió. Thị trấn này bán lại lượng điện dư thừa cho mạng lưới điện khu vực. Chính quyền Wildpoldsried lập kế hoạch phát triển nguồn điện sạch từ năm 1997 với mục tiêu sản xuất 100% điện từ năng lượng thay thế vào năm 2020, nhưng thành công đến nay đạt nhanh ngoài dự kiến. Hiện Wildpoldsried có hệ thống điện mặt trời rộng 2.100m2 và hàng loạt tuôcbin điện gió.

Ước tính vào năm 2025 thế giới sẽ có khoảng 26 thành phố thông minh tầm cỡ toàn cầu. “Xu hướng thành phố thông minh sẽ thúc đẩy sự phát triển đô thị trong vòng một thập kỷ tới và thôi thúc nhu cầu mạng lưới điện thông minh, thiết bị thông minh, các mô hình kinh doanh mới - Frost & Sullivan khẳng định - Đại văn hào Charles Dickens từng mô tả thế kỷ 18 là câu chuyện của hai thành phố. Thế kỷ 21 sẽ là câu chuyện của các thành phố thông minh”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận