Đời độc thân - Món tự chọn, đừng nghe ai cả

T.L. (*) 26/11/2019 18:11 GMT+7

TTCT - “Tôi tự bồ-với-chính-mình” - nữ diễn viên Emma Watson mới tuyên bố, khiến thiên hạ phát sốt với một xu hướng độc thân mới. Nhưng từ từ chút nào...

Hôm 29-10 vừa rồi, diễn viên Belinda Lee của Singapore hân hoan thông báo với công chúng: “Rốt cuộc tôi đã tìm thấy tình yêu, một món quà quý báu từ ơn trên! Tôi hi vọng tất cả các bạn cũng thấy mừng cho chúng tôi”.

Belinda Lee và chồng cô David Moore trong hôn lễ. (ảnh: AsiaOne)

“Món quà quý báu” mà Belinda Lee, 42 tuổi, nhận được là một chàng kiến trúc sư người Mỹ. Theo AsiaOne, có người đã rất chân thành thổ lộ: “Thực sự mừng với chị… Hồi đó chị làm tụi em khóc òa khi chị nói chắc chị sẽ sống độc thân. Tụi em dõi theo chị chừng ấy tháng năm. Chị ơi, yêu là kiên nhẫn, yêu là tử tế. Chị có cả hai đức tính ấy, làm sao Thượng đế có thể để phần đời còn lại của chị sống mà thiếu tình yêu!”.

Trước câu chuyện này, tác giả Lin Suling trong một bài viết không giấu nổi một cái phì cười, kể lại chuyện cô mới đi dự đám cưới. Một người đàn ông ngồi cùng bàn hỏi khi nào thì tới lượt cô và nói: “Biết đâu tìm được một người rồi thì đời cô sẽ thay đổi”. Là nhà báo (nên hay cãi?), cô Lin bảo: “Chắc rồi! Nhưng nếu kiếm phải tay lởm khởm và đời tôi cũng thay đổi theo thì sao?”. Người đàn ông kia cười ha ha, rồi từ đó đến hết bữa tiệc quay sang nói chuyện với người khác, để Lin một mình đi qua từng ấy món.

HÔN NHÂN LÀ CUỘC THI BẰNG LÁI MỖI NGÀY

Đám cưới và hôn nhân rõ là một chuyện để vui rồi, ít nhất là với hai người cuối cùng đã “tóm” được nhau. Nhưng nếu thở phào bảo: “Thế là cuối cùng đã được đền đáp”, hoặc hân hoan: “Đời tôi từ nay sẽ được thay đổi, tôi thành người hạnh phúc” thì quả là ngây thơ và yếm thế.

Lin Suling kể những người bạn đã có gia đình của cô đều nói hôn nhân là một cuộc thử thách thường xuyên cho tính cách, khả năng dung hòa và các giá trị. Cứ lâu lâu đời lại quẳng cho cuộc thử thách ấy như ném bạn vào một cuộc thi lấy bằng lái với các chướng ngại vật, phải lái xe vòng vèo qua để tránh - nào con cái, nào bố mẹ già yếu, nào công việc bất thành, nào ngoại tình… - như để xem sau chừng đó thứ, vị bánh kem đám cưới hôm nào còn ngọt nổi không. Cho nên thật ngớ ngẩn khi nhiều người coi phải có gia đình (cụ thể là có chồng) thì mới hạnh phúc được, phải một ai đó xuất hiện thì bạn mới gọi là “hoàn thiện”.

Một tâm lý phổ biến là coi “hôn nhân như một loại vé bạch kim để có hạnh phúc trọn đời, rằng kiếm một tấm chồng thì cánh cửa thiên đàng sẽ tự động mở ra cho một người phụ nữ” - Lin mỉa mai viết. Theo cô, nếu một phụ nữ cứ phải có một người đàn ông mới thấy vui, còn không thể có được sự thỏa mãn đến từ bên trong thì người phụ nữ ấy ắt “có vấn đề”. Và cô khuyên nếu gặp một ai đó đang tìm kiếm người để khiến cô ta/anh ta có được cảm giác trọn vẹn thì hãy chạy cho nhanh và đừng ngoái đầu lại.

Đúng vậy, những người ủ rũ hay vật vã quanh năm vì sống một mình, túm được một ai đó thì tươi tỉnh ngay như cây gặp nước và sống mới nên hồn… đa số là không tin được. Tự họ không sống vui được. Họ phải sống nhờ niềm vui của người kia như một ký sinh trùng cần tới vật chủ hoặc nhẹ nhàng hơn, họ dùng người kia để thực hiện một thứ tự căn bản mà xã hội đã lẳng lặng đặt ra.

4 BƯỚC CĂN BẢN VÀ PHỤ THUỘC?

Theo Lin, một thứ tự được cổ xúy trong xã hội châu Á là: học chăm, có việc làm tốt, lập gia đình, có con. Sai một bước trong cái thứ tự ấy là sẽ không biết đâu mà lần, tương lai như domino, các bước suy sụp nối nhau, nghe mà đã sợ.

Trong một xã hội như Việt Nam ta chẳng hạn, cái thứ tự ấy đặc biệt quan trọng với phụ nữ. Nếu nam giới không có người yêu, không có vợ, thể nào người ta cũng tưởng tượng ngay anh ta hoặc đang “ham chơi”, hoặc “còn lo làm ăn”. Còn nếu phụ nữ không có người yêu, không có chồng, ắt hẳn cô ta có khiếm khuyết gì đó: hoặc là “gái già”, là “bà cô”, đại loại không có gì để chống đỡ cả, lỗi hoàn toàn thuộc về cô ta. Và mọi người mặc định cho rằng đời “bà cô” ấy là rất buồn.

Trong nhiều trường hợp, có lẽ mọi người đã lầm. Trong bài viết của mình, Lin cho rằng hạnh phúc có thể đến bằng cách khác. Cô liệt kê ra một loạt phụ nữ mặt sáng bừng khi nói về công việc, về đóng góp cho xã hội, thay vì khoe chồng với khoe con.

Thế nhưng vẫn có cái gì đó bảng lảng một sự cứng cỏi như bất đắc dĩ phải cứng cỏi trong bài viết của Lin, vẫn phải phụ thuộc người khác mới vui được, ngay cả khi người khác đó không phải chồng, không phải con. Cái không khí ấy rất khác lời phát biểu của nữ diễn viên Emma Watson - đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc, từng đóng vai Hermione “cái gì cũng biết” trong phim Harry Potter. Khi tạp chí Vogue hỏi về đời sống tình ái của cô nhân dịp cô sắp đón sinh nhật thứ 30, Emma Watson bảo trước kia cô chẳng bao giờ tin nếu ai đó phỉnh: “Tôi độc thân mà hạnh phúc”; nghe thế là tôi nghĩ ngay “lại lừa phỉnh rồi”. Thế nhưng bây giờ “Tôi rất hạnh phúc. Tôi không độc thân. Tôi gọi đó là tự-bồ-với-mình”.

Nữ diễn viên Emma Watson. (ảnh: NBC News)

TỰ - BỒ - VỚI - CHÍNH MÌNH: CON ĐƯỜNG MỚI?

Theo CNN, cụm từ “self-partnered” (tự-bồ-với-mình) của nàng phù thủy Hermione đã khiến mọi người phát sôi. Kẻ thì than thở, người thì khen ngợi. Người này coi đó là thái độ tự nuông chiều mình của một kẻ nổi tiếng không va chạm với đời sống thực. Người khác lại coi đó là sự bứt ra khỏi gông cùm gớm guốc của những kỳ vọng (phải có người yêu, phải có chồng!).

Tất cả ồn ào cả lên trước từ “self-partnered” mới mẻ ấy, mặc dù trước kia các nhà tư vấn của trang hôn nhân - tình yêu, mỗi khi bất lực trước một ca tuyệt vọng vì tình, vẫn khuyên người ta áp dụng “self-dating” (tự hẹn hò mình). Có trang khuyên mỗi cuối tuần phải tự đưa mình đến quán ăn ngon, thỉnh thoảng mua quà tặng mình mà cũng phải gói ghém cẩn thận. Lại có trang chừng mực bảo đấy là tự yêu lấy mình, nâng niu mình, làm những gì mà các anh bồ/cô bồ đã không làm được cho mình… Tóm lại không cần trông chờ một người ngoài, tự ta có thể chăm ta, nghe cũng rất có lý.

Nhưng sự ồn ào lần này quanh khái niệm “tự-bồ-với-mình” của Emma Watson là do một khía cạnh khác: theo CNN, cô đang phản ánh một sự thay đổi trong cách sống của người trẻ thuộc thế hệ thiên niên kỷ (millenials).

“Bằng tuổi Watson, thời tôi không có chuyện dân tình bàn tán công khai về những lợi ích thực sự của sống một mình - Kate Bolick, tác giả cuốn sách bán chạy Phụ nữ không chồng: tự mình làm nên đời mình, nói với CNN - Có lẽ xã hội đang đi trên một con đường hướng tới việc không bị ám ảnh phải có đôi. Một chức năng quan trọng của người nổi tiếng là giúp những người bình thường, không nổi tiếng hướng đến một cuộc sống thần tiên lý tưởng. Khi hôn nhân và con cái là điều lý tưởng, người nổi tiếng được coi là phải có mấy thứ ấy. Điều mà Emma Watson nói đây đúng là một lối sống khác, cho thấy các lý tưởng của xã hội đang thay đổi”.

MỘT THỜI ĐẠI CỦA ĐỘC THÂN?

Theo CNN, qua các khảo sát, người ta thấy nhiều người trẻ độc thân hơn bao giờ hết. Một khảo sát năm 2019 cho biết ở Mỹ có 51% thanh niên đang không có bồ. Các nghiên cứu khác thấy “bọn” thế hệ Y (sinh từ 1981 tới 1996) và thế hệ Z (tiếp theo thế hệ Y) nhìn đời độc thân đầy tươi sáng và chủ động chọn lối sống ấy.

Có nhiều yếu tố góp phần vào xu hướng này, trong đó có áp lực về tài chính, sự giảm tầm quan trọng của tôn giáo và số lượng phụ nữ đi làm ngày càng tăng. (Ta có thể kể thêm những lý do nghe có vẻ “tào lao” hơn nhưng có thật, đó là: đời sống qua công nghệ vui quá, người ta bớt sợ cô đơn như xưa; dịch vụ mọi thứ tiện lợi quá, người ta bớt lo không ai đỡ đần như xưa; trẻ con giờ nhìn chán quá, như robot con cả nút, người ta bớt hi vọng về một gia đình ấm cúng như xưa…).

Nhưng bất kể vì lý do gì, “rõ ràng mô thức ấy đang tồn tại và người nổi tiếng bắt đầu phản ánh mô thức ấy” - tác giả bài báo khẳng định chắc nịch.

Minh họa
 

NÊN? KHÔNG NÊN?

Đã nhiều năm nay, nhà tâm lý học xã hội Bella DePaulo nghiên cứu về thái độ của người ta đối với bọn độc thân và đám có gia đình. Bà có một cuốn sách nghe cái tên khá tò mò: Điều hay nhất của đời độc thân (The best of single life). Sách có những chương nghe cũng rất vui: “Vì sao độc thân là vô cùng lành mạnh?”, “Đời độc thân: chúng tôi chọn đấy”, “Nhấm nháp sự một mình: tự nguyện dành thời gian để một mình”, “Tình dục với người độc thân: có cách riêng hay bỏ qua luôn”…

Bà nhận xét: “Hẳn ngày càng nhiều người trong số họ nói trắng ra như Emma Watson. Họ nghĩ họ phải có bồ và kiếm Một Người. Đến một tuổi nào đấy, họ nghĩ họ phải kết hôn. Và một số kết hôn thật. Nhưng dù có kết hôn hay không, tới một lúc những người ấy bỗng nhận ra mình thật sự không cần phải lấy ai cả… Họ bỗng chốc như “giác ngộ” và nhẹ cả người khi nhận ra không phải ai cũng cần kết hôn, và sống độc thân là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý, sung sướng. Và thế là từ đó họ có thể sống một cuộc đời thật nhất, thỏa mãn nhất - một đời độc thân vui vẻ và không phải biện hộ này nọ”.

Bà cho rằng phát biểu của diễn viên Emma Watson có một công dụng rất tích cực, là khi một người nổi tiếng bảo rằng họ sống độc thân mà vui, điều đó sẽ giúp “bình thường hóa” đời độc thân hơn là phát biểu ấy từ miệng một người không nổi tiếng.

Tuy nhiên, có lẽ vẫn nên cẩn thận, chớ nên quá tin vào người nổi tiếng, nhất là khi người ấy vừa xinh đẹp lại vừa còn trẻ như Emma Watson. Con người ta có hấp dẫn là nhờ có thay đổi. Emma rồi còn thay đổi. Giờ ta theo gương cô ấy, rồi boong một phát, chuông đồng hồ sinh học điểm, cô ấy nhỡ đâu lên báo giống như cô Belinda Lee ở đầu bài, tuyên bố từ bỏ đời độc thân vì đã nhận được món quà quý giá từ ơn trên ban xuống. Cô ấy bắt đầu bước vào sự mơ mộng lớn nhất và khủng khiếp nhất của con người, bỏ lại chúng ta độc thân và ngơ ngác với các công thức nấu ăn cho một người, đồ đạc gì cũng chỉ đủ một người…

Tóm lại, độc thân hay không là do ta chọn, dựa trên hoàn cảnh và cân nhắc của bản thân, mọi lời bình xung quanh đều chỉ “có tính tham khảo”. Và đừng tuyên bố gì cả, một phần do ta không nổi tiếng, một phần ta cũng không biết lúc nào “món quà quý báu” kia rơi bịch xuống đời.■

(*) tổng hợp và dịch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận