Doanh nghiệp trong mùa dịch:Vạn kế sinh tồn

NAM MINH 07/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Bên cạnh nỗ lực xoay xở để vượt khó trong mùa dịch, sự hỗ trợ của chính phủ về các mặt đầu tư công, giảm thuế phí, vay vốn ưu đãi sẽ giúp các doanh nghiệp tự tin hơn vào kịch bản phục hồi thời gian tới.

Là một nền kinh tế dựa chủ yếu vào sản xuất và tiêu dùng, dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát khiến cho sức cầu của Việt Nam đi xuống nghiêm trọng, kéo theo sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp, các hộ gia đình, ngân hàng và tổng thể nền kinh tế rơi xuống mức lo ngại.

Ảnh: The Economist

 

Phải sống 

Đứng trước tình thế hiểm nghèo hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp vẫn nỗ lực tìm kế vượt khó, từ cắt giảm nhân viên, lương thưởng, dứt bỏ các mảng kinh doanh chưa mang lại lợi nhuận, đến bắt tay với đối thủ trong ngành, huy động dòng tiền mới để duy trì hệ thống.

Để bổ sung nguồn “oxy” duy trì sự sống cho công ty, một số doanh nghiệp đã ráo riết huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu mới hay bán cổ phiếu quỹ. 

Điều thuận lợi là chỉ số chứng khoán VNIndex đang ở ngưỡng cao (xấp xỉ 1.300 điểm) giúp các doanh nghiệp niêm yết huy động được dòng tiền tương đối dồi dào.

Sau đợt phát hành cổ phiếu cho Alibaba, sắp tới đây Masan Group - tập đoàn kinh doanh đa ngành hàng đầu Việt Nam, từ thực phẩm, hàng tiêu dùng đến dịch vụ tài chính - dự kiến sẽ nhận được thêm 200 triệu USD từ Quỹ đầu tư Korea Investment Private Equity. 

Phát hành trái phiếu cũng được khá nhiều doanh nghiệp lớn thực hiện. Hưng Thịnh Land, thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh, vừa công bố thương vụ huy động 1.500 tỉ đồng từ kênh phát hành trái phiếu cho bốn nhà đầu tư trong nước. Chuỗi nhà thuốc Pharmacity huy động 1.000 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi...

Trên khía cạnh thị trường tiêu thụ, bên cạnh cố gắng duy trì thị phần nội địa, Hãng sữa Vinamilk mới đây bắt tay với đối tác Del Monte Pacific Limited lập liên doanh để đưa các sản phẩm sữa đến tay của người tiêu dùng Philippines. 

Ước tính doanh thu năm đầu tiên của liên doanh vào khoảng 8,8 triệu USD, cùng tiềm năng tăng trưởng kép đạt khoảng 50%/năm trong các năm sau đó.

Mảng xuất khẩu của Vinamilk ghi nhận tăng trưởng hai chữ số trong quý 2-2021 với doanh thu thuần đạt 1.606 tỉ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thị trường Trung Đông tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong mảng xuất khẩu của Vinamilk và duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi các thị trường khác như Mỹ, Đài Loan và Trung Quốc cải thiện về số lượng đặt hàng: điều cho thấy triển vọng tiêu dùng có dấu hiệu phục hồi tại các thị trường lớn đã đạt tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 khá.

Ở ngành bất động sản, do giai đoạn giãn cách triệt để, một số chủ đầu tư đã quyết định tổ chức bán hàng và hội thảo giới thiệu các dự án mới qua kênh online, tiêu biểu như tại Hưng Thịnh, Danh Khôi. 

Cùng với đó, một số công nghệ hỗ trợ tân tiến cũng lần đầu tiên được áp dụng như xem nhà 3D, công nghệ thực tế ảo (VR) mang lại cảm giác khác lạ cho khách hàng.

Nỗ lực tái cấu trúc

Xây dựng là một trong số những ngành nghề chịu tác động tiêu cực nhất từ đợt bùng phát lần này. Ngoại trừ các công trình cấp bách như xây dựng bệnh viện dã chiến được triển khai, hầu hết các công trình dân dụng và công nghiệp khác đều tạm hoãn.

Nhận định thị trường xây dựng sẽ không sớm phục hồi về mức trước khủng hoảng, lãnh đạo Coteccons đã tập trung kế hoạch tổ chức lại bộ máy hoạt động, đáng kể nhất là chuyển từ mô hình kinh doanh đang quá tập trung vào xây dựng công trình nhà cao tầng sang xây dựng dân dụng và cơ sở hạ tầng đa dạng hơn, mở rộng thị trường quốc tế, hay chuyển từ mô hình kinh doanh B2B sang mô hình kinh doanh B2B2C - tức tạo ra nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn cho khách hàng.

Nằm trong mục tiêu cắt giảm chi phí, bổ sung tiền tươi, mới đây Ngân hàng SHB đã bán 100% cổ phần trong công ty cho vay tài chính SHB Finance cho ngân hàng lớn thứ 5 Thái Lan Bank of Ayudhya với giá trị gần 158 triệu USD. 

Thỏa thuận chuyển nhượng sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB, cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB.

Hãng xe VinFast thì rao bán trung tâm thử nghiệm xe ở Úc và dự kiến tập trung đưa toàn bộ các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) về lại Việt Nam. 

Trước đó, tập đoàn mẹ Vingroup đã đóng các mảng sản xuất smartphone và tivi. Rõ ràng trong bối cảnh điều kiện kinh doanh không thuận lợi vì dịch bệnh, việc đóng cửa các mảng kinh doanh chưa hiệu quả sẽ giúp tập đoàn dồn toàn lực hơn vào các hoạt động cốt lõi: phát triển dòng ôtô điện và nhà ở thông minh.

Giai đoạn khủng hoảng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá lại bản thân, tìm các lỗ hổng thường bị che mờ trong điều kiện kinh doanh thuận lợi. 

Những thực thể tồn tại được qua đại dịch lần này hứa hẹn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn và thậm chí còn có cơ hội thâu tóm lại thị phần từ những người đã rời bỏ cuộc chơi.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng việc nối lại hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại ở Việt Nam, giúp bù đắp gián đoạn kinh tế do đại dịch, mặc dù việc triển khai vắc xin chậm là một rủi ro cho Việt Nam.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ năm ngoái cho đến năm nay, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam vẫn là thương mại. 

Mặc dù tiêu dùng nội địa giảm do tác động của giãn cách xã hội và các biện pháp phong tỏa khác, Việt Nam tiếp tục giao thương với thế giới, và tăng trưởng xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế năm 2020. 

Sự đa dạng hóa thương mại phát huy tác dụng bởi trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang EU và châu Á bị ảnh hưởng, thì xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đã phần nào bù đắp cho sự sụt giảm ở các thị trường khác.

Tất nhiên, bài toán hâm nóng lại nền kinh tế không thể không có vai trò dẫn dắt của chính phủ. 

Điều mà nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhất thời gian tới là các đột phá về thể chế theo hướng tiết giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa lưu thông, cùng các chính sách miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất.

Trước mắt, để hỗ trợ các khách hàng chịu thiệt hại nặng và mất khả năng thanh toán các khoản nợ ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ sửa đổi thông tư 03 ban hành hồi đầu năm, trong đó cho phép thời gian cơ cấu lại nợ xấu sẽ kéo dài đến tháng 6-2022 thay vì kế hoạch kết thúc vào cuối năm nay. 

Việc miễn, giảm lãi, phí cho các khách hàng gặp khó cũng được gia hạn tương tự. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ, từ đó có thể tiếp cận các khoản vay mới để duy trì hoạt động.

Bên cạnh đó, kênh đầu tư công sẽ là công cụ hỗ trợ phần nào cho tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng qua tiếp tục tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Từ đây đến cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu các bộ ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. 

Tuy nhiên, diễn biến tăng mạnh của giá thép và một số nguyên vật liệu đầu vào khác có thể sẽ làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nếu Chính phủ không có biện pháp tháo gỡ.

Nhiều tổ chức quốc tế gần đây đã hạ khả năng tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam, từ mức 7% xuống chỉ còn khoảng 4,8%. 

Theo Quỹ Vina Capital, đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư đã làm mờ đi phần nào triển vọng kinh tế của Việt Nam. Chính phủ có thể sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sau khi khởi đầu chậm chạp trong nửa đầu năm nay, nhưng sản xuất và tiêu dùng sẽ tiếp tục là hai yếu tố quan trọng nhất cần theo dõi.

Trong khi đó, Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đề xuất chính phủ tiếp tục nới lỏng chính sách tín dụng nhằm giảm bớt tác động của đại dịch. Tín dụng hệ thống tài chính tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong sáu tháng đầu năm, nhanh hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa là 6,7%. 

Hãng phân tích này kỳ vọng xu hướng đó sẽ được duy trì trong nửa cuối năm khi các chính phủ chấp nhận cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay và đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhanh hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận