Đọc tên hàng xóm

TRẦN MINH HƠP 12/08/2012 03:08 GMT+7

TTCT - Hệt như những vùng quê khác, những người sống yên ả trong thôn nhỏ của tôi đều được gọi tên với công thức mặc định: một con số ráp với một cái tên như hai Sửu, năm Tập, mười Hạnh, bảy Trúc..., có thể là tên thật hoặc là tên giả nhưng lưu danh muôn đời.

Nhưng lớp người cuối được áp dụng công thức này đã cách thế hệ trẻ con mới nhất trong thôn độ vài ba thế hệ. Lớp người sau, vào khoảng hai mấy ba mươi đổ lại, chẳng ai gọi tên quê mùa như vậy, chỉ gọi đúng tên khai sinh mà đôi khi còn chêm thêm chữ lót, nghe giống hệt phim tàu...

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Thế hệ tôi là thế hệ đầu tiên rời xa công thức gọi tên truyền thống này, rời xa cả những người thời trước mang cái tên kiểu cũ. Bởi, khi còn con nít, quẩn quanh bên những mảnh sân đất có bụi chổi chà núp bóng được để chơi năm mười đá lon, giựt dè..., thế giới người lớn vẫn còn là một bí ẩn và xa ngái, quan hệ cộng đồng cũng đơn thuần là con nít với con nít. Chẳng một ai nhớ những cái tên người lớn, chỉ nhớ khuôn mặt và danh xưng giao thiệp cũng chỉ dừng lại ở mức độ bà Tám, dì Bảy, chú Sáu…

Bớt nhỏ một chút, bắt đầu đòi hấp thu cuộc đời dài rộng, vỏ thùy não cũng hoạt động trơn tru nên bắt đầu lưu giữ được những cái tên từ các câu chuyện trong nhà ngoài xóm. Không có mặt người lớn, đã thoải mái nói với nhau kiểu ông tám Mỹ, bà Hai Thể, thằng cha mười Li…

Như một đặc điểm, khi hết mang cái tên kiểu cũ thì thế hệ mới cũng không còn lối sống năm xưa, không thích quanh quẩn bên cánh đồng với nghề gặt thuê, gánh bó, vít rơm, làm cỏ... mà ước mơ về thời thanh tân được đắm chìm trong hơi hướm đô thành, những đợt di chuyển ra thị trấn, đến những thành phố nhỏ, rồi thành phố lớn trong đó một số ít ỏi ra đi bằng con đường học hành. Dẫu gì thì những cái tên của người ở lại cũng phai lạt dần theo quy tắc xa mặt cách lòng...

***

Một buổi chiều về thôn, mùi cá trích khô nướng từ bếp nhà ai khiến bước đi thêm mủi lòng, thấy quê nhà hoang vắng và gió se sắt. Những khuôn mặt ngang đường cũng già nua, đôi khi kịp nhớ ra cái tên thì đã đi cách nhau một quãng đồng... Tối về nằm ra hàng ba ân hận, ngồi nhẩm tên xóm mình từng ngóc ngách nhà.

Nhẩm đến cái tên nào khiến xuất hiện nhu cầu biết tình trạng hiện thời thì hỏi vọng vô nhà vì ba má, nhân chứng vùng đất, đang ở trỏng. Vài ba câu nho nhỏ như Bà bảy Hấu còn khỏe không ba?, Nhà chín Điếc với nhà hai Chàng còn xịt lộn không má? Nhà tư Hơn còn mở karaoke um xùm không ba?... Cứ thể, cả tối cũng mường tượng được hết mạng lưới cư dân trong thôn. Tính ra, mình chưa đến nỗi là công dân vô tình.

***

Mỗi lần tôi về thôn là rất được lòng con nít, thủ lĩnh trên mảnh sân đất một thời giờ vẫn còn vang bóng. Coi tivi nhiều quá, đứa nào cũng đòi chơi game show, không thèm năm mười, u mọi như hồi đó nữa. Game show Đọc tên hàng xóm bắt đầu khởi tranh vào buổi chiều cuối tuần miền quê êm ả như ru.

Thí sinh đứng thành một hàng ngang, tựa tay vào lan can mường tượng bục thi đấu. MC kiêm chánh chủ khảo cầm micro là vỏ chai nước khoáng thương hiệu của tỉnh nhà, biểu tượng doanh nghiệp tài trợ cho game show. Luật vòng một, các thí sinh theo lượt đọc tên theo con số mà MC đưa ra một cách ngẫu nhiên từ hai đến mười. Như bảy thì thí sinh trả lời bảy Thoa, bảy Mỡ... Năm thì có năm Đẹt, năm Quyên...

Vòng hai, thí sinh được chọn con số mà mình thấy biết được nhiều tên nhất, và số hai là số chiến thắng vì thôn tôi những người gắn với thứ hai rất nhiều, sơ sơ như hai Chình, hai Tài, hai Bắc, hai Ngà, hai Tây… Vòng cuối, thí sinh sẽ ước chừng số lượng tên sẽ đọc sau khi con số đưa ra của MC và thách đố từng li với đối thủ.

Thí sinh thắng cuộc đã mạnh dạn ước chừng con số tương đối lớn, để rồi phải làm một chuyến vòng quanh thôn bằng trí tưởng tượng, hồi tưởng những sự kiện để kiếm đủ những cái tên và trở thành người chiến thắng với hai chai nước suối ngọt, thương hiệu giải khát tỉnh nhà cũng là nhà... tài trợ tưởng tượng.

Mỗi cái tên đọc ra, không hiểu vì sao khiến MC, bộ phận đếm, quay phim (bằng điện thoại) và khán giả cười sảng khoái, đập chân, đập bàn rầm rầm. Một cái tên được đọc ra, một gương mặt thế hệ trước lại hiện ra, dần dà như cả thôn hội tụ. Có lẽ những điều gần gũi, những con người chung con đường làng khiến bật lên thành niềm vui trong trẻo và cả sự ấm lòng của tình nghĩa thôn xóm...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận