TTCT - Cuốn sách Voiliers d’Indochine [Thuyền buồm Đông Dương] (*) do J. B. Piétri vẽ minh họa và biên soạn được coi là cuốn sách kinh điển cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về thuyền gỗ, thuyền buồm và công nghệ đóng thuyền cổ truyền của Việt Nam. THUYỀN BUỒM ĐÔNG DƯƠNGTác giả J. B. Piétri vốn là một hoa tiêu trên sông Sài Gòn, sau được chuyển sang làm Chánh Nha Ngư nghiệp của nhà nước Đông Dương thuộc Pháp. Vì thế ông có điều kiện di chuyển khắp vùng biển của xứ Đông Dương, kéo dài từ ven biển Campuchia ngày nay, vòng qua Nam bộ, ven theo miền Trung, qua vịnh Hạ Long, tới tận Trạm Giang tỉnh Quảng Đông.Piétri có niềm say mê kỳ lạ với thuyền bè dân gian. Ông tự tay vẽ bằng bút chì và màu tất cả các con thuyền ông từng tiếp xúc, mô tả chúng đến từng chi tiết cùng những phân tích cặn kẽ và liên hệ, so sánh ghe thuyền Đông Dương với ghe thuyền của nhiều dân tộc khác trên thế giới.Qua đó làm nổi bật khả năng sáng tạo và óc quan sát tuyệt đỉnh của cư dân An Nam, tạo nên những chiếc thuyền buồm chỉ có thể gặp ở An Nam mà không nơi đâu trên thế giới này có được.Chính nhờ niềm đam mê đó đã giúp ông thai nghén tác phẩm Voiliers d’Indochine. Cuốn sách ra đời năm 1943, đến năm 1949 được in lại, cả hai lần in đều do Công ty In và phát hành sách Đông Dương (Société des Imprimeries et Librairies Indochinoises - viết tắt là SILI, trụ sở tại 64-70 đường Catinat - tức Đồng Khởi ngày nay) thực hiện trang trọng như một giai phẩm, các trang hình màu minh họa được in trên giấy tốt.Hành trình khám phá thuyền buồm Đông Dương của Piétri được bắt đầu từ thuyền Chaleum ở vịnh Thái Lan, ghe cửa Kampot đến ghe câu, ghe cửa ở đảo Phú Quốc, ghe cửa tại cửa sông Cửu Long, Bà Rịa, ghe lưới rùng Phước Hải.Ngược lên Trung kỳ với ghe câu Bình Thuận, Phan Rang, ghe bầu Mũi Né, Quảng Ngãi, ghe giã Bình Định, ghe xuồng Quy Nhơn và Nha Trang, ghe câu và ghe trường Hội An, ghe nang Đà Nẵng, ghe nốc trên đầm phá vùng Thừa Thiên - Huế, ghe mành Quảng Bình, Nghệ An, Cửa Lò...Lên tới Bắc kỳ là thuyền ở hạ lưu sông Hồng, thuyền lưới ở vịnh Hạ Long, thuyền Trà Cổ, thuyền mành Trung Hoa ở vịnh Thái Lan. Vòng sang Trung Hoa là thuyền câu Cong - Hong, thuyền koupang của Trạm Giang, thuyền Hô Nam Tiên của đảo Hải Nam và thuyền mành Bắc Hải, Quảng Đông.Vào thời Pháp thuộc, người ngoại quốc thường cho rằng: “Dân An Nam sợ biển”, “Họ chỉ ra biển khi biển đẹp hoặc khi thời tiết trong ngày có vẻ không thay đổi...”, “Những thủy thủ nhát gan”, thế nhưng khi đến một trong những vùng bờ biển bị bão hoành hành dữ dội nhất thế giới - từ đèo Hải Vân đến vùng châu thổ Bắc bộ - họ hoàn toàn bị “choáng” với cách đi biển táo tợn nhất thế giới.Chỉ với một thân cây bương, mặc trên mình một chiếc khố, ngư dân Hà Tĩnh lao ra biển từ 6-10 hải lý vào buổi sáng và buổi tối lại trở về nhà, ngày hôm sau lại tiếp tục hành trình như vậy.Hay tại bờ biển Phước Hải ở Nam kỳ, cứ khoảng 4g-5g sáng, cư dân lại nhộn nhịp, vác trên lưng những chiếc thuyền nhỏ nằm dài trên bãi cát, đẩy ra biển và ra khơi, đến khoảng 14g thuyền trở về.Ở Trung kỳ, để tiện liên lạc giữa đất liền và thuyền bè, hay để vận chuyển và thả neo cách xa một quãng nhằm giữ thuyền, trên những chiếc ghe câu, ghe giã đều có xuồng tròn (ghe thúng chài), cỡ 1m, rất nhẹ và chiếm ít chỗ, thuận tiện đặt trên boong thuyền.Thúng chài được vận hành bằng cách ngoáy dầm chèo. Ở một số vùng như Bình Định, trẻ con di chuyển nó chỉ bằng một cú lắc mông đơn giản. Trở ra Bắc kỳ chúng ta sẽ gặp hình ảnh đại gia đình đi đánh cá trên con thuyền lưới ở vịnh Hạ Long. Họ sống trên thuyền, nấu nướng trên thuyền, uống nước từ một cái chum, ngủ chung dưới một mái phên.Có thể nói, trong số những nghiên cứu về dân tộc học, khảo cổ học... về Việt Nam, Thuyền buồm Đông Dương có vị trí khá đặc biệt. Cuốn sách được ông John Doney - nguyên chủ tịch Quỹ thuyền gỗ Việt Nam - đánh giá là một kho báu, một cuốn từ điển minh họa về thuyền buồm Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, lưu giữ tài sản vô cùng quý giá trong kho tàng lịch sử và văn hóa Việt Nam.Đây còn là công trình duy nhất nghiên cứu khá tỉ mỉ về ghe thuyền cùng hàng trăm hình ảnh thuyền buồm được vẽ bằng chì màu, được hầu hết các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trích dẫn khi bàn về nền văn minh nước, truyền thống sông nước, về ngư nghiệp Việt Nam.Với sự đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng hình ảnh và sự công phu về biên tập, chú thích của dịch giả, hi vọng cuốn sách sẽ là công cụ hữu ích cho những người nghiên cứu văn hóa, hàng hải Việt Nam và đông đảo độc giả cũng có thể tìm thấy ở đây nhiều tư liệu thú vị.■(*): Voiliers d’Indochine [Thuyền buồm Đông Dương], J. B. Piétri vẽ minh họa và biên soạn, NXB SILI tại Sài Gòn ấn hành lần đầu năm 1943; bản tiếng Việt do Đỗ Thái Bình dịch, NXB Trẻ ấn hành năm 2015.Điểm thú vị trong cuốn Thuyền buồm Đông Dương do NXB Trẻ ấn hành lần này, hẳn là phần thuật ngữ hàng hải do dịch giả Đỗ Thái Bình - kỹ sư đóng tàu, Hội KHKT biển TP.HCM - soạn lại theo những thuật ngữ hàng hải Việt đã dùng trong bản dịch chứ không dịch y nguyên phần thuật ngữ hàng hải của nguyên tác, giúp bạn đọc dù không chuyên về kỹ thuật ghe thuyền hay văn hóa cũng có thể đọc, hiểu và thấy ở cuốn sách nhiều điều lý thú. Tags: Tùng phongThuyền buồm đông dươngĐỌC Cuốn sách kinh điển về ghe thuyền Việt NamJ. B. Piétri
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ ĐỨC PHÚ 24/11/2024 Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.