Đọc Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm

DUYÊN TRƯỜNG 12/12/2024 10:27 GMT+7

TTCT - Chỉ riêng trong cuốn sách này (Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm, NXB Trẻ, 2024), tác giả đã "đào xới" ít nhất cũng hơn 40 cuốn từ điển và sách công cụ về tiếng Việt từ xưa đến nay.

Đọc Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm - Ảnh 1.

Ghe "trung chuyển" ruốc từ biển vô bờ. Ảnh: THANH HUYỀN

Có lẽ để cho độc giả cảm được cái sự "lắt léo" của tiếng ta, Lê Minh Quốc đã cố tình "cà kê dê ngỗng" với "thong thả ngày rộng tháng dài". Gặp một từ hai tiếng, anh dừng lại giải thích từng tiếng một. Với một thành ngữ, một tục ngữ, một câu ca dao, anh không chỉ làm ngữ làm nghĩa mà còn bàn chuyện lịch sử, văn hóa, văn chương…

Như, vào cuộc với chữ chêm, anh mở lối qua chữ chèn, tiếp đến chữ nêm, mà có đến mấy chữ nêm đồng âm… Như, từ nho xổ đến xổ nho, bạn sẽ gặp những xổ, xả, rồi xỏa… Và phải vượt qua nữa những xổ hàng, xổ xui, xổ trống, mới về đến đích là xổ nho như một thứ tiếng lóng. Như, chỉ một chữ giảm, bạn sẽ được "tăng trọng" với một loạt giảm sốc, giảm cực sốc, giảm bung nóc, giảm bung nhà lồng chợ, giảm thả phanh, giảm hết ga, giảm sát đáy, giảm giá hạ nhiệt…

Mà anh nói luôn có sách, mách luôn có chứng.

Chỉ một chữ tài tử, khi bàn về "đờn ca tài tử Nam Bộ", anh đã "huy động" đến năm, sáu bộ từ điển xưa và nay, từ sách của Huình Tịnh Của, Đào Duy Anh, Hội Khai Trí Tiến Đức, Thanh Nghị, Văn Tân cho đến Hoàng Phê, để tra và trình với độc giả. Anh "mời" cả Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Xuân Diệu, Tú Xương, Tú Mỡ, Hàn Mặc Tử... góp ý, góp lời, góp bằng chứng vào trang sách của mình.

Bạn đọc nào quen thói "lướt vội, quét nhanh, đọc ngắn" sẽ buông sách ngay, nhưng những ai đã học được chữ "thiền", chữ "nhẫn", chắc chắn sẽ có thu hoạch "lịch lãm" về lời ăn tiếng nói của cha ông. Những thu hoạch ấy, có thể "quy chiếu" về một "đồ thị" hai trục: thời gian - không gian và văn hóa.

Đời vốn dâu bể, nên chữ nghĩa cũng "vật đổi sao dời". Người xưa nếu được sống dậy hôm nay, hẳn sẽ ngơ ngác, bàng hoàng, hoang mang… khi nghe Lê Minh Quốc kể về những thứ đời mới như thả thính, trẻ trâu, bỉm sữa, não phẳng, bóc phốt, thổi giá, lùa gà, úp sọt, bom hàng, ảo tung chảo… Con chữ chạy, con chữ trôi theo thời gian trong những không gian giao tiếp xác định. Công cuộc "tầm nguyên" của tác giả giúp chúng ta khôi phục lại lời ăn tiếng nói của một thời theo vùng theo miền, kể cả về từ vựng và ngữ âm.

Người miền Nam xưa, không nói căn duyên mà nói căn dươn, nói ngãi, nói ngởi tức là nghĩa, nói thoàn tức là thuyền… Nói mựa, là nói chớ, nói đừng; nói na tức là mang vác; còn hàng nàm là để chỉ những gì còn non… Không nói ô tô mà nói xe hơi, biến xe thành xế, để làm nên xế hộp (xe hơi), xế điếc (xe đạp), xế nổ (xe gắn máy)…

Phương ngữ Trung Bộ "kỳ thú" với những răng, rứa, mô, ri, chi, chừ, ni, nớ, tê, tề… Cùng cái nghĩa thế hả, vậy hả, người xứ Quảng, xứ Huế sẽ hỏi nhau: Rứa, tối ni đi xem hát tuồng hè? Có khi người bạn hỏi lại: Bạn vừa nói cái chi hỉ? Trong khi đó, dân Phú Yên thì: Dẫy, tối ni đi xem hát tuồng hé? Còn ai hỏi lại thì: Bạn vừa nói cái gì hẽ?... Riêng người xứ Nghệ sẽ biến âu thành u: nác su = nước sâu; trầy bù = quả bầu… Nhờ đấy, bạn sẽ biết kháp là giáp mặt, gặp mặt; chắc là (với) nhau, hoặc là (để tự xưng) mình; té ghế là nhường ghế; và "rào rú ngái ngôi mô nỏ chộ" chính là: sông núi xa xăm đâu chẳng thấy!

Nhưng ngôn từ nào phải là "xác chữ", chiều sâu chính là văn hóa - từ đời sống, sinh hoạt, phong tục, lề thói, thế thái nhân tình… Ai biết thả cỏ là chuyện thời xưa người đàn bà được chồng cho đi chơi ngang để lấy giống? Vì sao hàng rào, bờ giậu lại hay có mặt trong chuyện tình duyên? Vì sao râu tôm và ruột bầu - những thứ thường bỏ đi lại thành món ngon cùng vợ cùng chồng? Vậy, tát nước theo mưa hay té nước theo mưa? Ấm ớ hội tề liên quan gì đến chuyện "kháng chiến chín năm"…

Hơn nữa, còn chuyện tiếp biến văn hóa giữa người xứ ta với những nền "ngôn ngữ và văn minh" khác trong quá trình lịch sử.

Gấp sách lại, mới thấy khâm phục sức đọc, sức viết và tinh thần "bền lòng với tiếng Việt" của tác giả. Đến nay, chỉ riêng về tiếng Việt và văn hóa Việt, Lê Minh Quốc đã có đến mấy ngàn trang sách: Nụ cười dân gian hiện đại (NXB Trẻ, 2002); Người Quảng Nam (NXB Trẻ, 2007); Lắt léo tiếng Việt (NXB Trẻ, 2017); Người Bến Tre (NXB Trẻ, 2020); Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (ba tập, NXB Tổng Hợp, 2021). Anh giữ mục Lắt léo tiếng Việt của Tuổi Trẻ Cười liên tục gần 10 năm nay.

Chỉ riêng trong cuốn sách này (Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm, NXB Trẻ, 2024), tác giả đã "đào xới" ít nhất cũng hơn 40 cuốn từ điển và sách công cụ về tiếng Việt từ xưa đến nay. Đồng thời xử lý bao nhiêu câu chuyện từ sách báo, thơ ca, văn chương, tuồng tích, ca khúc và đặc biệt là thành ngữ, tục ngữ, ca dao dân ca khắp các vùng các miền, lối ăn nói từ cuộc sống đời thường được tích hợp với một tình yêu sâu đậm dành cho tiếng Việt. Bởi chạm đến "hồn cốt" của một chữ, một thành ngữ, một tục ngữ, một bài ca dao, một kiểu diễn đạt… cũng là đồng thời chạm đến không chỉ sự biến hóa của ngôn từ đi cùng cuộc sống mà còn là cơ hội gọi ra những giá trị sâu bền của tâm thức cộng đồng, tâm thức dân tộc. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận