Đọc "Cưỡng cơn gió bấc" (*)

TRẦN NHÃ THỤY 12/10/2010 23:10 GMT+7

TTCT - Để chấm dứt việc đặt báo dài hạn, Emmi Rothner gửi email tới tòa soạn nhưng vô tình lại gửi nhầm vào địa chỉ email của một người đàn ông tên Leo Leike.

Như một sự xui khiến có tính sắp đặt, Leo là người làm công việc nghiên cứu ngôn ngữ trong email. Nhưng không hẳn là thú vị với một người khách ngẫu nhiên lạ mặt, những email qua lại giữa hai người ban đầu chỉ mang tính thủ tục giao đãi, thậm chí chỉ là những thao tác mang tính giải khuây. Thế rồi từ lúc nào không biết, những email tăng tốc hối hả, những câu chữ như nhảy múa trào dâng.

Dần dà, Emmi Rothner - một phụ nữ có chồng, hai con - và Leo Leike - người đàn ông độc thân - trở nên say đắm nhau, bất chấp việc người chồng phát hiện và có email phản ứng. Họ hẹn sẽ gặp nhau, khi những cơn gió bấc ngoài trời tràn về. Nhưng rồi cuộc gặp không xảy ra. Hai người lạc mất nhau như lạc trong một giấc mơ. Hay nói đúng hơn là lạc nhau trong một thế giới ảo, khi địa chỉ email đột nhiên bị thay đổi.

Câu chuyện đầu đuôi có thể kể lại vậy. Và đây thuần túy là một câu chuyện tình - một chuyện tình trên mạng, có thể nói như vậy. Nhưng sức quyến rũ của tiểu thuyết không hẳn ở câu chuyện có tính chất éo le như thế. Daniel Glattauer không hẳn là đặc biệt khi xây dựng hai nhân vật làm quen qua email (không phải chat).

Có một bộ phim khá nổi tiếng tựa đề You’ve got mail (đạo diễn Rora Ephron, Tom Hanks và Meg Ryan đóng vai chính, sản xuất năm 1998) kể về hai nhân vật đang yêu lúc nào cũng trong tâm trạng chờ email. Nhưng khác với phim, trong tiểu thuyết này hai nhân vật cuối cùng vẫn không gặp mặt nhau.

Khoảng thời gian nửa năm để đón những cơn gió bấc tràn về là khoảng thời gian được đong đếm. Còn thời gian hai người thật sự sống chính là thời gian tâm lý. Việc tác giả cài đặt khoảng thời gian chờ và trả lời email (khi 30 giây, lúc 1 phút, khi vài giờ, lúc mấy hôm...) kỳ thực là tạo nên những bước chuyển, những làn sóng nội tâm rất đặc biệt.

Qua lại vẫn chỉ là những đoạn email nhưng người đọc cảm thấy không gợn một chút nhàm chán. Có thể coi đây là những cuộc trình diễn ngôn ngữ đầy ngẫu cảm và mê hoặc của hai người đang yêu. Nếu như đọc thư viết tay, người trong cuộc đoán tâm trạng nhau qua nét chữ: tự tin, run rẩy, bối rối, bực giận... (nét chữ nhòe thì có thể đoán người viết đã rơi nước mắt). Còn qua email, hai người đoán biết nhau qua cách diễn đạt câu chữ, cách sử dụng các dấu câu, cách ngắt chuyển câu...

Có thể nói một cuộc khảo sát tác động của email vào cách sử dụng ngôn ngữ và công năng truyền tải cảm xúc của email đã được trình bày trong cuốn tiểu thuyết này. Nhưng trên tất cả, có lẽ Daniel Glattauer muốn trình bày nỗi cô đơn của con người trong thế giới hiện đại. Cô đơn trên mạng, không hẳn là một ý được lặp lại.

Ở đây, nhà văn ngụ ý về nỗi hoang mang của con người khi đứng giữa lằn ranh thế giới thực và ảo.

Hãy thử đọc một đoạn email của Leo để hiểu tâm trạng của họ: “...Sau cuộc gặp mặt đầu tiên (và duy nhất) chúng ta sẽ tỉnh ngộ chia tay nhau, uể oải như sau một bữa ăn ngồn ngộn nhưng không ngon miệng, vậy mà chúng ta sốt ruột cả một năm để chờ nó, đã hầm nhừ hầm tử mấy tháng liền. Rồi sao? Hết. Chấm dứt. Nuốt sạch. Làm như chẳng có gì xảy ra chăng?

Emmi, lúc đó ta vĩnh viễn có trước mắt hình ảnh mất thiêng, phát lộ, trần tục, thất vọng và tan vỡ của người kia. Chúng ta sẽ không biết viết gì cho nhau. Rồi một lúc nào đó về sau, có một lúc chúng ta chạm trán trong quán cà phê hay dưới tàu điện ngầm. Chúng ta sẽ cố không nhận ra nhau hay lờ nhau đi, sẽ vội vã quay mặt qua hướng khác. Chúng ta sẽ ngượng ngùng nhận ra “chúng ta” đã trở thành cái gì và còn sót lại cái gì.

Chẳng gì cả. Hai con người lạ lẫm với một quá khứ ảo chung, cái quá khứ đã lừa dối họ một cách bỉ ổi bao tháng ngày”.

Trong tiểu thuyết này, khi tình yêu vượt ra ngoài màn hình máy tính thì đột nhiên bị tan biến, vụn vỡ. Đó là tình cảnh mà có lẽ hai nhân vật trong tiểu thuyết này không hề muốn. Nhưng biết làm thế nào được khi họ đã lỡ vướng vào thế giới mạng. Khi mọi thứ tưởng chừng có thể kết nối lại với nhau thì đột nhiên bị xóa sạch.

Có thể chỉ do một “sự cố kỹ thuật” nào đó thôi. Nhưng sự khắc phục không đơn thuần là kỹ thuật. Người đọc có lẽ đang trông chờ sự khắc phục tâm lý của hai nhân vật để cuốn tiểu thuyết có thể kết thúc có hậu hơn. Nhưng đó là một câu chuyện khác. Còn ở đây, ta khép sách lại để mường tượng những cơn gió bấc đang tràn về.

__________

(*) Dịch giả Lê Quang, NXB Phụ Nữ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận